Cụ thể, tại văn bản số 5023/UBND-ĐT ngày 3.12 của UBND TP.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cho biết: vừa qua thành phố đã tổ chức thi tuyển quốc tế về ý tưởng quy hoạch Cần Giờ với mong muốn tìm kiếm các giải pháp, các phương án, ý tưởng quy hoạch tối ưu nhất nhằm phát triển toàn diện huyện Cần Giờ về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, phù hợp định hướng phát triển Cần Giờ theo hướng du lịch nghỉ dưỡng, giải trí nhưng phải bảo tồn khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn.
Kết quả Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (Nhật Bản) với ý tưởng quy hoạch “Cần Giờ là đô thị sinh thái thế hệ tiếp theo” đã đạt số điểm cao nhất và được hội đồng tuyển chọn.
Phương án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 huyện Cần Giờ đạt giải Nhất của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering, được TP.HCM chọn trình Thủ tướng
Tuy nhiên, nội dung ý tưởng cuộc thi có nhiều yếu tố khác so với định hướng quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6.1.2010. Trong đó, có các khu vực chức năng, phân khu đô thị được đề xuất theo xu hướng mới, có khả năng tác động nhiều mặt đến cơ cấu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các ngành nghề sản xuất lâm - nông - ngư nghiệp, dân cư nông thôn, môi trường sinh thái, biển… Đặc biệt, cơ cấu dân số theo ý tưởng đề xuất là hơn 600.000 người, trong khi dân số theo quy hoạch chung huyện Cần Giờ hiện nay là 300.000 người (hiện toàn huyện là 70.000 người, khu đô thị du lịch biển 2.870ha đã được duyệt quy hoạch là 230.000 người).
Về hướng tuyến cầu Cần Giờ, vị trí kết nối cầu Cần Giờ qua huyện Nhà Bè trong nội dung ý tưởng có khác biệt so với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đã được phê duyệt; dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nghiên cứu và UBND TP.HCM đã tổ chức thi tuyển, phê duyệt phương án thiết kế cầu Cần Giờ. Đồng thời, đề xuất quy hoạch vị trí xây dựng tuyến đường trên cao kết nối từ cầu Cần Giờ đến Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ (không mở rộng đường Rừng Sác theo quy hoạch được duyệt trước đây tại vùng lõi và vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, để đảm bảo không làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới).
Cũng theo UBND TP.HCM, ngày 1.2.2019 Thủ tướng Chính phủ có công văn số 136/TTg-CN đồng ý điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.HCM và sau đó Thủ tướng đã có ý kiến tại Công văn số 551/TTg - CN ngày 17.4.2017 đồng ý cho nghiên cứu lập quy hoạch Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với quy mô 2.870ha (phần diện tích lấn biển) tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, thuộc khu vực phía Nam của huyện Cần Giờ và sẽ được cập nhật vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2030.
Khu rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong hệ thống các khu sinh quyển của thế giới vào tháng 1.2000. Ảnh: CTV
Trên cơ sở đó, Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và được chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ (tại Kết luận số 505-KL/TU ngày 17.9.2019), dựa trên “Ý tưởng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 huyện Cần Giờ” của đơn vị tư vấn đoạt giải, và UBND TP.HCM cũng đã báo cáo thông qua HĐND TP.HCM về kết quả thi tuyển ý tưởng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 huyện Cần Giờ. Qua đó, UBND TP.HCM đã ghi nhận, tiếp thu các ý kiến góp ý để bổ sung, cập nhật, lưu ý khi triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 trên địa bàn huyện Cần Giờ theo quy định.
Để có cơ sở triển khai thực hiện các nội dung nêu trên, UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương: cho phép UBND TP.HCM nghiên cứu lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 trên địa bàn huyện Cần Giờ song song với quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, và sau đó cập nhật nội dung trên vào đồ án quy hoạch chung TP.HCM đang nghiên cứu, thiết lập theo quy định.
Quy hoạch Cần Giờ: cấu trúc đô thị được đề xuất thành 3 khu
Với ý tưởng chủ đạo "Cần Giờ là đô thị sinh thái thế hệ tiếp theo", Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (Nhật Bản) - Đơn vị đạt giải Nhất cuộc thi tuyển chọn “Ý tưởng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 huyện Cần Giờ - TP.HCM”, đã đề xuất cấu trúc đô thị (mở rộng) của Cần Giờ gồm 3 khu:
Khu A (Khu đô thị vệ tinh tại Bình Khánh): có vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi cho lưu thông hàng hóa với nhiều thế mạnh, cách trung tâm thành phố khoảng 20km, cách Cảng hàng không mới Long Thành khoảng 30km qua đường cao tốc liên vùng nối liền phía Nam của thành phố, gần Khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước, Nhà Bè. Đề xuất phát triển thành đô thị triển lãm “Expo City” với những chức năng mới chưa có ở TP.HCM.
