Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024:

Ẩm thực kết nối những câu chuyện nhân văn

 06:00 | Thứ hai, 09/12/2024  0
Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024 là dịp để tôn vinh ẩm thực đa dạng mà còn là cầu nối văn hóa, gắn kết con người khắp mọi quốc gia vượt qua mọi sự khác biệt. Điểm nhấn của chương trình là các hoạt động thiện nguyện giàu nhân văn, lan tỏa thông điệp ý nghĩa về tình người và giá trị cộng đồng, biến ẩm thực thành ngôn ngữ chung vượt qua mọi ranh giới.

Ngày 8.12, tại Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc (Hà Nội) đã diễn ra buổi khai mạc Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024. Đây là sự kiện thường niên do Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Cục Lễ tân Nhà nước, Vụ Thông tin và Báo chí, Báo Thế giới và Việt Nam cùng các cơ quan của Bộ ngoại giao tổ chức.

Với hơn 130 gian hàng ẩm thực đa quốc gia, sự kiện không chỉ khiến người dân các nước gắn kết qua ẩm thực mà còn là nơi bạn bè năm châu giao lưu văn hóa. Đặc biệt, sự kiện còn diễn ra các hoạt động ẩm thực với mục đích thiện nguyện của nhóm Thiện nguyện chia sẻ - Sharing đầy nhân văn.

Khai mạc sự kiện Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024.


Ẩm thực – ngôn ngữ chung kết nối toàn cầu

Phát biểu trước thềm khai mạc sự kiện, bà Vũ Thị Bích Ngọc, Phu nhân Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho biết: “Từ năm 2014, sự kiện Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024 đã trải qua 11 lần tổ chức thành công, tạo nên thương hiệu của chương trình này. Với chủ đề “Gastronomy of unity - Ẩm thực kết nối”, sự kiện năm nay không chỉ tôn vinh ẩm thực đa dạng, phong phú trên toàn cầu mà nhấn mạnh ẩm thực là ngôn ngữ chung, nơi con người tìm thấy sự gắn kết dù đến từ nhiều nền văn hóa khác biệt.

Sự kiện có sự tham gia của hơn 40 đại sứ quán, hơn 130 gian hàng, không chỉ chia sẻ những điều tinh túy của ẩm thực mà còn lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp trên thế giới”.

Bà Vũ Thị Bích Ngọc, Phu nhân Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, phát biểu tại sự kiện.


Liên hệ từ giao lưu ẩm thực tới giải quyết vấn đề cấp thiết toàn cầu, Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, đây là  cơ hội nâng cao hợp tác quốc tế để cùng hướng về những thách thức của thế giới như biến đổi hệ thống nông nghiệp, ô nhiễm môi trường: “Thông qua sự kiện, các bạn sẽ bắt gặp những người nông dân sử dụng phương thức canh tác nông nghiệp bền vững, người đầu bếp tạo ra bếp ăn không rác thải, ưu tiên đóng gói thức ăn bằng vật liệu thân thiện với môi trường”.

Sự kiện có sự góp mặt của hơn 60 quốc gia trên thế giới. Tại đây, người tham quan dễ dàng bắt gặp những món ăn độc đáo cho tới màn trình diễn món ăn ấn tượng, cùng với những người bán hàng vận trang phục truyền thống. Những gian hàng không chỉ có đặc sản mà còn trưng bày những đồ vật mang đậm bản sắc văn hóa đất nước. Tới quầy ẩm thực của nước Nga, du khách không chỉ thấy rượu vodka, bánh bliny nhân táo, salad Nga… mà còn chiêm ngưỡng búp bê Nga nhiều cỡ, đồ chơi truyền thống của trẻ em Nga như “treschetka” (thì tùng), “svistok” (tu huýt).

Đặc biệt, sau khai mạc, bà Ngô Phương Ly, Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm; Bà Vũ Thị Bích Ngọc, Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; cùng các nhà ngoại giao đã tham quan, trải nghiệm và thưởng thức nhiều món ăn quốc tế: Thái Lan, Singapore, Lào, Malaysia, Indonesia… Sự kiện còn diễn ra các hoạt động như trình diễn cổ phục Việt Nam, biểu diễn âm nhạc truyền thống của các nước trên thế giới.

Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai giới thiệu thức uống truyền thống trà kéo “Teh tarik” của nước Malaysia với Phu nhân Ngô Phương Ly và các đại biểu, khách tham quan. Điểm đặc biệt của thức uống này là có màn trình diễn “kéo” trà điêu luyện của người pha chế.


Ngoại giao công chúng thông qua ẩm thực: từ khác biệt tới điểm chung

Trò chuyện riêng với phóng viên Người Đô Thị, ông Gaman Oleksandr, Phó Đại sứ Ukraine tại Việt Nam, cho rằng Liên hoan Ẩm thực 2024 là một nơi và cơ hội tuyệt vời để bạn bè Việt Nam biết đến văn hóa Ukraine. Đây là lý do chính tại sao Đại sứ quán Ukraine tham gia, để nhằm giới thiệu văn hóa Ukraine, ẩm thực Ukraine tới bạn bè Việt Nam và các quốc gia khác.

Ông Gaman Oleksandr nhấn mạnh thực sự tin rằng ngoại giao công chúng là vô cùng quan trọng, bởi vì nhiều khi không phải lúc nào cũng dễ dàng truyền đạt ý tưởng tới giới chức cấp cao, nhưng rất dễ chạm tới quần chúng thông qua thức ăn, truyền thống, thủ công, để thể hiện rằng Ukraine có lịch sử quốc gia hơn nghìn năm.

Ông Gaman Oleksandr, Phó Đại sứ Ukraine tại Việt Nam ở gian hàng ẩm thực Ukraine.


Ông Gaman Oleksandr hào hứng giới thiệu thêm về món ăn của đất nước mình: “Những người bạn Việt Nam nếu được nếm món ăn Ukraine hẳn sẽ rất thích. Món Borscht, súp bò Ukraine đã có lịch sử hàng nghìn năm. Và giờ đây ở gian hàng này, chúng tôi vẫn làm món này, đó là di sản văn hóa của Ukraine. Đây nữa, món Varenyky rất lâu đời, một kiểu ‘há cảo’ của Ukraine có nhân khoai tây ở bên trong. Chúng tôi cũng làm món thịt nướng đặc biệt, cà chua, dưa muối. Chúng tôi hi vọng người Việt Nam sẽ thích từ món ăn, nụ cười cho tới con người Ukraine”.

Nói về mối quan hệ giữa ẩm thực Ukraine và Việt Nam, ông Gaman Oleksandr cho rằng vấn đề không ở chỗ khác biệt mà vì những điểm chung: “Món ăn Ukraine đặc biệt ở chỗ sử dụng loại rau khác nhau, do đó hương vị của nó cũng khác với rau trồng ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc mang món ăn của Ukraine tới mảnh đất Việt Nam là tìm điểm chung và thúc đẩy quan hệ giữa hai văn hóa. Điều này giống như tạo ra cơ hội được nếm món ăn Ukraine và đồng thời sáng thức dậy ăn món ăn Việt Nam, từ đó chúng ta thấy điểm chung về văn hóa. Tôi thấy văn hóa hai nước rất hòa hợp, điều đó có nghĩa chúng ta đang sống hạnh phúc”.

Món ăn truyền thống “Kuushur” của người Mông Cổ.

Món cơm chấm muối của người Huế, thời xưa chỉ được sử dụng trong không gian cung đình. Các nghệ nhân sử dụng nguyên liệu tự nhiên, lấy cơm đồ với lá cẩm, hạt gấc, gạo lứt; có thể chấm ăn với nhiều loại muối như muối mè đậu, muối rong biển, muối làm từ bưởi…

Món cuốn diếp đoạt giải hội thi “Nhà ngoại giao trổ tài cuốn diếp”.


