Là một tác giả kiêm nhà báo phụ trách mục sách của nhiều tạp chí, trong công việc, Lee Ha-Young có được cơ hội tiếp xúc với rất nhiều tựa sách khác nhau. Cô chia sẻ ngay từ rất nhỏ, mình đã hứng thú với các tủ sách ở nhà bạn bè, người quen… để tìm hiểu xem họ thích đọc gì. Vào một ngày nọ, khi nhìn ngắm bức Tĩnh vật tiểu thuyết Pháp và hoa hồng của Vincent van Gogh, cô đã tự hỏi liệu những tựa nào được đại danh họa vẽ trong bức ấy. Từ đó cô đã tìm về không ít tác phẩm tiểu sử cũng như phái sinh viết về cuộc đời của ông, ngõ hầu tìm ra những tựa sách đó.
Bức tranh Tĩnh vật tiểu thuyết Pháp và hoa hồng của van Gogh đã truyền cảm hứng cho tác giả tìm hiểu xem các nhà văn đọc những cuốn sách nào. Ảnh: Pinterest
Với cách tiếp cận thú vị như trên, cô đã lần về thời đại của những nhà văn nổi tiếng như: Lev Tolstoy, Oscar Wilde, Ernest Hemingway… để xem đâu là cuốn sách ảnh hưởng đến họ. Có niềm yêu thích đối với hội họa và âm nhạc, những cái tên như: Beethoven, Vincent van Gogh, Paul Gauguin, Manet, Frida Kahlo… cũng nằm trong danh sách này. Ngoài ra còn là những nghệ sĩ có tên tuổi và danh tiếng trong lĩnh vực của mình, như Auguste Rodin trong ngành điêu khắc, Charlie Chaplin, Stanley Kubrick trong điện ảnh hay Isadora Duncan trong nghệ thuật múa…
Ở mỗi chương sách, cô cho ta thấy những người nghệ sĩ thông qua văn chương đã tự cứu lấy cuộc sống của mình trong những thời điểm đậm tính bi kịch. Chẳng hạn với Beethoven, vào thời điểm mà thính lực của ông ngày càng giảm sút, thì chính vở kịch Giông tố của William Shakespeare đã giúp cho ông tự động hòa giải với số phận mình, để bắt đầu sáng tác ra những bản nhạc hướng đến bình an nội tại mà bản sonata dành cho piano có cùng tựa đề ra mắt và cuối cuộc đời là một trong số đó.
Trong vở kịch ấy của Shakespeare, tuy Prospero – người bị cướp mất ngai vàng và chịu âm mưu lật đổ - có được sức mạnh ma thuật để trả thù hay nguyền rủa những người đã làm hại mình, nhưng ông không sử dụng nó để làm điều xấu, mà chỉ giữ cho bản thân không bị tiêu diệt như là số phận đã định cho mình. Beethoven thấu hiểu chính bài học ấy, tuy bị định mệnh lấy đi khả năng nghe nhạc, nhưng ông bằng lòng sống tiếp với điều đang có, từ đó tìm ra lối đi cho bản thân mình.
Cũng với niềm yêu thích Shakespeare như Beethoven, nam tài tử yểu mệnh James Dean cũng tìm thấy ở Hamet những sự đồng cảm, từ đó xoa dịu nỗi đau từ thời thơ ấu khi bị bỏ rơi, hướng anh đến với sự nghiệp diễn xuất tương đối huy hoàng dẫu là ngắn ngủi.
Theo tác giả, nam tài tử James Dean hiếm khi nào hoàn thành xong một cuốn sách, nhưng Hamlet của Shakespears đã tác động đến ông hơn cả. Ảnh: Medium
Văn chương những vĩ nhân đọc cũng phần nào đó phản ánh thời đại còn nhiều u ám mà họ đang sống. Chẳng hạn với Paul Gauguin, việc ông ví mình như “người khốn khổ” như trong tuyệt tác cùng tên của Victor Hugo đã cho ta thấy được sự thất vọng trước thị hiếu hời hợt mà người xem dành cho hội họa siêu thực.
Cũng chung một cảm giác đó là van Gogh, người đã tự an ủi bản thân qua Sự tôn thờ anh hùng của Thomas Carlyle, vì trong cuốn đó, những người họa sĩ đã được coi là người “anh hùng” thật sự. Dẫu khi tạ thế van Gogh chưa từng bán được một bức tranh nào, thế nhưng sau khi ông qua đời, thị hiếu đã bắt kịp, thì chính ông đã là một anh hùng như cuốn sách của Carlyle mà mình yêu thích.
