LS. Nguyễn Tiến Lập: Tại sao người Việt trở về và ra đi?

 10:14 | Thứ hai, 03/05/2021  0
Con người không chọn được nơi mình sinh ra, tức quê hương, nhưng lại có thể chọn nơi mình sẽ sống. Sự lựa chọn ấy vừa là trí tuệ vừa là bản năng...

Gần nửa thế kỷ sau chiến tranh, đất nước Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Có người bạn phương Tây của tôi trở lại Hà Nội chỉ sau 10 năm đã thốt lên: “Tôi không thể nhận ra, nhiều nhà cao và đẹp quá, còn hơn cả nước tôi”. Tôi cười và nói: “Bạn hãy ở lâu hơn và gặp mọi người rồi hãy đánh giá”. Đúng, với tôi, quan niệm về phát triển của một đất nước sau một quãng thời gian dài nhìn lại không chỉ là những cao ốc, cây cầu và con đường mà còn là, và quan trọng hơn, sự thay đổi của con người cùng với đời sống vật chất, tinh thần của họ.

Vậy, đời sống vật chất giàu hơn, không ít người Việt từ nước ngoài trở về nhưng tại sao cũng có rất nhiều người tiếp tục ra đi? 

Con người không chọn được nơi mình sinh ra, tức quê hương, nhưng lại có thể chọn nơi mình sẽ sống. Sự lựa chọn ấy vừa là trí tuệ vừa là bản năng. Nếu quyết định theo phân tích của trí tuệ thì dễ lắm. Đối với người này, ở nước ngoài hơn hẳn, mức sống cao, môi trường sạch sẽ, văn minh, còn người kia lại nghĩ Việt Nam đã tốt lên rồi, hiện đại và tiện nghi không kém, chưa nói lắm cơ hội làm giàu nhanh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cái quyết định đi, ở lại đến sau những trăn trở mang tính bản năng. Bản năng đó chính là nỗi lo.

Từ góc nhìn của một luật sư và người nghiên cứu về thể chế, tôi nhận thấy rằng càng giàu lên thì con người càng quan tâm đến một môi trường sống đặc biệt, đó là pháp luật và thể chế. Tại sao như vậy? Đơn giản bởi nó mang đến sự an tâm. Nếu anh nghèo hay rất nghèo, đó là một lợi thế rằng anh chẳng có gì để mất, nên anh không sợ gì. Còn khi có nhiều của cải, tiền bạc, không chỉ đủ cho mình mà cho cả đời sau thì anh buộc phải lo, lo làm sao giữ an toàn một cách lâu dài. Nếu có kiến thức, anh đương nhiên hiểu không thể xây nhà, hầm kiên cố để bảo vệ được mà đó phải là hệ thống pháp luật và thể chế.

Nói về chủ đề này thì có nhiều chuyện lắm nên tôi chỉ xin nêu hai điểm nhấn, có tính cốt tử cho sự an tâm của con người. Đó là quyền sở hữu tư nhân và hạ tầng tư pháp chuyên nghiệp và độc lập. Phải nói một cách thẳng thắn và trung thực, đất nước chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ chung nhưng trong hai khía cạnh này lại chưa tiến xa được bao nhiêu. 

Trong sở hữu tư nhân, con người quan tâm nhất đến sở hữu bất động sản. Nó căn bản, thiết thực và ổn định, dù có thể biến động nhưng không bao giờ mất giá. Bất động sản gắn với đất đai, có nghĩa rằng nếu anh coi ngôi nhà là tài sản vĩnh viễn của mình thì đương nhiên anh phải sở hữu đất. Đã có những câu chuyện trớ trêu và đau lòng, đó là sau khi nước Đức thống nhất, rất nhiều gia đình ở miền Đông bỗng dưng mất nhà vì phải trả lại đất cho các chủ sở hữu từ phía Tây trở về.

Một ngôi nhà đang rao bán tại bang Louisiana, Mỹ (ảnh lớn) và nhiều trang mạng tiếng Việt rao bán nhà ở Mỹ. Ảnh minh hoạ: Báo Tuổi trẻ

Ở nước ta, Hiến pháp đã bảo hộ sở hữu tư nhân nhưng lại không áp dụng đối với đất đai. Vậy, nên mới có chuyện cứ quy hoạch hay sửa đổi quy hoạch là người dân có nguy cơ mất cả đất lẫn nhà. Cũng vì thế nên tôi biết nhiều người Việt giàu có đã và đang chuyển tiền ra nước ngoài để mua bất động sản, không chỉ để ở mà còn giữ tài sản cho tương lai. Có người hỏi tại sao mua nhà, đất ở tận nước ngoài xa xôi nào đó mà những người ấy lại không sợ? Câu trả lời chính là khía cạnh thứ hai của vấn đề. 

Đó là sự tôn nghiêm của pháp luật được hệ thống tư pháp với trọng tâm là các tòa án chuyên nghiệp và độc lập bảo đảm. Nhiều người ở nước ta vẫn hiểu sai về độc lập tư pháp nên sợ nó. Độc lập không có nghĩa tồn tại tách biệt, một mình, mà là các phán quyết đưa ra chỉ dựa trên căn cứ duy nhất là sự suy xét theo luật pháp một cách cẩn trọng, vô tư và chuyên nghiệp của các thẩm phán có vị thế độc lập sau khi được cử hay bầu. Các phán quyết đó cần luôn luôn được tôn trọng và thực thi. Rất tiếc rằng sau bao năm, chúng ta vẫn chưa hoàn tất việc xây dựng cái cơ sở hạ tầng thiết yếu này.

Cho nên, kỷ niệm ngày chấm dứt chiến tranh thống nhất đất nước, tôi chỉ có một mong mỏi và cũng là trăn trở lớn nhất: Tại sao đất nước đã vặn mình đứng dậy để phát triển nhiều mặt mà hai điều căn cốt nói trên vẫn chưa làm xong? Có lẽ bởi thế, cái bất an của người Việt vẫn còn và từ những nỗi lo sâu thẳm bên trong của bản năng, nhiều người đã từ bỏ quê hương tươi đẹp mà dứt áo ra đi. 

Thượng Tùng - Duy Thông thực hiện

___________

(*) LS. Nguyễn Tiến Lập là Thành viên NH Quang và Cộng sự - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.