Mở cửa kinh doanh trở lại từ đầu tháng 5, chị Nguyễn C.L, hộ kinh doanh tại chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) rầu rĩ cho biết: “Ngày nào cũng mở cửa sạp xong ngồi nhìn nhau giết thời gian”.
Chợ truyền thống hẩm hiu sau đại dịch
Rảo một vòng quanh ngôi chợ nổi tiếng quận 5 này, chúng tôi không khỏi ái ngại cho các tiểu thương. Toàn bộ các khu vực bán mỹ phẩm, quần áo, giày dép, hàng gia dụng và cả khu thực phẩm khô, ăn uống dưới hầm vắng hoe. Lối đi giữa các sạp hàng bình thường có vẻ chật hẹp thì nay rộng thênh thang.
Cũng mới mở cửa trở lại từ ngày 4.5, chị Nguyễn Thái Trang, tiểu thương ngành hàng quần áo chợ An Đông và An Đông Plaza quyết định giảm giá bán 10% trên mỗi đơn hàng, chấp nhận không có lãi để nuôi công nhân trong xưởng, trả tiền sạp… “Ế không tưởng tượng nổi. Trước đây mỗi ngày bán được 20 triệu đồng, giờ mỗi ngày chỉ được vài trăm ngàn”- chị Trang than thở.
Tại nhiều chợ truyền thống, chỉ những quầy thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây… là còn hút khách. Ảnh: Minh Nhi
Không riêng An Đông, tình trạng vắng thưa người diễn ra đều khắp các chợ trên địa bàn TP.HCM. Chợ Bến Thành có hơn 1.600 quầy sạp nhưng sau giãn cách xã hội, chỉ mới vài trăm sạp mở cửa trở lại. Bà Ba Minh, tiểu thương bán quà lưu niệm, cho biết đã “bám” chợ mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy chợ vắng như bây giờ. Bà là một trong rất nhiều tiểu thương chợ Bến Thành đang lo lắng vì chợ ế thê thảm. Vốn nổi tiếng là chợ nhà giàu, chủ yếu phục vụ khách du lịch, mấy tháng nay vắng bóng du khách nên các ngành hàng quà lưu niệm, mỹ nghệ, quần áo, giày dép, vải… ế nhệ.
Ghi nhận của ban quản lý các chợ, mãi lực chung của chợ đã giảm mạnh gần 50% so với cùng kỳ năm 2019. Từ sau tết, doanh số của tiểu thương nhiều ngành hàng giảm đến 70-90%. Hầu như chỉ còn ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô và gia vị là buôn bán được, tuy sức mua vẫn còn chậm.
“Bí” đầu ra
Trước thực trạng kinh doanh quá khó khăn, tiểu thương các chợ Bến Thành, An Đông, Tân Định, Phạm Văn Hai, Bà Chiểu… đã gửi văn bản kiến nghị ban quản lý chợ, UBND và chi cục thuế các quận miễn hoàn toàn các loại phí và lệ phí phải đóng trong tháng 4, miễn thuế kinh doanh trong tháng 4. Đến nay, kiến nghị này vẫn chưa nhận được phản hồi.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho hay không chỉ chợ truyền thống ế ẩm mà các siêu thị cũng sụt giảm doanh thu. “Sở đã tổng hợp tình hình trình UBND TP.HCM để UBND kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh - trong đó có các doanh nghiệp bán lẻ và tiểu thương ở chợ. Riêng với chợ truyền thống vốn đã èo uột những năm gần đây thì nay càng thêm khó khăn. TP.HCM đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ cải thiện mãi lực chợ, trong đó bao gồm sửa chữa nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước, môi trường…” - bà Trang nói.
Để hỗ trợ tiểu thương nâng cao kỹ năng giao tiếp, bán hàng, từ năm 2009 Sở Công Thương TP.HCM phối hợp Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cùng một số cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp tập huấn miễn phí cho tiểu thương chợ truyền thống. Chương trình kéo dài nhiều năm, về sau lượng tiểu thương đăng ký rất ít, không đủ để mở lớp; một số quận huyện muốn chủ động tổ chức tập huấn nên sở đã đề nghị các chợ liên hệ với những quận huyện có tổ chức để đưa tiểu thương đến học.
“Mãi lực chợ đã yếu dần trong nhiều năm nay và đặc biệt giảm mạnh khi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm tổng hợp… liên tục mở rộng. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm online cùng các hình thức thanh toán, giao nhận hiện đại phát triển nhanh, mạnh đã lôi kéo một bộ phận không nhỏ người dân tham gia mua sắm lẫn kinh doanh trực tuyến”- bà Trang cho biết thêm.
