Chủ đề của Diễn đàn tập trung vào ba lĩnh vực xuyên suốt gồm kinh tế - thương mại – công nghệ, với mục tiêu phát triển bền vững trong một thị trường cạnh tranh bất định.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), doanh nghiệp đang đứng trước bốn thách thức đáng kể. Một, sức mua toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm từ Covid-19 ở cả những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu lẫn thị trường nội địa. Hai, khó chồng thêm khó khi tiêu chuẩn xanh vẫn tiếp tục được nâng cấp. Những hàng rào kỹ thuật gây thêm áp lực cho những nhà xuất khẩu. Ba là hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường. Bốn là sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng, chuyển qua mua hàng trực tuyến.
“Bối cảnh mới mang đến thách thức nhiều hơn là cơ hội đối với doanh nghiệp trong nước”, bà Hạnh nhận định.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ tại cuộc họp báo về Diễn đàn Mekong Connect 2024.
Theo Ban tổ chức, rút kinh nghiệm từ những năm trước, nhiều hoạt động như tọa đàm, hội thảo chuyên sâu sẽ diễn ra trước ngày khai mạc chính thức. Chẳng hạn như 5 buổi huấn luyện cho doanh nghiệp livestream bán hàng hiệu quả và một hội thảo tiền Mekong vào sáng 14.12 tại Vĩnh Long.
Về phía chủ nhà, ông Hồ Văn Mừng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết diễn đàn là cơ hội để An Giang quảng bá tiềm năng của mình, đồng thời là cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng. Nhìn về 2030, An Giang tập trung vào ba mũi nhọn gồm du lịch, nông nghiệp và kinh tế biên mậu.
Ngày 4.12 vừa qua, UNSECO công nhận Lễ hội vía bà chúa Xứ núi Sam là di sản phi vật thể của nhân loại. Đây là lợi thế riêng có để An Giang phát triển du lịch tâm linh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, An Giang đón 7 triệu lượt khách du lịch, doanh thu khoảng 8.000 tỉ đồng.
Mũi nhọn thứ hai là phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn, giảm phát thải với mục tiêu đưa An Giang trở thành trung tâm sản xuất lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long, cũng như khai thác lợi thế về nước ngọt cung cấp bởi sông Tiền và sông Hậu phát triển ngành nuôi cá, rau màu, cây ăn trái…, tăng cường chế biến tinh, đồng bộ theo định hướng khép kín từ nguyên liệu đến thành phẩm.
Quang cảnh cuộc họp báo giới thiệu về Diễn đàn Mekong Connect 2024 với chủ đề "Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long - TP.HCM và cả nước, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới".
Với 100km đường biên giới giáp Campuchia, An Giang được quy hoạch 3 khu vực kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích 30 ngàn ha có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó một số phân khu chức năng phát triển thương mại – dịch vụ - logistics và sản xuất công nghiệp đã sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu và khai thác.
Diễn đàn Mekong Connect 2024 do UBND tỉnh An Giang và UBND TP.HCM đồng tổ chức, với sự đồng hành của UBND các tỉnh thành Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long
Mekong Connect 2024 với sự bảo trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Các đơn vị trực tiếp phối hợp thực hiện là: Sở Công thương TP.HCM, Sở Công thương An Giang, Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, VCCI Đồng bằng sông Cửu Long, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC).
Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) là đơn vị điều phối Diễn đàn.
T.Tùng