Đứng trước những câu hỏi đó, tác giả Trịnh Hùng Cường đã tìm lại lịch sử để cho ra mắt Lần theo dấu chữ - tác phẩm xoay quanh thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam từ năm 1862 đến năm 1920.
Bìa sách Lần theo dấu chữ do Nhã Nam và NXB Thông tấn ấn hành. Ảnh: Minh Anh
Những điểm mới của nghiên cứu
Nói về mốc thời gian này, tác giả lý giải khởi điểm mà mình khảo sát bắt đầu từ cuối năm 1861, khi nhà máy in đầu tiên là Imprimerie Impériale (nhà in Hoàng Gia) được chính quyền thực dân thành lập ngay sau khi Pháp chinh phục Nam Kỳ. Với những máy móc, thiết bị được đưa từ Paris sang, đội quân đô hộ đã cho xuất bản nhiều ấn phẩm định kỳ bằng tiếng Pháp.
Năm 1862, tờ báo đầu tiên là Viễn chinh công báo được cho ra mắt, qua đó có thể khẳng định “báo in đi kèm với họng súng”. Từ khởi đầu này, thị trường sách báo bắt đầu hình thành tại Sài Gòn để sau đó là nhiều hiệu sách xuất hiện khắp nơi.
Trong khi đó, dấu mốc 1920 lại đánh dấu thời điểm mà đế chế in ấn - xuất bản của F. H. Schneider - người đại diện cuối cùng của lớp tư bản cũ - ngừng kinh doanh tại Đông Dương, mở ra một giai đoạn mới cho ngành in ấn - xuất bản trong nước, khi một loạt các nhà in, nhà xuất bản của người Việt ra đời và đảm đương gần như toàn bộ công việc in ấn, phát hành sách báo chữ quốc ngữ.
Đây là quá trình tương đối phức tạp và cần nhiều công sức, do đó giới hạn của công trình này chỉ dừng ở thời kỳ đầu mà hầu như chỉ tồn tại các nhà in, hiệu sách kiêm luôn xuất bản, trong số đó đa số là của người Pháp, chỉ một phần nhỏ là của người Việt cũng như người Hoa.
2 tác phẩm ra mắt vào năm 1862, 1863 bằng kỹ thuật in thạch bản. Ảnh: trích từ sách
Với mốc thời gian như đã nói trên, đây có thể nói là công trình đầu tiên nghiên cứu về công tác in ấn bằng chữ Latinh. Về mặt phương pháp, cuốn sách không được cấu trúc bằng những nhận định mang tính bao quát, toàn diện, mà thay vào đó bởi sở hữu nhiều tư liệu phong phú, tác giả chọn cách phác thảo cái nhìn chi tiết về những nhà in chủ chốt, năm thành lập, quá trình diễn biến hoạt động, cũng như tiểu sử các nhân vật liên quan và những đóng góp của họ trong ngành in ấn… Cuốn sách cũng được đính kèm nhiều hình ảnh có giá trị trích từ báo chí cũng như bìa sách của những ấn phẩm đóng vai trò quan trọng trong ngành in ấn ở Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa.
Với một lĩnh vực chưa có quá nhiều tư liệu để lại như ngành in ấn trong nước ở buổi sơ khai, tác giả đã rất tâm huyết tìm tòi, tổng hợp và phân tích những gì bản thân tìm được. Phần lớn dữ liệu trong tác phẩm này được bắt nguồn từ các tư liệu tiếng Pháp giai đoạn 1862 - 1920, đặc biệt là được tìm thấy qua các công báo, niên giám, hồi ký… của những người Pháp có mặt tại Việt Nam vào thời kỳ này.
Ngoài ra, báo chí ở giai đoạn này và nhất là thông qua các trang quảng cáo cũng là một nguồn chính yếu để xác định một cách chính xác các mối liên hệ giữa các nhân vật, sự kế thừa, mua bán, sáp nhập giữa các nhà in, hiệu sách… vốn rất phức tạp khi liên tục được trao truyền, nhượng lại… chỉ trong một thời gian ngắn.
Tòa soạn báo Trung bắc tân văn năm 1929. Ảnh trích từ sách
Miền Nam nhộn nhịp
Riêng về nội dung, trong tác phẩm này, tác giả Trịnh Hùng Cường đã khẳng định lịch sử ngành in ấn Việt Nam gắn liền với hai động cơ chính. Đầu tiên là tham vọng bành trướng thuộc địa của Pháp ở Đông Dương như đã nói trên, bởi sau khi Pháp thôn tính Nam Kỳ, nhà in đầu tiên đã ngay lập tức có mặt tại Sài Gòn theo chân lực lượng viễn chinh. Những sách, báo, ấn phẩm tiếng Pháp đã giúp phổ biến những ý tưởng được phát triển bởi giới trí thức bản địa, góp phần đẩy nhanh công cuộc thôn tính nước ta.
Song song cùng đó, việc phục vụ công việc truyền giáo cũng là một lý do khác, khi các giáo sĩ thừa sai đã đem theo công nghệ in ấn phương Tây vào Việt Nam ngay từ rất sớm, dẫn đến khi Pháp thôn tính toàn bộ nước ta vào năm 1884, thì công nghệ in ấn được phổ biến rộng rãi ra Bắc Kỳ.
Trong những ngày đầu ở Nam Kỳ, ban đầu những doanh nghiệp in được chính quyền thực dân nắm giữ gần như độc quyền, nhưng khi sắc lệnh ngày 10.9.1870 về quyền tự do hoạt động trong lĩnh vực in ấn và nghề bán sách được ban hành, thì nhiều nhà in tư nhân đã dần ra đời và cho ra mắt hàng loạt sách, báo, tạp chí, tài liệu tôn giáo cũng như tiểu thuyết.
