Thời khắc Việt: Mở đường phát triển

Việt Nam năm 2024: Thời cơ lớn, thách thức lớn, hy vọng lớn

 16:25 | Thứ năm, 08/02/2024  0
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XIII đã đề ra những mục tiêu phát triển rất cao cho đất nước vào năm 2030 và 2045. Năm 2023, năm thứ ba thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII, cũng là năm thứ 37 đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới, đã ghi nhận những bước phát triển đột phá trên nhiều mặt, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển trong năm 2024 và những năm sau.

Những cột mốc kinh tế - xã hội sau 37 năm Đổi mới 

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vào năm 1986, GDP Việt Nam chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD(*). Trong số 9/10 quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp trên Myanmar (5,15 tỷ USD). Tuy nhiên, 36 năm sau, GDP Việt Nam đã tăng gấp 50 lần, đạt khoảng 406,45 tỷ USD, thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

LS. Trương Trọng Nghĩa.

Đặc biệt, giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam vào top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới; bao gồm: Equatorial Guinea (GDP tăng 180,78 lần), Trung Quốc (GDP tăng 60,15 lần), Qatar (GDP tăng 53,51 lần), Việt Nam và Maldives (GDP tăng 39,28 lần). Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, Việt Nam đã vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa xây dựng nền kinh tế tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. GDP năm 2022 tăng 8,02%, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD. Theo dữ liệu của Credit Suisse, giá trị tài sản bình quân của một người trưởng thành ở Việt Nam năm 2000 là 1.595 USD thì năm 2022 đạt 14.569 USD, tăng gấp 9 lần trong vòng 22 năm. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. 

Từ một nước lương thực không đủ ăn, Việt Nam đã xuất khẩu gạo từ năm 1988, năm 2022 xuất khẩu 7,1 triệu tấn với giá trị hơn 3,45 tỷ USD, năm 2023 tăng lên 7,8 triệu tấn. So với những năm đầu của thời kỳ Đổi mới, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đến nay đã đạt gần 800 tỷ USD (năm 1986 chỉ có 2,9 tỷ USD, tăng hơn 267 lần). Từ 1986 đến 2022, đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 440 tỷ USD, tăng 22 lần, nhảy vọt gần 100 bậc trên thế giới. Dự trữ ngoại hối, theo dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố, đã đạt mức trên 109,9 tỷ USD vào cuối năm 2021, gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước năm 2010 và gấp gần 4 lần so với năm 2015. 

Thành tích và cơ cấu hàng xuất khẩu đã thay đổi ngoạn mục. Chỉ hơn 15 năm trước, chúng ta còn phải phấn đấu cật lực để có 10 mặt hàng đạt kim ngạch 1 tỷ USD, trong đó chủ lực là xuất khẩu hàng gia công dệt - may, da - giày và các nguyên liệu thô như thủy sản và nông sản. Năm 2023, Việt Nam có 43 ngành hàng đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 8 ngành đạt 10 tỷ USD trở lên, cao nhất là các mặt hàng điện tử (48,9 tỷ), điện thoại (46,2 tỷ) và máy móc thiết bị (37,2 tỷ). 

Thành tựu kinh tế đã giúp Việt Nam thực hiện thành công các chương trình và mục tiêu xóa đói giảm nghèo theo các tiêu chuẩn quốc tế. Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” được công bố bởi Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho thấy, đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua. Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (về việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin). 

Năm 2023 - Đỉnh cao của thành tựu ngoại giao và hội nhập quốc tế

Để đánh giá đúng vị thế và tiềm lực của đất nước thì cần phải xem xét cả vị trí và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Sau năm 1975, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có lúc bị cô lập trong quan hệ đối ngoại. Khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã vào cuối những năm 1980, nước ta cũng mất đi những nguồn viện trợ quốc tế quan trọng và những xáo trộn, thay đổi lớn trong quan hệ ngoại giao. 

Đến năm 2023, nước ta đã có quan hệ ngoại giao và quan hệ đối ngoại với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện với hơn 140 quốc gia. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính... Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân cũng đã triển khai đối ngoại thiết thực với 1.200 tổ chức nhân dân và đối tác nước ngoài. 

Ước vọng “sánh vai với các cường quốc năm châu” chưa bao giờ nguôi trong mỗi con người Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thành Luy 


Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng của khu vực và thế giới, như: Liên Hiệp Quốc (UN), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Nước ta đã có quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 90% GDP thế giới, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương (trong đó có 17 FTA). 

