Toạ đàm Mùa xuân 2022-'Lao động nhập cư và bất bình đẳng xã hội':

Nhìn lại những mất mát, đau thương để mở ra một chân trời mới sau đại dịch COVID-19

 18:43 | Thứ năm, 03/02/2022  0
Nhìn lại năm 2021, với nhiều mất mát, đau thương, trong đó người lao động di cư tại các đô thị nổi lên như một vấn đề không chỉ mang tính chất xã hội mà còn là mối ưu tư về mặt chính sách được đặt lên bàn nghị sự.

Bởi những cuộc “rời đi” ra khỏi chốn mưu sinh là các khu xóm trọ dành cho người có thu nhập thấp đã tạo lên một xúc cảm xã hội về những người lao động nghèo khó vào đô thị kiếm sống một cách thầm lặng, vô hình. Họ cứ đi đi về về giữa nhà máy và xóm trọ, tết nhất thì lục đục về quê. Rồi sau tết lại tất tưởi lên những chuyến xe tốc hành đến các thành phố, đô thị mưu sinh. Cuộc sống cứ xoay tròn như một vòng lặp của chu trình thời gian sống của từng năm và có khi của từng thế hệ dân nghèo mưu sinh.

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội.

Họ cứ âm thầm đến rồi đi, rồi lại trở lại như vòng lặp của cuộc đời. Chính vì vậy, trong câu chuyện phát triển của đô thị, sự đóng góp thầm lặng của họ dường nhưng trở lên vô hình. Người ta đưa ra nhiều diễn ngôn phát triển nhưng hiếm khi người lao động di cư được hiển hiện như một nguồn lực phát triển đầy năng lượng tích cực của đô thị. Thế cho nên, khi đại dịch diễn ra, những người di dân nghèo khổ lũ lượt về quê với qui mô lớn như thể họ hiện ra từ chốn hư không?

Mọi người bàng hoàng đau xót cho những thân phận khó nghèo mưu sinh, những người làm chính sách nhanh chóng bổ sung, sửa đổi và đưa ra những gói cứu trợ khẩn cấp cho những người dễ bị tổn thương, người yếu thế. Thế nhưng, nghịch lý thay những gói hỗ trợ dường như không đến một cách dễ dàng đối với người di cư.

Người ta đưa ra nhiều diễn ngôn phát triển nhưng hiếm khi người lao động di cư được hiển hiện như một nguồn lực phát triển đầy năng lượng tích cực của đô thị.

Người ta đã bàn rất nhiều với nhau, phải tìm ra cách mang tiền hỗ trợ đến với người dân bằng cách “đi từng ngõ, gõ từng nhà” – một sự việc chưa có tiền lệ về mặt chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam. Đó cũng được xem là những nỗ lực về mặt chính sách an sinh xã hội của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương với những gói cứu trợ hàng nghìn tỷ đồng để đảm bảo ngưỡng sinh tồn cho người dân nhưng rồi cũng đành chấp nhận rằng khó có thể giữ chân được người lao động di dân. Họ phải phải về với quê hương, bản quán để nghỉ ngơi sau một chuyến di cư dài hạn và trước mắt là những khó khăn, rủi ro vừa cả về nhân mạng và các điều kiện sống cơ bản, để sinh tổn.

Giữa hai lựa chọn ở lại hay trở về, những khảo sát nghiên cứu của chúng tôi cho thấy người lao động di cư luôn ở tình thế băn khoăn, chọn lựa nhưng có vẻ như lần này họ đã dứt khoát trở về trong tâm thế tự sắp xếp lại chuyện của gia đình.

Lao động di cư – những người lao động tự thân

Có lẽ, đây là cách thức ứng xử thường xuyên của người lao động di cư. Bởi lâu nay khi sống ở đô thị họ vẫn hành xử như vậy thôi. Bởi sự chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị đã thúc đẩy dòng người di dân liên tục hơn hai thập kỷ qua ở Việt Nam.

