Như mọi năm, gần đến ngày 20.12, Phan Tuấn Kiệt, Trưởng ban liên lạc, nhắn tin cho cựu cán bộ, nhân viên báo Giải Phóng: “Mời anh chị em đến họp mặt ở địa chỉ X., vào ngày Y., lúc 10 giờ sáng”.
Báo Giải Phóng là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGP). Tờ báo ra số đầu tiên ngày 20.12.1964 tại chiến khu R của Trung ương cục miền Nam, tỉnh Tây Ninh.
Từ năm 1964 đến 30.4.1975, báo Giải Phóng có hơn 200 cán bộ, nhân viên, lớp hy sinh vì bom đạn, lớp chết vì bệnh tật, tuổi tác, nay chỉ còn hơn ba chục, trẻ nhất cũng U 70. Trong số đó, người cao niên nhất là cụ Thái Duy, 97 tuổi, đang ở Hà Nội và còn rất minh mẫn. Ông là một trong ba nhà báo đầu tiên được trung ương Đảng cử vào Nam bộ năm 1964 để thành lập báo.
Người cao niên thứ hai là nhà báo Nguyễn Kim Toàn (Cao Kim), sinh năm 1940, vẫn đang sống khỏe mạnh tại Hải Phòng. Ông vượt Trường Sơn vào Nam năm 1965, là phóng viên báo Giải Phóng, tham gia tổng tấn công Mậu Thân ở Sài Gòn năm 1968 và từng “được chính thức báo tử” vì nhầm lẫn. Ông là bố của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Họp mặt ở đâu thì Kiệt cũng bố trí một bàn nhỏ, trên có một bát nhang và danh sách liệt sĩ của cơ quan, để những người sống sót tưởng niệm những người đã chết. Kiệt đã hơn 70 tuổi. Anh đi cà nhắc, vì bị mất nửa bàn chân do đạp mìn lá của Mỹ trong trận càn Junction City. Trong khói nhang bảng lảng, nửa bàn chân còn lại của Kiệt và mấy cái tên trong danh sách liệt sĩ khiến tôi chợt nhớ. Đã 55 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh của trận càn ấy vẫn in đậm trong ký ức tôi, rõ mồn một như một cuốn phim tài liệu.
Đó là trận càn quy mô lớn nhất trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, do quân đội Mỹ lần đầu tiên trực tiếp tham chiến, với gần 40 ngàn quân chính quy, hàng ngàn xe tăng, máy bay, kể cả B52, sử dụng 366.000 viên đại bác, 3.253 tấn bom. Mục tiêu của trận càn là hủy diệt căn cứ của Bộ tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, mà phía Mỹ cho rằng đang hoạt động như một “Lầu Năm góc mini”, nơi làm việc của đại tướng Nguyễn Chí Thanh, trung tướng Trần Văn Trà và thiếu tướng Trần Độ. Mục tiêu thứ hai là đập tan sư đoàn 9, mạnh nhất trong 3 sư đoàn chủ lực của quân giải phóng ở Nam Bộ. Theo tài liệu của Mỹ thì trận càn không đạt được mục tiêu.
Nhiều tài liệu nói trận càn bắt đầu vào ngày 22.2.1967, nhưng với báo Giải Phóng thì nó bắt đầu từ ngày 2.2.1967. Lý do được giải thích trên Wikipedia như sau: “Từ ngày 2 tháng 2 đến ngày 21 tháng 2 năm 1967, Lữ đoàn 1 Sư đoàn bộ binh 25 Mỹ đánh vào mạn phía tây đường số 22, áp lên biên giới Campuchia. Mục đích của cuộc hành quân này là quét dọn vùng sông Vàm Cỏ Đông, lùa đối phương về hướng trung tâm (phía đông đường 22), hình thành bức tường phía tây bởi các chốt chặn Cần Đăng, Tà Xia, Lò Gò, chuẩn bị thế tiến công và bao vây sẵn cho cuộc hành quân Junction City.
Một cuộc họp ban biên tập báo Giải Phóng năm 1969: ngồi đầu bàn ở góc xa bên trái là Tổng biên tập Thép Mới, kế đó là tác giả bài báo. Ảnh: Tư liệu
Theo kế hoạch, các đơn vị dàn quân theo hình móng ngựa để bao vây ba mặt chiến khu này, sau đó một số đơn vị có chiến xa, cơ giới công binh yểm trợ tiến vào giữa để tảo thanh, truy kích”. Vùng sông Vàm Cỏ Đông nhắc ở đây là địa bàn đóng quân của những cơ quan chủ chốt thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, trong đó có báo và Nhà in Trần Phú.
hững ngôi nhà lợp lá trung quân khó cháy, hội trường, nhà bếp, giếng nước, hầm tránh bom, và cả sân bóng bàn, bóng chuyền nằm dưới những tán rừng già từ Lò Gò lên Bến Ra, Xa Mát, dọc sông Vàm Cỏ Đông, biên giới tự nhiên của Việt Nam - Campuchia. Chiến thuật chủ yếu của trận càn là “búa và đe” (hammer and anvil tactic), và Ban Tuyên huấn Trung ương Cục là nơi nhận nhát búa đầu tiên.
