Dù việc đô thị hóa được biết là ảnh hưởng đến các quá trình và hệ thống sinh thái, môi trường và khí tượng, nhưng tác động của nó với hạn hán cục bộ vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Các nhà nghiên cứu từ những tổ chức gồm Đại học Khoa học Trái đất Trung Quốc (Vũ Hán), Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) và Đại học Texas (Mỹ) đã tiến hành một phân tích định lượng để hiểu tác động của quá trình đô thị hóa với hạn hán cục bộ.
Họ đã xem xét dữ liệu từ trạm thời tiết ở các khu vực đô thị và nông thôn trên toàn cầu từ năm 1980 đến 2020, cũng như mô phỏng mô hình dự báo và nghiên cứu thời tiết dựa trên vật lý.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mức độ nghiêm trọng của hạn hán trở nên tồi tệ hơn ở khoảng 36% trạm thời tiết thành phố trên toàn cầu trong giai đoạn này.
The Conversation là nền tảng xuất bản trực tuyến quốc tế, nơi các nhà nghiên cứu và học giả từ nhiều lĩnh vực khác nhau chia sẻ những khám phá và ý tưởng của họ với công chúng một cách rõ ràng và dễ hiểu.
Ngoài ra, họ dự đoán rằng hơn một nửa các khu vực đô thị trên thế giới sẽ phải đối mặt với hạn hán ngày càng nghiêm trọng vào năm 2050. Điều này đặc biệt rõ rệt ở các thành phố lớn hơn và những nơi có ít cây xanh hơn. Các khu vực có mật độ tập trung cao những cụm đô thị, chẳng hạn như miền đông Trung Quốc và miền tây Mỹ, có liên quan đến hạn hán nghiêm trọng hơn.
Những phát hiện của họ đã được công bố trên tạp chí Nature Cities được bình duyệt ngang hàng.
Trong bài báo được đăng trên trang The Conversation, Ian Wright (nhà nghiên cứu khoa học môi trường tại Đại học Western Sydney) lưu ý rằng nghiên cứu này là rất liên quan vì hơn một nửa dân số thế giới (56%) đang sống ở các thành phố. Ian Wright không tham gia vào nghiên cứu của nhóm người Trung Quốc, Mỹ.
Ông nói thêm rằng nghiên cứu trên góp phần vào kiến thức ngày càng tăng của chúng ta về nhiều tác động tiêu cực của quá trình phát triển đô thị với môi trường tự nhiên.
Thông qua các mô phỏng, nghiên cứu đã cung cấp một biện pháp định lượng về tác động của quá trình đô thị hóa với hạn hán cục bộ, cho thấy sự dịch chuyển từ môi trường nông thôn sang môi trường đô thị hóa cao khiến mức độ hạn hán cực đoan tăng thêm từ 3 đến 9%.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục điều tra các cơ chế thúc đẩy chính đằng sau hiện tượng này, đồng thời phát hiện ra rằng quá trình đô thị hóa có thể khiến môi trường ấm hơn và khô hơn, "làm giảm lượng mưa nhẹ và gây trầm trọng thêm tình trạng hạn hán cục bộ khắc nghiệt".
Theo bài viết trên trang The Conversation, thực vật đóng vai trò thiết yếu trong cơ chế này và việc mất thảm thực vật có thể dẫn đến hạn hán cục bộ nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do thực vật có thể hấp thụ độ ẩm từ đất và sau đó giải phóng hơi nước vào không khí, một quá trình được gọi là "bay hơi - thoát hơi".
Trong cuộc phỏng vấn với China News Service (hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc), Chen Nengcheng, tác giả chính của nghiên cứu từ Đại học Khoa học Trái đất Trung Quốc, cho biết những phát hiện này có thể "cung cấp hỗ trợ lý thuyết cho công tác phòng ngừa thiên tai và giảm thiểu hạn hán đô thị cũng như phát triển đô thị bền vững".
Ví dụ, nghiên cứu của nhóm này cho thấy việc tăng cường thảm thực vật có thể giúp giảm thiểu hạn hán do sự phát triển đô thị gây ra, cho thấy các nhà quy hoạch đô thị có thể nỗ lực hơn nữa để tạo ra các không gian xanh trong tương lai.