Ngoại giao láng giềng, giữ vững hòa bình, hữu nghị với các quốc gia có chung hoặc gần gũi về biên giới là điều kiện quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Trên bộ, một đường biên giới dài gần 5.000 km hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia đã được xác lập, cắm mốc và bảo vệ. Trên biển, đã ký kết Hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ với Trung Quốc, đã và đang tiếp tục phân định vùng biển chồng lấn với các nước láng giềng... Kết quả của những thành tựu đối ngoại đó đã giúp nước ta giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, quan hệ đối tác chiến lược với 12 quốc gia, gồm những nền kinh tế phát triển cao như Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Úc, New Zealand và 5 quốc gia phát triển hàng đầu của ASEAN như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines, với những nội hàm đa dạng phù hợp với lịch sử và truyền thống quan hệ với từng quốc gia, tôn trọng độc lập, chủ quyền, chế độ chính trị của nhau và cùng có lợi, là những động lực và điều kiện bên ngoài bổ sung, tăng cường cho việc xây dựng nội lực, năng lực tự chủ của Việt Nam để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc. 

Kinh tế 2024 - Mục tiêu cao, nhiệm vụ nặng, nhiều khó khăn, thách thức    

Quốc hội khóa XV đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu là đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao (GDP bình quân đầu người 27.000 - 32.000 USD), có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; quản trị xã hội trên nền tảng xã hội số hoàn chỉnh. Nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu. Việt Nam thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á; là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái giá trị cao thuộc nhóm hàng đầu thế giới.

Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, một trung tâm kinh tế biển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Từ một nước bị cấm vận và cô lập sau 1975, đến năm 2023, nước ta đã có quan hệ ngoại giao và quan hệ đối ngoại với 193 nước và vùng lãnh thổ. Ảnh: Nguyễn Việt Thanh


Đặc biệt, các nghị quyết thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 của Đảng vừa qua đã cung cấp những phương hướng và phương châm hành động cụ thể trên từng lĩnh vực. Các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2024 cũng đã đề ra những chỉ tiêu, mục tiêu, công việc cụ thể để tiếp tục phát huy thành tựu, vượt qua thách thức, khắc phục yếu kém để đưa đất nước tiếp tục đi lên. Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ ấy, theo tôi, cần quan tâm đến những điểm sau đây.

Chúng ta phải tiếp tục tập trung lực lượng thực hiện cho được các mục tiêu của ba lĩnh vực đột phá chiến lược là xây dựng và hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đầu tư mạnh, nhanh vào đào tạo nguồn nhân lực. Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, cần chú trọng những bối cảnh và yêu cầu mới trong ba lĩnh vực đột phá này. Đó là, chúng ta bắt buộc phải nhập cuộc nhanh vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển đất nước theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tiếp cận, tiếp thu, và từng bước áp dụng công nghệ cao, đặc biệt là internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Tạo ra những thể chế phát huy phù hợp và bảo đảm dân chủ thực chất là chìa khóa để có đủ nhân - tài - vật - trí lực cho phát triển. Được lòng dân là được tất cả, mất lòng dân là mất tất cả.

Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chúng ta đã chậm bước trong cuộc cách mạng 2.0 và 3.0, nên để phát triển đất nước trong cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta phải đồng thời bổ sung, bổ khuyết, hay nói cách khác là trả nợ, những nội dung chưa hoàn tất của cách mạng 2.0 và 3.0, nhất là những nội dung không thể bỏ qua (giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, an sinh xã hội…) vì nó sẽ gây trở ngại cho việc xây dựng một nền kinh tế công nghệ cao. Chỉ nói về nguồn lực tài chính, đây là thách thức rất lớn, vì xây dựng hạ tầng kỹ thuật của một nền kinh tế công nghiệp hóa đã tốn kém, mà xây dựng cơ sở vật chất cho công nghệ cao, như chip bán dẫn, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thì càng cần nhiều tiền hơn! 

Khó khăn cũng không nhỏ đối với nguồn nhân lực khi tỷ lệ nhân công qua đào tạo của chúng ta vẫn còn thấp cả về số lượng và trình độ. Riêng về thể chế, có những nội dung của nền kinh tế và xã hội công nghệ cao quá mới mẻ, phát triển nhanh hơn năng lực và trình độ quản lý hiện hữu của chúng ta, nhưng không thể không bắt tay xây dựng. Thách thức ở đây là phải vừa làm, vừa học, vừa phải tránh sai lầm. 

Một thách thức hết sức lớn là sự cạnh tranh quyết liệt của các quốc gia đang phát triển -  như nước ta - trong việc giành lấy các cơ hội và nguồn lực hữu hạn để đạt thứ hạng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, chiếm phần lớn hơn trong thu hút đầu tư và cung ứng sản phẩm công nghệ cao. Cuộc cạnh tranh này có thể coi là cuộc xếp hạng các quốc gia trong cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam phải nỗ lực để không tụt hậu lần nữa.

Thời gian không chờ đợi, thời cơ không có hai lần

Những thành tựu của Việt Nam sau 37 năm Đổi mới tạo ra những thời cơ hết sức quý báu để Việt Nam chuyển biến đột phá cả về lượng và chất về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và những năm sau, nhằm trở thành một quốc gia chẳng những có thu nhập cao mà còn đạt thứ hạng cao trong nền kinh tế thông minh, kinh tế tri thức, mà công nghệ cao là phương thức và động lực phát triển chủ đạo.

