Gần đây có hai sự kiện trong lĩnh vực giáo dục thu hút sự quan tâm của dư luận. Thứ nhất là việc ban hành công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về “Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường”. Thứ hai là các đề thi tuyển sinh môn ngữ văn, lịch sử vào lớp 10 của các trường trung học phổ thông đặc biệt là trường chuyên ở các địa phương. Hai vấn đề này tưởng chừng như độc lập không liên quan gì đến nhau nhưng thực chất chúng gắn bó chặt chẽ với nhau và đều có liên quan đến một vấn đề quan trọng mang tính chất sống còn của giáo dục nước ta nhưng ít người nhận ra là “Thực tiễn giáo dục của giáo viên”.
Phía sau “giáo án mẫu”
Sau hơn 6 tháng Bộ GD&ĐT công bố Công văn 5512/B BGDĐT-GDTrH do thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký (18.12.2020), dư luận đã phản ứng mạnh mẽ. Trước sức ép của dư luận, Vụ trưởng vụ Trung học phổ thông Nguyễn Xuân Thành đã phải đăng đàn giải thích về mục đích, nội dung công văn. Một số người còn yêu cầu bộ giáo dục phải cầu thị thu hồi công văn đó. Các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cảm thấy bất cập và băn khoăn với việc soạn giáo án theo mẫu mà Bộ giáo dục và đào tạo đưa ra trong phần phục lục đi kèm trong công văn này.
Công văn này nêu rõ “Căn cứ vào kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo khung kế hoạch giáo dục của giáo viên tại phụ lục III); trên cơ sở đó xây dựng các kế hoạch bài dạy để tổ chức dạy học (theo khung kế hoạch bài dạy tại phụ lục IV)”.
Việc quan cứ giấy! Công văn trên ghi rõ như vậy với phụ lục phụ lục đính kèm vô cùng chi tiết và có cả ví dụ minh họa cho một, hai môn học như ngữ văn, tin học. Chính vì vậy mà cho dù Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông Nguyễn Xuân Thành có giải thích thế nào đi nữa, giáo viên vẫn cảm thấy bất an. Đơn giản vì chỉ có một số ít cán bộ quản lý đọc bài phỏng vấn vụ trưởng nhưng cán bộ nào cũng nhận được tờ công văn trên để triển khai và trong khi làm việc thì nó sẽ là căn cứ để thi ành, áp dụng. Các giáo viên ở trường phổ thông vốn phải gánh chịu sự can thiệp rất sâu và thường xuyên từ các cơ quan hành chính giáo dục hẳn rất thấm việc này. Chính vì vậy mà họ đã kêu than và lên tiếng.
Công văn được kí và ban hành từ 18.12.2020 nhưng sau hơn nửa năm thực hiện tiếng nói của giáo viên mới nổi lên chứng tỏ một điều giáo viên hoàn toàn không phải kêu than từ cảm tính. Trong thực tế khi thực thi họ đã vấp phải nhiều trở ngại và đối mặt với nguy cơ từ phía quản lý.
Thực tiễn giáo dục còn phụ thuộc cá tính, khả năng sáng tạo của giáo viên. Ảnh: CTV
Đây không phải là một sự vụ lẻ tẻ. Nếu để ý quan sát ta sẽ thấy có rất nhiều động thái chỉ đạo can thiệp vào chuyên môn của Bộ GD&ĐT đã bị giáo viên phản ứng gay gắt chẳng hạn như là chuyện quy định “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa” trong Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành năm học 2017 - 2018.
Việc cơ quan quản lý giáo dục, nhất là cơ quan quản lý cấp trung ương trực tiếp can thiệp vào nội dung dạy học của giáo viên ở hiện trường (trường học) là điều tối kỵ trong nguyên lý vận hành của nền giáo dục hiện đại. Trên thế giới từ lâu các nhà lý luận giáo dục đã nêu rõ cơ quan hành chính giáo dục phải chuyển từ kiểm soát, giám sát, quản lý sang tư vấn và trợ giúp bởi vì sứ mệnh của hành chính giáo dục hiện đại là tạo điều kiện tốt nhất, môi trường tốt nhất cho các hoạt động giáo dục ở trường học diễn ra suôn sẻ và đạt được mục tiêu giáo dục đã được luật hóa. Khi vận hành giáo dục bằng tư duy quản lý, người giáo viên và các trường sẽ cố gắng để “không sai” để không bị trừng phạt thay vì “nỗ lực đổi mới” để tiến lên. Tâm lý con người không ai muốn bị người có quyền lực soi mói và trừng phạt vì vậy dưới áp lực quản lý và sự can thiệp sâu vào công việc chuyên môn, giáo viên sẽ chọn giải pháp an toàn là nhất nhất làm theo khuôn mẫu cho dù nó vô lý. Kết quả là giáo dục bị kéo tụt lùi.