Do có sự cạnh tranh lớn, sau này Nhà in Chính phủ do Nhà nước thực dân bảo trợ đã phải đóng cửa, khiến cho ngành này trở thành “sân chơi” của những nhà in tư nhân. Nhận định về thị trường này, tác giả cho biết hầu hết các hiệu sách - nhà in lớn đều tập trung ở đường Catinat sầm uất (Đồng Khởi ngày nay), chứng tỏ nghề in làm ăn rất phát đạt và được xã hội coi trọng, phát triển tương đối phồn thịnh.
Một số nhân vật chủ nhà in cũng giữ những vị trí cao trong bộ máy chính quyền thực dân, trong đó ở Nam Kỳ, F.H. Schneider có thể được coi là người vô cùng quan trọng. Theo tác giả, ngay từ buổi đầu, Schneider đã sở hữu một nhà in lớn, kho giấy đôi khi dự trữ đến cả trăm tấn. Nhận thấy Nam Kỳ vẫn bị ảnh hưởng tràn lan bởi các tiểu thuyết Trung Quốc và tình trạng thiếu giáo viên dẫn đến trẻ em bản địa chểnh mảng học hành, ông đã nung nấu ý tưởng thành lập một tủ sách bình dân đầu tiên ở Nam Kỳ lấy tên là Phổ thông giáo khoa thư xã gồm nhiều tác phẩm được Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ các bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Pháp, cũng như các sách truyện cổ tích, truyện thơ bằng chữ quốc ngữ được Nguyễn Đỗ Mục hay Trần Trọng Kim tham gia biên soạn.
Truyện trẻ con của Perrault do Nguyễn Văn Vĩnh dịch trong tủ sách Phổ thông giáo khoa thư xã năm 1916. Ảnh: trích từ sách
In ấn ở miền Bắc
Ngược lại với tình hình trên, Bắc Kỳ do những biến động chính trị đặc biệt mà ngành in ấn đi sau Nam Kỳ đến 20 năm. Nó cũng gắn liền với tình hình chính trị khi theo ngay sau chiến dịch đánh chiếm nơi này, và phục vụ cho mục đích chính nhất là bình định vùng đất nói trên.
Vào năm 1883 (tức chỉ một năm sau trận đánh vào thành Hà Nội lần thứ nhất), chính quyền thực dân đã phái các chuyên viên của nhà in Chính Phủ từ Nam Kỳ mang theo thiết bị để thành lập nhà in Bảo Hộ. Sau thời điểm này, hàng loạt hiệu sách đầu tiên cũng bắt đầu xuất hiện, khi các chủ nhà in bắt đầu trang bị thiết bị tối tân hơn, nhập cảng rất nhiều máy móc… giúp cho ngành in những năm đầu thế kỷ 20 phát triển vàng son.
Cũng như Nam Kỳ, tác giả cho biết sách ở Bắc Kỳ thời kỳ đầu chủ yếu là các sách dịch truyện Nôm bình dân, truyện Tàu in với số lượng rất lớn, cá biệt như cuốn Kim-Vân- Kiều truyện được Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện mỗi lần ra mắt đến hàng vạn bản. Nhưng nó nổi bật về lượng chứ về ấn loát vẫn chưa nổi trội. Trong khi đó hầu hết các ấn phẩm do nhà in của người Pháp đều in bằng tiếng Pháp, báo chí hầu hết cũng là tiếng Pháp và phải đến năm 1905 tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ là tờ Đại Việt tân báo mới được ra đời.
Tam quốc chí diễn nghĩa năm 1909 và quảng cáo nhà in, nhà xuất bản, truyện Tam quốc chí diễn nghĩa trên Notre Revue. Ảnh trích từ sách
Tương tự Schneider, một trong những cá nhân có đóng góp lớn cho ngành in ấn ở thị trường này là Nguyễn Văn Vĩnh. Theo tác giả, ngay từ năm 1906 sau khi được tận mắt chứng kiến sự phát triển của báo chí và nghề in hiện đại tại Pháp, ông Vĩnh xem đây là công cụ quan trọng giúp ích cho việc xúc tiến một cuộc cách mạng văn hóa trong xã hội Việt Nam truyền thống. Với mục đích tuyên truyền cho việc học chữ quốc ngữ, lúc bấy giờ đây ông cho ra mắt bộ Tam quốc chí diễn nghĩa được in đầu tiên ở Bắc Kỳ qua bản dịch của Phan Kế Bính với giá khá mềm để “sách quốc ngữ mỗi ngày một nhiều ra, và người có kể nghèo, ai ai cũng mua mà xem được”. Ở mảng báo chí, ông cũng tham vọng xây dựng một tập đoàn báo chí lớn với đủ máy móc tối tân, xuất bản báo chí như ở phương Tây, sau đó là sự ra đời của Trung Bắc tân văn.
Có thể nói qua Lần theo dấu chữ, những điểm chính và quan trọng nhất của giai đoạn đầu in ấn sách báo bằng chữ Latinh ở nước ta đã được hiện lên, qua đó những động cơ và các cá nhân có đóng góp quan trọng đã được nhắc đến, góp thêm cái nhìn mới lạ cho khoảng thời gian sau năm 1920 ngành in trong nước hoạt động nhộn nhịp và rất sôi nổi
Minh Anh