Kết nối những câu chuyện nhân văn

Trong khuôn khổ sự kiện Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024, phóng viên cũng đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Tranh, Trưởng nhóm Thiện nguyện Chia sẻ - Sharing. Bà Tranh là một trong những thành viên đầu tiên, cùng với bà Mai Thị Hạnh, Nguyễn Thế Thanh, Huỳnh Bích Ngọc… sáng lập Nhóm nhằm thực hiện công tác thiện nguyện. Các thành viên của Nhóm Sharing trưng bày và bán các món ăn Nam bộ, trong đó có các số báo của Tạp chí Người Đô Thị nhằm gửi toàn bộ số tiền cho Ban tổ chức quyên góp người có hoàn cảnh khó khăn.

Tổng số tiền Nhóm Sharing đóng góp cho quỹ hoạt động thiện nguyện của Bộ Ngoại giao trong khuôn khổ Liên hoan năm nay là 501.999.000 đồng.

Doanh nhân Huỳnh Bích Ngọc, Phó chủ tịch thường trực, Tổng Giám đốc Tập đoàn TTC, đại diện nhóm Thiện nguyện chia sẻ - Sharing, ủng hộ 200 triệu đồng tới Ban tổ chức để giúp đỡ các vùng khó khăn.


“Tôi và Nhóm Sharing có nhiều kỷ niệm đáng nhớ lắm, trong đó là năm 2021 khi cả nước đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Hồi đó, TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, rất đau thương. Nhiều đêm chúng tôi khóc với nhau nhưng rồi lại cùng nhau tiếp thêm sức mạnh. Nhóm Sharing đã quyên góp 120 tỉ đồng để mua trang thiết bị y tế tặng bệnh viện. Rồi mua máy thở, bình ô xi đặt tại sân bệnh viện để người bệnh tiếp tục chống chọi, vì thời điểm đó phòng cấp cứu không còn chỗ.

Chúng tôi cũng làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, đặc biệt là ở chùa Vĩnh Nghiêm mở ra bếp ăn từ thiện phục vụ cho nhân dân, nhưng là đồ ăn mặn. Nhiều phật tử cũng có ý kiến em ngại, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác vì phải nấu đồ ăn sao cho đủ chất bổ dưỡng tiếp sức người bệnh và y bác sĩ. Suốt 6 tháng như thế”, vừa nói bà Tranh vừa lau nước mắt.

Bà Nguyễn Thị Tranh (thứ 4 từ trái qua) chụp ảnh với Nhóm Thiện nguyện Chia sẻ - Sharing.

Nhóm Thiện nguyện Chia sẻ - Sharing chụp ảnh tại sự kiện.


“Kỷ niệm thứ hai là đi cứu trợ bão lũ, chúng tôi đi hết 6 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, tặng gần 40.000 áo phao cho ngư dân. Nhiều nơi ngập tới đầu gối nhưng chúng tôi vẫn cố gắng lội vô”, bà Tranh nói.

Từ đó, những thế hệ sau của nhóm Thiện nguyện Chia sẻ - Sharing cứ tiếp tục gia nhập, bây giờ có tới 200 thành viên: “Vui lắm, có những đôi nên duyên từ Nhóm. Bây giờ có thế hệ thứ 3 là gen Z, là thế hệ nòng cốt, từ khiêng vác hàng hóa cho tới giúp đỡ cho người lớn tuổi. Nhóm vậy mà thương nhau lắm, cứ gọi là có mặt”, bà Tranh vui vẻ chia sẻ.

Sự kiện Liên hoan Ẩm thực Quốc tế 2024 kết thúc nhưng vẫn để lại nhiều dư âm. Về món ăn, về văn hóa và hơn cả là tình người chất chứa. Dẫu chỉ là ẩm thực thôi mà có thật nhiều chuyện để kể...

Bài: Minh Trang - Ảnh: Anh Duy

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Nhà hàng Chillhouse Bình Khánh Tủ cơm công nghiệp sản xuất giá rẻ

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.