Nguyên Ngọc: Đất chảy

 07:22 | Chủ nhật, 08/11/2020  0
Mùa bão lũ năm nay chưa hết, tháng 10 (dương lịch) đã chiếm kỷ lục, tháng 11 đã có báo động mấy cơn có thể là siêu bão (ouragan), thậm chí không thể nói đến tháng 12 sẽ không còn nữa.

Hiện trường vụ lở núi ngày 18.10 tại doanh trại Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị), vùi lấp 22 người. Ảnh: Vnexpress


Tôi nghe một số nhà khoa học nói đến nguyên nhân là do sự trở lại của La Nina ở Đông Nam Á, chắc hẳn là đúng rồi. Và nhìn lại quá khứ, cũng không phải ta chưa từng chứng kiến, lúc này lúc khác, những năm tai họa tương tự.

Song tôi có cảm giác dường như năm nay, đến giờ này, thì không còn có thể nói đến “tương tự” được nữa. Năm nay đã có cái gì đó mới, khác, cái khác đó lại là cơ bản, rất cơ bản. Tất nhiên ở đời không có gì đùng một cái bỗng xảy ra; cái điều tôi thấy và muốn nói là mới, khác, mà lại là mới, khác một cách cơ bản năm nay, tất nhiên đã từng có dấu hiệu những lần trước rồi, nhưng là lẻ tẻ, thỉnh thoảng, trong một điều kiện cực đoan bất chợt nào đó. Nó tích tụ dần, cho đến năm nay, thì trở thành hiện tượng tai họa cơ bản. Hơn thế nữa, rất có thể từ nay cái cơ bản này sẽ trở thành bình thường, hằng năm, ngày càng nặng hơn, dữ hơn. Thành “quy luật” nếu ta muốn nói cho có vẻ chữ nghĩa, khoa học một chút.

Tôi xin nói rõ: theo tôi, năm nay không phải là lũ lụt. Năm nay không phải lụt. Cũng không chỉ là lũ, theo nghĩa ta quen gọi.

Giáo sư Nguyên Ngọc Lung, chuyên gia số một về rừng vừa có bài viết nói rõ khi còn rừng tự nhiên thì mưa xuống chỉ có 5% nước chảy trên mặt đất, 95% sẽ ngấm xuống thành nước ngầm, cho nên ta đào giếng ở đâu cũng có nước. Khi mất rừng tự nhiên thì ngược lại, chỉ 5% ngấm xuống thành nước ngầm, hơn 90% sẽ chảy tràn trên mặt đất.

Nghĩa là còn rừng tự nhiên thì chỉ có lụt. Lụt hiền, lành, và thân thuộc như bạn chung tình mỗi năm một lần trở lại. Tôi ở Hội An, tôi biết, 3 năm qua không có lụt, người ta nhớ và chờ. Lụt rửa sạch ruộng đồng và mang về phù sa.

Lũ là khi đã mất rừng tự nhiên, chỉ còn lơ thơ mấy cây bụi lẹt đẹt, với cỏ, với cao su, keo, cà phê… tràn lan, là các loại cây không có bộ rễ giữ nước (mà các báo cáo với thống kê cứ gọi vống lên một cách gian dối là “độ che phủ”), 95% nước mưa chảy thành thác trên mặt đất quét hết mọi thứ, làng mạc và con người.

Nhưng năm nay khác: Năm nay không chỉ có nước xối xả thành lũ. Năm nay đã diễn ra một điều hoàn toàn khác, mới, và rất cơ bản: NĂM NAY ĐÃ ĐẾN LƯỢT ĐẤT CHẢY.

Mưa lớn kéo dài những ngày giữa tháng 10.2020 đã khiến đồi Le Ngói sạt lở, uy hiếp tính mạng người dân ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết đây là lần đầu tiên mưa lũ gây sạt trượt cả một quả đồi rộng lớn khiến khoảng 23.000 m3 đất, đá tràn xuống làng… Ảnh: Zing


Tôi chưa có con số thống kê, nhưng số người chết vì đuối nước lũ năm nay thấp hơn rất nhiều số người chết vì bị đất chảy chôn vùi. Cần hết sức chú ý đến hiện tượng mới này.

Ta gọi là lở núi. Thôi thì nói thẳng đi: Từng quả núi, từng ngọn núi lớn nổ tung rồi chảy ra thành nước, thành thác, vùi lấp xóm làng, ruộng đồng, con người, nuốt gọn từng gia đình, từng cộng đồng người, tất cả, tất cả…

Con người sống trên đất, ấy là ơn nghĩa vĩ đại của Tạo hóa. Trên khắp thế giới con người đều gọi đất là Mẹ hay là Cha. Fatherland, Mère Patrie, người Việt thì gọi Tổ quốc của mình là Đất nước.

Mối quan hệ sinh tử của sự sống là Đất và Nước được kết chặt vào nhau bằng Rừng. Năm mươi năm nay, với lòng tham vô độ, bất chấp mọi lời kêu cứu thất thanh, ta đã chặt đứt cái khâu sinh tử: RỪNG. Phá sạch sành sanh rừng rồi. Không còn rừng, rừng tự nhiên, thì NÚI CHẢY RA như nước. Năm nay không phải chủ yếu là lũ nước, mà là lũ đất. Đó là thay đổi cơ bản năm nay, và theo tôi, từ nay.

Không cần giàu tưởng tượng lắm đâu, để mà thử nghĩ: Chảy hết núi rồi, thì đến gì nữa?

Cứ đà này, rồi sẽ đến một ngày, cái nơi thân yêu và thiêng liêng mà ta vẫn gọi là Đất nước, là Tổ quốc, cái mặt đất trên đó là làng mạc, đồng ruộng, thành phố, con người nữa… tất cả, tất cả ta vẫn đinh ninh là trường cửu, là vĩnh hằng đây, có chảy trôi tuột luôn hết ra Biển Đông không?

Ai dám bảo là không?

Nguyên Ngọc

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.