Bởi, khi nền kinh tế mở cửa từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam với chính sách trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư với nhiều ưu đãi để thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống dân sinh, như: chính sách tiền lương giá rẻ, đầu tư qui hoạch các khu công nghiệp tập trung với các điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung theo qui mô lớn và trọng điểm. Chính điều này đã tạo ra sức hút lao động từ các khu vực từ nông thôn về các vùng kinh tế trọng điểm. Họ rời khỏi quê hương, bản quán để tới trú ngụ tạm bợ nơi các đô thị.

Những doanh nghiệp từ các quốc gia ngoại quốc đến đầu tư theo chính sách ưu đãi của Việt Nam, và dường như họ mặc nhiên trách nhiệm xã hội đối với người lao động thuộc về quốc gia sở tại. Khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt đối với người lao động dường như bị lu mờ bỏi tiến trình toàn cầu hóa, những mối bận tâm của của doanh nghiệp chỉ đơn thuần dừng lại ở cấp độ nghĩa vụ đối với chính sách của Nhà nước nhiều hơn là trách nhiệm thực sự đối với người lao động.

Bên cạnh mô hình nhà nước phúc lợi đang được đầu tư phát triển cũng đang bị thách thức bởi mô hình dịch vụ phúc lợi xã hội, vốn phần nào chịu ảnh hưởng bởi mô hình kinh tế tân tự do (Neo-liberalism), được qui chiếu mọi thứ về yếu tố kinh tế như là quan điểm quyết định luật.

Biểu đồ 1 - Mức thu nhập của người lao động trước đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư:

Nguồn: Khảo sát độc lập của SocialLife được thưc hiện từ tháng 10.2021 đến tháng 12.2021.

Với khoản thu nhập ít ỏi như biểu đồ trên, người lao động đã phải làm việc nhiều hơn, cực nhọc hơn và nghèo nàn về thời gian hơn để mua lấy sự an sinh. Chính vì vậy, từ lâu những người lao động di cư dường như đã hình thành tập tính (habitus) tự xoay sở, tự lo toan và khi những biến cố xảy ra, họ cũng một lần nữa “trở về để tự sắp xếp chuyện gia đình”.

Khi họ rời đi, các phương tiện truyền thông và cả những lời hiệu triệu của lãnh đạo các địa phương kêu gọi họ ở lại để thành phố hỗ trợ và nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Ngay cả nhiều chính quyền địa phương nơi họ xuất cư mà hàng năm nguồn tiền của những người di cư nội địa gửi về đóng góp vào sự an sinh của gia đình và của địa phương, cũng dường như không mấy mặn mà đón họ về trong những thời khắc khó khăn. Nhưng họ vẫn quyết tâm trở về để lo toan cho bản thân và gia đình.

Điều này cho thấy lòng tự trọng của những người di dân mà chúng tôi tạm gọi là những người “tự biết lo cho bản thân” nhưng ở hàm nghĩa khác họ cũng tìm kiếm phương cách tự cứu lấy mình trước những biến loạn, rủi ro, chết chóc của dịch bệnh.

Biểu đồ 02 - Tình trạng thu nhập của người lao động trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư:

Nguồn: Khảo sát độc lập của SocialLife được thưc hiện từ tháng 10.2021 đến tháng 12.2021.

Khi đại dịch bùng phát, theo số liệu khảo sát chúng tôi, có tới 82% trên tổng số 850 người được hỏi cho biết tình trạng kinh tế lâm vào khó khăn tài chính. Nguồn thu nhập ít ỏi của họ dường như mất trắng, trong đó nhóm chịu ảnh hưởng nhất chính là nhóm lao động tự do (73,7%) và giáo viên tư thục (73,8%) là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ở khía cạnh dịch bệnh, hầu hết trong số những hoàn cảnh gia đình người lao động di cư, bản thân cũng trở thành nhóm dễ bị tổn thương vì dịch bệnh. Một trong những lý do là điều kiện cư trú chật hẹp.

