Những chuyện bên lề

 08:52 | Thứ sáu, 31/12/2021  0
Buổi tờ mờ sáng ở trung tâm Sài Gòn, những người bán cà phê cóc vỉa hè kéo những chiếc ghế nhựa ra lề đường. Họ bắt đầu một ngày theo nghi thức quen thuộc năm này qua tháng khác của kiếp mưu sinh bên lề.

Những đống lửa nhỏ chụm bằng giấy báo, lá cây khô gom lại, và một ít ván gỗ mục, nên cũng mau tàn. Ông xe ôm, lão vé số, chị bán hủ tíu gõ, anh bán cà phê ngồi lại chia nhau chút hơi ấm. Mấy anh bảo vệ các tòa nhà, khách sạn cũng tới giờ đổi ca. Sau một đêm trực thức trắng, họ uể oải gọi những ly cà phê cóc, rồi sà vào rì rầm chuyện trò, thăm hỏi, hàn huyên.

Khoảnh khắc đầu ngày của tháng cuối năm, cây cối, cửa nhà ở khu trung tâm như thể nhạy cảm hơn sau màn sương bàng bạc và gió se se lạnh. Sài Gòn, như thời bình thường cũ thì đâu có những lúc lặng lẽ chìm đắm như thế này; nhịp sống sôi động sẽ xóa đi trong ta những phút giây nuông chiều cảm xúc, thơ thẩn xa xôi. Nhưng đây là một năm mới khác thường, sau một mùa giáng sinh khác thường. Những câu chuyện vào sáng sớm bên đống lửa của người mưu sinh vỉa hè thường là xâu chuỗi thông tin về những tai ương đã qua.

Anh bảo vệ kể chuyện vừa rồi ông già mình chết oan vì thiếu ôxy và nhận thuốc muộn. Có lẽ câu chuyện được kể nhiều lần, nên giọng của anh không còn thứ cảm xúc buồn thương, mà như đang nhắc đến một cái chết chẳng mấy liên quan. Chị bán cà phê kể về chuyện một gia đình có bốn người chết trong xóm, chỉ còn hai đứa nhỏ bơ vơ. Vừa kể chị vừa đánh ly cà phê sủi bọt, tiếng muỗng lanh canh va vào ly thủy tinh đều như tiếng rê nhạc cụ gõ trong một bản bolero. Ông già bán vé số ngồi xe lăn cũng rít điếu thuốc nói chuyện những người trong “hội xe lăn vé số” đã không trụ lại được Sài Gòn cho đến giờ phút này, nhiều người không chết ở Sài Gòn mà về quê nhà mới chết... 

Câu chuyện chết chóc, bệnh tật, ly tán bây giờ được kể với chất liệu phong phú, giọng kể nhẹ tênh như thể đó là kho chuyện của đời nào, xảy ra ở một nơi nào, chứ không phải ở đây, vừa mới hôm qua, có khi là những mất-còn ruột thịt. 

Một đồng nghiệp nói với tôi rằng, cô cảm thấy hẫng hụt vì những ngày kinh hoàng đi qua nhanh quá - “Và chúng ta hình như đã quên rồi”, cô nói. Còn tôi lại nghĩ rằng, tái hiện và day dứt với ký ức dường như là thứ ân sủng của kẻ nhàn rỗi không phải sấp ngửa với cuộc sinh tồn. Riêng với những người ngày ngày phải tất bật kiếm sống, thì sự khốc liệt được nhắc đến thực sự chưa đi qua để họ có thể định hình lại những gì cần phải nhớ, những gì cần quên đi. Họ chỉ có vốn liếng là những câu chuyện giản lược cảm xúc.

Sài Gòn, như thời bình thường cũ thì đâu có những lúc lặng lẽ chìm đắm như thế này...


Khi họ kể về cái chết của người cha, họ mô tả rằng ông già sủi bong bóng trên miệng rồi giải thích thêm đó không phải đàm nhớt, mà là bọt thuốc vàng - một thứ thuốc được ép uống quá muộn và cơ thể không thể hấp thụ được nữa nên trào ra. Khi họ nói về một người bao năm chung cảnh lây lất vỉa hè đã chết ở quê với giọng tỉnh bơ. Họ thuật lại người đó lay lắt trôi nổi trong một con hẻm đóng kín với các bữa ăn từ thiện và nỗi lo đói chết đến bạc đầu. “Phải về nhà để chết, và ổng được chết như ý”, ông vé số kể. Không có vẻ gì là thương tâm. 

Người nghe bên đống lửa cũng không lặng đi bồi hồi gì. Tiếng muỗng đánh trên ly cà phê vẫn đều khi có khách mới, lửa vẫn được cời cháy đều đều, thuốc lá vẫn được châm và rít những hơi sâu vào lồng ngực. Buổi sáng vẫn mù sương. Câu chuyện của họ khô khốc nhưng khiến người nghe xa lạ ngồi bên rơi nước mắt. Phải chăng ký ức họ được chưng cất một cách giản đơn, tối thiểu với một khung thông tin rời rạc, không hoa mỹ và tô điểm, không cường điệu ám ảnh. Bởi với họ, tai ương, cái nghèo, cái khốc liệt đang còn đâu đó ở một ngày phía trước, là những gì đã quá quen thuộc và chấp nhận, đâu cần thêm ấn tượng. Còn tai ương dịch bệnh? Làm gì có đợt sóng nào khi mỗi ngày đều là một cuộc vẫy vùng để được sống. Một khi như thế người ta sẽ có một ký ức khác; một ký ức không đè nặng thêm tâm trí; một ký ức như kinh nghiệm thích ứng; một ký ức được lưu trữ và an ủi, xoa dịu mất mát nếu chẳng may vận hạn ập đến với mình.

Buổi sáng ở khu trung tâm Sài Gòn sau đại dịch có vòng xe thư thái của người tận hưởng không khí trong lành, cái lạnh se se hiếm có của một thành phố nhiệt đới, có người đi săn hình ảnh những bầy bồ câu sà xuống thềm đá phố đi bộ... Nhiều hình ảnh của một đời sống đang buộc phải chậm một cách miễn cưỡng sau những gì đã xảy ra. 

Nhưng cũng đâu đó trên vỉa hè, những đống lửa nhỏ được thắp lên vội vàng, nơi người nghèo đến tìm nhau một cách tự nhiên và tự tại; kể cho nhau nghe những câu chuyện đời xiêu tán. Những câu chuyện rơi vãi đầu ngày, kể để mà quên. 

Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.