Goethe và phẩm tính tinh thần của màu sắc

 10:38 | Thứ tư, 11/05/2022  0
'Thuyết màu' của Goethe là một tác phẩm hấp dẫn về triết lý và kinh nghiệm nghệ thuật xoay quanh màu sắc, làm cầu nối giữa trực giác và thị giác theo cách mà hơn hai trăm năm sau.

Mỗi một nền văn hóa lớn trên thế giới, đều được hội tụ và hoàn kết ở nhân vật văn hóa tiêu biểu kiệt xuất của nó. Và thậm chí, họ còn tạo ra thời đại văn hóa mới. Nếu Dante Alighieri là biểu trưng của văn hóa Ý Trung cổ và mở đường Phục hưng, hay William Shakespeare đã làm thay đổi diện mạo ngôn ngữ và thi ca Anh, thì nhắc đến Johann Wolfgang von Goethe (1749 – 1832) là nhắc đến một đỉnh cao của văn hóa Đức.

Johann Wolfgang von Goethe.

Có lẽ, bạn đọc Việt Nam biết đến Goethe nhiều nhất với tư cách một đại tác gia. Ông là tác giả của hơn 100 tác phẩm từ thi ca, văn xuôi, kịch cho tới dịch thuật và phê bình. Hai tác phẩm lớn của ông đã được dịch ra tiếng Việt là  FaustNỗi đau của chàng Werther. Nhưng Goethe còn có một cạnh khía khác, khi ông là một ảnh hưởng không lồ tới nền triết học và khoa học tự nhiên Đức, tới những triết gia hậu thế lẫy lừng như Georg Wilhelm Friedrich Hegel, Arthur Schopenhauer, Søren Kierkegaard, Friedrich Nietzsche, Oswald Spengler, Ludwig Wittgenstein.

Như một phi lộ thú vị đến với thế giới triết học tự nhiên (Naturphilosophie) của Goethe, công trình nổi tiếng Zur Farbenlehre (1810) đã được hai dịch giả Ngụy Hữu Tâm và Trần Vinh giới thiệu tới tay độc giả Việt Nam với tên gọi Thuyết màu (Nxb Mỹ thuật, 2021).

Tác phẩm sẽ được giới thiệu vào ngày 12.05.2022 tại Viện Goethe trong khuôn khổ Những ngày Văn học châu Âu 2022.

Thuyết màu trong sự phát triển lý thuyết về màu sắc

Thuyết màu của Goethe là một dấu mốc đáng kể trong lịch sử phát triển lý thuyết về màu sắc, bắt nguồn từ thời cổ đại. Đầu tiên triết gia cổ đại Aristotle hình dung màu sắc được Thượng đế từ trên trời ban xuống trần gian dưới dạng các tia sáng thiên thể, và xác định bốn màu tương ứng với bốn nguyên tố: đất, lửa, gió và nước. Trong tác phẩm Peri Aistheseos kai Aistheton (Về giác quan và cái được tri giác, khoảng năm 330 TCN), Aristotle sắp xếp năm màu hữu sắc giữa trắng và đen.

Thuyết màu (Ngụy Hữu Tâm và Trần Vinh dịch, Nxb Mỹ thuật, 2021).


Màu sắc, song hành cùng với phản xạ và khúc xạ, trở thành một trong những vấn đề chính của quang học, bắt đầu từ Optics (Quang học, thế kỷ II) của triêt gia La Mã Claudius Ptolemy đến công trình quan trọng Kitāb al-Manāẓir (Sách Quang học, 1011–1021) của học giả Ả Rập Ibn al-Haytham, người mệnh danh là “cha đẻ của quang học hiện đại.”

Đến thời Phục hưng, các nghệ sĩ bắt đầu quan tâm đến màu sắc với chức năng nghệ thuật và đau đáu muốn tìm các nguyên lý vận dụng màu sắc. Đầu tiên là Leon Battista Alberti với công trình De pictura (Về hội họa, 1435). Leonardo da Vinci đề xuất một hệ thống phân cấp màu thay thế dành cho các họa sĩ. Trong cuốn Trattato della Pittura (Luận về hội họa, thế kỷ XV), ông nói rằng trong khi các triết gia coi màu trắng là “nguyên nhân, hay chất nhận” của màu sắc còn màu đen là sự thiếu vắng màu sắc, thì cả hai màu đều rất cần thiết đối với họa sĩ, với màu trắng đại diện cho ánh sáng và màu đen cho bóng tối. Ông liệt kê sáu màu của mình theo thứ tự sau: trắng, vàng (đất), xanh lá cây (nước), xanh lam (không khí), đỏ (lửa) và đen.