Ngoài các kho hậu cần, bố trí các chức năng dịch vụ hậu cần như trưng bày, bán buôn (bán sỉ) các sản phẩm tập trung qua hậu cần. Trung tâm dữ liệu, dịch vụ logistics bên thứ 3,... Về phương án sử dụng đất sẽ áp dụng mô hình TOD (phát triển theo định hướng trung chuyển) dành cho đô thị, bố trí các cơ sở thu hút khách chủ yếu dọc theo tuyến giao thông công cộng chính (BRT).
Khu B (khu bảo tàng sống, khu dự trữ sinh quyển): rừng ngập mặn được bảo tồn là tài nguyên du lịch sinh thái, cách trung tâm thành phố khoảng 30km đến 60km; vì môi trường tự nhiên vô cùng phong phú nên định hướng đây sẽ là khu vực hạn chế phát triển đô thị, bảo vệ khu dự trữ sinh quyển. Các công trình du lịch sinh thái hiện hữu sẽ được cải tạo một phần để nâng cao dịch vụ, mang đến những trải nghiệm du lịch tốt hơn và sự đa dạng cao hơn.
Xây dựng một số điểm lưu trú, nghỉ lại bên trong rừng, hình thành trọng điểm tham quan du lịch. Bằng BRT, có thể tiếp cận trọng điểm du lịch bằng cách đi bộ và dùng các thuyền trèo du lịch, hạn chế tuyệt đối xây dựng đường giao thông.
Khu C (khu đô thị sinh thái du lịch, kết hợp giữa khu đô thị hiện hữu và khu đô thị lấn biển mới): hướng đến một đô thị nghỉ dưỡng môi trường mới chưa từng có, là nơi “cộng sinh” và dung hòa giữa các khu dân cư hiện hữu và sự phát triển đô thị mới tiếp giáp với biển. Là vùng đệm giữa đô thị hiện hữu với đô thị mới, kết nối con người với con người, con người với rừng cây thông qua quá trình mang rừng ngập mặn vào đô thị, người dân của đô thị hiện hữu và đô thị mới cùng nhau trồng cây và trồng rừng.
Sử dụng đất sẽ bố trí các yếu tố đa dạng hình thành một đô thị bao gồm nhà ở, khách sạn, văn phòng, thương mại,... Khu vực đô thị mới (lấn biển) sẽ được giữ như quy hoạch hiện nay, đồng thời xây dựng một tuyến đường vành đai kết nối khu đô thị hiện hữu với khu đô thị mới này. Bố trí trạm BRT tại khu vực trung tâm giao nhau của khu dân cư hiện hữu với khu đô thị mới, đồng thời bố trí các chức năng thương mại, dịch vụ công cộng... xung quanh khu vực trạm này.
Với cả 3 khu sẽ phát triển hài hòa kết hợp thành một ”Đô thị tự cung tự cấp” trong tương lai, nơi thiên nhiên và con người, cái mới và cái cũ cùng tồn tại và dung hòa, thông qua việc cố gắng bảo tồn khu dân cư hiện hữu và tự nhiên (rừng ngập mặn, sông ngòi, kênh rạch,...), cũng như phát triển với mật độ thấp để thoát khỏi sự phụ thuộc xe ôtô và xe máy cá nhân, phát triển mô hình đô thị TOD (phát triển tập trung, chuyển tiếp), lấy phương tiện giao thông công cộng làm trọng tâm, kết nối với trung tâm thành phố bằng hệ thống BRT, các trạm buýt, ...;
Trong đó, thúc đẩy mạng lưới giao thông công cộng vận tải khối lượng lớn (bằng đường bộ và đường thuỷ) làm nền tảng giao thông chính, hướng tới cộng đồng, doanh nghiệp và khách du lịch nhằm cung cấp đa phương thức các phương tiện vận tải trong và ngoài khu vực Cần Giờ; Chú trọng các thiết kế cho người đi bộ, đảm bảo khả năng kết nối đến các trạm trung chuyển; phát triển hiệu quả mạng lưới theo phân cấp rõ ràng, giúp thuận tiện cho người đi bộ và phương tiện, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong tương lai; Định hướng hệ thống giao thông thế hệ tiếp theo trở thành “đô thị ôtô tự hành cấp độ 05” đầu tiên trên thế giới…
Phạm Hải - Nguyên Phong