Những động tác can thiệp vào chuyên môn giáo viên ở hiện trường nói trên của Bộ GD&ĐT mâu thuẫn với chính tinh thần của Luật Giáo dục và chủ trương cải cách thường được nhấn mạnh là tôn trọng sự sáng tạo, chủ động của giáo viên. Thú vị và đáng chú ý hơn là nó mâu thuẫn ngay mới mục đích tốt đẹp được nêu ra trong phần đầu của công văn như “Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình”.
Các đề thi yêu cầu “đi tìm đáp án đúng trong sách giáo khoa”
Khi hành chính giáo dục nặng về quản lý, giám sát và các cơ quan quản lý giáo dục có thể thoải mái can thiệp sâu vào chuyên môn của giáo viên thì chuyện giáo dục biến thành “luyện thi”, trường học biến thành “trung tâm luyện thi” và giáo dục biến thành trò chơi “đi tìm đáp án đúng trong sách giáo khoa” là dễ hiểu. Tất cả sẽ phải hi sinh để thỏa mãn các tiêu chí định lượng mà phía nhà quản lý đưa ra.
Khi giáo viên vướng phải cơ chế, môi trường không thể sáng tạo, sách giáo khoa sẽ là cái “phao” cứu sinh cho tất cả. Dạy gì, học gì đi nữa cũng không ngoài sách giáo khoa. Từ tư duy, tầm nhìn, cho đến dữ liệu thông tin, các vấn đề đặt ra đều không ra khỏi đường biên của sách giáo khoa. Đây là một điều thật sự vô lý xét ở cả khía cạnh lý luận, tư duy và thực tiễn. Về mặt pháp lý, sách giáo khoa không phải là “pháp lệnh” như chương trình.
Thêm vào đó, hiện tại nhà nước cũng thừa nhận cơ chế “một chương trình nhiều sách giáo khoa” với sự tồn tại của nhiều bộ sách cho giáo viên và học sinh lựa chọn. Điều đó có nghĩa là “chân lý” trong sách giáo khoa là tương đối và sách giáo khoa thực chất chỉ là một trong những tài liệu tham khảo chủ yếu. Tác giả sách giáo khoa cũng chỉ là một nhóm với tầm nhìn tư duy, trình độ có giới hạn và sách giáo khoa có đặc điểm cố hữu là nhanh chóng lạc hậu với thực tiễn vì quy trình biên soạn, xuất bản tốn thời gian.
Khi giáo viên vướng phải cơ chế, môi trường không thể sáng tạo, sách giáo khoa sẽ là cái “phao” cứu sinh cho tất cả. Dạy gì, học gì đi nữa cũng không ngoài sách giáo khoa.
Khi tư duy, tầm nhìn, thông tin, cách tiếp cận vấn đề không ra khỏi sách giáo khoa thì các đề thi mọi cấp đương nhiên cũng không thể đi ra khỏi cái đường biên hiểm trở ấy. Các đề thi văn, thi sử vào các trường trung học phổ thông kể cả trường chuyên được công bố trên mạng cho thấy loanh quanh cũng chỉ thử thách khả năng ghi nhớ nội dung sách giáo khoa của học sinh. Có đề nào đi ra khỏi sách giáo khoa một chút thì lại tối mò hoặc ngờ nghệch kiểu đặt học sinh vào “nước sôi”. Giản lược hóa nội dung và nghèo hóa thông tin là một đặc điểm cố hữu của lối giáo dục truyền giảng tri thức một chiều với giờ học hàng loạt ở các nước chậm tiến về giáo dục. Điều này sẽ trở nên trầm trọng hơn khi cơ chế hành chính giáo dục mang tính tập quyền.
Vì vậy, những công văn can thiệp quá sâu vào chuyên môn của giáo viên và tính “tự trị” của các trường học như công văn 5512 nói trên là tiền đề trực tiếp tạo ra hệ quả là các đề thi “đi tìm đáp án đúng trong sách giáo khoa”.
Thiếu thực tiễn giáo dục không thể phát triển
Trên thực tế, hai vấn đề nói trên là biểu hiện của một vấn đề nghiêm trọng hơn và quan trọng hơn rất nhiều là vấn đề “thực tiễn giáo dục của giáo viên”. Thuật ngữ “thực tiễn giáo dục” ở Việt Nam thường được hiểu như là một phạm trù trái ngược với lý thuyết hay lý luận và chỉ toàn bộ những gì diễn ra trong thực tế của một nền giáo dục. Tuy nhiên, ở nước ngoài như Nhật Bản, thực tiễn giáo dục ở nghĩa phổ biến được hiểu là tất cả những gì giáo viên tiến hành trong thực tế lớp học để hướng dẫn học sinh học tập đạt được mục tiêu giáo dục đã đề ra.
