Dự án vừa được Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS) khởi động sáng nay (26.8) tại bản Hua Tát, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, Sơn La.
Hua Tát là nơi gắn liền với sự nghiệp văn chương và cuộc đời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Sau 10 năm sinh sống tại đây, ông đã sáng tác nhiều truyện ngắn, và sau này được tập hợp xuất bản dưới tên Những ngọn gió Hua Tát.
Khu vực trồng rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: CTV
Dự án rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chọn giống cây chính là mắc ca, trồng kết hợp cây bản địa là tếch và trám đen trên 9,7 ha đất lâm nghiệp liền vùng, với sự tham gia của 13 hộ dân địa phương.
Mắc ca là giống cây công nghiệp dài ngày, theo VARS, nó có khả năng tạo thảm thực vật che phủ đất ổn định lâu dài trên 45 năm. Còn tếch và trám đen được trồng xen sẽ tạo lớp che chắn bảo vệ mắc ca khỏi gió, bão, sương muối...
Lựa chọn này đảm bảo đúng tinh thần VARS là thiết lập một kế hoạch duy trì sức khỏe của rừng đa mục tiêu lâu dài, góp phần tăng năng lực phòng hộ của lưu vực và tạo thu nhập cho người dân.
“Rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp” là một dự án riêng lẻ, không thuộc kế hoạch trồng và phục hồi 100 ha rừng đầu nguồn Sông Gianh ở Quảng Bình của VARS năm 2022. Dự án có sự phối hợp của chính quyền xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn), Hội Nhà văn Việt Nam, và nhóm giảng viên bộ môn Ngữ Văn, Khoa Khoa học xã hội, Đại học Tây Bắc.
Dự án được gây quỹ từ tháng 5.2021, nhân lễ giỗ 49 ngày của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (20.3 - 8.5.2021).
Sáng kiến trồng cây tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được khởi xướng bởi vợ chồng nhà giáo Nguyễn Nguyệt Cầm và Peter Zinoman, Giáo sư sử học tại Đại học UC Berkeley, Hoa Kỳ. Chi phí thực hiện dự án được gây quỹ trực tiếp qua việc bán đấu giá bản in đầu tiên cuốn sách đầu tay của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm Tướng về hưu. Bản in còn lưu lại chữ ký của tác giả lúc sinh thời.
Tướng về hưu được quyên tặng bởi họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà sưu tập sách Nguyễn Duy Cường (Sách Vipen), và đã được ông Alex Thai, nhà Việt Nam học tại Hoa Kỳ, mua với giá 72 triệu đồng – tương đương với số tuổi hưởng thọ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Phiên đấu giá còn nhận được gần 30 triệu đồng của nhiều độc giả ủng hộ sáng kiến này.
Với nhiều bạn đọc yêu văn chương, Nguyễn Huy Thiệp dù đa tài có thể viết nhiều thể loại như kịch, tiểu thuyết, phê bình văn học, tiểu luận nhưng được biết đến như là một trong ít cây bút đạt đỉnh cao nghệ thuật của thể loại truyện ngắn trong thế kỷ 20 ở Việt Nam. Trước khi trở thành người viết chuyên nghiệp, ông đã có 10 năm là một thầy giáo ở miền núi phía Bắc.
Dự án rừng tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chọn giống cây chính là mắc ca, trồng kết hợp cây bản địa là tếch và trám đen trên 9,7 ha đất lâm nghiệp liền vùng. Ảnh: CTV
Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021) xuất hiện khá muộn trên văn đàn với vài truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ năm 1986, nhưng lập tức trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận văn chương sôi nổi. Về cách kể chuyển của ông, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy nhận xét câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp “là một tập hợp những mảnh vỡ. Có sự xáo trộn giữa xưa - nay, huyền thoại - đời thường, xấu - tốt, thật - giả, quỷ ở với người, nửa ma nửa người… Bởi vậy phần lớn các nhân vật của Thiệp đều nhòe mờ, khó phân biệt tốt xấu, chính diện phản diện. Họ đều mang sắc độ trung gian, ở giữa các ranh giới, sắp vượt qua một giới hạn nào đó, tóm lại là đang - là.”
Tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp gắn liền với nhiều tác phẩm như Tướng về hưu (được dịch sang tiếng Anh, tiếng Đức), Muối của rừng (dịch sang tiếng Ý, Thụy Điển), Mưa nhã nam (dịch sang tiếng Thụy Điển), Sang sông được dịch và phát hành cùng 17 truyện ở Hoa kỳ, Trái tim hổ (dịch sang tiếng Hà Lan), Không có vua, Con gái thủy thần, Thương nhớ đồng quê, Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Nguyễn Thị Lộ, Những ngọn gió Hua Tát,…
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nhận được Huân chương Văn học nghệ thuật Pháp (năm 2007), giải thưởng Premio Nonino, Ý (năm 2008).
Lê Quỳnh