Hai kiến trúc sư phản biện giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng về quy hoạch Đà Lạt

 17:15 | Thứ tư, 27/03/2019  0
LTS: “Cần bình tĩnh, không vội vã phá di sản, động đến những giá trị cốt lõi của Đà Lạt. Rất cần góc nhìn đa chiều và toàn diện cho Đà Lạt… Đô thị đến lúc cần thay đổi, đó là điều tất yếu. Nhưng thay đổi thế nào, để thổi hồn cho đô thị ngày càng có giá trị hơn hay thay đổi bằng mọi giá, đánh đổi cả lịch sử?...” – Đó là ý kiến của KTS. Cao Thành Nghiệp và KTS. Nguyên Hạnh Nguyên trong bài viết gửi đến Người Đô Thị, tranh luận lại quan điểm của ông Lê Quang Trung (Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng) trong cuộc phỏng vấn gần đây trên báo Lâm Đồng, gây nhiều bất ngờ với dư luận.

Tôn trọng thông tin đa chiều, Người Đô Thị đăng tải lại những phản biện của hai kiến trúc sư và mong tiếp tục nhận được những ý kiến khác của giới chuyên môn, nhà quản lý và bạn đọc về bản đồ án quy hoạch mới khu Hòa Bình đang gây tranh cãi

Dinh Tỉnh trưởng đã tồn tại hơn 100 năm, là di tích cấp thành phố. Xẻ đất di tích để bán liệu có đúng?. Ảnh: zing.vn


Sau khi đọc nội dung trả lời phỏng vấn của ông Lê Quang Trung (Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng) về một vài khía cạnh trong Quy hoạch chi tiết 1/500 và Thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình - TP Đà Lạt trong bài viết “Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng: không nên hoài niệm quá mà cản trở phát triển Đà Lạt”, chúng tôi không khỏi thất vọng.

Sau rất nhiều bài báo của các nhà chuyên môn, các kiến trúc sư, và cả những người dân Đà Lạt, vẫn có những người không hiểu hoặc cố tình không hiểu vấn đề hiện nay là: Cần bình tĩnh, không vội vã phá di sản, động đến những giá trị cốt lõi của Đà Lạt. Rất cần góc nhìn đa chiều và toàn diện cho Đà Lạt.

Hiện nay mới chỉ thấy hai chiều: Các nhà ra quyết định tại địa phương chỉ nhìn dưới con mắt phát triển kinh tế. Người dân Đà Lạt nhìn theo cảm xúc: muốn cuộc sống hiện đại hơn song linh hồn của thành phố không bị mất đi. Tất nhiên nhu cầu này là đúng. Vấn đề còn lại là giải pháp: các nhà chuyên môn, chủ đầu tư, nhà tư vấn và các lãnh đạo phải cùng nhau giải được bài toán này.
Chúng tôi đưa ra ý kiến phản biện lại những khẳng định của ông Trung về bản quy hoạch chi tiết 1/500 như sau:

Câu hỏi 1: Đà lạt có cần bổ sung thêm trung tâm thương mại không?

- Thưa không.

Trước khi có đề xuất bổ sung khối trung tâm thương mại, các nhà tư vấn và chủ đầu tư đã khảo sát bối cảnh và nhu cầu chưa? Họ có biết một thành phố nhỏ như Đà Lạt hiện đang có tới 4 trung tâm thương mại đều đang hoạt động thiếu hiệu quả: trung tâm thương mại khu quảng trường chưa khai thác hết; trung tâm thương mại đường Trần Hưng Đạo - Phạm Hồng Thái xây xong không khai thác được; trung tâm thương mại LangBiang đường Phan Chu Trinh không khai thác được; trung tâm thương mại khu C chợ Hoà Bình: chưa khai thác được.

“Theo các tiểu thương kinh doanh cả ở chợ mới và cũ Đà Lạt, Thành phố có khoảng 300.000 dân, nhưng hai chợ cũ và mới lại nằm trên cùng một khu đất, quy mô mỗi chợ là 1.000 quầy sạp, chưa kể tại các phường cũng có chợ khá lớn như chợ Phan Chu Trinh, Chi Lăng, Phan Đình Phùng…, cộng với vài ba siêu thị trên địa bàn đã trở nên quá thừa để đáp ứng cho số lượng người dân tại chỗ và trên 3 triệu khách du lịch mỗi năm. Đây chính là một phần nguyên nhân khiến tình hình buôn bán của các tiểu thương giảm sút” - Bài viết trên Vnexpress 14.6.2015. Tình hình đến nay không có gì khả quan.  

Vậy xây dựng thêm trung tâm thương mại trong khi 4 khu cũ đang chưa hoạt động hiệu quả có phải là tư duy duy ý chí? Đà Lạt hấp dẫn bởi cách buôn bán nhỏ, các tuyến phố đi bộ, vừa di chuyển, vừa mua sắm. Khách du lịch không đến Đà Lạt để vào các tòa nhà trung tâm thương mại. Nếu cứ chủ quan theo quy hoạch này, chúng ta biến Đà Lạt trở thành “Sài Gòn trên cao nguyên” như câu nói của KTS. Ngô Viết Nam Sơn.  

