Thí sinh ở TP.HCM được xác nhận tham gia xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, TP.HCM thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho gần 120.000 thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi. Ảnh: Chí Hùng/Zing
Ngày 8.4.2021, sau khi Quốc hội phê chuẩn, Việt Nam đã có “tư lệnh mới” của ngành giáo dục và đào tạo. Người dân chưa rõ Quốc hội khóa XV có tiếp tục chuẩn y giữ nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hay không, tuy nhiên, giờ đây bất cứ “thuyền trưởng” nào của “con tàu” giáo dục và đào tạo đều được người dân kỳ vọng phải đưa ra được lộ trình hiệu quả để vượt sóng gió mới.
Giáo dục và đào tạo hiện là con tàu chở khách lớn nhất Việt Nam, với 23 triệu “hành khách” - học sinh và sinh viên, chưa kể nhà giáo và phụ huynh. Con tàu khổng lồ ấy bấy lâu đi qua nhiều “trận bão” phê bình của công luận. “Hành khách” thường xuyên than phiền về thi cử nặng nề, chương trình quá tải, trì trệ và xuống cấp.
Thế nhưng, thời điểm này, con tàu giáo dục và đào tạo không thể chỉ đối phó với đại dịch COVID-19 mà còn phải chuẩn bị cho bến bờ bình thường mới – new normal. Nhiều nhà khoa học và chính phủ đã cảnh báo nhân loại chưa thể khống chế hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Chúng ta đã và sẽ phải tìm cách “chung sống lâu dài” với mối đe dọa này. Một năm qua, nhiều ngành nghề và lĩnh vực trong đời sống ở nhiều nước bắt đầu thay đổi lớn để thích nghi với tình hình chưa từng có. Phải chăng, bình thường mới đang tạo ra thách thức gay gắt song cũng là cơ hội thúc đẩy giáo dục và đào tạo thoát khỏi những quan niệm và lề lối cũ kỹ, những tệ nạn và trở lực lâu đời?
Đừng chậm nữa trong đào tạo online
Tháng 2.2020, khi dịch COVID-19 khởi phát, các trường học ở Việt Nam phải đóng cửa gần 4 tháng. Cả xã hội thêm lo âu vì chưa biết chuyện học hành, thi cử sẽ tiếp tục thế nào. Trong lúc cấp bộ lúng túng, chưa chỉ đạo thực hiện giảng dạy trực tuyến thì tại một số trường phổ thông, một số địa phương, đã có không ít giáo viên chủ động “mày mò” lên lớp qua Skype hoặc Messenger…
Và rồi, từ đấy đến cuối năm 2020, các lớp học online qua các phương tiện chuyên nghiệp như Google Meet, Zoom, Class In… hay các app chuyên biệt, bắt đầu lan tỏa ở nhiều mức độ khác nhau. Trước nhất là ở bậc đại học và các trường ngoại ngữ, kế đến là các trường phổ thông tại nhiều tỉnh thành.
Internet và các phương tiện online sẽ là cơ sở hạ tầng chính yếu cho giáo dục và đào tạo trong thời kỳ bình thường mới chứ không phải là nhà cao, cửa rộng. Trong ảnh: tòa nhà mới xây của Trung học chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, nơi dự kiến làm các phòng học chuyên môn hiện đại nhưng vẫn còn đang chờ thiết bị đưa vào (ảnh chụp tháng 4.2021). Ảnh: Phúc Tiến
Trong khi ấy, sau nhiều bàn thảo, mãi đến ngày 30.3.2021, Bộ GD&ĐT mới ra Thông tư 09 quy định và hướng dẫn chính thức việc dạy học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thông tư vừa đến thì các trường học đã trở lại tình trạng đóng cửa vì dịch COVID-19 bùng nổ, sau kỳ nghỉ 30.4. Người dân cả nước một lần nữa hồi hộp chờ xem một loạt kỳ thi các cấp sẽ được thay thế bằng phương thức nào khi địa điểm tập trung đông người không còn an toàn. Ngay cả các ký túc xá đại học cũng bị trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Và rồi, nếu dịch bệnh còn lây lan rộng, liệu năm học mới sẽ phải thay đổi ra sao?
