Từ bán đảo Quảng An nhớ đến một “cuộc chiến” quy hoạch ở New York

 11:28 | Thứ ba, 09/08/2022  0
Sự “bại trận” của đề xuất quy hoạch một tuyến đường cao tốc cắt qua khu vực dân cư lâu đời phía nam Manhattan, New York cũng là “nhát búa” cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa hiện đại trong quy hoạch đô thị ở Mỹ, mở ra một trào lưu mới, một nhận thức mới về quy hoạch, nơi các giải pháp cho thành phố đặt con người với nhu cầu và cảm xúc của họ vào trung tâm của các cân nhắc.

Tôi không sống ở Quảng An, nhưng mỗi năm tôi lên đây vài lần. Khi thì đi phủ Tây Hồ, lúc thì vào chùa Hoằng Ân tìm chốn bình an thanh tịnh, rồi lên đầm sen mua sen mới ướp trà, cùng bạn bè chụp ảnh với sen, đi loanh quanh tìm mua những món đồ linh tinh từ thời trang đến nội thất độc lạ vì rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ mở xưởng ở đây… 

Bản sắc bán đảo Quảng An trước nguy cơ bị “tẩy trắng”

Quảng An rất hấp dẫn văn nghệ sĩ và người nước ngoài vì nó vốn đẹp, tĩnh, tinh tế, trong lành và đậm màu văn hóa. Khu vực này, do vậy dần trở thành một quần cư có sự hòa trộn giữa cư dân bản xứ và cộng đồng người nước ngoài làm việc tại Hà Nội. Một sự dung nạp cộng sinh và tự nguyện, bổ sung cho chất Hà Nội ở Quảng An những hương vị quốc tế, mới mẻ và đương đại. Có lẽ không riêng tôi mà rất, rất nhiều người Hà Nội yêu Quảng An một tình yêu giản đơn trong vô thức.

Những ngày qua, cộng đồng xã hội dậy lên một làn sóng phản đối đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 bán đảo Quảng An khi đưa ra tham vấn cộng đồng, với ý tưởng chung là biến bán đảo thành một công viên văn hóa tổng hợp chuyên đề cùng một nhà hát opera tầm cỡ quốc tế đặt trên Đầm Trị. 

Khu vực Đầm Trị thuộc bán đảo Quảng An, Hồ Tây (Hà Nội), nơi quy hoạch một nhà hát opera 1.600 chỗ ngồi trên diện tích khoảng 13.000m2. Ảnh: Phạm Tuấn Anh


Trong khi những người dân sở tại đau đớn cất tiếng kêu cứu và phản đối vì bản quy hoạch này phũ phàng tước mất của họ mảnh đất linh thiêng của tổ tiên nhiều đời để lại; trong khi những người dân Hà Nội có tâm, những người yêu Hà Nội đang xót xa và phẫn nộ trước nguy cơ một vùng cảnh quan sinh thái, văn hóa độc đáo, lâu đời của thủ đô sắp bị “tẩy trắng” để lấy chỗ cho những dự án đầu tư của doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân, thì vẫn chưa thấy có tiếng nói chuyên môn chính thức và chính trực nào từ phía các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các hiệp hội nghề nghiệp được cất lên.

 “Cuộc chiến” quy hoạch của người dân Greenwich Village

Sự việc ở Quảng An khiến tôi nhớ đến một câu chuyện lịch sử, một vụ việc (có thể nói) là gây chấn động lịch sử phát triển đô thị ở nước Mỹ, xảy ra vào đầu những năm 1960 ở Greenwich Village - một khu dân cư cũ ở phía nam Manhattan, New York. Sự kiện đánh dấu một sự thay đổi có tính chất đảo ngược trong lý luận và thực hành quy hoạch, dẫn đến sự chuyển hóa từ chủ nghĩa hiện đại (modernism) sang chủ nghĩa hậu hiện đại (post-modernism) trong lĩnh vực đô thị và kiến trúc trên phạm vi toàn thế giới. 

Nguồn cơn khởi phát từ khoảng 1940, Robert Moses, người đàn ông thao lược quyền lực số 1 tại New York, một nhà quy hoạch đô thị phi phàm, người được mệnh danh  “tổng công trình sư” vĩ đại của thành phố New York, đã đề xuất một tuyến đường cao tốc mới gọi là LOMEX (Lower Manhattan Expressway) với 10 làn xe cắt ngang Lower Manhattan gồm khu vực Greenwich Village, SoHo, Little Italy, dẫn đến việc phải phá hủy Công viên quảng trường Washington lịch sử, hàng trăm ngôi nhà và nhiều công trình kiến trúc có giá trị, đồng thời khiến hàng nghìn gia đình và doanh nghiệp phải di dời. Kế hoạch bị trì hoãn do những nguyên nhân khách quan, cho đến 1960 nó được khởi động trở lại. 

