Để toạ đàm thêm sinh động cũng như cung cấp thêm thông tin cho độc giả, khách mời, tác giả và ban tổ chức đã công phu chuẩn bị, trưng bày những tác phẩm tiêu biểu trích ra từ cuốn sách, như: Bảo tàng Louis Finot: Kho báu Đông Tây; Trường nữ sinh Briex: Kiến trúc Pháp - Hoa; Nhà Hát Lớn: Cung điện văn hóa tráng lệ; Biệt thự số 18 Tông Đản: Lâu đài nhỏ trên phố vắng; Cầu Doumer: Con Rồng cổ tích.
Giới thiệu vẻ đẹp Hà Nội thông qua các kiến trúc
Cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội được xuất bản với đẳng cấp như "album nghệ thuật" với khổ sách lớn, dày gần 300 trang, bìa cứng có cả bìa bao. Đây là sáng kiến rất quan trọng của Trung tâm lưu trữ Quốc gia 1.
Nét nổi trội so với các ấn phẩm trước về kiến trúc Hà Nội chính là, bên cạnh những bản vẽ thiết kế còn có những tấm ảnh tư liệu được sưu tầm và lựa chọn kỹ cùng lời thuyết minh bằng ba thứ tiếng (Việt-Pháp-Anh). Đặc biệt là có thêm sự khảo tả chi tiết, những cái tên địa điểm kiến trúc mà chắc hẳn nhiều người chưa bao giờ biết.
Bằng kinh nghiệm kết hợp cả hai phẩm chất nghiêm túc về khoa học và uyển chuyển về chữ nghĩa, quyển sách đã được hé mở với những lớp trầm tích khác nhau. Độc giả sẽ hiểu thêm về kiến trúc của Pháp đưa vào bối cảnh Đông Dương. Mà ở đây, có rất nhiều tầng bậc, lịch sử thuộc địa, lịch sử quan hệ ngoại giao… các tầng bậc khác của cư dân bản địa và kể từ khi người Pháp đặt chân đến Đông Dương từ trước đến nay.
Tác giả Phúc Tiến chia sẻ tại toạ đàm.
Đây là 37 trong số 60 công trình được chọn lọc kỹ lưỡng để giới thiệu trước công chúng. Nhóm biên soạn đã phân chia theo quận, địa bàn, địa phương. Cách thiết kế khoa học và trực quan sinh động đó như mời bạn đọc "dạo bước" trên từng trang sách, bắt đầu từ trung tâm chính trị: Quảng trường Ba Đình, quận Ba Đình. Điểm cuối của cuộc dạo chơi chính là: Cầu Doumer - cầu Long Biên.
Có thể nhiều đối tượng khảo tả không mới, vẫn là Nhà Hát Lớn, Cầu Doumer, Viện Pasteur, Bảo tàng Louis Finot,… nhưng với cách thực hiện, lựa chọn ảnh và tư liệu lại đầy tinh tế, mới lạ.
Bên cạch đó là sự xuất hiện những công trình mà ngay cả nhiều người tự cho là biết nhiều về Hà Nội, đến nay mới lần đầu được tiếp cận. Ví dụ như ngôi nhà số 6 Hoàng Diệu hay tòa biệt thự 18 Tông Đản, đều vừa tròn trăm tuổi.
Nhà báo Phúc Tiến chia sẻ: “Để thực hiện quyển sách, chúng tôi phải tham khảo nhiều sách về kiến trúc, nghệ thuật viết về Hà Nội. Xem người ta đã nói về Hà Nội như thế nào, đặc biệt là lịch sử quy hoạch của Hà Nội. Chúng tôi làm quyển sách này và xác định từ đầu đây không phải tập tài liệu chuyên môn về kiến trúc hay xây dựng. Bởi chúng tôi là người ngoại đạo, và tôi lại là người con của Sài Gòn chính gốc. Vì tôi yêu những nét đẹp kiến trúc cổ xưa, nên tôi chọn trở thành người nghiên cứu lịch sử, đọc tài liệu, yêu thích đô thị. Chúng tôi không dám mon men đến việc sẽ nhận xét về các kỹ thuật chuyên môn kiến trúc xây dựng như thế nào".
"Do vậy, quyển sách này được hình thành trên chủ đích nhằm giới thiệu cái đẹp, thông qua các kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội. Và chúng tôi gọi đó là những viên ngọc quý, sau đó dẫn dắt du khách du lịch trong từng trang sách. Từng bài viết khảo tả đều dưới góc nhìn của những du khách. Chúng ta nhìn thấy tòa nhà đó, trên cảnh quan đó như thế nào. Từ đó, nhóm biên soạn cùng đưa vào những nhận xét cơ bản khung cửa. mái nhà để thưởng thức.”
Độc giả, khách mời đến tham dự tọa đàm.
