40 năm thăng trầm của sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục

 13:42 | Chủ nhật, 09/09/2018  0
Tiếng Việt Công nghệ giáo dục từng được khuyến khích mở rộng, nhưng sau bị dừng rồi lại được thực nghiệm trở lại.

Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS Hồ Ngọc Đại. Khác với sách giáo khoa truyền thống dạy chữ trước để đánh vần từ, tài liệu của ông Đại cho học sinh học về tiếng, phân tích cấu trúc ngữ âm rồi mới dạy chữ. Sách đặt mục tiêu đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bao giờ tái mù.

Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã có từ 40 năm trước. Ảnh: Quỳnh Trang

Năm 1978, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được đưa vào dạy ở trường Thực nghiệm Giảng Võ (nay là trường Thực nghiệm, Hà Nội) do GS Hồ Ngọc Đại sáng lập. Đến năm 1986, sách được Bộ trưởng Giáo dục lúc đó là bà Nguyễn Thị Bình khuyến khích các địa phương áp dụng, coi đây là giải pháp dạy học tiếng Việt do việc dạy môn này theo chương trình cải cách năm 1981 không khả quan. Khoảng 12 tỉnh thành đã dạy theo tài liệu của GS Đại, hơn 10 năm sau con số được nâng lên 43.

Đang trên đà mở rộng, năm 2000 Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục nói riêng và toàn bộ sách Công nghệ giáo dục nói chung bị dừng. Lý do Bộ Giáo dục triển khai chương trình, sách giáo khoa (chương trình hiện hành) và Luật Giáo dục quy định một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất trong cả nước.

Năm 2006, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho phép đưa trở lại thực nghiệm ở một số trường tiểu học, thông qua đề tài nghiên cứu cấp bộ là Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số.

"Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017, trên tinh thần tự nguyện của các địa phương", Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Hữu Độ trả lời báo chí ngày 8.9.

Được đánh giá là "hiệu quả" nhưng không triển khai đại trà

Cuối năm 2016, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, sau chất vấn của đại biểu Quốc hội. Kết quả đánh giá của Viện là "việc triển khai tài liệu ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan, thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên".

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả tài liệu dạy tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại, đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục tổ chức Hội đồng thẩm định cuốn sách, các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện tài liệu để đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Hội đồng quốc gia sau 2 vòng thẩm định (năm 2017, 2018) đi đến kết luận tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, theo quy định của Bộ Giáo dục.

"Thực tế cho thấy, tài liệu này đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đây chính là những điểm mạnh của Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục", PGS Bùi Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu dạy tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại trả lời ngày 27.8.

Được các đơn vị chuyên môn đánh giá có hiệu quả, nhưng phương pháp dạy học và sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục chưa một lần được triển khai đại trà. Ngược lại, sách nhiều năm bị đánh giá gây khó hiểu cho người dạy và học, bị nặng nề khi cho trẻ lớp 1 học kiến thức khoa học đang áp dụng với sinh viên đại học... Việc sách sử dụng những ví dụ về tiếng không có nghĩa, bài đọc có ngôn từ khiếm nhã như "mày - tao" bị chỉ trích.

Thời gian qua, dư luận phản ứng mạnh mẽ hơn khi mạng xã hội lan truyền video cô giáo ở Kiên Giang hướng dẫn cách đánh vần khác với truyền thống, phụ huynh xé sách vì con nhìn mặt chữ không đọc được nhưng chỉ vào các ô hình tròn, vuông... có thể đọc vanh vách bài thơ.

Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Hữu Độ ngày 8.9 phải lên tiếng, nêu quan điểm của Bộ về tài liệu dạy tiếng Việt gây tranh cãi. Ông đánh giá, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong năm học 2018-2019 chương trình chỉ được phép áp dụng ở những nơi đang triển khai, không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (năm học 2019-2020).

Khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cũng như những cuốn sách khác, chỉ được đưa vào trường học nếu có trong danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng Giáo dục phê duyệt, căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia.

Chủ biên cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục - GS Hồ Ngọc Đại khẳng định, tài liệu và phương pháp dạy tiếng Việt của ông sẽ "tồn tại vĩnh viễn". Lý do sách không được triển khai đại trà dù được thẩm định là hiệu quả, vì "lợi ích nhóm".

Quỳnh Trang

​​​​​​​

Nguồn theo vnexpress.net
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.