Sơ đồ dự án đường cao tốc LOMEX cắt ngang Lower Manhattan phá hủy hàng trăm ngôi nhà và nhiều công trình kiến trúc có giá trị, hàng nghìn gia đình và doanh nghiệp phải di dời... Ảnh: TIME


Cần phải dành đôi dòng để nói về Robert Moses. Có lẽ bất cứ một nhà quy hoạch đô thị nào cũng muốn trở thành Robert Moses, người không làm quy hoạch trên giấy mà “nhào nặn” thành phố trên thực tế. Chưa một lần làm thị trưởng New York nhưng Robert Mose là một quan chức cấp bang và cấp thành phố có uy tín, cùng lúc nắm giữ 12 trọng trách trong hệ thống công quyền ở thành phố New York.

Trong gần nửa thế kỷ, với tầm nhìn của mình, Robert Moses lên ý tưởng và vận động được sự ủng hộ về chính trị và nguồn lực để xây dựng một số cây cầu, một đường hầm dưới nước, 416 dặm đường công viên, 2.567.256 mẫu đất công viên, nhiều dự án nhà ở công cộng, 17 bể bơi công cộng và 658 sân chơi. Robert Moses say sưa một cách cực đoan chủ nghĩa hiện đại, có tầm nhìn lớn và tham vọng điên cuồng. Người ta ngợi ca ông là “nhà cải cách”, “nhà tư tưởng”, một “chuyên gia môi giới quyền lực” nhưng cũng lên án ông là “một kẻ bắt nạt”, “một kẻ độc tài”, “một bạo chúa” - đã sử dụng “sức mạnh cơ bắp” để biến đổi New York, và không do dự khi xóa sổ nhiều khu dân cư truyền thống của nhiều sắc tộc dưới diễn ngôn “Vì sự tiến bộ và phát triển”.

Ở một góc nhỏ trong thành phố, có một người phụ nữ tên là Jane Jacobs, một nhà báo, nhà hoạt động xã hội, đeo kính cận, đi xe đạp. Sinh ra ở Scranton, Pennsylvania, bà cùng chồng và các con chuyển đến Greenwich Village năm 1935. Jane Jacobs là một nhà báo sắc sảo nhưng không có bằng cấp chính thống, không có chuyên môn về kiến trúc và quy hoạch. Bà trải qua nhiều công việc liên quan đến viết lách và có thời gian làm việc cho tờ Architecture Forum với vai trò phó tổng biên tập nên có được cái nhìn riêng tường tận và sắc sảo về những vấn đề nghiêm trọng phát sinh từ các giải pháp quy hoạch đô thị hiện đại, khi mà trào lưu pro-modernism đang thống lĩnh tư tưởng của các nhà phát triển.

Nhà báo Jane Jacobs (ảnh trái) đã chiến thắng chính trị gia Robert Moses (ảnh phải) trong “cuộc chiến” quy hoạch tuyến đường cao tốc cắt qua khu vực dân cư lâu đời phía nam Manhattan. Ảnh: TL


Năm 1961, Jane Jacobs đã xuất bản cuốn sách nổi tiếng nhan đề The Death and Life of Great American Cities (Cái chết và cuộc sống của các thành phố vĩ đại Hoa Kỳ), sau này là sách gối đầu giường của các nhà quy hoạch và thiết kế đô thị hậu hiện đại trên toàn thế giới. Trong đó bà thách thức sự thiển cận của quy hoạch đô thị hiện đại và sử dụng những quan sát cùng trải nghiệm của bản thân để kết luận điều tạo nên một khu phố tốt, an toàn, đáng sống và đáng mơ ước là tăng trưởng thông minh, sử dụng đất hỗn hợp (nhiều loại hoạt động trên đường phố), các ô phố nhỏ, quy hoạch hướng đến phương tiện giao thông công cộng, khuyến khích môi trường đi bộ, mật độ dân cư và mật độ xây dựng vừa đủ, kiến trúc phù hợp với tỷ lệ con người, có sự kết hợp của các công trình cũ và mới đa dạng. 