Tác giả đã có những nhận định và kể về hành trình đi qua những kỷ niệm gắn liền với việc tìm hiểu, đến thăm, sưu tầm và cùng nhóm nghiên cứu ở trung tâm lưu trữ quốc gia biên soạn nên quyển sách.
Các “nữ tướng” của Trung tâm đã tìm được nhiều tài liệu quý, được bảo quản tốt như họa đồ, các bản nháp thiết kế và chung cuộc với đầy đủ các chữ ký của kiến trúc sư, nhà thầu, cơ quan duyệt xét của khoảng 60 công trình kiến trúc thời Pháp tại Hà Nội. Kể cả các văn bản liên quan đến việc xây dựng và điều hành, cũng như một số hình ảnh có được từ các nguồn trong và ngoài nước. Họ còn phụ trách phần biên dịch và nhiều công việc khác.
Là người có quê ngoại tại Hà Nội, đến với tọa đàm, ông Tạ Trung Kiên chia sẻ: “Tôi được biết đến những công trình kiến trúc đậm chất Indochinese trên đất nước Việt Nam. Đây không chỉ là những bức hình chụp mà còn là những bản vẽ được bảo tồn kỹ lưỡng. Những ý nghĩa, ngôn ngữ thiết kế Á Đông được kết hợp với ngôn ngữ thiết kế đậm chất châu Âu tạo nên một nét văn hoá rất riêng, được gọi với cái tên kiến trúc Pháp – Đông Dương.
Ông Kiên tin đây sẽ là một nguồn tài liệu quý bổ sung cho nền kiến trúc nước nhà, để người dân Việt Nam thấu hiểu và nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn những kiến trúc cổ đang dần bị thay thế bằng những khối bê tông kính sáng bóng. "Hãy hiện đại hoá đất nước trên nền tảng lịch sử để lại thay vì việc thay thế cái cũ bằng cái mới”, ông Kiên phát biểu.
Thế giới bên ngoài trang sách và sứ mệnh đặc biệt
Đến với buổi giao lưu, GS. Nguyễn Nam - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam của Đại học Fulbright, chia sẻ: “Gọi là thế giới bên ngoài trang sách, chúng tôi cũng nỗ lực tổ chức thành diễn đàn, điểm hẹn để các nhà nghiên cứu, học giả, hoặc các đạo diễn, nghệ sĩ hoặc thậm chí là các tác giả văn chương đến giao lưu trực tiếp với khán giả. Tất cả những buổi nói chuyện như thế đều chọn Việt Nam làm trung tâm, đặt nghiên cứu Việt Nam ở bối cảnh khu vực và toàn cầu".
GS. Nguyễn Nam chia sẻ tại toạ đàm.
Chia sẻ thêm, GS. Nguyễn Nam cho biết, đơn vị là trường đại học Việt Nam và sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để giảng dạy học tập nên sự kiện như hôm nay, tọa đàm về sách chính là nỗ lực của nhà trường tiếp cận với công chúng và làm cho công chúng hiểu hơn những sứ mệnh chủ chốt của nhà trường. Một trong những hướng mà đại học Fullright hướng tới là đào tạo công dân Việt Nam.
“Công dân toàn cầu nghe thật hấp dẫn nhưng chúng ta sẽ không có công dân toàn cầu nếu không có công dân quốc gia tốt. Chúng tôi xây dựng cho sinh viên ý thức căn tính Việt Nam. Chỉ khi mình có ý thức mình là người Việt Nam, mình mới ý thức đóng góp xây dựng cho xã hội, cho đất nước mình. Nếu mình thoát ly thì mình khó có nền tảng để mình phát triển", GS. Nguyễn Nam nhận định.
Cho biết Fulbright đã có ngành nghiên cứu Việt Nam, GS. Nguyễn Nam đồng thời chia sẻ thêm: "Bất kỳ chúng ta nghiên cứu Việt Nam từ góc độ nào: xã hội học, quan hệ quốc tế, nhân học… nhưng một khi chúng ta chọn Việt Nam là đối tượng nghiên cứu trung tâm và nghiên cứu Việt Nam ở bối cảnh là khu vực và toàn cầu thì chúng ta đang ở trong lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam. Do đó chúng tôi đang định ra năm hướng đang phát triển. Thứ nhất là Quan hệ quốc tế tức là đặt Việt Nam ở khu vực, toàn cầu. Thứ hai là hướng nhân văn số hóa, khoa học máy tính. Thứ ba là nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam trong bối cảnh khu vực, toàn cầu.
Hướng thứ tư chính là nghiên cứu văn hóa tiếp cận liên ngành. Hướng cuối cùng chính là nghiên cứu điện ảnh và văn học Việt Nam. Từ một tác phẩm văn chương đến tác phẩm điện ảnh ra sao. Tất cả những cái đó: Xây dựng được ý thức, văn hóa, căn tính Việt Nam.” – GS. Nguyễn Nam nhận định.
Gia Anh - Ảnh: KKD