Theo quy hoạch vừa công bố, rạp Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, thay vào trung tâm thương mại Hòa Bình, là khu phức hợp có tính chất giải trí có 5 tầng nổi. Ảnh: zing.vn


Câu hỏi 2: Đà lạt có cần xây dựng khách sạn tại đồi Dinh Tỉnh trưởng?

- Thưa không.

Đà lạt có bao nhiêu khách sạn? Cần xem xét lại nhu cầu trong lõi đô thị cổ? Xây thêm một khách sạn với vài trăm phòng không giải quyết được vấn đề cơ bản. Các yếu tố cảnh quan, địa hình có được nghiên cứu trước khi có bản đề xuất này? Không thể làm biến dạng đường chân trời, không thể đưa khối tích quán lớn

Không thể chất tải, gây sức ép lên hạ tầng khu Hòa Bình: Hạ tầng giao thông tiếp cận đồi Dinh không thể phù hợp cho khối chức năng khách sạn 10 tầng. Các khách sạn và resort nếu có phải nằm ngoài trung tâm.

Khách sạn tại trung tâm đồi dinh, người dân có được hưởng lợi hay lợi ích này chỉ nhắm tới số ít? Cái giá phải trả khi mất yếu tố cảnh quan, mất không khí định hình bản sắc đô thị sẽ rất lớn, ai sẽ gánh chịu điều này?

Câu hỏi 3: Dinh Tỉnh trưởng là di tích cấp thành phố. Xẻ đất di tích để bán liệu có sự đồng thuận của Đảng và Nhân dân?

Câu hỏi 4: Khái niệm về chỉnh trang đô thị trong đồ án quy hoạch được định nghĩa như thế nào? Tại sao phải giải tỏa trắng nhà dân để xây dựng trung tâm thương mại và khách sạn? Những vấn đề về đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân sẽ làm xáo trộn đời sống người dân để xây chen vào 2 khối nhà xa lạ, liệu sự đánh đổi này có xứng đáng?

Cấu trúc khu Hòa Bình dự kiến quy hoạch chi tiết 1/500 được ông bố ngày 15.3.2019: Sẽ có 5 phân khu chức năng: Phân khu I (Khu vực Chợ Đà Lạt – đường Nguyễn Thị Minh Khai) có quy mô khoảng 6,95 ha; là chợ truyền thống kết hợp với quảng trường trung tâm, phố đi bộ kết nối với trung tâm thương mại và khu đậu xe ngầm.

Phân khu II (Khu TTHB) khoảng 3,37 ha; là khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí. Phân khu III (Khu vực đồi Dinh) khoảng 4,43 ha; là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Phân khu IV (Khu vực chỉnh trang đô thị) khoảng 9,19 ha; là khu vực đề xuất chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ hướng đến hình thành khu ở kết hợp thương mại phát triển hỗn hợp với các loại hình dịch vụ và giải trí. Phân khu V (Khu vực ven hồ) khoảng 6,06 ha; là các biệt thự và công trình dịch vụ – du lịch, lưu trú – khách sạn


Nguy cơ Đà Lạt mất bản sắc là không tránh khỏi. Dẫu biết Đà Lạt từ vài năm trở lại đây đã bị can thiệp quá thô bạo của quy hoạch, kiến trúc, nhưng lần này có lẽ là lần tác động lớn nhất do quy mô dự án động đến tổng thể đô thị. Lúc này vẫn chưa muộn để cứu Đà Lạt. Lúc này cần ý kiến chuyên gia, ý kiến đa ngành, cần các cuộc hội thảo riêng cho từng vấn đề (như hội thảo Dinh Thượng Thơ năm 2018 đã được đánh giá rất cao về sự cầu thị của TP.HCM)

Đô thị đến lúc cần thay đổi, đó là điều tất yếu. Nhưng thay đổi thế nào: Thay đổi để thổi hồn cho đô thị ngày càng có giá trị hơn hay thay đổi bằng mọi giá, đánh đổi cả lịch sử?

Phải nhận thấy nếu xét về kinh tế: nguồn thu lớn nhất của Đà Lạt là từ du lịch. Nhưng khách du lịch chỉ đến đây khi còn thấy đô thị có bản sắc. Nếu đánh mất giá trị này, kinh tế sẽ đi xuống. Nhìn bài học Sa Pa để thấy Đà Lạt cần tỉnh táo và bình tĩnh, nhìn bài học của các đô thị trên thế giới họ giữ bản sắc trong cuộc sống đương đại như thế nào...

Quan điểm “phải đập đi xây lại để phát triển” thường xuất phát từ sự dễ dãi. Tất nhiên đập đi xây mới là dễ nhất. Tính toán để giữa được bản sắc trong hơi thở đương đại mới khó, nhưng đó là sự hy sinh xứng đáng, hy sinh cho một “đô thị bền vững”, “đô thị nhân văn”

KTS. Cao Thành Nghiệp KTS. Nguyên Hạnh Nguyên

TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên: Trưởng Bộ môn Lý luận và Lịch sử, Khoa Kiến trúc Nội thất, Đại học Kiến trúc TP.HCM

KTS. Cao Thành Nghiệp: Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia về Bảo tồn trùng tu tôn tạo - 2012; Giải thưởng Kiến trúc Xanh – 2013; Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2014 về quy hoạch; Đã thiết kế, trùng tu nhiều di sản kiến trúc tại Đà Lạt, TP.HCM...

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.