Jane Jacobs đã công khai chỉ trích các phương pháp tiếp cận “từ trên xuống” (top-down) đối với quy hoạch đô thị, nơi các quyết định quan trọng được thực hiện bởi một số ít người có quyền lực. Và bà ủng hộ sự tham gia của người dân nhiều hơn, nơi cư dân của một khu phố có tiếng nói cho tương lai của chính khu phố và thành phố của họ.

Người dân được quyền và có trách nhiệm nói lên tiếng nói để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ môi trường sống của mình và bảo vệ thành phố tránh khỏi những sai lầm có tính hủy diệt từ các quyết định quy hoạch thiếu cân nhắc thấu đáo. 

Những năm sau đó, chứng kiến chủ nghĩa hiện đại với đường cao tốc và nhà cao tầng sắp hủy hoại chính khu dân cư lâu đời mà bà đang sống và yêu tha thiết, Jane Jacobs là người kịch liệt phản đối. Bà là thành viên tích cực của một liên minh gồm các chủ doanh nghiệp, các nhà hoạt động địa phương và người dân, được gọi là Ủy ban hỗn hợp ngăn chặn đường cao tốc LOMEX, mà bà được bầu làm chủ tịch. Nhiều cuộc biểu tình phản đối được tổ chức trong cộng đồng. Năm 1968, thậm chí Jane Jacobs còn bị bắt và tạm giữ một thời gian ngắn với cáo buộc làm mất trật tự công cộng.  

Nhưng cuối cùng bà và những người biểu tình đã thành công. Kế hoạch LOMEX bị loại bỏ, Greenwich Village cùng Công viên quảng trường Washington và những khu dân cư khác đã được giữ lại. Kẻ yếu đã chiến thắng! 

Công viên quảng trường Washington - một không gian công cộng suýt bị phá hủy bởi dự án đường cao tốc LOMEX. Ảnh: iStock


Tránh sai lầm có tính hủy diệt từ các quyết định quy hoạch

Đây có thể xem là một “trận chiến sử thi”, và một “cuộc chiến” kết tinh những cách tiếp cận cực kỳ khác nhau về quy hoạch đô thị được thực hiện bởi hai người đã trở thành nhân vật huyền thoại trong lĩnh vực này.

Trong “võ đài” khốc liệt về lý luận đô thị này, một bên là Robert Moses - tiến sỹ về luật và chính trị, có chí hướng và tham vọng vô biên cùng khả năng điều hướng chính trị hậu trường đáng kinh ngạc, và một bên là Jane Jacobs - không có bằng đại học hay bất kỳ khóa đào tạo chính thức nào về quy hoạch đô thị, học hỏi từ quan sát, phản biện, kinh nghiệm cùng khả năng viết lách bẩm sinh. Jane Jacobs ghét cách tiếp cận từ trên xuống - chính là cách tiếp cận mà Robert Moses rất sẵn sàng sử dụng. Jane Jacobs đã chiến đấu vì người dân, đặc biệt là vì người đi bộ; còn người ta nói Robert Moses ưa chuộng ô tô hơn con người, và trong nhiều trường hợp, kế hoạch của ông ta hoàn toàn làm mất lòng mọi người.

Tại sao Jane Jacobs có thể chiến thắng Robert Moses? 

Đơn giản vì bà đã nhìn ra, chỉ ra, nói ra một cách xác quyết những gì tất cả chúng ta cần từ thành phố của mình. Chúng ta cần có không khí trong lành, cần cộng đồng thân thiết, cần được đi bộ, chào hỏi và mỉm cười với nhau, cần có không gian cảm xúc, cần tương tác nhiều hơn và trực tiếp hơn với thành phố của mình, điều mà không thể làm được khi di chuyển bằng ô tô và sống trong các chung cư cao tầng hình hộp.

Một góc phố bình yên tại Greenwich Village, Lower Manhattan, New York, Mỹ. Ảnh: N.Y.F


Sự thất bại của LOMEX khiến Robert Moses bị mất hoàn toàn uy tín và tầm ảnh hưởng. Sự kiện này cũng là “nhát búa” cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa hiện đại trong quy hoạch đô thị ở Mỹ, mở ra một trào lưu mới, một nhận thức mới về quy hoạch, nơi các giải pháp cho thành phố đặt con người với nhu cầu và cảm xúc của họ vào trung tâm của các cân nhắc.

