Hiện nay, vụ việc về đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An (tỷ lệ 1/500) cùng đề xuất xây một nhà hát opera tầm cỡ quốc tế tại Đầm Trị vẫn đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Bán đảo Quảng An với giá trị cảnh quan độc đáo ba phía là mặt nước Hồ Tây. Năm 2009, Ủy ban Môi trường hồ quốc tế xếp Hồ Tây vào danh sách 500 hồ cần được bảo tồn trên thế giới. Ảnh: Võ Thanh Tùng
Những ý kiến ủng hộ, phát biểu trên truyền thông bởi một số nhân vật đã và đang giữ các vị trí chuyên môn quan trọng, có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của chính quyền, cho rằng xây nhà hát là cần thiết, vị trí tại Đầm Trị là hợp lý và quy hoạch chi tiết chặt chẽ về mặt pháp lý.
Trong khi đó, những ý kiến phản biện được đưa ra bởi những nhà chuyên môn, cho rằng có nhiều lý do khách quan cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng khi quy hoạch bán đảo Quảng An có nhà hát quy mô lớn tại đây; đồng thời cũng chỉ ra những bất cập pháp lý rất cụ thể tồn tại trong quá trình thực hiện.
Có lẽ mỗi bên khi đưa ra quan điểm của mình, và ngay cả những người không đưa ra ý kiến hoặc đưa ra ý kiến chung chung, đều có những lý do nhất định cho lập luận và thái độ của mình trước sự việc đang thu hút sự quan tâm của cả truyền thông trong nước và nước ngoài. Mọi góc nhìn cần được tôn trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều tranh luận như vậy, bài viết này mong muốn đưa ra một số thông tin chuyên môn và pháp lý, để giúp dư luận có thêm cơ sở nhìn nhận sự việc đa chiều và khách quan hơn.
Quy hoạch bán đảo quảng An có thống nhất với các quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội?
Luận điểm chính mà các ý kiến ủng hộ đưa ra và thường nhắc đi nhắc lại như “át chủ bài” cho các quan điểm chuyên môn là quy hoạch bán đảo quảng An thống nhất với các quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Luận điểm này cần thiết phải xem xét lại.
Cho đến nay đã có đến 7 lần Hà Nội lập quy hoạch chung. Từ quy hoạch chung năm 1992, khu vực Hồ Tây đã được nhìn nhận là một khu vực cảnh quan văn hoá đặc biệt, có tầm quan trọng như khu vực Hoàn Kiếm và Ba Đình. Quy hoạch chung gần nhất phê duyệt năm 2011 (hiện vẫn đang có hiệu lực pháp lý) khẳng định toàn bộ Hồ Tây là một khu vực mang tính chất văn hoá, vui chơi, giải trí của Hà Nội.
Khách quan mà nói quan điểm trên là đúng đắn và cần tuân thủ thực hiện.
Khu vực Đầm Trị thuộc bán đảo Quảng An, nơi quy hoạch sẽ xây một nhà hát trên đầm. Ảnh: Phạm Tuấn Anh
Tuy nhiên, từ quan điểm chung đúng đắn đó đến triển khai thực tế là quá trình nhiều bước về cả pháp lý và kỹ thuật chuyên ngành, với nhiều vấn đề phải tiếp tục xem xét, cân nhắc.
Về pháp lý, sau quy hoạch chung, phải thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, rồi mới đến dự án đầu tư. Về chuyên môn, sẽ cần phân tích đánh giá các yếu tố hiện trạng đất đai, văn hoá lịch sử, dân cư – xã hội, và đánh giá tác động môi trường, giao thông, kinh tế với quy hoạch đề xuất, từ đó chọn giải pháp phù hợp.