Qua câu chuyện của những vĩ nhân và các cuốn sách họ đọc, Lee Ha-Young cũng hướng người đọc đến những câu chuyện rút ra từ đó. Trong trường hợp của Beethoven, cô cho ta thấy việc giữ hằn thù hay phản kháng lại với điều không thể thay đổi là rất vô ích. Thay vào đó hãy chú ý hơn vào những điều bản thân có thể làm được, để sống nương theo dòng chảy cũng như cống hiến những gì thuộc về khả năng. Còn với câu chuyện của Gauguin hay van Gogh, đó là bài học đợi chờ, rằng thời điểm một ngày nào đó rồi cũng sẽ đến, chỉ cần không ngừng cố gắng, tốt lên từng ngày…
Theo tác giả, trong thời gian nằm liệt giường, Frida Kahlo đã đọc Chân dung của Dorian Gray như cách buông thả tâm trí khỏi nỗi đau. Ảnh: The Cut
Ngoài ra qua những cuốn sách và các câu chuyện của những vĩ nhân, ta cũng được lần ngược về quá khứ, vào những thời điểm mà các nghệ sĩ bị những định kiến có phần bó buộc của xã hội giam cầm. Đó là Oscar Wilde muốn chia hai nửa con người như cuốn Bác sĩ Jekyll và ông Hyde của Louis Stevenson, vì việc sống thật với con người mình là quá mỏi mệt. Đó cũng là Lev Tolstoy và ước muốn một nền chuyên chính dân chủ, tự do, bình đẳng đã đưa ông đến với Bất tuân dân sự của Thoreau hay Pearl S.Buck – nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương – cảm nhận tình hình của mình trên chuyến tàu rời khỏi Nam Kinh chẳng khác gì người săn cá voi trong Moby Dick của Herman Melville, là hậu quả của những cuộc chiến đầy hằn thù và bạo lực…
Sự tương đồng giữa cuộc đời nhà văn và các tác phẩm mà họ đã đọc cho ta thấy rằng những gì xảy ra trong cuộc đời này đôi khi không đến dễ dàng theo một đường thẳng. Dẫu các nhà văn nói trên không thể tìm ra cách hướng xã hội sang phía công bằng và thoát khỏi những định kiến đã giam hãm họ, nhưng có thể nói trong những ngày đó, những cuốn sách đã là chỗ trú tinh thần để họ có thể qua thêm một ngày dài nữa đầy sự khó khăn. Qua đó độc giả được ngày càng được truyền thêm nhiều cảm hứng để tự tìm thấy cuốn sách của mình, biến nó trở thành một nơi an trú để lánh mình vào những khi khó khăn bất chợt vây bủa.
Bìa sách Thư viện của những thần tượng. Ảnh: Minh Anh
Ngoài điều đó ra, Lee Ha-young cũng cho ta thấy những cuốn sách đã giúp các nghệ sĩ tìm thấy sứ mệnh nghệ thuật của bản thân mình như thế nào. Dẫu họ có bị dao động khi những giá trị mà mình thực hiện bị xem nhẹ hay không được công nhận đúng, thì chính những lời đi trước của các tác giả đã như ngọn lửa thắp sáng cõi lòng tối tăm. Đó là Isadora Duncan tìm thấy lời khuyên trong việc thực hành nghệ thuật mỗi ngày trong Zarathustra đã nói như thế của Friedrich Nietzsche, hay nhà soạn nhạc - nhạc trưởng Gustav Mahler không ngừng làm điều mà mình mơ ước với sự say mê, dẫu không ít người coi đó là điều bất khả, thì ông vẫn mang một sự quyết chí như Don Quixote của Cervantes…
Thư viện của những thần tượng có thể nói không chỉ là một cuốn sách “bật mí” sở thích đọc sách của các nghệ sĩ, mà thông qua đó, ta cũng hiểu thêm về cuộc đời họ, về những bi kịch mà họ phải chịu cũng như là lối thoát nào mà họ có được qua việc đọc sách. Từ đó mà niềm yêu thích đọc sách cũng được trao gửi, để đọc không chỉ là đọc, mà cũng đồng thời là quá trình không ngừng trau dồi, tự mình tu dưỡng và hoàn thiện mình.
Minh Anh