Nguồn: Khảo sát độc lập của SocialLife được thưc hiện từ tháng 10.2021 đến tháng 12.2021

Những lúc khó khăn cùng cực, họ cũng đã phải gắng gượng để mưu sinh, để sống cuộc đời của mình và lo toan cho người thân. Trong quan sát của chúng tôi, họ là một trong những nhóm đi đầu trong việc thích ứng an toàn. Trong hành trang mưu sinh của người bán vé số, người bán hàng rong… đều có chai cồn, khẩu trang và cả kính chống giọt bắn. Họ đã nhanh chóng trở lại nền kinh tế vỉa hè được được làm việc để tự lo cho bản thân.

Còn những người về quê, trong các đợt giãn cách họ cũng đã âm thầm trở lại một cách vô hình dù rằng không ít người trở về quê lần này cũng đã những dự tính lâu dài cho gia đình. Con số 750.000 học sinh được cha mẹ rút hồ sơ để về quê học tập cũng có thể xem là những chỉ báo đáng quan tâm.

Các khu đô thị xa hoa, lộng lẫy được phô diễn cho thấy thành tựu phát triển kinh tế nhưng cũng cho thấy có nhiều con người trở lên vô hình hơn. Họ tới làm việc âm thầm, đi về chẳng ai biết.

Cầm cự, chờ đợi, rời đi và cũng có thể trở lại là những phương án có thể quan sát được nơi người di dân tự thân. Và sự thật là họ đã trở về, họ đã tháo bớt gánh nặng cho các chính quyền đô thị có thêm nguồn lực, tâm trí để còn lo toan các việc khác, đặc biệt là vấn đề tái thiết sau đại dịch. Họ trở về cũng là động lực thúc đẩy chiến lược phủ vắc xin ở các tỉnh thành ngoài khu vực trọng điểm.

Thế đấy, những người lao động yếu thế, vô hình trong những thời khắc quan trọng, họ đã hành động cá nhân theo các mô thức hành xử tập thể nhưng cũng đã mang đến những giá trị tích cực.

Đại dịch COVID-19: một dịp để nhìn lại câu chuyện phát triển

Gần 30 năm nhìn lại, ta không thể phủ nhận những thành tựu của mô hình phát triển kinh tế, và những thành tựu này đã mang đến những điều kiện vật chất cho toàn xã hội, nhất là các khu vực kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, hành trình 30 năm phát triển này, chúng ta cũng chứng kiến sự phân tầng xã hội gay gắt. Khoảng cách giàu nghèo cũng theo đó mà xa cách hơn giữa người với người.

Các khu đô thị xa hoa, lộng lẫy được phô diễn là minh chứng cho thành tựu phát triển kinh tế nhưng cũng cho thấy có nhiều con người trở lên vô hình hơn. Họ tới làm việc âm thầm, đi về chẳng ai biết. Chỉ tới khi dịch bệnh xảy ra, ngưỡng sinh tồn chạm đáy, những khuôn mặt họ mới thực sự hiện lên như là những yếu tố then chốt không thể thiếu cho sự hợp tác, đồng thuận xã hội để xử lý rủi ro dịch bệnh.

Một xóm trọ của công nhân trong xóm trọ kề Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP.HCM). Ảnh tư liệu: Nguyễn Thế Sơn 


Họ đã rời đi khỏi đô thị để trở về nhà theo nghĩa cơ học, nhưng cũng không ít trong số họ cũng rời đi khỏi hệ thống phúc lợi công mà Nhà nước đang nỗ lực xây dựng mô hình Nhà nước phúc lợi. Đó cũng có thể xem là những bài toán đau đầu của những người xây dựng chính sách cho người lao động.