Tình hình cho thấy, chắc chắn việc học và dạy online cần được thực thi triệt để và rộng khắp. Nhưng đây không thể chỉ là giải pháp “tình thế”, đối phó với đại dịch. Đó còn là một hướng đi mới cho con tàu giáo dục và đào tạo trong nhiều năm tới. Thật vậy, theo quan sát của chúng tôi, học và dạy online chính là phương thức giáo dục từ xa (distance learning) đã có hơn 30 năm trước. Lúc ấy, giáo dục từ xa bao gồm đào tạo thông qua các phương tiện thư tín, truyền hình, phát thanh trực tiếp, kế đến là các website, chủ yếu cho người đã đi làm.
Ngay khi đại dịch COVID-19 ập đến, ở Singapore và nhiều nước công nghiệp, người học và người dạy tuy phải ở nhà nhưng vẫn “đến lớp” dễ dàng trên không gian mạng.
Song, trong 10 năm trở lại đây, giáo dục từ xa mở rộng cho tất cả mọi người và mọi giới vì thế giới ngày càng có thêm nhiều máy móc truyền thông đa năng và chi phí thấp. Tiêu biểu là các loại thiết bị video conferencing, thiết bị nghe - nhìn ảo, hay các loại smart phone, máy tính bảng, máy chiếu và màn hình lớn. Đặc biệt, cuộc “đồng khởi” của kỹ thuật số và internet tốc độ cao, cùng nhiều loại ứng dụng (app) và social media (như Facebook, Youtube, Tiktok…) đã làm nâng cấp “ào ạt” cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tiện nghi cho đời sống trên nhiều lĩnh vực. Đối với giáo dục và khoa học, các kỹ thuật cao còn giúp mở rộng tối đa nguồn học liệu qua các phương tiện tích hợp đa truyền thông cho cả người học, người dạy và người nghiên cứu.
Chính vì vậy, tại nhiều nước tiên tiến, từ thập niên trước, đã ra đời cách học onsite đi đôi với học online trong và ngoài khuôn viên nhà trường. Nhiều trường đại học hàng đầu mở thêm các khoa hay trung tâm chuyên dạy online từ ngắn hạn đến dài hạn. Tại Singapore, khoảng năm 2005, các bài giảng ở đại học công lập được đưa lên web giống như ở các nước Âu Mỹ, sinh viên không cần đến giảng đường, không cần “điểm danh”.
Vào năm 2014, người viết chứng kiến học sinh trung học nước này được sử dụng máy tính bảng hoặc smart phone để “lướt” Facebook và web, ngay trong giờ học. Qua đấy, các bạn trẻ vừa cập nhật kiến thức, vừa “kiểm tra” lại chính bài giảng của thầy. Cho nên, ngay khi đại dịch COVID-19 ập đến, ở Singapore và nhiều nước công nghiệp, người học và người dạy tuy phải ở nhà nhưng vẫn “đến lớp” dễ dàng trên không gian mạng.
Giáo dục từ xa chuẩn bị cho làm việc từ xa
Thực sự, các phương tiện hi-tech và kỹ thuật số kỳ vỹ đã đưa giáo dục từ xa không còn đóng khung trong việc bổ sung kiến thức cho người đã đi làm. Bản thân giáo dục từ xa đang trở thành một “vương quốc” có khả năng đào tạo toàn diện mọi người, mọi lúc và mọi nơi. Kể từ đây, người học và người dạy có thể “tự giải phóng” khỏi khuôn khổ một trường lớp duy nhất, hay một tỉnh thành, hoặc một quốc gia và ngay cả một ngành nghề.