Lĩnh vực thiết kế đô thị cũng ra đời từ đó, bổ sung cho quy hoạch đô thị và kiến trúc, để tập trung vào việc giữ gìn, kiến tạo những “nơi chốn” - là những không gian mang ý nghĩa, gắn bó và mang lại cảm xúc cho người dân thành phố. Cũng từ đây, tiếng nói cộng đồng và sự tham gia của họ đã được chuyển hóa vào cách làm quy hoạch tại Mỹ và các quốc gia trên thế giới như một phần bắt buộc của thể chế, được vận dụng một cách thực chất và sâu sắc.

Nhớ lại “cuộc chiến” Greenwich Village, không thể không nuôi một hy vọng mãnh liệt rằng Quảng An, một khu vực có giá trị cảnh quan, sinh thái, văn hóa độc đáo, đậm bản sắc của Hà Nội - sẽ được giữ lại như Greenwich Village, được bảo vệ khỏi các bản vẽ quy hoạch và các dự án đầu tư nhân danh “phát triển” mà thực ra là phá hủy, khi người dân sở tại và các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư liêm chính vẫn đang không ngừng quyết liệt lên tiếng bằng nhiều cách. 

Nửa thế kỷ trước, giữa “thánh địa” của chủ nghĩa tư bản thế giới là Manhattan, New York - Mỹ, những tiếng nói của người dân, tưởng như nhỏ bé, yếu ớt mà sắc lẹm và quyết liệt, đã đảo ngược hoàn toàn tình thế, làm sụp đổ cả một đế chế xây dựng và phát triển với hàng chục dự án khủng tại siêu đô thị này. Giờ đây, chúng ta có cơ sở để tin rằng, người dân được quyền và có trách nhiệm nói lên tiếng nói để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ môi trường sống của mình và bảo vệ thành phố tránh khỏi những sai lầm có tính hủy diệt từ các quyết định quy hoạch thiếu cân nhắc thấu đáo. 

PGS-TS-KTS. Phạm Thúy Loan

Quy hoạch bán đảo Quảng An gây tranh cãi

UBND quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội vừa công khai lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với Đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, quận Tây Hồ), trong đó đáng chú ý có đề xuất xây dựng một nhà hát trên Đầm Trị. Đề xuất này và các ý định quy hoạch bán đảo Quảng An đã vấp phải nhiều ý kiến tranh cãi, phản đối gay gắt của chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư và người dân.

Trong bài viết với hơn 50.000 lượt đọc trên Người Đô Thị Online: “Đề xuất xây nhà hát trên Đầm Trị và quy hoạch bán đảo Quảng An: Xâm hại thô bạo vùng cảnh quan độc đáo, duy nhất của Hà Nội”, tác giả Phạm Kiều Anh cho rằng đồ án có nhiều điểm sai về nguyên lý quy hoạch đô thị đương đại. Trong đó đề xuất xây nhà hát trên Đầm Trị không chỉ là hành động chiếm dụng diện tích cây xanh mặt nước bình thường mà còn là một hành động phá hoại bản sắc thành phố, xóa sổ cảm thức về nơi chốn của mọi người dân Hà Nội… Quy hoạch liệu có đang “dọn đường”, và hợp thức hóa cho các thế lực thị trường mở rộng sự xâm hại ngày càng thô bạo hơn đến vùng cảnh quan độc đáo, cần phải bảo vệ này của Hà Nội?

Bài viết tiếp theo: "Những lỗ hổng pháp luật nhìn từ vụ việc xây cao ốc và quy hoạch nhà hát, bán đảo Quảng An", tác giả Phạm Kiều Anh đã phân tích một số vấn đề liên quan đến khía cạnh pháp lý về quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đối với trường hợp bán đảo Quảng An và dự án nhà hát trên Đầm Trị. Lần theo quá trình pháp lý của dự án Khu phức hợp thương mại cao tầng Tây Hồ View và quy hoạch bán đảo Quảng An - nhà hát trên Đầm Trị, dư luận có cơ hội nhìn thấy những dấu hiệu chưa nhất quán với Luật Quy hoạch đô thị, đồng thời cũng nhìn thấy nhiều lỗ hổng pháp luật mà những nhóm lợi ích có thể trục lợi “một cách hợp pháp”, gây nhiều thiệt hại cho xã hội và rất nhiều bất công đối với người dân và cộng đồng trong khu vực quy hoạch.

Xem chi tiết các bài viết và các ý kiến khác của chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư tại đây.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.