Ông Lê Minh Hoan, Bí Thư tỉnh Ủy tỉnh Đồng Tháp (bên trái), ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang (bên phải).
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thiên nhiên ưu đãi, phù sa màu mỡ, hợp với sinh trưởng của cây lúa, chỉ với 1,6 triệu ha, ĐBSCL chiếm đến 50% sản lượng lúa gạo của cả nước, chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu, và vì thế mà cây lúa vùng ĐBSCL cũng vinh dự mang trọng trách gánh vác an ninh lương thực!
Ông Lê Minh Hoan, Bí Thư tỉnh Ủy tỉnh Đồng Tháp, cho biết những ngày qua, bên cạnh thông tin về dịch Covid-19, chủ đề được bàn luận nhiều nhất ở ĐBSCL có lẽ là những thông tin liên quan đến việc tạm dừng xuất khẩu gạo từ Chính phủ và các bộ ngành, "dù tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có chuyển động, nhưng cây lúa, hạt gạo vẫn đang là cứu cánh của hàng triệu hộ nông dân", ông Hoan nói.
Mỗi vụ mùa là âu lo, khoắc khoải về năng suất, sản lượng, giá cả. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả chịu nhiều tác động dây chuyền bởi thông tin. Mùa này, theo tình hình chung được lãnh đạo và các doanh nghiệp trong vùng cho thấy, ĐBSCL được mùa dù có nơi này nơi kia bị hạn, mặn. Giá cả mới cách đây vài hôm, khi chưa có thông tin về tạm ngưng xuất khẩu gạo, đã làm bà con nông dân phấn khởi. Nhưng rồi bỗng chốc rơi vào trầm lắng, lo âu khi lúa tồn trữ đang nhiều và vẫn còn nhiều địa phương chuẩn bị thu hoạch.
"Dịch bệnh lây lan trên khắp thế giới, nhiều quốc gia cũng bắt đầu có khuynh hướng tạm ngưng xuất khẩu để đảm bảo anh ninh lương thực, phòng khi bất trắc xảy ra và dịch bệnh kéo dài. Ban đầu, theo số liệu sơ bộ trong mùa vụ này thì mừng vì ĐBSCL vẫn đủ khả năng, vừa xuất khẩu, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Vấn đề an ninh lương thực hiện nay đã có nhiều quan niệm khác với 10 năm trước đây", ông Hoan nói.
Rõ ý hơn về quan niệm khác với 10 năm trước đây này, ông Hoan lý giải thêm, an ninh lương thực không chỉ ở sản lượng gạo mà còn bao gồm những loại lương thực, thực phẩm khác. Đồng thời không chỉ là sản xuất ra nhiều mà còn chú ý đến khâu phân phối, không tạo ùn tắc cục bộ, ngay thị trường trong nước.
“ĐBSCL đang tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, trong đó nhất quán với chủ trương chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, ông Hoan cho biết.
Với tư duy đó, không chỉ chú trọng đến yếu tố sản xuất mà còn là yếu tố kinh doanh, lấy phân phối, trong đó có xuất khẩu, để kích thích sản xuất, từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, kể cả khi xảy ra dịch bệnh. Người dân, doanh nghiệp ĐBSCL đang trông chờ vào quyết sách đúng đắn, phù hợp, không lặp lại tình hình như năm 2008, để người nông dân nhận được tương xứng với công sức và tiền của bỏ ra trong cả mùa vụ.
Còn theo ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, vấn đề an ninh lương thực đã được đề cập rất lâu đời. Đây là cách làm đơn giản nhất nhưng dễ gây tổn thương cho nông dân nhất. Chính phủ cần phải có một chính sách an ninh lương thực riêng mà không thể để nông dân phải gánh.