Ý tưởng lớn dù tốt hay xấu thì cũng chỉ mới là những dự tính, khi triển khai vào thực tế sẽ không loại trừ có những điều bất cập cần điều chỉnh và hoàn thiện. Do đó, không nên kết luận một cách chung chung rằng việc thực hiện đúng quan điểm quy hoạch chung là “chặt chẽ về pháp lý”. Làm như vậy là tạo bình phong, tạo lá chắn cho các bất cập xuất hiện ở các bước sau, lại chính là những bất cập gây nhức nhối, có thể dẫn đến sai lầm không thể khắc phục.
Bán đảo Quảng An vốn dĩ từ lâu đã là một không gian văn hoá đặc thù, nổi bật với tính chất tâm linh, lịch sử và cảnh quan: Phủ Tây Hồ là công trình di tích quốc gia, biểu tượng tâm linh trong tín ngưỡng của người Hà Nội; Đầm sen, mặt nước, chùa, phủ… trong khu vực đã là các yếu tố văn hoá hiển hiện. Tài nguyên văn hóa đó đã xác quyết rằng không phải chỉ khi có nhà hát và công viên chuyên đề thì Quảng An mới trở thành trung tâm văn hoá.
Tất nhiên, để phát huy giá trị vốn đã hấp dẫn tại Quảng An, vẫn cần phải lập quy hoạch chi tiết, nhưng để bảo vệ được bản sắc của khu vực này thì không nên đưa nhà hát hay bảo tàng vào đây, bởi sự không phù hợp về vị trí và quy mô công trình sẽ bức tử nhiều giá trị văn hóa, bản sắc lâu đời của Quảng An.
Phủ Tây Hồ là công trình di tích quốc gia, biểu tượng tâm linh trong tín ngưỡng của người Hà Nội. Ảnh: Phạm Trọng Tùng
Nói về sự thống nhất trong quy hoạch, Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định “Khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ…” (Điểm b, Khoản 4, Điều 1).
Với quy hoạch chung đúng đắn như vậy, khi đối chiếu với các giải pháp đề xuất quy hoạch chi tiết 1/500 tại bán đảo Quảng An vừa đưa ra lấy ý kiến, không khó để thấy sự phá vỡ các chuẩn mực của quy hoạch chung: (1) có công viên văn hoá – thể thao, ẩm thực – thương mại ngoài trời ồn ào nằm giữa ba di tích tâm linh cấp quốc gia (Phủ Tây Hồ, Chùa Hoằng Ân, Chùa Phổ Linh); (2) có nhà hát hiện đại chèn vào đầm sen lâu năm; (3) nhà hát có vị trí và khối tích lấn át di tích Phủ Tây Hồ.
Ba điểm trên đã chứng tỏ quy hoạch chi tiết là không thống nhất với nội dung của Quyết định số 1259/QĐ-TTg, là đi ngược tinh thần của quy hoạch chung.
Bán đảo Quảng An vốn dĩ từ lâu đã là một không gian văn hoá đặc thù, nổi bật với tính chất tâm linh, lịch sử và cảnh quan. Tài nguyên văn hóa đó đã xác quyết rằng không phải chỉ khi có nhà hát và công viên chuyên đề thì Quảng An mới trở thành trung tâm văn hoá.
PGS-TS-KTS. Phạm Thuý Loan
Ngoài ra, tại Điểm đ, Khoản 5, Điều 1, Quyết định số 1259/QĐ-TTg về “định hướng phát triển hệ thống công trình văn hoá” có nội dung: "Xây dựng mới và tiếp tục hoàn thiện Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các công trình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô như bảo tàng, nhà hát… gắn với cảnh quan thiên nhiên sông Hồng, khu vực Tây Hồ Tây; Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long và trên các trục giao thông không gian chính, các trung tâm văn hóa lớn của Hà Nội”.
Quy định trên có nhắc đến Hồ Tây, nhưng cần lưu ý là khu vực Tây Hồ Tây, chứ không phải bán đảo Tây Hồ hay bán đảo Quảng An. Bằng chứng thực tế là trong Quy hoạch phân khu A6 (Khu vực Hồ Tây và Phụ Cận) phê duyệt ngày 8.8.2014 không có nhà hát tại Quảng An; còn Quy hoạch phân khu H2-1 (Khu vực Tây Hồ Tây với địa giới thuộc quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy, quận Từ Liêm) phê duyệt ngày 2.12.2015 có bố trí một nhà hát nằm sát mặt hồ (hình dưới: vị trí số 1), và cũng đã có phương án thiết kế kiến trúc cho nhà hát ở vị trí này.