Nở rộ đi chợ qua ứng dụng công nghệ
Trước đây, mua sắm online chủ yếu là các mặt hàng thời trang, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm… nhưng nay thì không thiếu một thứ gì, kể cả thực phẩm tươi sống. Chỉ với một cái “click chuột”, mọi thứ sẽ có ngay. Đối với những mặt hàng tươi sống, đòi hỏi cao về thời gian thì chỉ một giờ sau, đã được giao tận nhà. Cùng với đó, các ứng dụng “đi chợ giùm bạn” cũng nở rộ. Trong số này, có thể kể đến những cái tên nổi bật như Chopp, disieuthi, Now, GrabMart, Be Đi chợ...
Chopp với phương châm “Chăm lo bữa ăn gia đình Việt” từ mấy năm trước đã ra mắt mô hình “đi siêu thị giùm”. Chopp đang là đối tác của hơn 50 siêu thị và cửa hàng tại TP.HCM, phục vụ hơn 10.000 giao dịch mỗi tháng. Khách hàng đặt sản phẩm trực tiếp qua ứng dụng điện thoại, website của Chopp. Sau khi nhận đơn, nhân viên Chopp tại các cửa hàng sẽ chọn sản phẩm, trả tiền rồi giao cho nhân viên vận chuyển tới tay người tiêu dùng.
Dịch vụ đi chợ online nở rộ. Ảnh: Minh Nhi
Với dịch vụ GrabMart, người dùng có thể lên ứng dụng tìm kiếm, chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau củ quả từ các đối tác liên kết của Grab là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị. Nhược điểm của GrabMart là vì vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nên còn sơ sài, mặt hàng khá hạn chế, mới chỉ có hơn chục cửa hàng, siêu thị nhỏ lẻ.
Dịch vụ Be Đi chợ cũng mới được triển khai, nhưng hiện đã hoạt động trên rất nhiều tỉnh thành. Lý do mà Be có thể triển khai nhanh là vì họ không cần liên kết với các cửa hàng, không cần lên menu các món có thể đặt. Be đơn giản là cho phép người dùng “mượn” tài xế đi chợ giùm đúng nghĩa đen. Bạn sẽ chọn địa điểm muốn mua đồ (siêu thị, cửa hàng và nhiều hàng quán khác), tự liệt kê danh sách cần mua và số lượng, sau đó bấm đặt đơn và chờ giao hàng. Tuy nhiên, nếu muốn mua nhiều món thì Be chưa thuận tiện lắm.
Now Fresh (Tươi sống) có thể được xem là dịch vụ phong phú nhất với siêu thị mua hàng tươi sống liên kết với hệ thống siêu thị, cửa hàng. Đặc biệt, Now chú trọng gian hàng dành cho các bà mẹ bỉm sữa với việc liên kết nhiều cửa hàng mẹ và bé…
Siêu thị đẩy mạnh bán hàng online, qua app
Bán hàng online là xu thế tất yếu trong tương lai và khủng hoảng do COVID-19 càng đẩy xu thế này phát triển nhanh hơn. Theo khảo sát, rất nhiều cửa hàng, siêu thị đã chú trọng phát triển mảng bán hàng online. Đơn cử như ví thanh toán điện tử VinID cho phép mua các mặt hàng của Vinmart và giao tận nhà. Hệ thống siêu thị Aeon có ứng dụng mua sắm trên điện thoại. Lazada cũng có gian hàng bách hóa khá sớm. Với Big C, khách hàng có thể đặt hàng qua điện thoại nhưng Big C không nhận đơn hàng tươi sống, đông lạnh và sữa. Co.op Mart, Satra Foods duy trì hỗ trợ khách hàng bằng chương trình đi chợ qua điện thoại…
Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Bách Hóa Xanh chú trọng phát triển online. Bách Hóa Xanh có thể đi chợ giùm bạn, đặt hàng qua mạng tại TP.HCM, trừ Củ Chi và Cần Giờ, phí giao hàng 30.000 đồng/đơn hàng. Ngoài ra, các siêu thị Hàn Quốc như Lotte, Emart từ lâu đã có app đi chợ và phát triển mảng đi chợ online khá chuyên nghiệp.
Ưu điểm của các ứng dụng mua sắm này là tích hợp cả việc thanh toán, hỗ trợ nhiều kênh thanh toán khác nhau như ví điện tử, thẻ visa, internet banking... tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng. Bên cạnh đó, ứng dụng còn tích điểm; lưu lại lịch sử mua hàng, phản hồi, khiếu nại của khách hàng...
Hướng đến đào tạo “tiểu thương online”
Mới đây, tại buổi toạ đàm về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM sau dịch COVID-19, TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, đặt vấn đề TP.HCM cần có chương trình tập huấn cho các tiểu thương online - là những chủ tài khoản đang bán hàng trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Theo TS. Ngân, xu hướng kinh doanh online đang phát triển mạnh, đặc biệt từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng tạo điều kiện cho nhiều chủ tài khoản, trong đó có tiểu thương chợ truyền thống, gia nhập “đội quân” bán hàng online.
Minh Nhi – Trâm Anh