Như Người Đô Thị đã thông tin, ngày 12.6 Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600 ha thành 2.780 ha. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu dự án phải tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng ngập mặn…
Để phản hồi chung một số câu hỏi của bạn đọc gửi về tòa soạn liên quan đến việc cấp và thu hồi danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới; nội dung khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Người Đô Thị đã trao đổi với TS. Võ Trung Tín (Trưởng Bộ môn Đất đai - Môi trường, Đại học Luật TP.HCM) - tác giả của nhiều nghiên cứu về pháp luật môi trường: Pháp luật Việt Nam về đánh giá tác động môi trường, thực trạng và hướng hoàn thiện; Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền trong pháp luật môi trường Việt Nam;…
Dự án Khu đô thị biển Cần Giờ 2.870 ha, trong đó sẽ lấn biển 2.718 ha; nằm trên toàn bộ bờ biển của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM; khoảng cách từ khu vực thực hiện dự án đến vùng lõi là 18 km, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trự sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Lê Quân
TS. Võ Trung Tín |
Thưa tiến sĩ, hiểu một cách đại chúng nhất theo các cơ sở pháp lý thì khu dự trữ sinh quyển thế giới là gì?
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một thuật ngữ (danh hiệu) do Ủy ban Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận cùng với những danh hiệu khác như di sản thế giới, di sản tư liệu thế giới, công viên địa chất toàn cầu, di sản văn hóa phi vật thể... theo các điều ước quốc tế cụ thể. Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất.
Theo định nghĩa của UNESCO, Khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn giúp thúc đẩy các giải pháp điều hòa việc bảo tồn sự đa dạng sinh học với việc phát triển bền vững khu vực đó có giá trị nổi bật, được quốc tế công nhận.
Nó được UNESCO trao tặng cho các khu vực có hệ động thực vật độc đáo, phong phú, đa dạng khi đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chí trong số 7 tiêu chí để trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, được quy định tại Điều 4, Khung Pháp lý của Mạng lưới toàn cầu các Khu dự trữ sinh quyển thế giới, thông qua tại Đại hội đồng UNESCO năm 1995.
Mạng lưới của các khu dự trữ sinh quyển thế giới được hình thành vào năm 1976 và đến 2010 đã có 504 khu dự trữ sinh quyển thuộc 102 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Việt Nam đã có 9 khu dự trữ sinh quyển được công nhận: Khu dự trữ sinh quyển Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang, Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An, Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm, Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang và Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Trong đó, rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 21.1.2000 theo tiêu chí hệ động thực vật đa dạng độc đáo điển hình của vùng ngập mặn.
Vị trí Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ trên bản đồ
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 12.6.2020 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ từ 600 ha thành 2.780 ha của nhà đầu tư Công ty cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ, trong đó có yêu cầu dự án phải tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Nội dung khung pháp lý này như thế nào, thưa tiến sĩ?
Từ định nghĩa chính thức về khu dự trữ sinh quyển là các khu vực sinh thái trên cạn, bờ biển, hải dương, hoặc kết hợp tất cả các hình thái trên, được công nhận trên phạm vi quốc tế trong khuôn khổ chương trình về Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO theo khung pháp lý hiện tại, có thể xác định 7 tiêu chí chung mà một khu dự trữ sinh quyển phải đáp ứng:
1. Khu dự trữ sinh quyển bao gồm một tổng thể của hệ sinh thái đại diện cho các khu vực địa lý sinh học quan trọng, trong đó có cả sự thay đổi trong can thiệp của con người.
2. Khu dự trữ sinh quyển có ý nghĩa trong việc bảo tồn đa dạng sinh học.
3. Khu dự trữ sinh quyển tạo ra cơ hội khám phá và thể hiện các phương pháp tiếp cận phát triển bền vững ở quy mô khu vực.