Tự học (self directed-learning) và học tại nhà (home schooling) với sự trợ giúp của các phương tiện online càng trở nên khả thi và hiệu quả. Song, quan trọng hơn nữa, chính giáo dục từ xa nếu áp dụng ngay từ phổ thông đến đại học, sẽ là bước chuẩn bị căn bản đầy lý thú cho làm việc từ xa (working remotely) – một phương hướng và nội dung chính yếu của thời kỳ bình thường mới. Thêm nữa, đó cũng là cách thức để các thế hệ công dân dù già hay trẻ, đều có thể làm quen với sinh hoạt chính quyền điện tử, mua bán và làm ăn cùng nhiều giao dịch khác qua mạng.
Derrick Rossi, nhà sinh học tế bào, cựu sinh viên Đại học Toronto (Canada), giảng viên tại Đại học Harvard - sáng lập viên Công ty Moderna. Ảnh: University of Toronto
Ngay từ bây giờ, Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch “xóa mù” học và dạy online, phổ biến các phương tiện và nội dung học hành, khảo thí và làm việc qua mạng. Chuẩn bị cho năm học mới, Bộ nên đưa ra quy định và hướng dẫn các trường học triển khai toàn bộ công việc hành chính, tiếp nhận học sinh, tuyển sinh, thi cử, giải quyết khiếu nại lên internet. Sẽ có hiệu ứng xã hội rất lớn, nếu Bộ và các cục, các vụ cùng các đơn vị đào tạo tiến hành livechat, livestream, webinar và kể cả sử dụng Youtube, Instagram, Tiktok không chỉ trong nội bộ ngành.
Các vị bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng, cũng như các hiệu trưởng cần nêu gương “tiếp dân”, trao đổi thông điệp với khách hàng của giáo dục ngay trên các phương tiện online. Việc này cần thực hiện một cách đều đặn chứ không chỉ nhân dịp khai trường hay bế giảng. Cùng với đó, xã hội sẽ càng trân trọng các nhà giáo vì họ không chỉ là người tiên phong nắm bắt, đề xướng thay đổi cách giảng dạy và cách thi cổ điển mà còn là “nhà sản xuất” các nguồn học liệu, nguồn tra cứu điện tử bằng nhiều thứ tiếng để bổ sung cho nguồn thông tin bao la trong thế giới mạng.
Trả quyền tự chủ cho những “công xưởng sáng tạo”
Khi đại dịch COVID-19 lan tràn, thế giới chứng kiến vai trò của ngành công nghiệp y sinh (Bio Medical Engineering) càng trở nên thiết yếu. Tiến sĩ sinh học Mac Ng tại Mỹ cho biết từ hơn 20 năm trước, các cường quốc như Mỹ, khối EU và một số nước châu Á đã đầu tư nghiên cứu các loại vi sinh vật có tiềm năng gây ra thảm họa sinh học. Đặc biệt, nhiều nguồn lực đa ngành trong nghiên cứu đã được huy động từ lúc bệnh SARS-1 do virus Corona gây ra tai họa toàn cầu, vào năm 2003.
Nhiều nước cho thấy chính quyền là một trong những nhà tài trợ theo dự án của đại học chứ không phải là ông chủ “ban phát” ngân sách. Các bộ, ngành, nhất là các bộ về khoa học và kinh tế, cùng các doanh nghiệp làm việc với đại học trên cơ sở đặt hàng và cộng tác cùng có lợi.
Theo ông, nghiên cứu, sản xuất vaccine là một quá trình lâu dài, là nỗ lực kết hợp không chỉ từ nhà nước và doanh nghiệp mà còn từ các trường đại học. Chính vì vậy, khi xảy ra dịch bệnh SARS-2 vào đầu năm 2020, các nước này đã có kiến thức và kinh nghiệm để chế tạo vaccine trong một thời gian kỷ lục.
Trong đó, Công ty Moderna (Mỹ) chuyên nghiên cứu sản xuất vaccine dựa trên công nghệ mRNA hoàn toàn mới, là một thí dụ điển hình. Vào năm 2010, Moderna được thành lập bởi hai giảng viên người Mỹ và người Hoa của Đại học Harvard chuyên về chế tạo vaccine ngừa virus Corona.