Tuy nhiên, phải đến Isaac Newton cùng công trình Opticks (Quang học, 1704) thì mới chính thức xác lập một lý thuyết về màu sắc, hay khoa học thị giác. Sự hiểu biết chi tiết về khoa học màu sắc bắt đầu vào năm 1666, khi Isaac Newton, sử dụng hai lăng kính, quan sát thấy rằng ánh sáng trắng bao gồm tất cả các màu của cầu vồng, và có thể được xác định và sắp xếp thứ tự.

Newton lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ “quang phổ” cho các mảng màu được tạo ra bởi lăng kính. Ông nhận ra rằng các màu bao gồm ánh sáng trắng bị “khúc xạ” (bẻ cong) bởi các lượng khác nhau và ông cũng hiểu rằng không có ánh sáng “có màu,” tức màu ở trong mắt người quan sát. Thay vào đó, chỉ có một phạm vi năng lượng –hoặc tần số tỷ lệ thuận và bước sóng nghịch đảo. Newton đã gán bảy màu cho quang phổ tương tự như âm giai.

Phòng làm việc của Goethe ở Weimar.


Vị trí Thuyết màu của Goethe trong lịch sử lý thuyết của màu sắc nằm trong tham chiếu đối trọng với Quang học của Newton. Goethe biện bác quan điểm của Newton về màu sắc, cho rằng màu sắc không chỉ đơn giản là một phép đo khoa học, mà là một trải nghiệm chủ quan được mỗi người quan sát cảm nhận khác nhau.

Đóng góp của Goethe cùng Thuyết màu chính là nghiên cứu có hệ thống đầu tiên về các tác động sinh lý của màu sắc.

Giá trị tinh thần của màu sắc

Ngọn nguồn của Thuyết màu, ngoài tình yêu với khoáng vật học và sự phản biện Newton, cũng xuất phát từ chuyến thăm Ý của Goethe trong hai năm 1786–1788. Thưởng lãm tác phẩm nghệ thuật Phục hưng, Goethe ấn tượng trước những quy ước nghệ thuật được các danh họa Ý kiến lập, nhưng đồng thời phát hiện ra rằng họ vẫn chưa xây dựng được một nguyên lý và phương pháp hòa màu tối ưu. Liệu có một cách nào để người nghệ sĩ thống ngự được màu sắc?

Bánh xe màu của Goethe, 1809.


Khác biệt cơ bản trong quan niệm về ánh sáng và màu sắc giữa Newton và Goethe, là giữa một bên là cách tiếp cận phân tích màu sắc, còn một bên là cách hiện tượng được tri giác; giữa màu sắc là sự tán sắc của ánh sáng trắng và màu sắc là thang bậc của bóng tối; giữa màu sắc với tư cách là cái đã trở thành (das Gewordene) vô tri, bất biến vốn là đối tượng của đo lường vật lý, và màu sắc với tư cách là cái đang trở thành (das Werden) tồn tại, sống động chứa đựng đầy khả biến. Chẳng những vậy, trong khi giới vật lý bác bỏ, thì Thuyết màu của Goethe lại được các họa sĩ đón nhận và tiếp thu nhiệt tình.

Tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm của cả một nền văn minh hay một thời đại văn hóa, tinh thần thời đại (zeitgeist). Nhưng cầu nối trung chuyển giữa ba yếu tố chính của văn minh là môi trường, lịch sử và chủng tộc đến với cá nhân sáng tạo và rồi tác phẩm nghệ thuật chính là khí chất. Khí chất là cái tạo nên phong cách cá nhân của một nghệ sĩ. Đóng góp lớn lao của Thuyết màu là tìm ra yếu tố tâm lý và phẩm tính tinh thần của màu sắc, như là mối liên hệ giữa tự nhiên và tâm trạng cảm xúc của người nghệ sĩ với tác phẩm của họ.

Temperamentenrose (Bông hồng khí chất) của Goethe và Schiller, 1788-89.