Hiện nay, chưa có thông báo chính thức của chính quyền về việc sẽ có một hay hai nhà hát tại Hồ Tây. Tuy nhiên, khả năng “chơi sang” xây hai nhà hát opera ở gần nhau tại khu vực Hồ Tây (như hình dưới) là chuyện rất khó xảy ra. Vậy nếu một nhà hát, thì vị trí ở đâu là phù hợp?
Phối cảnh minh hoạ quy hoạch xung quanh Hồ Tây. Số 1 – vị trí đề xuất nhà hát trong quy hoạch phân khu H2-1 (khu vực Tây Hồ Tây), Số 2 – vị trí đề xuất tại quy hoạch phân khu A6 (Đầm Trị ở bán đảo Quảng An thuộc quy hoạch phân khu khu vực Hồ Tây và Phụ cận). Nguồn ảnh: Thuyết minh quy hoạch phân khu A6 (tỷ lệ 1/2.000)
Vị trí nào cho nhà hát opera là phù hợp?
Đã có rất nhiều nhà hát tuyệt đẹp trên thế giới, gần mặt nước, góp phần khẳng định hình ảnh thương hiệu của thành phố và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho công chúng. Tìm hiểu sâu hơn câu chuyện về các nhà hát đó sẽ rút ra được những kinh nghiệm cho chủ trương xây dựng nhà hát ở Việt Nam. Trong phạm vi hẹp của bài báo, tôi chỉ xin đưa ra 3 trường hợp để chúng ta cùng tham khảo:
Nhà hát Opera Sydney
Opera Sydney còn được gọi tên là Nhà hát Con sò – biểu tượng của kiến trúc thế kỷ XX, một công trình tuyệt đẹp, rất nhiều người thích. Ý tưởng về nhà hát này khởi động năm 1957, khởi công 1958 và đến 1973 mới hoàn thành. Quá nhiều vụ việc đã xảy ra trong suốt quá trình xây dựng nhà hát: kiến trúc sư chính (người chiến thắng trong 233 phương án dự thi thiết kế) đã phải từ bỏ công trình giữa chừng, không quay lại trong suốt quá trình thực hiện và nhiều năm sau đó; nhiều chính trị gia bị mất chức...
Sự phản ứng không đến vì vị trí Opera Sydney không phù hợp hay thiết kế nhà hát xấu (thiết kế Opera Sydney ngay từ đầu đã rất đẹp và tọa lạc ở vị trí độc đáo), mà vì dự án đã không thể được kiểm soát như dự kiến ban đầu: thời gian thực hiện dài hơn kế hoạch gần 10 năm, chi phí thực tăng 13,7 lần so với dự toán. Một cái giá không nhỏ cho bài toán đầu tư “xây nhà hát”, bất kể do nhà nước hay doanh nghiệp bỏ tiền.
Cuối cùng thì đây đúng là một kiệt tác, một hình ảnh mang tính chất biểu tượng và một thương hiệu dù ở bất cứ góc nhìn nào.
Hệ thống hạ tầng giao thông rộng lớn đảm bảo cho việc tiếp cận Nhà hát Opera Sydney, chủ yếu bằng giao thông công cộng kết hợp đi bộ trên các tuyến cảnh quan. Ảnh: CTV
Tuy vậy, hãy nhìn kỹ hơn: Opera Sydney nằm ở mũi Bennelong Point, chính giữa vịnh Sydney, view thoáng 360 độ, được kết nối với vùng đi bộ rộng lớn chạy từ khu vực The Rock (đối diện), qua Circular Key, đến Opera House rồi nối với Royal Botanic Garden rộng 30 ha hoàn toàn là công viên cây xanh sinh thái.