Trong thực tiễn giáo dục này, giáo viên là người chủ động từ mục tiêu, nội dung tới phương pháp. Vì vậy họ quan niệm giáo viên là một “nhà thực tiễn” và các thực tiễn giáo dục mang đậm cá tính, sự sáng tạo của giáo viên đó thường được đặt tên theo tên của người thực hiện nó ví dụ “thực tiễn Tanaka Yoshitaka”, “thực kiễn Kato Kamiaki”, “thực tiễn Kawasaki Kayoko”. Các cuốn từ điển giáo dục của nước Nhật đều ghi lại và giải thích tường tận về các thực tiễn giáo dục mang tên người thực hiện từ khi có giáo dục cận-hiện đại (thời Minh Trị) đến nay.
Thực tiễn giáo dục đó là một con đường sáng tạo và độc lập (tương đối) mà giáo viên đã đi xen giữa chỉ đạo chương trình, sách giáo khoa của Bộ giáo dục, các nhà xuất bản-tác giả với tình hình thực tiễn của địa phương, tình hình thực tế của học sinh và tầm nhìn, năng lực của chính giáo viên. Nó vừa đảm bảo tính thống nhất với mục tiêu giáo dục (đã được luật hóa) vừa có tính sáng tạo và uyển chuyển. Chính vì vậy mà nền giáo dục có sự phong phú riêng, có những ngôi trường có triết lý-phong cách riêng và có các giáo viên, học sinh sáng tạo.
Học sinh Nhật Bản tham gia chuyến dã ngoại và học tập lịch sử tại bảo tàng ở Kyoto (Ảnh được chụp sau khi nhận được sự đồng ý của giáo viên dẫn đoàn cũng như nhân viên phụ trách bảo tàng). Ảnh tư liệu: Trung Dũng
Trong khi đó ở Việt Nam, do nhiều yếu tố như giáo dục khoa cử phong kiến và giáo dục thời chiến kéo dài, hành chính giáo dục tập quyền, cơ chế một chương trình-một sách giáo khoa được duy trì quá lâu, cho nên cả cơ quan quản lý và giáo viên đều không có ý thức sâu sắc về “thực tiễn giáo dục”. Giáo viên không cảm thấy việc “không có thực tiễn giáo dục” là bất thường vì không có trải nghiệm tham chiếu.
Chính vì vậy mà trong thời gian dài gần một thế kỉ, giáo dục chúng ta đã không có “thực tiễn”. Nếu nghiên cứu giáo dục Việt Nam người ta sẽ rất khó biết được trong các khoảng thời gian nhất định giáo dục trong thực tiễn ở Việt Nam thế nào, giáo viên đã tiến hành xây dựng nội dung giáo dục, xác lập mục tiêu và thực hiện để đạt được mục tiêu đó ra sao. Nghĩa là đã có những thực tiễn giáo dục nào. Ngay cả hiện tại trên sách, báo, các diễn đàn giáo viên ta thường chỉ thấy giáo viên công bố tư liệu dạy học, giáo án, kết quả đạt được chứ không có công bố “thực tiễn giáo dục” điều mà ở nước ngoài là phổ biến.
Nếu ta lấy giáo án của giáo viên, vở của học sinh và các bài kiểm tra của một môn học nào đó, cùng khối lớp ở 1.000 điểm trường trên cả nước ta và so sánh ta sẽ kinh ngạc khi thấy sự giống nhau và “đồng phục về tư duy, cách thức tiến hành” của chúng. Ý thức về một con đường riêng tạo ra “thực tiễn giáo dục” ở giáo viên rất mờ nhạt trong khi bản chất của đổi mới giáo dục sẽ nằm ở các thực tiễn giáo dục. Mọi cái mới, mọi cái hay trong chính sách cải cách giáo dục phải được vật chất hóa thành thực tiễn giáo dục. Sự tích lũy của thực tiễn giáo dục sẽ tạo ra tính chuyên nghiệp của nghề giáo, sự lành nghề của giáo viên và giúp cho giáo dục có được “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Không có thực tiễn giáo dục thì mọi thứ sẽ mãi mãi chỉ là “giả” nếu không phải là “giả dối” thì cũng chỉ là “giả thuyết” hoặc cùng lắm là “giả lập” - mô phỏng
Muốn tạo ra các thực tiễn giáo dục và nâng tầm các thực tiễn giáo dục đó ngày một tốt, ngày một cao thì nhà nước, các cơ quan quản lý giáo dục phải thừa nhận, tôn trọng và nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy chúng. Ở phía kia, nhà trường, giáo viên cần phải tự giác ngộ, tự ý thức về sứ mệnh và quyền của mình trong việc tạo ra các thực tiễn giáo dục để xây dựng các thực tiễn giáo dục của riêng mình.
Nguyễn Quốc Vương