Điều tra môi trường quốc tế: Việt Nam thất bại trong đấu tranh buôn bán ĐVHD

 15:44 | Thứ năm, 18/07/2019  0
Việt Nam thất bại trong đấu tranh với buôn bán động vật hoang dã là nội dung cảnh báo của Cơ quan Điều tra môi trường quốc tế (EIA), qua báo cáo vừa được EIA công bố: "Running Out of Time" (Không còn thời gian).

Báo cáo này vừa được EIA công bố trước thềm Hội nghị các nước thành viên (CoP18) Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, từ ngày 17.8 đến 28.8.2019; nhằm tập trung sự chú ý đối với Việt Nam.

“Hàng cấm” tiếp tục đổ về Việt Nam

Theo báo cáo, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một điểm nóng toàn cầu về nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) bất hợp pháp. Và mặc cho khủng hoảng này ngày càng gia tăng, Việt Nam đã thất bại trong việc ứng phó với vấn nạn này một cách thích đáng.

Phản ứng của cơ quan hữu quan Việt Nam là chưa thoả đáng và tương xứng với quy mô của hoạt động buôn lậu có sự tham gia của các nhóm tội phạm người Việt.

Số lượng ngà voi rất lớn bị tuồn về cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) vào tháng 3.2019. Ảnh: CACC

ĐVHD trên khắp thế giới đang phải chịu áp lực triền miên để chống đỡ nhu cầu đến từ châu Á – từ năm 2006 đến 2015. Số lượng voi châu Phi đã giảm tới 93.000 – 111.000 cá thể, đánh dấu sự suy giảm tồi tệ nhất trong 25 năm qua.

Hơn 9.200 cá thể tê giác đã bị giết hại ở châu Phi kể từ năm 2006.

Chỉ còn không tới 4.000 cá thể hổ hoang dã ở châu Á và chúng vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ nạn săn trộm.

Tê tê, loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, có thể bị xóa sổ trong 10 năm nữa nếu hoạt động buôn bán tê tê với quy mô lớn như hiện nay tiếp tục tiếp diễn.

Tuy nhiên, theo EIA, một hành động có ý nghĩa của Việt Nam để phá vỡ và ngăn chặn nạn buôn bán này đã không xuất hiện kịp thời.

Dựa trên dữ liệu công khai về các vụ bắt giữ, Việt Nam có liên quan đến hơn 600 vụ việc về buôn bán bất hợp pháp – bao gồm ít nhất 105,72 tấn ngà voi, tương đương với khoảng 15.779 cá thể; 1,69 tấn sừng ước tính có nguồn gốc từ khoảng 610 cá thể tê giác; da, xương và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ ít nhất 228 cá thể hổ; và cơ thể và vảy của 65.510 cá thể tê tê.

Sản phẩm chế tác từ ngà voi ngang nhiên được bày bán tại các cửa hàng. Ảnh: TL

Các vụ bắt giữ nói riêng có rất ít tác dụng răn đe đối với nạn buôn bán ĐVHD ở Việt Nam. Những lô hàng với khối lượng lớn ngà voi và vảy tê tê từ Nigeria và các quốc gia khác tiếp tục đổ vào nước này, và số lượng lớn các sản phẩm từ hổ vẫn được chào bán.

Ngoài việc là thị trường cuối cho các công dân Việt Nam mua và tiêu thụ các sản phẩm trang sức từ ngà voi, bột sừng tê giác, cao hổ và thịt tê tê, Việt Nam còn đóng vai trò là điểm trung chuyển quan trọng cho hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp vào Trung Quốc.

Nhiều khuyến nghị mạnh mẽ dành cho Việt Nam

“Dù đã có tiến triển nhưng các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam là chưa đủ để chống lại vấn nạn này, đặc biệt trong lĩnh vực thực thi. Đã đến lúc Việt Nam phải hành động và kiểm soát tội phạm môi trường”, thông cáo phát đi của EIA viết.

Thự ra, Chính phủ Việt Nam đã đạt được một số tiến triển trong công tác đấu tranh chống tội phạm môi trường, bao gồm sửa đổi Bộ luật Hình sự tăng nặng hình phạt cho tội phạm buôn bán ĐVHD có tổ chức. Tuy nhiên những thay đổi này đơn giản là chưa đủ và vấn đề đáng lo ngại vẫn nằm ở việc thực thi đầy đủ các biện pháp này.

Ví dụ, việc áp dụng Bộ luật Hình sự mới vẫn còn nhiều hạn chế đối với các tội phạm liên quan đến hàng trăm vụ bắt giữ ĐVHD nêu trên.

Ngay cả các bước đơn giản để xúc tiến tiến trình điều tra cũng không được thực hiện. Ví dụ, Việt Nam đã không thực hiện phân tích pháp y cho phần lớn các vụ bắt giữ ngà voi quy mô lớn (500kg trở lên).

Cho đến nay, 39 vụ bắt giữ ngà voi quy mô lớn với tổng khối lượng 66 tấn (ước tính có nguồn gốc từ 9.850 cá thể voi) được thực hiện tại Việt Nam. Chưa có bất cứ bản án nào dành cho các đối tượng liên quan tới các vụ bắt giữ quy mô lớn của Hải quan Việt Nam tại các cảng nhập khẩu.

Các cuộc điều tra gần đây của EIA tại châu Phi và châu Á đã phơi bày các mạng lưới tội phạm có tổ chức của Việt Nam liên quan đến hoạt động buôn lậu nhiều loài hoang dã như ngà voi, sừng tê giác và tê tê. Nhưng không có bất cứ đối tượng nào trong số các cá nhân hay công ty đã được xác định bị truy tố, kể cả những trường hợp tái phạm vẫn đang tiếp tục hoạt động ở Việt Nam.

Nguồn: Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV)

Báo cáo Running Out of Time đề ra một số khuyến nghị dành cho Việt Nam, bao gồm:

- Tiến hành các cuộc điều tra tiếp theo đối với các vụ bắt giữ ĐHVD quy mô lớn để phá vỡ các mạng lưới tội phạm liên quan.

- Cải thiện các phương pháp phát hiện, và thực hiện các biện pháp chống tham nhũng tại các điểm xuất, nhập chính dọc theo các tuyến buôn bán ĐVHD.

- Sử dụng các biện pháp điều tra về tài chính và các kỹ thuật chuyên ngành khác để truy tố các tội liên quan đến ĐVHD như lừa đảo, tham nhũng, hối lộ và trốn thuế.

Lê Quỳnh

 

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.