Toàn bộ khu vực “mặt tiền” này của Opera Sydney nằm sát khu trung tâm tài chính thương mại (CBD - Downtown Sydney), được kết nối và phục vụ hiệu quả bởi mạng lưới giao thông công cộng dày đặc gồm: 6 tuyến tàu điện ngầm, 9 tuyến ferry, hàng chục tuyến bus và 2 tuyến tàu điện nhẹ chạy trên mặt đất (light train).
Hệ thống hạ tầng giao thông công cộng này cho phép hàng vạn người tiếp cận nhà hát mỗi ngày, thưởng thức nghệ thuật, chụp ảnh check-in, đi dạo và trải nghiệm cảnh quan. Thử hỏi nếu hàng vạn người này đi ô tô và xe máy đến, không biết để xe ở đâu, rồi mất 2 tiếng để tìm chỗ đỗ xe, và rồi vẫn không có chỗ đỗ xe thì nó có thành công đến vậy được không?
Vị trí Nhà hát Opera Sydney trong trung tâm thành phố Sydney (Hình ảnh có kích thước thực 2km x 2km, chụp từ Google Image)
Nhà hát Esplanade, Singapore
Còn được gọi tên là Nhà hát Quả sầu riêng, đây là một trung tâm biểu diễn nghệ thuật, quy mô tương tự đề xuất cho nhà hát tại Đầm Trị, gồm một phòng hòa nhạc 1.600 chỗ và một nhà hát 2.000 chỗ. Công trình khởi công năm 1996, khánh thành năm 2002. Tổng kinh phí đầu tư 600 triệu SGD từ nguồn đầu tư công.
Nhà hát Quả sầu riêng cũng có vị trí rất đắc địa tại ngay khu trung tâm thành phố, đặt sát mặt nước của sông Singapore, có tuyến đường chính đô thị Esplanade Drive 8 làn xe áp sát phía Tây, đường chính khu vực Raflle chạy sát phía Bắc.
Nhà hát Esplanade, Singapore là một trung tâm biểu diễn nghệ thuật, quy mô tương tự đề xuất cho nhà hát tại Đầm Trị, Hà Nội. Ảnh: CTV
Esplanade cũng nằm trong vùng dày đặc các công trình văn hoá công cộng như công viên Esplanade, Cung hoà nhạc Victoria, Nhà trưng bày nghệ thuật (the Art House), Bảo tàng quốc gia Singapore (National Galery of Singapore), Công viên Đài tưởng niệm Chiến tranh (War Memorial Park)… Đối diện với Esplanade qua bên kia mặt nước là công viên quảng trường Merlion, Marina Bay Sand, và phía xa hơn một chút là “Garden by the Bay”, tạo nên một sự cộng hưởng về công năng, sức hút du lịch và hiệu quả đầu tư.
Về giao thông, bên cạnh các tuyến đường chính, nhà hát có thể tiếp cận thông qua 10 bến xe buýt bán kính đi bộ 5 phút, phục vụ bởi 20 tuyến buýt; 2 bến metro khoảng cách 10 phút đi bộ nằm trên 2 tuyến metro; và cách bến ferry 6 phút đi bộ...
Vị trí Nhà hát Esplanade tại tâm thành phố Singapore (Hình ảnh có kích thước thực 2km x 2km, chụp từ Google Image)
Trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia Trung Quốc (NCPA - China)
Đây cũng là một công trình kiến trúc độc đáo, tạo mỹ cảm với nhiều kiến trúc sư và cộng đồng xã hội. Công trình này nằm ở trung tâm thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc, được gọi tên là Nhà hát Quả trứng, vì có thiết kế dạng mái vòm hình trứng nằm giữa một mặt nước nhân tạo rộng 35.500 m2, phần công viên đệm xung quanh rộng 39.000 m2.
Trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia Trung Quốc còn được gọi tên là Nhà hát Quả trứng. Ảnh: CTV
Khởi công năm 2001, khánh thành năm 2007, công trình này cũng gây ra nhiều tranh cãi và phản đối về cả vị trí và chi phí: dự toán 2.688 tỷ nhân dân tệ, chi phí thực là 3.200 tỷ nhân dân tệ. Có ý kiến cho rằng sẽ gần như không thể thu hồi vốn đầu tư. Mỗi chỗ ngồi riêng lẻ, khi tính ra trung bình, trị giá khoảng 500.000 nhân dân tệ.
Ngoài ra, chi phí làm sạch bề mặt bên ngoài khổng lồ đồng nghĩa với việc Chính phủ Trung Quốc phải trợ cấp cho tòa nhà trong nhiều năm. Tuy nhiên, phản ứng lại điều này, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng tòa nhà không bao giờ có ý định trở thành một dự án kinh doanh vì lợi nhuận.
Về giao thông, tiếp cận Nhà hát Quả trứng cũng rất dễ dàng. Ngoài việc được bao bọc bởi đại lộ 16 làn xe ở phía Bắc và các đường 6 làn xe ở các phía khác, du khách có thể đến đây bằng tàu điện ngầm (bằng Line 1 và Line 2 đều tiếp cận nhà hát), và 9 tuyến xe buýt có bến trả đón khách xung quanh nhà hát.
Vị trí Trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia Trung Quốc tại tâm thành phố Bắc Kinh (Hình ảnh có kích thước thực 2km x 2km, chụp từ Google Image)
Từ 3 trường hợp điển hình trên, có thể rút ra một số luận điểm chính như sau:
Vị trí nhà hát phù hợp cần có tiếp cận tốt về mặt giao thông, kể cả hệ thống đường bộ và giao thông công cộng (nếu chưa có thì cũng cần phải có trong quy hoạch)
Xét trên điều kiện này, vị trí tại Đầm Trị là hoàn toàn bất lợi. So sánh sẽ thấy vị trí ở phân khu Tây Hồ Tây tốt hơn hẳn về mặt giao thông vì có đường Vành đai 2 và đường Lạc Long Quân chạy thông hai bên, giúp giải phóng giao thông ra vào nhà hát và kết nối cực tốt với toàn bộ thành phố ở cả hai phía sông Hồng, kết nối lên sân bay Nội Bài, và kết nối với khu vực phía Tây, Ba Vì, Hoà Lạc; Có tuyến đường sắt đô thị số 2 đã được quy hoạch với khoảng cách 500m (phù hợp với khoảng cách đi bộ).
Còn tại vị trí trên Đầm Trị, nó không chỉ là điểm cụt về giao thông trong bán đảo mà kể cả mở rộng đường Đặng Thai Mai như phương án quy hoạch đang đề xuất cũng không giải quyết được gì, vì kết nối giao thông ra bên ngoài chỉ qua đường Xuân Diệu, nối với Âu Cơ – Nghi Tàm độc đạo, gánh toàn bộ lưu lượng giao thông đậm đặc cho vùng không gian nằm giữa Hồ Tây và sông Hồng, hiện đã và đang quá tải.
Ngoài ra, không một tuyến giao thông công cộng nào được quy hoạch chạy qua khu vực này để gánh bớt áp lực của nhu cầu giao thông cơ giới ước tính ở trên.
Hệ thống giao thông công cộng được đề xuất cho Hà Nội (Quy hoạch chung 2011). Số 1 - vị trí đề xuất nhà hát trong Quy hoạch phân khu H2-1 (khu vực Tây Hồ Tây); Số 2 - vị trí đề xuất tại Quy hoạch phân khu A6 (khu vực bán đảo Quảng An). Nguồn ảnh: Thuyết minh Quy hoạch chung Hà Nội
Vị trí nhà hát cần có dư địa phát triển để mở rộng vùng cộng hưởng
Xét trên điều kiện này, vị trí tại Đầm Trị cũng là vị trí hãm và bí. Nó không còn quỹ đất, không có khả năng mở rộng, có quá nhiều yếu tố lịch sử cần bảo tồn. Ngược lại, vị trí tại Tây Hồ Tây có ưu thế hơn hẳn vì nhà hát ở vị trí này được kết nối với khu trụ sở 12 bộ ngành (đã có phương án thi tuyển) qua một trục cảnh quan công viên hiện đại nối thẳng ra Hồ Tây.