Cùng một “công thức” đồng dạng như thế, mới đây Công ty Breathonix đã chế tạo máy test Covid bằng hơi thở, một “sản phẩm” của ba nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Từ 20 năm trước, NUS, với khẩu hiệu “Doanh nghiệp tri thức quốc tế” (Global Knowledge Enterprise) đã trở thành “vườn ươm” cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của các nhà nghiên cứu, giáo sư và sinh viên.
Nhân viên thử nghiệm máy test Covid bằng hơi thở của Công ty Breathonix. Công ty là sản phẩm của chương trình Hỗ trợ phát minh của sinh viên cao học NUS. Ảnh: National University of Singapore
Mô hình đại học là “vườn ươm doanh nghiệp” và “công xưởng sáng tạo” vẫn còn là chuyện mới mẻ ở Việt Nam. Các trường đại học, nhất là các trường công lập tuy có nguồn nhân lực và phương tiện nghiên cứu nhưng còn bị ràng buộc bởi khá nhiều quan niệm và cơ chế lỗi thời. Vì vậy tỷ lệ đóng góp trong kinh tế khá “khiêm tốn”. Nhiều thập kỷ qua, Bộ GD&ĐT vẫn nắm quyền chi phối đại học trên nhiều lĩnh vực từ chỉ tiêu tuyển sinh, cách thức thi cử đến phong hàm giáo sư. Trong khi ấy, từ trong lịch sử hình thành đại học của nhiều nước, quyền tự chủ và tự trị đại học đã được nuôi dưỡng và tôn trọng, trở thành một nguyên tắc căn bản của hệ thống giáo dục và khoa học.
Thực tế nhiều nước cho thấy chính quyền là một trong những nhà tài trợ theo dự án của đại học chứ không phải là ông chủ “ban phát” ngân sách. Các bộ, ngành, nhất là các bộ về khoa học và kinh tế, cùng các doanh nghiệp làm việc với đại học trên cơ sở đặt hàng và cộng tác cùng có lợi. Các giáo sư đại học là chuyên gia được trường đại học tuyển dụng theo nhu cầu nghiên cứu của mình. Trường đại học “phong hàm” cho giáo sư của mình trên cơ sở thành tích khoa học, hoàn toàn khác với việc cơ quan nhà nước “thăng hạng” cho công chức giáo dục theo thâm niên hay chức vụ quản lý.
Lãnh đạo các trường đại học không làm việc giảng dạy mà là nhà quản trị, lập kế hoạch và điều hành việc thu hút các nguồn kinh phí cho nhà trường mà học phí không phải là phần chủ yếu. Có như vậy, các đại học mới thực sự trở thành nguồn lực quý báu, kết nối mạnh mẽ với các nguồn lực khác. Nhờ đó, giáo dục và khoa học mới kịp thời góp phần đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp cũng như lâu dài về cả kỹ thuật lẫn nhân văn trong thời kỳ đại dịch và thời kỳ bình thường mới.
Dĩ nhiên, đẩy mạnh đào tạo online và cải cách đại học chỉ là hai trong nhiều điểm đến trọng yếu của con tàu giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục và đào tạo đang có nhiều cơ hội làm mới và làm sạch bộ máy của mình. Xin đừng để hành khách của con tàu cứ phải “đau đầu” về chuyện học giả, thi giả, bằng giả, chạy trường, chạy lớp… Không ai khác, Bộ GD&ĐT phải là bộ kiến tạo nhân lực cho tăng trưởng kinh tế và xã hội chứ không phải là bộ phúc lợi xã hội về học hành!
Một bộ quan trọng như vậy cần một “tư lệnh” có tầm nhìn rộng và có khả năng kết nối nhiều nguồn lực trong và ngoài nước. Rất mong Chính phủ sẽ coi việc khởi động tái thiết và nâng cấp toàn diện con tàu ngành giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu bên cạnh các khâu đột phá khác.
Phúc Tiến