Tác phẩm được ông khởi thảo từ năm 1864, hoàn thành năm 1869, viết về mối tình lý tưởng lãng mạn của Frédéric Moreau, chàng trai trẻ trên đường tìm kiếm sự nghiệp và danh vọng với thiếu phụ Marie Arnoux. Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng sự việc chuyến tàu La Ville-de-Montereau rời cảng Saint-Bernard vào ngày 15.9.1840, ở đó, không gian, dấu mốc của một chuyện tình diễn ra trong không khí của những biến động quan trọng trong đời sống chính trị Pháp (dù nhân vật chính là một thanh niên đi từ mơ mộng đến lãnh đạm và sụp đổ trong tương quan với bản thân lẫn xã hội).
Tình yêu của Frédéric và Marie Arnoux là thứ tình yêu được lấp đầy bằng những khoảng lặng. Marcel Proust, tác giả của Đi tìm thời gian đã mất đã đánh giá cao tác phẩm này khi nhận định rằng, “điều hay nhất trong Giáo dục tình cảm, đó không phải là câu văn, mà là khoảnh trắng”.
Giáo dục tình cảm được coi là một trong những cuốn tiểu thuyết có ảnh hưởng nhất thế kỷ 19. Tại thời điểm ra mắt, tác phẩm đã tạo ra những chiều hướng tiếp nhận trái chiều: được những người đương thời như George Sand và Émile Zola ca ngợi, nhưng lại bị Henry James chỉ trích, còn công chúng lúc bấy giờ thấy cuốn tiểu thuyết hoàn toàn “không sao đọc nổi”.
Phải sau nửa thế kỷ, Marcel Proust và các nhà tiểu thuyết lớn của thế kỷ XX đã đánh giá lại Giáo dục tình cảm và có những ghi nhận xác đáng về giá trị. Sau đó, với trào lưu Phê bình mới, Tiểu thuyết mới, Giáo dục tình cảm thành kiệt tác được tôn sùng.
Bìa cuốn "Giáo dục tình cảm". Sách do NXB Đà Nẵng và Phanbook thực hiện và phát hành. Ảnh: P.B
Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hiếm thấy những cuốn ngang tầm với tác phẩm trong nền văn chương thế giới. Và việc số đông người, trong một thời gian dài, không hiểu nổi, chính là số phận của một vài kiệt tác “do vượt trên tầm của thời đại quá cao, quá xa, thành thử để có thể ngắm được trọn vẹn, ước lượng được tầm vóc thực của chúng, phải có độ lùi mà chỉ hậu thế mới đạt tới”.
Theo dịch giả Lê Hồng Sâm, bằng sự thể hiện trung thực và sáng suốt các sự kiện chính trị, Flaubert được coi như một sử gia về Cách mạng 1848, và Giáo dục tình cảm, “ngoài giá trị văn chương, còn có giá trị tài liệu lưu trữ”.
“Hơn một thế kỷ rưỡi qua, độc giả hiện thời hẳn đã có đủ độ lùi để thấy rõ tầm vóc thực của kiệt tác mãi trẻ trung, mãnh liệt, nơi xôn xao rỉ rào bao giọng nói của đám đông, tiếng ầm ào của những cuộc nổi dậy, là nền cho khúc ca của một tình yêu dù bất thành, dù đắng cay trước tác động của thời gian, vẫn đẹp, vẫn gợi khơi đồng cảm”, dịch giả Lê Hồng Sâm viết về Giáo dục tình cảm trong lời giới thiệu bản tiếng Việt ấn hành lần này.
Gustave Flaubert sinh ngày 12.12.1821 tại Rouen và mất ngày 8.5.1880 tại Croisset. Ông trải qua tuổi thơ êm ả bên cạnh người cha làm bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Rouen. Thời thanh niên, ông gặp bà Schlésinger và cuộc gặp đặc biệt này đã được ông nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Giáo dục tình cảm (1869).
Sau những năm tháng ngắn ngủi theo học Luật ở Paris, ông mắc một chứng bệnh thần kinh buộc ông phải quay về tĩnh dưỡng nơi điền trang gia đình ở Croisset. Ông lao vào sáng tác và lần lượt cho xuất bản Bà Bovary (1857) - cuốn tiểu thuyết khiến ông vướng vào một vụ kiện tụng vì đã xúc phạm đạo đức tôn giáo cũng như thuần phong mỹ tục; Salammbô (1862), Three Tales (1877) và Bouvard and Pécuchet (1881) cuốn tiểu thuyết chưa kịp hoàn thành trước khi ông qua đời.
T.Văn