Quy hoạch phân khu H2-1 (Khu vực Tây Hồ Tây với địa giới thuộc quận Tây Hồ, quận Cầu Giấy, quận Từ Liêm) đúng như tinh thần Quy hoạch chung 2011 sẽ là một trung tâm mới hiện đại của Hà Nội, được quy hoạch đầy đủ về hạ tầng giao thông. Sự hiện diện nhà hát opera ở đây (nếu thực hiện như Quy hoạch phân khu H2-1), sẽ có tác dụng cộng hưởng và kích hoạt phát triển cực tốt cho một vùng rộng lớn.
Vị trí đề xuất nhà hát opera mới cho Hà Nội tại Đầm Trị ở bán đảo Quảng An (Hình ảnh có kích thước thực 2km x 2km, chụp từ Google Image)
Vị trí nhà hát và cơ hội xây dựng hình ảnh mang tính chất “thương hiệu” cho thành phố
Để thực hiện vai trò này, bên cạnh chất lượng thiết kế kiến trúc thì vị trí nhà hát gần mặt nước là một lợi thế không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, khi đặt nhà hát tại Đầm Trị như đề xuất trong quy hoạch bán đảo Quảng An 1/500 vừa đưa ra lấy ý kiến cộng đồng, gần như không có điểm nhìn nào để chiêm ngưỡng nhà hát một cách hiệu quả. Toàn bộ phía bán đảo Quảng An bị bao bọc bởi các công trình nhỏ, cự ly quan sát quá ngắn, góc nhìn hẹp.
Nếu từ phía bên kia Hồ Tây nhìn sang, chúng ta sẽ thấy gì? Bên phải là Phủ Tây Hồ - một biểu tượng thực sự của “nơi chốn” có bề dầy lịch sử - khiêm nhường lẫn vào cảnh quan, bên trái là cụm công trình cao tầng đồ sộ ở 58 Tây Hồ - Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại Tây Hồ View (nhiều người cho rằng nó cũng là “một biểu tượng” – biểu tượng của sự bất lực trong quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng và sự suy yếu vai trò giám sát của xã hội trước các thế lực thị trường).
Nhà hát nếu xây trên Đầm Trị, sẽ nằm ở giữa và bị cụm công trình cao tầng đồ sộ 58 Tây Hồ “nuốt chửng” về tầm nhìn và tới phiên nó lại tiếp tục “nuốt chửng” không gian Phủ Tây Hồ. Phải chăng, đó sẽ là hình ảnh “thương hiệu” Hà Nội mà chúng ta mong muốn?
Một tác động thô bạo của Khu phức hợp khách sạn, căn hộ dịch vụ cao cấp, trung tâm thương mại Tây Hồ View đến tầm nhìn không gian cảnh quan ở bán đảo Quảng An. Ảnh: My Trà
Đầu tư nhà hát opera là cuộc chơi của các quốc gia “có điều kiện”
Kể cả có đủ các cơ sở hạ tầng giao thông: cụ thể Sydney có 8 tuyến metro, Singapore có 6 tuyến, Bắc Kinh có 20 tuyến, và các thành phố này đều có hàng chục, trăm, ngàn tuyến xe buýt cùng các loại hình giao thông công cộng khác thì đầu tư nhà hát opera cũng vẫn là một cuộc chơi của những quốc gia “có điều kiện”, vì nó đòi hỏi vốn lớn, thu hồi lâu, chi phí duy trì tốn kém.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP danh nghĩa bình quân đầu người năm 2021 của Úc là 62.619 USD, của Singapore là 66.263 USD, Trung Quốc là 11.891 USD (quốc gia này có 1,4 tỷ dân và chênh lệch địa phương siêu lớn nên con số bình quân này không phản ánh đúng GDP của các khu vực đầu tàu như Bắc Kinh), còn Việt Nam hiện mới chỉ 3.743 USD. “Cuộc chơi” nhà hát opera liệu đã phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của chúng ta tại thời điểm này chưa là câu hỏi cần nghiêm túc suy xét.
