Roland Nguyễn: Liều lĩnh với phim về mạng xã hội

 15:31 | Thứ ba, 30/10/2018  0
Đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ từ năm 2010, đạo diễn Việt kiều Roland Nguyễn có lúc mang về Việt Nam phim ngắn của mình để giới thiệu, có lúc phụ trách khâu dựng phim cho các bộ phim lớn nhưng lại không muốn xuất hiện tên, có lúc sống ở Hội An hàng tháng trời để viết kịch bản phim, viết tiểu thuyết lịch sử… Tất cả những hoạt động ấy dọn đường cho ngày Roland thực hiện bộ phim điện ảnh đầu tay của mình, do chính mình viết kịch bản.

Dream man, tựa tiếng Việt là Lời kết bạn chết chóc đã thực hiện xong gần hai năm nhưng Roland luôn cảm thấy cần phải chỉnh sửa cho vừa ý nhất. Và rồi câu chuyện về những mối quan hệ chết chóc trên mạng xã hội sẽ chính thức ra mắt vào ngày 2.11 tại hệ thống rạp chiếu phim toàn quốc.

Bộ phim đang tổ chức một trò chơi trên mạng xã hội với phần thưởng 10 triệu đồng, 20 triệu đồng mỗi tuần dành cho những người xem truy tìm được Dream man đích thực. Một game tương tác thú vị trước giờ phim khởi chiếu gây xôn xao khán giả. Chọn cách quảng bá thông minh, đó cũng là cách mà Roland xử lý các tình huống trong bộ phim thuộc thể loại “hack não”...

Tốt nghiệp thạc sĩ điện ảnh từ Đại học Nghệ thuật điện ảnh Nam California (USC), tại sao anh lại quyết định về nước đầu tư làm phim, nhất là ở thời điểm phim Việt đang phải “vay mượn” kịch bản nước ngoài? 

Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê hẻo lánh, không có một bóng người châu Á nào nói chi người Việt, nên đáng lý con đường tôi đi sẽ không dẫn đến gần với Việt Nam. Nhưng nhờ tôi đã tiếp cận văn hóa Việt Nam một cách gián tiếp, qua phim cổ trang TVB, nên từ bé đã có một ám ảnh khổng lồ là phải hiểu thêm nguồn gốc của mình, nhất là về lịch sử và các câu chuyện xưa. Trưởng thành rồi thì tôi mới thấy rõ là vì sự đam mê này mà đời mình đã được gắn liền với đất nước Việt Nam.

Tôi về Việt Nam để làm phim là trước thời phim “remake”. Hiện nay tôi vẫn tin là những ngày thịnh vượng nhất của điện ảnh Việt còn nằm trong tương lai. Vấn đề là mình có tìm được cách thoát khỏi các khó khăn và ràng buộc của môi trường hiện tại hay không? Tôi nghĩ mình phải đủ dũng cảm, đủ kiên nhẫn, và đủ may mắn mới giải được bài toán này.

Thị trường điện ảnh trong nước có rất nhiều đạo diễn Việt kiều đã thử sức và thành công, trong đó phải kể đến Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Hàm Trần… Với Roland Nguyễn, anh cũng cùng xuất phát điểm như họ nhưng dường như lại thiệt thòi khi “chậm chân” hơn? Anh nghĩ sao khi mảnh đất này đã bị nhiều người “cày xới” và cơ hội để anh thành danh là rất khó? 

Các anh như Charlie, Victor và Hàm đều là đàn anh của tôi và nếu như mình tiếp tục ví ngành điện ảnh Việt như một mảnh đất để “cày xới” thì phải nói là mấy ảnh đã bước vào “nghề nông” trước tôi khá lâu. 

Mình làm phim vì mình muốn được xem chính bộ phim đó, với niềm hy vọng người khác cũng sẽ thích xem giống mình. Có thể nói đây là nhu cầu “được hiểu” của người làm nghề. Được thành danh hay nổi tiếng chỉ là chuyện phụ để giúp mình đạt được nhu cầu chính đó thôi. Nếu bạn chỉ làm phim vì bạn muốn được nổi tiếng thì sorry bạn nhé, tui sẽ không xem phim của bạn đâu vì tui dám chắc là nó sẽ dở. 

Khán giả gần đây thích các chủ đề phim về đề tài gia đình, tình cảm đôi lứa, phim hài hước… Nhưng anh lại đi ngược xu thế này khi chọn đề tài mạng xã hội, lại đi theo trường phái “hack não” người xem. Việc đi tiên phong như vậy sẽ đầy mạo hiểm và gặp nhiều rủi ro. Anh đã từng nghĩ đến vấn đề này chưa? 

Trong một thời gian ngắn, mạng xã hội đã được gắn liền với nếp sống người Việt Nam về mọi mặt. Việt Nam đứng thứ 7 về sự phổ biến của Facebook so với các nước như Mỹ (số 2), Anh (số 10). Cho nên khi viết kịch bản cho Lời kết bạn chết chóc tôi không nghĩ mình đang đi ngược xu thế khán giả, mà mình đang viết về một cái gì đó rất gần đời sống thường nhật của người Việt. 

