Những vị, cây thuốc có thể thay thế mật gấu

 22:43 | Thứ sáu, 02/02/2018  0
Đây là những vị, cây thuốc có tác dụng hoạt huyết, khứ ứ, tán huyết, bình can, tức phong, minh mục, có tác dụng tương đồng có thể thay thế mật Gấu – theo Hội Đông y Việt Nam.

Ngải cứu là một trong những vị thuốc có tác dụng tương đồng có thể thay thế mật Gấu. Ngải cứu chữa chảy máu do băng huyết, lậu huyết, chữa khí hư bạch đới, chữa phụ nữ có thai đau bụng, đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt; chữa đau bụng do lạnh đau. Ảnh: TL

Hiện nay, xã hội đang có nhiều nỗ lực nhằm chấm dứt tệ nạn đối xử tàn nhẫn với loài gấu nuôi trong các trại nuôi gấu lấy mật, để trả lại sự bình an cho thiên nhiên. 

Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới nhấn mạnh, gấu là loài động vật hoang dã thuộc về tự nhiên, không phải trong các trang trại. Nuôi nhốt gấu không có giá trị bảo tồn bởi những cá thể gấu sinh ra trong môi trường nuôi nhốt sẽ mất đi bản năng sinh tồn trong tự nhiên.

Theo pháp luật Việt Nam, loài Gấu thuộc nhóm 1B, là nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. 

Từ năm 2008, Việt Nam đã có quy định nghiêm cấm săn bắt, bắt giữ nuôi gấu trái phép, buôn bán các sản phẩm từ gấu, bao gồm cả mật gấu,...  

Trong bối cảnh này, thời gian qua, Trung ương Hội Đông y Việt Nam phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á đã biên soạn, phát hành cuốn tài liệu một số cây thuốc, vị thuốc có tác dụng tương đồng có thể thay thế mật Gấu. 

Có thể kể: Cây quế, Cây mật gấu, Bạch chỉ, Đại hoàng, Đại kế, Đan sâm, Đào nhân, Địa liền, Hồng hoa, Huyết dụ, Huyết giác, Huyết kiệt, Kê huyết đằng, Ích mẫu, Màn tưới, Nhựa cây sơn, Ngải cứu, Nghể răm, Nghệ, Nghệ đen, Ngưu tất, Sơn từ cô, Tam lăng, Tam thất, Thiên niên kiện, Vang, Xuyên khung, Câu đằng, Mã đề, Mào gà trắng, Cây đại, Cúc hoa. 

Theo Hội Đông y Việt Nam, nền Đông y Việt Nam có bề dày lịch sử trên 4.000 năm, dùng những cây, con làm thuốc với trên một nghìn cây thuốc, vị thuốc sẵn có trong tự nhiên, từ các nguồn chính là: thực vật, động vật và khoáng vật. Từ đó đã có hàng vạn bài thuốc chữa bệnh do dân gian lưu truyền tới ngày nay. 

Trong 3 nguồn dược liệu thì thực vật chiếm khoảng 90%, động vật chiếm khoảng 6%, khoáng vật khoảng 4%. 

Trong động vật, mật gấu cũng được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, có tên thuốc là “Hùng đởm” dùng để chữa trị một số chứng trạng có biểu hiện ứ huyết do nhiều nguyên nhân như: Chấn thương, trật đả, xung huyết, hoặc dùng chữa một số bệnh về mắt trong bài Ngũ đởm hoàn… 

Vị Hùng đởm có tác dụng chính là hoạt huyết, hành huyết, khứ ứ, tán ứ huyết bình can, tức phong, minh mục. Cùng nhóm thuốc có những tác dụng trên, thì nhiều vị thuốc có nguồn gốc từ thảo mộc như: Tô mộc, Đào nhân, Hồng hoa, Ngưu tất, Xa tiền tử... 

Gấu nuôi nhốt bị lấy mật trong đau đớn. Ngành kinh doanh mật gấu đã đẩy loài gấu đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: TL

Về cơ bản, Y học cổ truyền chỉ sử dụng mật gấu chữa bệnh chấn thương ngoài da, ít dùng để uống. 

Tuy nhiên vì lợi ích kinh tế, ngành kinh doanh mật gấu đã đẩy loài gấu đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. 

Hơn nữa, quy trình hút mật ở các cá thể gấu bị nuôi nhốt thường không đảm bảo vô trùng, và mật gấu từ các cá thể gấu bị nuôi nhốt thường ẩn chứa một lượng vi khuẩn cao. 

Theo Hội Đông y Việt Nam, ở Việt Nam đã có một số trường hợp tử vong có liên quan đến uống mật gấu.

Ngoài ra, một số triệu chứng nhiễm độc do dùng mật gấu thường gặp là: tổn thương gan và thận, vàng da, chán ăn, mệt mỏi, mắt đỏ, cơ thể đau nhức, hồng cầu trong nước tiểu... 

Các bác sĩ ở Việt Nam cũng cho rằng, dùng mật gấu có thể dẫn đến chứng bất lực ở nam giới, bởi mật gấu không có khả năng tăng cường sinh dục như một số loại thuốc… 

L.Quỳnh
 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.