Như vậy, với 4 luận điểm chính ở trên, có thể thấy hầu hết các ý kiến đã phản biện không đồng ý với đề xuất quy hoạch bán đảo Quảng An có nhà hát opera tại Đầm Trị là có cơ sở và hoàn toàn xác đáng.
Thay lời kết
Trước một sự việc liên quan đến cộng đồng, có các ý kiến tranh luận khác nhau là bình thường. Huống gì quy hoạch bán đảo Quảng An với đề xuất xây nhà hát trên Đầm Trị đã gây ra quan ngại sẽ xâm hại thô bạo vùng cảnh quan độc đáo, duy nhất của Hà Nội; đồng thời nhìn thấy nhiều lỗ hổng pháp luật mà những nhóm lợi ích có thể trục lợi “một cách hợp pháp”, gây nhiều thiệt hại cho xã hội và rất nhiều bất công đối với người dân và cộng đồng trong khu vực quy hoạch.
Những ý kiến đã ủng hộ bất luận có khác biệt do quan điểm cá nhân, vì hạn chế hiểu biết chuyên môn, hay có đầy đủ hiểu biết chuyên môn nhưng không muốn dùng đến, hoặc vì những lý do thân hữu nên lên tiếng theo cậy nhờ, cũng đều cần được tiếp nhận bình đẳng như các ý kiến đã phản biện không đồng ý với đề xuất quy hoạch bán đảo Quảng An có nhà hát opera tại Đầm Trị.
Không nên kết luận một cách chung chung rằng việc thực hiện đúng quan điểm quy hoạch chung là “chặt chẽ về pháp lý”. Làm như vậy là tạo bình phong, tạo lá chắn cho các bất cập xuất hiện ở các bước sau, lại chính là những bất cập gây nhức nhối, có thể dẫn đến sai lầm không thể khắc phục.
PGS-TS-KTS. Phạm Thuý Loan
Vấn đề cần đặt ra là phải có một phương thức hữu hiệu để Hà Nội có thể tiệm cận được với những ý kiến chuyên môn đúng đắn nhất, khoa học nhất, khách quan nhất; kịp thời “tháo ngòi” những bức xúc của dư luận, để tìm thấy đáp áp chuẩn xác cho các nan đề của bài toán quy hoạch bán đảo Quảng An, tránh đi vào “vết xe đổ” như đã từng xảy ra với vụ việc toà nhà 8B Lê Trực ngạo nghễ vươn cao trong khu trung tâm chính trị Ba Đình, hay mới đây nhất là hàng loạt sai phạm trong quy hoạch, quản lý xây dựng tại khu vực hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu; khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính mà Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận.
Phương thức như thế rất cần có một cuộc đối thoại thiện chí, công khai, minh bạch giữa các bên, giữa UBND quận Tây Hồ (cơ quan lập quy hoạch) và những người dân (bị ảnh hưởng bởi quy hoạch), giữa các nhà tư vấn lập quy hoạch và các nhà phản biện chuyên môn (văn hoá, kinh tế, kiến trúc, quy hoạch, giao thông, môi trường…).
Đồ án quy hoạch 1/500 bán đảo Quảng An có thể dừng lại để xem xét các vấn đề thật thấu đáo nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tìm thấy một tiếng nói chung, một điểm dung hoà giữa các xung lực hiện có.
Một cách làm minh bạch, đối thoại sòng phẳng sẽ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành công cho việc giải quyết các xung đột về quy hoạch ở bán đảo Quảng An nói riêng, đồng thời cũng là kinh nghiệm chung để vận dụng với nhiều sự việc tương tự khác. Đó cũng chính là cách làm để tiến đến sự phát triển theo đúng nội hàm của nó.