Cùng với những chuyển biến mới trong việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với những quốc gia công nghệ hàng đầu thế giới, hàng loạt các tập đoàn công nghệ bán dẫn quốc tế hàng đầu đã đến khảo sát và bày tỏ ý định chọn Việt Nam là nơi xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực và sản xuất chip bán dẫn, nối tiếp các tập đoàn đã hiện diện nhiều năm qua. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã đề ra từ lâu nhưng tiến triển chậm, nay cần được bổ sung, cập nhật một số nội hàm mới và đẩy nhanh tiến độ để bắt kịp sự phát triển của thế giới. Các quốc gia đối tác chiến lược cũng cam kết hỗ trợ và hợp tác với Việt Nam để phát triển nhanh, mạnh, đột phá, cùng có lợi. Vấn đề còn lại là nỗ lực tự thân của chúng ta. 

Việc cần làm trước hết, theo tôi, là rút kinh nghiệm sâu sắc và khắc phục về những hạn chế, sai lầm, yếu kém tồn tại trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua. Đồng thời, phải phát huy tối đa những thành tựu, ưu thế và lợi thế đã đạt được, phải biết khai thác tối đa những tiềm năng, tiềm lực còn “bỏ quên” và “ngủ yên”, hoặc chưa tận dụng hay chưa biết tận dụng. Công việc này không chỉ thuộc trách nhiệm của lãnh đạo, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi công dân, mọi người Việt Nam yêu nước.

Những "món nợ" giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, an sinh xã hội… sẽ gây trở ngại cho việc xây dựng một nền kinh tế công nghệ cao. Trong ảnh: tuyến metro 1 thuộc hệ thống Đường sắt đô thị TP.HCM  chạy thử nghiệm ngày 29.8.2023 qua ga Ba Son (quận 1), dự kiến đưa vào vận hành thương mại tháng 7.2024. Ảnh: Hoàng Hùng


Kinh nghiệm nhiều quốc gia thành công cho thấy, tiềm năng lớn nhất, tiềm lực mạnh nhất là ở nhân dân, ở xã hội, nói chung là ở con người, và luôn nhiều hơn sức mạnh của bất kỳ nhà nước nào trên thế giới. Trong thế giới công nghệ cao hiện đại, tạo được nguồn nhân lực trong xã hội, trong người dân và trong giới lãnh đạo có học thức, thông minh, khôn khéo, sáng tạo, biết tư duy độc lập và phản biện, có thể đóng vai trò quyết định giúp một dân tộc nhỏ có một nền kinh tế lớn, giúp một quốc gia tụt hậu có thể đi tắt, đón đầu và đuổi kịp các nước đi trước. Tài nguyên là nguồn lực luôn luôn hữu hạn và có những thứ không thể tái tạo, do đó, tôn trọng và tìm mọi cách nâng cao năng suất, chất lượng và bảo đảm hiệu quả cao là những bài học thành công của các nước phát triển. Khoa học kinh tế phát triển đã chỉ ra: để thành công, vấn đề không chỉ là phải biết làm gì mà còn phải biết làm như thế nào. 

“Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, và “hiền tài là nguyên khí quốc gia” là một bài học lớn, là chân lý quý báu nhất mà ông cha ta đã truyền lại trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở trong câu nói giản dị: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, tạo ra những thể chế phát huy phù hợp và bảo đảm dân chủ thực chất là chìa khóa để có đủ nhân - tài - vật - trí lực cho phát triển. Được lòng dân là được tất cả, mất lòng dân là mất tất cả.

Nghị quyết của Đảng xuyên suốt các thời kỳ, và gần đây nhất là từ các hội nghị trung ương khóa XIII về đại đoàn kết toàn dân, về công nhân, về nông dân, về trí thức, về doanh nhân, về kiều bào hải ngoại… đều có những chỉ đạo rất rõ ràng về “con người là trung tâm, động lực và mục tiêu của mọi chủ trương, chính sách”, về trọng dụng nhân tài trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0… và về quyền của nhân dân được “biết, bàn, làm, kiểm tra, giám sát và thụ hưởng”. Đội ngũ công bộc trong Đảng và Nhà nước chỉ cần làm đúng, làm tốt một cách thực chất những nghị quyết đó thì chắc chắn nước ta sẽ vượt qua được mọi trở ngại, thách thức, và sẽ đạt được các mục tiêu phát triển, “sánh vai với các cường quốc năm châu”, như ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Trương Trọng Nghĩa - Luật sư, đại biểu Quốc hội khóa XV

__________________

(*) Dữ liệu trong bài dẫn từ thông tin đã công bố.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.