Một buổi tối cuối tháng 1.1967, dưới ánh đèn dầu lập lòe, Tổng biên tập Kỳ Phương chủ trì họp cơ quan. Ông được cấp trên thông tin mật về trận càn sắp diễn ra. Với giọng nghiêm trọng, ông thông báo những việc cần chuẩn bị. Tất nhiên, việc của ngành tuyên huấn không phải là đánh nhau, mà là sơ tán khỏi vùng chiến sự. Hầu hết cơ quan sẽ sơ tán qua một khu rừng bên kia biên giới. Lần này, có chủ trương mới: mỗi cơ quan cử một nhóm “du kích”, trang bị vũ khí nhẹ, ở lại bám căn cứ, quấy rối quân chủ lực của Mỹ, trong khi chờ chủ lực quân giải phóng tổ chức phản công.
Nhóm “du kích” của báo Giải Phóng có năm người, không ai từng là lính. Vũ khí gồm một AK47, một CKC, một K54 và hai “súng chống tăng”: đó là hai khẩu súng trường K44 của Trung Quốc, mà “du kích” miền Nam gọi là “trường bá đỏ”, gắn quả đạn chống tăng trên đầu nòng, muốn bắn vào mục tiêu thì phải bắn cầu vồng từng phát một! Mỗi sáng, các nhóm “du kích” di chuyển ra chiến hào dọc trảng Cố Vấn, ngắm những đoàn xe tăng M113, M41 gầm rú, càn lướt, để lại những đám cây rừng bị chà nát như xác mía.
Xe tăng san phẳng phòng bá âm của đài phát thanh Giải Phóng, nên phải phát thanh nhờ đài Giải Phóng A ở Hà Nội; máy in của Nhà in Trần Phú bị trực thăng cẩu về triển lãm ở Sài Gòn, nên báo Giải Phóng đình bản, phải viết bài để phát thanh trên đài A. Bom Mỹ ném, xe tăng Mỹ bắn dồn dập hàng ngày trên cụm rừng căn cứ. Các nhóm biệt kích Mỹ tinh nhuệ, trang bị mạnh, sục sạo để tìm diệt Việt cộng. Tối đến, các “du kích” phải ngủ trong hầm, lại còn phải thay nhau thức để đề phòng biệt kích.
Một buổi chiều muộn giữa tháng 2, nhóm “du kích” của báo Giải Phóng rời chiến hào, về căn cứ, chuẩn bị bữa tối. Nguyễn Hồ, biên tập viên của báo, người đảng viên duy nhất và lớn tuổi nhất của nhóm, đang lục soạn mấy bản thảo trong hầm, thì nghe một tiếng nổ lớn phía nhà bếp. Anh chạy ra và muốn ngất đi: An Liêu, Dũng Thành, Hoàng Minh, ba người trong nhóm bị thương nặng, máu me tung tóe, đang nằm rên rỉ. Người thứ tư, Thanh Đông, họa sĩ tranh khắc gỗ của báo, bị thương nhẹ ở chân.
Đêm tối, giữa rừng sâu, không có điện và điện thoại, các cơ quan xa nhau hàng mấy cây số. Trang bị y tế chỉ có vài gói bông băng, cồn và thuốc đỏ; bệnh xá của Dân y miền ở bên kia biên giới, cách 3, 4 giờ đi bộ, lại phải qua sông. Làm gì đây? Anh kéo những người bị thương vào hầm, băng bó tạm, rồi ngồi chờ trời sáng.
Chợt có ánh đèn pin và tiếng người lao xao. May quá, không phải biệt kích mà là Hoàng Ngân cùng mấy “du kích” bên Nhà in Trần Phú qua bàn chuyện phối hợp. Họ có đông người, nên khiêng giúp ngay An Liêu, Dũng Thành, hai người nặng nhất, đi bệnh xá. Đến Bến Ra, trước khi qua sông, Dũng Thành thở hơi cuối cùng. Nhóm “du kích” chôn anh bên bờ sông. An Liêu, mất một chân, đưa đến bệnh xá thì chết, chôn ở xứ người.