Bán đảo Quảng An vốn dĩ từ lâu đã là một không gian văn hoá đặc thù, nổi bật với tính chất tâm linh, lịch sử và cảnh quan. Ảnh: T.A.T
Hội Kiến trúc sư Việt Nam – với vai trò là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp có thể là cầu nối tốt cho cuộc đối thoại tích cực giữa chính quyền, người dân và giới nghề. Mặc dù Hội đã đưa ra quan điểm về việc này, nhưng trên công luận và trong những cuộc trao đổi nhóm, vẫn có rất nhiều ý kiến phản biện mạnh mẽ trong giới chuyên môn, làm nghề. Đây là lý do chính đáng để cùng nhìn lại, một lần nữa.
Với vị thế và năng lực hiệu triệu của mình, Hội Kiến trúc sư Việt Nam có thể kêu gọi các văn phòng tư vấn quy hoạch kiến trúc, các chi hội kiến trúc sư cùng nghĩ về Quảng An, và đóng góp các ý tưởng cho quy hoạch Quảng An. Từ đó có cơ hội lựa chọn, kết hợp các ý tưởng, tìm ra hướng đi tối ưu và phù hợp cho bán đảo đặc biệt này của Hà Nội.
Về phía nhà đầu tư Sun Group, với năng lực của mình - như họ đã từng chia sẻ về dự án nhà hát ở Quảng An, lẽ nào chỉ nghĩ đơn giản đầu tư nhà hát là hiệu quả, hay sẵn sàng bù lỗ vì có tâm với phát triển văn hoá?
Liệu cái tâm vì văn hoá đó khi chuyển thành hành động có trở thành phản văn hoá?
Sẽ thuyết phục nhân tâm nếu Sun Group đóng góp nguồn lực để chỉnh trang, cải tạo Quảng An thành một “công viên văn hoá – sinh thái” phi lợi nhuận theo đúng bản sắc vốn có lâu đời ở đây chứ không phải một công viên chuyên đề náo nhiệt, mà núp bóng phía sau là đề xuất “bổ sung mục tiêu thương mại, du lịch, kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc về chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”.
Còn nếu muốn gạt qua bên sự thuyết phục nhân tâm ấy, để hoạt động theo đúng bản chất của doanh nghiệp tư nhân là vì lợi nhuận, thì tập đoàn này hãy sòng phẳng: Đền bù thoả đáng cho những người dân định cư hợp pháp bị mất đất mất nhà, hãy thực hiện đánh giá tác động môi trường và tác động giao thông nghiêm túc, bồi hoàn các ảnh hưởng sinh thái, môi trường, đầu tư giao thông công cộng để giảm ách tắc hàng ngày mà các dự án đã, đang và sẽ gây ra tại đây. Đó mới thực sự là văn hoá của một doanh nghiệp chân chính.
Đồng thời, đó cũng sẽ là phép thử cho sự liêm chính của chính quyền Hà Nội: Liệu khi đã có đầy đủ những dữ kiện đánh giá tác động môi trường, giao thông, sinh thái, văn hóa bản địa…; khi lượng định được những giá trị lâu đời sẽ mất đi vĩnh viễn so với những giá trị sắp tạo dựng mới đầy phù phiếm, họ có tránh khỏi những sai lầm có tính hủy diệt từ các quyết định quy hoạch thiếu cân nhắc thấu đáo?
Người dân Hà Nội và những người yêu Hà Nội đang chờ đợi những chỉ đạo sáng suốt của UBND thành phố Hà Nội, những ý kiến chuyên môn chuẩn mực của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội để tháo gỡ các khúc mắc, hoá giải những mâu thuẫn và dung hoà các xung đột xung quanh vụ việc quy hoạch bán đảo Quảng An, để từ đó tạo ra cách nhìn mới, cách làm mới: Vì một Hà Nội đáng sống – thành phố của tất cả mọi người.
PGS-TS-KTS. Phạm Thuý Loan