4. Khu dự trữ sinh quyển cần phải có quy mô phù hợp để phục vụ ba chức năng của một khu dự trữ sinh quyển, bao gồm: bảo tồn – đóng góp vào việc bảo tồn quang cảnh, hệ sinh thái, các loài và biến thể di truyền; phát triển – khuyến khích phát triển kinh tế và con người đảm bảo tính bền vững về mặt văn hóa xã hội và sinh thái; hỗ trợ hậu cần - hỗ trợ thực hiện các dự án, giáo dục và đào tạo môi trường, nghiên cứu, giám sát các vấn đề liên quan đến địa phương, khu vực, quốc gia và toàn cầu trong việc bảo tồn và phát triển bền vững.
5. Khu dự trữ sinh quyển cũng phải thực hiện các chức năng thông qua ba vùng được phân định riêng biệt (nhằm bổ sung và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau):
Vùng hoặc các vùng lõi theo luật định, bao gồm một hệ sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt có tính chất lâu dài, theo tiêu chí bảo tồn của khu sinh thái, và có quy mô đủ để đáp ứng các tiêu chí bảo tồn, góp phần bảo tồn cảnh quan, bảo tồn lâu dài đa dạng loài, hệ sinh thái, các loài và biến thể di truyền.
Vùng đệm là vùng nằm bao quanh hoặc tiếp giáp vùng lõi. Tại vùng này, chỉ cho phép các hoạt động tương thích với các tiêu chí bảo tồn, thực tiễn sinh thái lành mạnh nhằm củng cố cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, giám sát, đào tạo và giáo dục.
Vùng chuyển tiếp, cũng là một phần của khu bảo tồn và nằm phía ngoài cùng. Vùng này, các hoạt động về quản lý nguồn tài nguyên bền vững được khuyến khích và phát triển, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và con người nhưng phải đảm bảo tính bền vững về mặt văn hóa xã hội và sinh thái.
Kết quả nghiên cứu xác lập bản đồ nhạy cảm môi trường khu vực từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cần Giờ của GS-TS. Nguyễn Văn Phước và ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Cần Giờ là khu vực có nhiều khả năng chịu tác động với mức độ nhạy cảm môi trường khá cao. Ảnh: TL
6. Các thỏa thuận mang tính tổ chức cần được cung cấp cho các bên liên quan và các bên tham gia, về một phạm vi phù hợp của mọi thành phần như các cơ quan công quyền, cộng đồng địa phương, và lợi ích riêng trong việc thiết kế và thực hiện các chức năng của khu dự trữ sinh quyển.
7. Thêm vào đó, nên thực hiện thêm một số dự phòng cho khu dự trữ sinh quyển: cơ chế quản lý các hoạt động và sử dụng của con người trong vùng đệm hoặc các vùng; một chính sách hoặc kế hoạch quản lý cho khu vực như một khu dự trữ sinh quyển; một cơ quan hoặc cơ chế được chỉ định để thực hiện chính sách hoặc kế hoạch quản lý này; các chương trình nghiên cứu, giám sát giáo dục và đào tạo…
Trong khung pháp lý hiện nay của mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới quy định chi tiết và rõ ràng 7 tiêu chí để đánh giá một khu dự trữ sinh quyển, và các tiêu chí này sẽ được xét lại 10 năm một lần để đảm bảo các khu dự trữ sinh quyển duy trì và phát triển đúng khung pháp lý.
Khi các tiêu chí này không đảm bảo, đại diện UNESCO sẽ làm việc với đơn vị phụ trách phía quốc gia để đánh giá và có kế hoạch khắc phục, đồng thời được hỗ trợ khắc phục nếu đó là những lý do bất khả kháng như chiến tranh, thảm họa thiên nhiên... Nếu sự hủy hoại hoặc làm mất trạng thái ban đầu do con người, thì một là nước sở hữu sẽ đề nghị ra khỏi danh sách, hoặc phía UNESCO sẽ quyết định bỏ danh hiệu khu dự trữ sinh quyển của khu vực.