Thanh Đông vết thương nhẹ, cùng Nguyễn Hồ ở lại với Hoàng Minh. Minh kêu đau quá, máu ra ướt đầm cả võng. Té ra, Minh có một vết thương ở lưng, bị thương nặng nhất mà không biết. Nguyễn Hồ thương Minh, rớt nước mắt, không biết làm sao cho Minh đỡ đau. Anh kể: “Tao ôm nó vào lòng, nói em ráng chịu, hay là em hát đi cho đỡ đau. Nó ráng hát lên. Nó chỉ biết bài Trừ Văn Thố. Hát xong thì lịm dần rồi đi luôn. Tao quấn nó bằng chiếc võng màu tím của chị Tư Duy Liên tặng hồi ở Củ Chi, chôn nó tại hầm chông bên đường mòn vào cơ quan. Tao cho nó quay đầu về hướng Tây, vì ba má nó đang ở Phnom Penh”.
Từ trái: Nguyễn Hồ, Thái Duy, Cao Kim, Thế Phiệt (chụp ở căn cứ báo Giải Phóng năm 1968). Ảnh: Tư liệu
Minh là con một gia đình Việt kiều khá giả ở Phnom Penh. Ba anh là cán bộ kinh tài của cách mạng. Năm 1965, anh đang học trung học thì tham gia kháng chiến. Khi đó báo Giải Phóng còn là một “B” trực thuộc cơ quan MTDTGP, thủ trưởng là Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Tôi gặp Minh năm 1965 đang làm rẫy của cơ quan, gần một sóc Miên. Hồi đó, các cơ quan kháng chiến có thông lệ: Nếu “tân binh” là người chưa hề lao động chân tay thì hải ra rẫy học trồng trọt, chăn nuôi vài tháng để “cải tạo lao động”.
Tôi nhớ chị Lan Khanh, con bác Huỳnh Tấn Phát, khi vào cơ quan cũng phải làm rẫy mấy tháng, sau đó được giao đánh máy chữ. Anh vồn vã với tôi, chắc nhớ thằng em út của anh ở nhà. Minh vui vẻ, tốt bụng. Mỗi lần má anh gửi đồ ăn, anh đều chia cho mọi người, một hai bữa là hết sạch. So với những bữa cơm độn khoai mì, rau chấm “mắm chao” (mắm cá tạp, rất mặn và nhũn như chao) hàng ngày của chúng tôi, món mắm ruốc xào thịt hay thịt kho tàu của má anh thực là “cao lương, mỹ vị”. Sau này, chúng tôi cử người quay lại căn cứ để tìm hài cốt, an táng cho Minh, thì hài cốt không còn. Cả nhà anh rất buồn. Có lẽ ai đó đã di dời anh về một nghĩa trang nào đó, và đặt cho anh một tấm bia “liệt sĩ vô danh”, như đã thấy nhiều nơi trên đất nước ta!
An Liêu quê Bạc Liêu, tập kết ra Bắc, tốt nghiệp đại học sư phạm rồi đi B, được cử về làm phóng viên báo Giải Phóng. Về cơ quan mấy ngày, anh đã rủ tôi đi đặt bẫy để có thịt ăn, và dạy tôi cách làm bẫy, thăm bẫy. Anh xuất thân nông dân, tướng tá đen đúa, kiểu người xốc vác, ghét nói nhiều. Anh về báo Giải Phóng cùng người yêu là chị Kim Oanh, cũng là giáo viên và vượt Trường Sơn về Nam như anh. Biết trước trận càn sẽ ác liệt, cơ quan tổ chức ăn Tết Ất Tỵ sớm hai tuần, kết hợp làm đám cưới cho anh chị. Sau đám cưới, chị đi sơ tán cùng cơ quan, anh ở lại, làm “du kích”.
Nguyễn Hồ kể: “Liêu rất hăng máu, cứ đòi bắn xe tăng. Cứ cho bắn trúng một chiếc, hàng chục chiếc còn lại bao vây, phản kích thì mình cũng tiêu. Tao phải cản mà nó cứ ấm ức”. Sau trận càn, chị Oanh trở thành góa phụ.
Từ trái: Nguyễn Hồ (thứ ba), Thái Duy (thứ tư), Cao Kim (thứ năm) tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và 56 năm thành lập báo Giải Phóng, do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, năm 2020. Ảnh: Thiên Điểu
Dũng Thành trạc hai mươi tuổi, quê Long An, đang làm thợ mộc ở Sài Gòn thì đi theo cách mạng. Anh hiền lành, lao động hết mình, có nụ cười móm xọm, ai cũng thương. Sau chiến tranh, chúng tôi không biết gia đình anh ở đâu. Về lại Bến Ra thì không tìm được mộ, chắc dòng sông lở bồi đã đưa anh về lại quê hương.