Trước đó, vào năm 1798–1799, Goethe cùng Friedrich Schiller đã xây dựng một bánh xe màu mang tên gọi Temperamentenrose (Bông hồng khí chất) với 12 màu tượng trưng cho 12 tính cách (nhà cai trị, bạo chúa, anh hùng, nhà phiêu lưu, đề cao khoái lạc, người tình, thi sĩ, nhà phát ngôn, sử gia, nhà giáo, triết gia, nhà thông thái rởm) dựa trên mô hình bốn khí chất chủ đạo quyết định tính cách con người (sôi nổi, ưu tư, linh hoạt và điềm tĩnh).

Goethe phân loại ba loại màu sắc khác nhau: màu sinh lý học thuộc về thị giác, màu tự nhiên hay màu vật lý được đưa vào thị kiến qua một phương tiện trung gian không màu như là không khí, và màu hóa học thuộc về vật thể như một thuộc tính cố hữu. Mặt khác, trên cơ sở thiết lập một tâm lý học màu sắc, mỗi màu sắc đều được Goethe gán cho một ý nghĩa biểu tượng và giá trị tinh thần.

Paul Klee, Bóng bay đỏ, 1922, sơn dầu.


Thuyết màu và nghệ thuật

Bởi vậy, người họa sĩ, theo Goethe, trong mỗi trường hợp vận dụng màu sắc sẽ mang lại một diệu dụng cụ thể tác động đến tâm trạng và cảm xúc của người xem. Ví dụ như màu vàng “cho ta ấn tượng ấm nóng và ngọt ngào, dễ chịu. Nhờ thế mà trong hội họa, nó tăng thêm mặt soi sáng và gây hiệu dụng” (tr. 192), “màu của cực âm (-) là màu lam, màu chàm và màu tím. Chúng mang lại cảm giác bất an, mềm yếu và nhớ nhung” (tr. 193), màu xanh lam “cho ta cảm giác lạnh, giống như bóng râm vậy” (tr. 194).

Philipp Otto Runge, Bình minh, 1809-10, sơn dầu trên toan.


Bên cạnh đó, việc áp dụng màu sắc và kết hợp các màu sắc khác nhau còn đi đến cách sử dụng mang tính phúng dụ, tượng trưng và thần bí, chứa đựng giá trị tinh thần hay mỹ học. Điều nay ta có thể dễ dàng tìm thấy ví dụ trong màu phụng vụ của các ngày lễ Kitô giáo, khi màu đen đại diện cho cái chết được sử dụng trong Thứ sáu Tuần Thánh, màu đỏ là màu sắc của máu và lửa trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, màu trắng tượng trưng cho sự thanh tẩy và thánh thiện trong lễ Giáng Sinh và Phục Sinh, màu tím ám chỉ sám hối và để tang trong Mùa Vọng và Mùa Chay…

J.M.W. Turner, Ánh sáng và Màu sắc (Lý thuyết của Goethe), Buổi sáng sau Đại Hồng Thủy-Moses viết sách Sáng Thế, 1843, sơn dầu trên toan.


Thuyết màu và bánh xe màu sắc của Goethe đã được nhiều họa sĩ tiếp nhận và áp dụng cho bảng màu của mình. Đầu tiên phải kể đến họa sĩ Lãng mạn người Đức Philipp Otto Runge, người trực tiếp bầu bạn với Goethe dựa trên mối quan tâm chung đến màu sắc và hội họa. Bản dịch tiếng Anh được Charles Lock Eastlake thực hiện năm 1840, với mục đích như một cuốn cẩm nang hỗ trợ các họa sĩ người Anh, đã tác động sâu sắc đến danh họa trường phái Lãng mạn Anh J. M. W. Turner và nhóm họa sĩ Tiền Raphael, trong đó tiêu biểu là William Holman Hunt.

Đến thế kỷ XX, dấu ấn của Goethe hiện diện trên bảng màu trừu tượng của Wassily Kandinsky và lập thể của Paul Klee.

Wassily Kandinsky, Vàng-Đỏ-Xanh, 1925, sơn dầu trên toan.


Thuyết màu của Goethe là một tác phẩm hấp dẫn về triết lý và kinh nghiệm nghệ thuật xoay quanh màu sắc, làm cầu nối giữa trực giác và thị giác theo cách mà hơn hai trăm năm sau, vẫn đứng vững và tiếp tục gây tò mò.

Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.