Nếu dự án lấn biển Cần Giờ 2.780 ha tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO ở giai đoạn triển khai nhưng trong quá trình vận hành sau đó mới xuất hiện những hành vi vi phạm, thì hệ lụy pháp lý nào sẽ xảy ra đối với dự án và Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ?
Thứ nhất, đối với dự án. Pháp luật môi trường Việt Nam quy định các đối tượng sau phải thực hiện đánh giá tác động môi trường: Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; Dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường… Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được thẩm định và phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
Chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các trường hợp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và phải thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào vận hành phải tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Chủ đầu tư cũng phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án đối với dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Dự án chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Các tiêu chí sẽ được xét lại 10 năm một lần để đảm bảo các khu dự trữ sinh quyển duy trì và phát triển đúng khung pháp lý. Nếu sự hủy hoại hoặc làm mất trạng thái ban đầu do con người, thì một là nước sở hữu sẽ đề nghị ra khỏi danh sách, hoặc phía UNESCO sẽ quyết định bỏ danh hiệu khu dự trữ sinh quyển của khu vực.
Cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án trong thời hạn theo quy định.
Trong quá trình vận hành, hành vi vi phạm nào sẽ xử lý theo các văn bản có liên quan. Ví dụ như các hành vi gây ô nhiễm môi trường; các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải; các hành vi vi phạm hành chính về đa dạng sinh học, bao gồm: bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật; bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền... Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự hoặc bồi thường thiệt hại nếu gây thiệt hại cho tổ chức và cá nhân khác. Đồng thời, họ có trách nhiệm khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, đối với Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Khi trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới, các nước phải tuân thủ các điều ước và các cam kết quốc tế đã tham gia và có nghĩa vụ bảo vệ khu dự trữ sinh quyển đã được công nhận. Trong trường hợp khu dự trữ sinh quyển bị ảnh hưởng bởi những nguyên nhân chủ quan, không đáp ứng được các tiêu chí công nhận ban đầu, có thể bị thu hồi.
Nếu sự hủy hoại hoặc làm mất trạng thái ban đầu do con người, thì một là nước sở hữu sẽ đề nghị ra khỏi danh sách, hoặc phía UNESCO sẽ quyết định bỏ danh hiệu khu dự trữ sinh quyển của khu vực. Trong ảnh: Dân cư sinh sống trong vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Trung Dũng
Để tránh nguy cơ danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ bị UNESCO thu hồi, theo tiến sĩ, các cơ quan chức năng cần làm gì?
Thứ nhất, xây dựng chính sách quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đặt trong mối tương quan với khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo Việt Nam, trong đó chú trọng quy hoạch không gian biển, quy hoạch khai thác sử dụng vùng bờ. Cần hoàn thiện chính sách về quản lý và quy hoạch chi tiết các dạng tài nguyên đất đai, sông rạch, rừng ngập mặn, động thực vật, khu du lịch, giao thông…
Thứ hai, cần có những nghiên cứu cụ thể hơn trong giám sát môi trường, đa dạng sinh học, gắn với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu sinh kế cộng đồng cho cư dân quanh vùng đệm bằng việc khảo sát các đối tượng sống xung quanh; đào tạo kỹ năng làm việc cộng đồng, liên kết các trường dạy nghề đào tạo nghề để triển khai dịch vụ du lịch sinh thái... Thực hiện tốt công tác khuyến lâm, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động qua giao khoán trồng rừng.
Thứ ba, phát triển du lịch sinh thái bền vững theo hướng kết hợp lợi ích của các dự án đầu tư với lợi ích của người dân sinh sống ở khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ để các bên nhận thức rõ lợi ích của việc phát triển du lịch với bảo vệ môi trường. Huy động sự tham gia và đóng góp của cộng đồng dân cư và các bên liên quan vào công tác quy hoạch, quản lý và khai thác sử dụng các loại tài nguyên, trong đó đặc biệt các khu dịch vụ du lịch.
Hoàng Khải - Ninh Hạ