Trở lại với những người sống sót. Thanh Đông lành vết thương, sau giải phóng vẫn làm họa sĩ khắc gỗ. Anh bệnh nặng và chết sớm.
Nguyễn Hồ, khi hòa bình lập lại, làm nhiều nghề: nhà báo, biên kịch phim, rồi phó giám đốc đài truyền hình HTV trước khi nghỉ hưu. Bốn năm sau trận Junction City, năm 1971, anh cưới vợ là Minh Hiền, nữ phóng viên cùng cơ quan. Hiền quê xã An Phú, Củ Chi, vào chiến khu từ năm 1964, lúc 14 tuổi. Chị có sáu chị em gái thì năm người đi kháng chiến, người thứ sáu còn quá nhỏ nên chưa đi! Lúc đầu, chị xếp chữ chì cho nhà in, sửa lỗi bản in, sau này trở thành phóng viên.
Thất học hơn mười năm, hòa bình lập lại, chị ráng học xong đại học, rồi liên tục công tác xuất bản, báo chí. Cương vị cuối cùng là tổng biên tập báo Doanh Nhân Sài Gòn, cũng là người đề xuất Ngày Doanh Nhân Việt Nam 13.10. Minh Hiền sống sót qua Junction City và biết bao đạn bom của nhiều trận càn khác nữa cho đến ngày toàn thắng, nhưng bạo bệnh đã cướp chị đi khi mới 66 tuổi.
Sống sót qua Junction City còn có Phan Long, sau này là Phó Văn phòng Thành ủy. Ba của Long là chú Út Thiện, một cây bút trào lộng của báo Giải Phóng. Long đi sơ tán với cơ quan nên an toàn, nhưng Thạch, anh trai của Long thì ở lại trong nhóm “du kích” của nhà in Trần Phú. Thấy xe tăng gần quá, các anh bắn cháy một chiếc rồi rút chạy dưới giao thông hào. Thạch cầm AK, bắn yểm trợ cho anh em, nhưng bị địch phản kích, bị thương nặng rồi hy sinh. Mẹ Long công tác ở khu Sài Gòn - Gia Định, cũng hy sinh vì pháo địch năm 1965.
Mỗi lần họp mặt, hết nhắc chuyện xưa, rồi bàn chuyện nay. Nhắc chuyện xưa vì không thể quên, nói chuyện nay thì có vui, có buồn và có giận. Một người bạn kháng chiến thốt lên: “Xã hội bây giờ bị kim tiền chi phối không thua dưới chế độ cũ!”. Nói đến kim tiền, Nguyễn Hồ nhớ lại sau ngày 30.4.1975, anh được một cô bạn học dân Sài Gòn lái xe hơi chở anh đi tham quan thành phố. Đến quận 5, nhà cửa đông đúc, tiệm quán tấp nập, cô bạn chợt ái ngại thốt lên: “Các anh thắng Mỹ, nhưng không biết có thắng nổi thế lực kim tiền của đất Sài Gòn này không?”. Nguyễn Hồ giận run lên, nặng lời với cô bạn rồi bỏ về. Mỗi năm họp mặt, kể chuyện này, anh cứ ân hận, day dứt mãi, không gặp được người xưa ấy để nói lời xin lỗi về sự “cả tin” của mình.
Trong thư viện báo Giải Phóng, sách đựng trong các thùng dầu lửa 20 lít để dễ di chuyển, có một quyển tiểu thuyết tựa đề Những người chết còn trẻ mãi. Khi thấy tôi, lúc đó mới 13 tuổi, đọc quyển này, chú Kỳ Phương cười, hỏi: “Có hiểu gì không?”. Tôi trả lời: “Dạ, hiểu chút chút, thưa chú”. Vâng, những đồng đội đã chết của tôi sẽ còn trẻ mãi. Quan trọng hơn, họ sẽ còn mãi tình cảm trong sáng và niềm tin vẹn nguyên vào cách mạng, vào một xã hội tương lai tốt đẹp mà họ được hứa hẹn và mong muốn góp phần dựng xây khi kháng chiến thành công.
Tưởng nhớ họ, có khi chẳng cần lễ lộc, hoa lá, nhang đèn, mà chỉ cần nói thầm với họ: “Tụi tôi đang ráng sống để không phụ lòng mấy anh, chị”. Xe cộ rình rang, cờ phướn lập lòe, lời lẽ hùng hồn, khói nhang nghi ngút, nhưng làm những điều hại dân phản nước, hoặc chỉ lo vinh thân phì gia thì những người chết còn trẻ mãi ấy sẽ không tha thứ đâu!
Trương Trọng Nghĩa
*Bài viết đã đăng trên Giai phẩm Người Đô Thị Tết 2023