Đề nghị thu hồi giấy phép nuôi hổ bảo tồn tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh

 21:19 | Thứ ba, 11/06/2019  0
Trước sự việc hổ cắn đứt lìa hai tay một người dân ở Bình Dương mới đây, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) mới đây đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi giấy phép thí điểm nuôi hổ bảo tồn tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh, và chuyển giao toàn bộ hổ tại cơ sở này đến Trung tâm cứu hộ phù hợp.

Năm 2007, Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh do ông Huỳnh Văn Hai và bà Huỳnh Thị Mỹ trực tiếp quản lý đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cấp phép thí điểm nuôi hổ và nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý, hiếm khác vì mục đích bảo tồn.

Tuy nhiên, ENV - một tổ chức bảo tồn lâu năm ở Việt Nam luôn theo dõi hoạt động của các trang trại nuôi nhốt hổ, lại ghi nhận một thực tế khác. Theo đó, từ năm 2006, Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh đã bị phát hiện nuôi nhốt hổ trái phép. Sau khi cơ sở được cấp phép thí điểm nuôi ĐVHD cho bảo tồn, ghi nhận các cá thể hổ và ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm này đều có nguồn gốc bất hợp pháp.

Hổ nuôi tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh. Ảnh chụp tháng 4.2019. Ảnh: ENV

Theo Bản án số 100/2011/HSPT ngày 06.7.2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương, “vào năm 2000, doanh nghiệp Thanh Cảnh đã mua 2 con hổ, sau đó gửi nuôi tại Khu du lịch Suối Tiên TP.HCM. Từ đó đến năm 2003, doanh nghiệp Thanh Cảnh mua tổng cộng thêm 10 con hổ nữa nhưng không có nguồn gốc hợp pháp và nuôi nhốt tại đây. Dù vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương không kiểm tra thường xuyên, dẫn đến việc Huỳnh Văn Hai nuôi hổ lớn (trưởng thành), khi hổ chết thì đem bán”.

Đến năm 2011, các đối tượng đã bán trót lọt 4 cá thể hổ chết trái phép và bị phát hiện khi đang bán trái phép cá thể hổ thứ 5.

Sau khi hành vi vi phạm bị phát hiện, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt ông Huỳnh Văn Hai 36 tháng tù, cho hưởng án treo và Huỳnh Tấn Đạt (con ông Huỳnh Văn Hai) 30 tháng tù về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Tuy vậy, tại thời điểm đó, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục để Khu du lịch sinh thái nuôi hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm khác.

Cho đến nay, cơ sở này đang nuôi nhốt 5 cá thể hổ.

Theo nhận định của ENV, hoạt động nuôi nhốt hổ tại Thanh Cảnh không đóng góp cho công tác bảo tồn hổ trong tự nhiên, không đáp ứng được mục tiêu khi được cấp phép nuôi nhốt.

Hoạt động nuôi bảo tồn hổ được hiểu là nuôi sinh sản và duy trì nguồn gen thuần chủng của hổ để hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học hoặc tái thả. Hoạt động nuôi hổ (dưới hình thức vườn thú) cũng nhằm góp phần giáo dục người dân về tình yêu thiên nhiên, ĐVHD cũng có khả năng đóng góp cho công tác bảo tồn, bảo vệ ĐVHD.

Nhưng ở cả hai khía cạnh này, hoạt động nuôi nhốt hổ tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh đều không đáp ứng được. Cụ thể, các cá thể hổ tại cơ sở này đều không xác định có mang nguồn gen thuần chủng hay không. Cơ sở này cũng không thực hiện hoạt động nuôi sinh sản vì mục đích bảo tồn dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Số lượng hổ giảm từ 9 cá thể ban đầu còn 5 cá thể như hiện nay.

Cơ sở cũng không có các nội dung hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ hổ và cũng đã đóng cửa hoạt động trong một thời gian dài.

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân của sự việc hổ cắn đứt lìa hai tay của một người dân ở Bình Dương là do cơ sở vật chất, kĩ thuật tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh không đảm bảo cho hoạt động nuôi nhốt hổ.  

“ENV được biết Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương đã nhiều lần thuyết phục Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh chuyển giao hổ cho Nhà nước. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc thuyết phục thôi là chưa đủ. Tất cả các cá thể hổ đều có nguồn gốc bất hợp pháp, và đơn vị này chỉ được giao “thí điểm” nuôi nhốt hổ vì mục đích bảo tồn.

Do đó, cần phải ngay lập tức đánh giá ý nghĩa bảo tồn hổ và các loài ĐVHD khác tại cơ sở, cũng như ngay lập tức chấm dứt hoạt động nuôi nhốt hổ và ĐVHD tại cơ sở này nếu mục đích này không đạt được”, bà Bùi Thị Hà, phó giám đốc ENV nói.

L.Quỳnh

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.