Ian Wright cho biết: "Những phát hiện quan trọng này chỉ ra nhu cầu cải thiện cách chúng ta thiết kế và xây dựng các thành phố để chúng trở nên đáng sống và bền vững hơn".
1. Bay hơi - thoát hơi là một thuật ngữ khoa học mô tả quá trình kết hợp giữa sự bay hơi nước từ bề mặt đất và thoát hơi nước từ cây cối vào khí quyển. Cụ thể:
- Bay hơi: Là quá trình nước chuyển từ dạng lỏng thành hơi nước và bay lên từ bề mặt đất, ao, hồ, sông suối hoặc các bề mặt nước khác.
- Thoát hơi nước: Là quá trình nước bị hút từ đất qua rễ cây, di chuyển qua thân, lá cây và sau đó bay hơi từ lá vào khí quyển.
Bay hơi - thoát hơi đóng vai trò quan trọng trong chu trình nước và ảnh hưởng đến khí hậu, nông nghiệp và nguồn nước.
2. Thảm thực vật là khái niệm chỉ toàn bộ hệ sinh thái thực vật tồn tại trên một khu vực nhất định, từ những cánh rừng rậm rạp cho đến những đồng cỏ xanh mướt, hay cả những sa mạc khô cằn. Thảm thực vật bao gồm tất cả các loài cây cối, cỏ, hoa, dương xỉ và các loại thực vật khác sống cùng nhau và tương tác với môi trường xung quanh.
Đặc điểm của thảm thực vật
- Đa dạng sinh học: Mỗi loại thảm thực vật có một hệ sinh thái riêng biệt với đa dạng loài thực vật khác nhau.
- Cấu trúc: Thảm thực vật có cấu trúc tầng lớp, từ tầng trên cùng là tán cây cho đến tầng dưới cùng là thảm mục trùm.
- Chức năng: Thảm thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đất, điều hòa khí hậu, cung cấp nguồn thức ăn và oxy cho các sinh vật khác.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thảm thực vật
- Khí hậu: Nhiệt độ, lượng mưa, ánh sáng mặt trời ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và phân bố của thảm thực vật.
- Địa hình: Độ cao, độ dốc, địa hình ảnh hưởng đến độ ẩm, ánh sáng và loại đất, từ đó tác động đến thảm thực vật.
- Đất: Thành phần, độ phì nhiêu của đất quyết định loại cây có thể sinh trưởng và phát triển.
- Con người: Hoạt động của con người như khai thác rừng, xây dựng, nông nghiệp làm thay đổi đáng kể thảm thực vật.
Một số loại thảm thực vật phổ biến
Thảm thực vật được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau như khí hậu, địa hình, loại cây chủ yếu. Cụ thể gồm:
- Rừng: Rừng mưa nhiệt đới, rừng rụng lá ôn đới, rừng lá kim...
- Cỏ: Đồng cỏ nhiệt đới, đồng cỏ ôn đới...
- Sa mạc: Sa mạc cát, sa mạc đá...
- Thảm thực vật đặc trưng: Rừng ngập mặn, rừng tràm...
Vai trò của thảm thực vật
- Bảo vệ đất: Thảm thực vật giúp giữ đất, ngăn chặn xói mòn, sạt lở.
- Điều hòa khí hậu: Thảm thực vật giúp điều hòa nhiệt độ, độ ẩm, hấp thụ khí CO2 và thải ra oxy.
- Cung cấp nguồn sống: Thảm thực vật cung cấp thức ăn, thuốc men, nguyên liệu cho con người và động vật.
- Bảo tồn đa dạng sinh học: Thảm thực vật là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật.
Các vấn đề liên quan đến thảm thực vật
- Phá rừng: Hoạt động của con người làm giảm diện tích rừng, gây mất cân bằng sinh thái.
- Biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu làm thay đổi điều kiện sống của nhiều loài thực vật, gây ra hiện tượng sa mạc hóa.
- Ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm không khí, nước làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thảm thực vật.
Bảo vệ thảm thực vật:
Để bảo vệ thảm thực vật, chúng ta cần:
- Nâng cao nhận thức: Tuyên truyền về tầm quan trọng của thảm thực vật.
- Hạn chế khai thác rừng: Khai thác rừng một cách bền vững.
- Trồng rừng: Tái tạo lại rừng bị phá hủy.
- Bảo vệ đa dạng sinh học: Bảo vệ các loài thực vật quý hiếm.
Sơn Vân