Nhiều người không hiểu lý do tại sao những người lao động này lại hành xử như vậy khi những nỗ lực chính sách của Nhà nước mong muốn cải thiện đời sống cho họ. Có lẽ, các hành vi ứng xử này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, ngưỡng sinh tồn và lòng tin xã hội.

Đại dịch COVID-19 với những hệ lụy đau thương nhưng có thể xem là sự khởi đầu cho những lưu tâm về chính sách.

Theo Vnexpress, có tới 2,2 triệu người lao động bỏ thành phố trở về quê trong đợt bùng phát lần thứ tư vừa qua(1). Cùng với đó, báo Tuổi Trẻ đưa tin 1,4 triệu người thất nghiệp, thu nhập bình quân 5,7 triệu đồng(2). Tình trạng mất cân đối giữa thừa và thiếu lao động đang trở thành vấn đề nan giải của người lao động, doanh nghiệp và chính quyền.

Chính trong bối cảnh đó, chính sách an sinh xã hội cho người lao động được đặt lên bàn nghị sự. Nhiều dự án xã hội mang tới nhiều hứa hẹn thúc đẩy nền tảng an sinh xã hội lấy người lao động làm trung tâm như chương trình một triệu căn nhà xã hội cho người có thu nhập thấp tại TP.HCM. Đây được xem là một quyết tâm rất lớn của chính quyền TP.HCM trong việc xây dựng nền tảng an sinh xã hội bền vững cho người lao động sau đại dịch.

Nhưng đối với những người lao động thu nhập thấp, nhiều người trong số họ có vẻ dám chắc rằng rồi đây mình có cơ hội chạm đến những chương trình hỗ trợ này. Bởi họ lâu nay họ là những người di cư tự thân, họ âm thầm và biết thân biết phận, nên khi chúng tôi khảo sát nhu cầu, mong đợi của người lao động di dân tự thân, họ phản hồi những nhu cầu với tất cả sự khiêm tốn trong chừng mực đủ sống: mong ước được hỗ trợ thuê nhà trọ giá rẻ, ưu đãi tiền điện nước… Những vấn đề rất nhỏ và rất cụ thể.

Cảnh sống của công nhân trong xóm trọ kề Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (TP.HCM). Ảnh tư liệu: Nguyễn Thế Sơn 


Với tư cách là những người có nhiều năm nghiên cứu về người lao động di cư và người yếu thế, chúng tôi cảm nhận một cách rõ ràng rằng những người di cư đang đang bị suy giảm lòng tin đối với xã hội. Có những lo lắng ngay cả cái tên của bản thân mình bị người khác chiếm dụng và trở thành hàng hóa của các dịch vụ của những trò lừa đảo, dịch vụ "tín dụng đen". Chính vì vậy, một thời gian dài họ đã vô hình thì nay họ càng vô hình hơn khi đã tự tránh né những gì gọi là chính thức và xâm phạm những sự riêng tư cuối cùng của chính bản thân mình.

Có lẽ đây cũng là dịp để Việt Nam xem xét lại mô hình phát triển kinh tế. Chúng ta cần một sự chuyển dịch mô hình tư duy kinh tế trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Họ chẳng có tài sản gì quý giá ngoài chính nhân phẩm còn sót lại và những quyền sống còn cơ bản như tấm căn cước công nhân. Mà thật ra, có những người ngay cả một tấm căn cước công dân cũng không có (cũng có thể đã cầm cố cho tín dụng đen?!). Mọi giao dịch hành chính dường như là điều xa vời với họ, chính vì vậy họ đã âm thầm, vô hình trong một thời gian rất dài là như vậy.