“An ninh lương thực là trách nhiệm của Chính phủ và Chính phủ phải làm bằng các công cụ có trong tay, như: chính sách, pháp luật, hành chính, kinh tế và tiền tệ chứ không thể đơn giản khi cần thì ra lệnh cấm xuất khẩu gạo với lý do an ninh lương thực, như vậy là không ổn! Từ khi có lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo giá lúa gạo trên thị trường đã tuột dốc, trong khi đó, một số tỉnh ĐBSCL vẫn còn đang thu hoạch lúa Đông Xuân, việc tạm ngưng xuất khẩu gạo là trực tiếp gây khó cho người nông dân trồng lúa”, ông Nhị nói.
Theo tinh thần cuộc họp chiều ngày 26.3, do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì với lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL và 20 Doanh nghiệp xuất khẩu gạo có kim ngạch xuất khẩu lớn. Tại đây, hầu hết 13 tỉnh đồng bằng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp tham dự đều nhất loạt kiến nghị Chính phủ cho xuất khẩu lại, bởi lượng lúa gạo ở ĐBSCL vẫn đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu.
Vẫn theo ông Nhị, câu chuyện này có nhiều vấn đề, trước nhất là quan điểm tư tưởng của Chính phủ và của những người điều hành, phải thấy rằng lợi ích của Quốc gia phải được phân bổ đồng đều, chúng ta không thể bắt nông dân gánh cho quốc gia, phần lớn họ lại là nhóm yếu thế trong xã hội.
Thứ hai, đất đai của chúng ta rất dễ làm ra lúa gạo, qua 4 tháng là thu hoạch vụ lúa mới. Trước giờ vẫn vậy, cho nên cần phải bình tĩnh xem xét.
Thứ ba, ông Nhị đề nghị Chính phủ rất cần lưu tâm, từ ngày đổi mới nhân dân ở ĐBSCL nghèo vẫn cứ nghèo, rồi đây tình trạng ngập mặn, nước biển sẽ dâng lên khiến người nông dân sẽ bị “chìm” trước khi cánh đồng châu thổ này bị chìm xuống biển. 18 triệu nông dân đồng bằng sẽ chạy về các KCN Đồng Nai, Bình Dương để kiếm sống, khi đó Chính phủ sẽ phải xử lý như thế nào?
“Tôi đã từng làm ở địa phương An Giang mấy chục năm và điều hành vấn đề lúa gạo ít nhất là 10 năm với tư cách là người chủ chốt. Tôi thấy vấn đề điều hành sản xuất và lưu thông lúa gạo rất đơn giản, khi tới mùa lúa thu hoạch rộ sẽ xuống giá, lúc đó Chính phủ tung tiền ra mua lúa dự trữ, qua thu hoạch rộ giá lúa sẽ tăng trở lại. Vấn đề đang rất đơn giản mà tại sao chúng ta làm cứ phức tạp?”, ông Nhị đặt vấn đề.
Hàng năm Tổng Cục dự trữ quốc gia (Tổng cục) đều mở thầu để các doanh nghiệp đấu thầu cung cấp 190.000 tấn gạo IR 50404 cho dự trữ quốc gia. Năm 2020, Tổng cục đã tổ chức đấu thầu xong, đã có công ty trúng thầu, tuy nhiên, vào thời điểm bỏ thầu, giá gạo IR 50404 trên thị trường thấp, sau khi trúng thầu giá gạo lại tăng nên doanh nghiệp này chần chừ không tiến hành ký hợp đồng giao gạo cho Tổng cục, đến nay Tổng cục vẫn chưa có gạo trong kho.
Một doanh nghiệp nói thẳng tại hội nghị chiều 26.3, do Bộ Công Thương tổ chức, rằng: “Rất nhiều lần chúng tôi muốn tham gia đấu thầu dự trữ quốc gia nhưng không được, chỉ có một vài doanh nghiệp có ưu thế mới được tham gia đấu thầu!”
Theo Tổng cục, có khả năng phải tổ chức đấu thầu lại, và Ngân sách Nhà nước phải chi thêm một khoản vì gạo IR là 504 dành cho tạm trữ trên thị trường đang khan hàng.
Quang Trí