Còn nói về thể loại phim “hack não” thì đúng là làm phim kiểu này mạo hiểm thật, không chỉ vì khả năng mình sẽ mất đi một số khán giả không quen với thể loại này, mà vì mình làm tiên phong thì lúc nào cũng có rủi ro. Dĩ nhiên đi con đường mòn sẽ luôn an toàn hơn là tìm ra một con đường mới, nhưng đây là cách mà tôi đang muốn thử giải bài toán nhắc đến ở trên, để thoát khỏi sự bão hòa của điện ảnh trong nước. Trong quá trình làm phim Lời kết bạn chết chóc, tôi đã học được khá nhiều bài học, nhưng bài học ảnh hưởng tôi nhất là: để khám phá một cái gì mới thì bắt buộc phải có rủi ro.

Làm phim theo thể loại đánh đố khán giả có vẻ là sở thích của anh bởi từ trước đến nay anh luôn viết kịch bản, tìm kiếm các nội dung có chiều sâu, ẩn chứa nhiều tầng lớp nghĩa. Nếu nói anh là vị đạo diễn có cái ngông thì anh nghĩ thế nào?

Tôi nghĩ là mình thích cách gọi đó. 

Tôi biết nhiều người có thể làm ra bộ phim mà chính họ sẽ không thích xem. Tôi thì không. Khi nhận một dự án phim mới, cho dù kịch bản của mình hay của người khác, cho dù ban đầu có thể không thích, nhưng lúc nào tôi cũng phải cố biến nó thành một tác phẩm mà mình thích. Làm vậy mới có thể truyền đạt được cảm hứng thật của mình cho khán giả. Theo tôi, đây là trách nhiệm quan trọng nhất của đạo diễn. Nếu mình làm phim mà chính mình không thích thì tội gì người khác phải thích?  

Từ trái: Roland Nguyễn và các diễn viên tham gia bộ phim Lời kết bạn chết chóc: Thanh Tú, Đàm Phương Linh, Thanh Duy, Hữu Tiến. Ảnh N.S.X

Tôi là một người thích suy nghĩ, thích tự đặt câu hỏi cho chính mình, nên tôi chắc cũng sẽ phản ánh tư duy này. “Hack não” chỉ là một cụm từ để diễn tả một loại phim không đơn giản mà sẽ làm cho người xem phải suy nghĩ và đặt câu hỏi. Nhưng tôi nghĩ là với một người làm phim thích suy nghĩ và đặt câu hỏi thì bất cứ thể loại nào cũng có thể trở thành một dạng phim “hack não”. 

Ở Việt Nam, tôi đã gặp khá nhiều người cũng giống mình, thích suy nghĩ và bàn luận về đời sống và thế giới họ đang sống, nhưng phim Việt Nam hiếm khi thỏa mãn được nhu cầu của những người này. Nên bộ phim này tôi làm cho một thành phần khán giả mà phim Việt thường không để ý tới.

Trước khi học trường điện ảnh, anh học khoa học, vậy cơ duyên nào đưa anh đến với nghệ thuật thứ bảy?

Từ nhỏ tôi đã ghiền đọc truyện và xem phim, nhưng ở vùng quê hẻo lánh tôi lớn lên thì lại không có ai để làm gương trong ngành nghệ thuật cho tôi học theo. Lúc đó điện ảnh là một cái gì quá xa xôi để một đứa trẻ thiểu số ở Mỹ như tôi có thể chạm tới. Sau một thời gian tìm tòi khá lâu, chuyển từ ngành khoa học sang ngành kinh doanh, rồi sang ngành viết lách, cuối cùng tôi đã gian khổ lắm mới viết được bản nháp đầu tiên cho một cuốn tiểu thuyết lịch sử lấy bối cảnh ở Việt Nam và Trung Quốc.

Viết xong, tôi quyết tâm về Việt Nam đi thực địa để viết lại bản thứ hai, thì lúc đó tình cờ tôi mua được một chiếc máy chụp hình kỹ thuật số mà có chức năng quay video. Có một đêm, tôi đang quay clip từ trên xe máy ở vùng quê Phan Thiết thì đột nhiên xuất hiện một căn nhà nằm trên ngọn đồi. Căn nhà kiểu đó rất phổ biến ở các vùng quê Việt Nam, không có gì đặc biệt. Nhưng ngay trong khoảnh khắc đó, hình ảnh của căn nhà đơn sơ đó đã tạo cho tôi một cảm xúc rất mạnh. Tự nhiên tôi cảm được bao nhiêu câu chuyện chưa được kể, nghe được bao nhiêu khúc nhạc chưa được sáng tác, và tôi thấy qua hình ảnh động, mình có thể truyền cảm xúc của mình ngay lúc đó cho người khác một cách vô cùng mạnh mẽ. Chính từ lúc đó, tôi mới biết mình sinh ra để làm gì.

Từng có kinh nghiệm làm phim nước ngoài, và đồng sản xuất phim có sự tham gia của diễn viên ngôi sao Hollywood, bây giờ mới ra mắt phim điện ảnh đầu tay, anh có chịu áp lực về doanh thu? 

Dĩ nhiên ai cũng muốn phim mình đạt được doanh thu, nhưng với tôi đó chỉ là một trong những thước đo cho biết nhiều người đã xem và (có thể) đã thích phim của mình, và nếu phim có lời thì nó sẽ giúp cho mình tiếp tục được làm phim. 

Phạm Vi

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.