Đại dịch COVID-19 với những hệ lụy đau thương nhưng có thể xem là sự khởi đầu cho những lưu tâm về chính sách. Nếu nhìn vào những con số người nhiễm bệnh, số người chết, sự tê liệt nền kinh tế. Đó có thể xem là nỗi đau của toàn xã hội mà có thể chúng ta cần rất nhiều năm để chữa lành những thương tổn xã hội. Nhưng nếu nhìn về những động lực thay đổi để phát triển bền vững, ta lại thấy dường như trong những lúc nguy khó, đau thương này đã cho chúng ta dịp để phản tư, nhìn lại một chiều dài lịch sử phát triển kinh tế sau giai đoạn mở cửa. Để rồi đây, chúng ta có thể chuyển đổi sang mô hình phát mới với sự tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với chính sách đảm bảo an sinh xã hội.

Chúng ta cũng nhận thấy các chính sách xã hội lấy người lao động làm trung tâm được mang ra bàn thảo và nỗ lực thực thi.

Đoàn người từ phía Nam được Cảnh sát Giao thông Thừa Thiên - Huế dẫn đường từ chân đèo Hải Vân ra Quảng Trị để tiếp tục về quê, chiều 3.8.2021. Ảnh: Võ Thạnh


Trong đại dịch vừa qua, người ta thấy những cụm từ: người lao động di dân, người lao động tự do, người yếu thế... xuất hiện với tần suất cao trên các phương tiện truyền thông chính thống và cả trong các văn bản hành chính của các cơ quan Nhà nước. Nhiều chính sách, mô hình an sinh dành cho người yếu thế ra đời, và có lẽ những điều chỉnh về luật liên quan đến người lao động, bảo hiểm xã hội cũng được xem xét điểu chỉnh trong thời gian tới. Đây có lẽ là những tín hiệu tích cực đối với những người lao động tự thân. Nhưng điều quan trọng hơn, có lẽ đây cũng là dịp để Việt Nam xem xét lại mô hình phát triển kinh tế. Chúng ta cần một sự chuyển dịch mô hình tư duy kinh tế trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Sự chuyển dịch thoát khỏi phân khúc gia công, thâm dụng lao động chắc chắn sẽ có những khó khăn, người lãnh đạo cũng sẽ phải cân nhắc trước những rủi ro đối với cảnh huống “rời đi của doanh nghiệp”. Tuy nhiên, nếu không chuyển dịch mô hình, tư duy phát triển kinh tế, câu chuyện an sinh xã hội và cả những khía cạnh rủi ro khác từ phía người lao động cũng là điều đáng lưu tâm mà trước mắt là xu hướng “rời đi” của chính người lao động. Đây là những dấu hiệu sơ khởi cho một tiến trình giải cơ cấu hóa lao động việc làm một cách tự thân. Vậy nên, ta cũng cần chuẩn bị một tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế (de-construction) cho một viễn cảnh xã hội hậu COVID-19.

Đối với người di cư, có lẽ trong những tính toán cho sự phát triển kinh tế sau đại dịch họ cũng cần một danh phận hơn là tình trạng được gọi chung trong những con số vô hình là nhóm người lao động trong khu vực phi chính thức. Những diễn ngôn về người yếu thế có lẽ phần nào phản ánh sự thương cảm xã hội nhưng ít nhiều đặt để tâm thế, vị trí của họ những giai tầng thấp và ít nhiều đã ảnh hưởng đến cái nhìn chung của xã hội về người lao động tự thân. Có lẽ chính điều này ít nhiều ảnh hưởng tiếng nói của họ. Chính vì vậy, nhiều năm qua tiếng nói của họ ít được lắng nghe hơn.

Trong câu chuyện sắp tới, chúng tôi ước mong sao những tiếng nói cần được lắng nghe và được hiện thực về mặt chính sách cho người lao động di cư tự thân. Đó cũng là những điều mong mỏi của những người làm nghiên cứu hướng tới nền nhân học dấn thân như chúng tôi.

PGS-TS Nguyễn Đức Lộc (Viện nghiên cứu Đời sống Xã hội - SocialLife)

__________________

(1) Vnexpress, 6.1.2022.

(2) Tuổi trẻ, 6.1.2022

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.