Sau khi Người Đô Thị Online ngày 23.10 thông tin phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn là nâng cao Dinh lên 28m, phần dưới và xung quanh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ… Tòa soạn nhận được một số tài liệu, văn bản liên quan đến Dinh Tỉnh trưởng do một cán bộ ở Đà Lạt cung cấp, nhằm bày tỏ quan điểm mọi hành xử liên quan đến thay đổi hiện trạng ban đầu của Dinh Tỉnh trưởng cần được tuân thủ theo các quy định pháp luật hiện hành.
Dinh Tỉnh trưởng là một trong những dinh thự được xây sớm nhất tại Đà Lạt (thập niên 1910) nằm giữa mảng đồi xanh hiếm hoi còn lại của khu trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên
Sau khi xác minh tài liệu, chúng tôi công bố nội dung văn bản số 827 ngày 10.6.2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng gửi Sở Xây dựng Lâm Đồng báo cáo thống kê nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước.
Tại văn bản này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là Sở Văn hóa - NV) cho biết, Dinh Tỉnh trưởng cũ (tọa lạc tại số 01, đường Lý Tự Trọng) là một trong những biệt thự gắn với di tích, lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc.
Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng được giao quản lý, sử dụng Dinh Tỉnh trưởng làm trụ sở cơ quan làm việc theo Quyết định số 423 ngày 12.8.2014 của Sở Văn hóa về việc giao cho Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh Lâm Đồng quản lý, sử dụng tài sản nhà nước là khu nhà số 01, đường Lý Tự Trọng, phường 1, thành phố Đà Lạt sử dụng làm trụ sở làm việc.
Sau khi được bàn giao dưới sự cho phép của đơn vị quản lý biệt thự, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng đã tiến hành sửa chữa, cải tạo và chỉnh trang lại khuôn viên biệt thự nhưng vẫn giữ nguyên trạng, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của khu biệt thự; không tự ý phá dỡ hoặc cải tạo làm thay đổi mật độ xây dựng, số tầng và độ cao, kiểu dáng kiến trúc, màu sắc, thay đổi kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị của biệt thự; không cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng, thay đổi khuôn viên biệt thự dưới mọi hình thức.
Đơn vị cũng thực hiện đúng các quy định về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh công cộng, an ninh trật tự. Không chặt hạ cây xanh, không xây thêm công trình mới trên khuôn viên đất biệt thự khi không được chấp thuận của cấp có thẩm quyền.
Cũng theo Sở Văn hóa, hàng năm Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng không có kinh phí để khôi phục, tôn tạo biệt thự hiện đã xuống cấp để khai thác, sử dụng có hiệu quả. Đồng thời vì đây là biệt thự nên không đáp ứng được nhu cầu sử dụng chức năng, nhiệm vụ của một trung tâm văn hóa nghệ thuật.
“Vì đây là một biệt thự có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu nằm trong diện bảo tồn, nên Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng xin đề xuất cần có một khoản kinh phí hàng năm để bảo trì, cải tạo và sử dụng khai thác hiệu quả biệt thự này”, báo cáo cho biết.
Dinh Tỉnh trưởng là một biệt thự có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu nằm trong diện bảo tồn tại Đà Lạt. Ảnh: Phúc Tiến
Văn bản nói trên của Sở Văn hóa phù hợp với Quyết định số 47 ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Tại Quyết định này, Dinh Tỉnh trưởng được xếp vào danh sách biệt thự nhóm 1 - là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc.
Theo đó, ngoài việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định, Dinh Tỉnh trưởng còn được cấp giấy chứng nhận “Biệt thự có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc biệt thự có kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu”.
Việc quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc nhóm 1 (trong đó có Dinh Tỉnh trưởng) phải tuân thủ các quy định: Không làm thay đổi kiểu dáng kiến trúc, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của biệt thự.
Trường hợp biệt thự hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sụp đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại đảm bảo giữ đúng kiểu dáng kiến trúc ban đầu khi được sự chấp thuận của UBND tỉnh. Đối với biệt thự gắn liền với di tích lịch sử văn hóa thì việc cải tạo, xây dựng các công trình phải có ý kiến thỏa thuận của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Khoản 1 Điều 10 của Quyết định số 47 nghiêm cấm trong quản lý sử dụng biệt thự tự ý phá dỡ hoặc cải tạo làm thay đổi mật độ xây dựng, số tầng và độ cao, kiểu dáng kiến trúc, màu sắc, thay đổi kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị của biệt thự; cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng, thay đổi khuôn viên biệt thự dưới mọi hình thức.
Cũng theo Quyết định số 47, tổ chức, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định về quản lý, sử dụng biệt thự thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân vi phạm nếu gây thiệt hại về tài sản thì phải bồi thường theo quy định hiện hành của pháp luật. Trường hợp vi phạm Khoản 1 Điều 10 nói trên, thì ngoài việc bị xử lý theo quy định, còn phải khôi phục lại nguyên trạng ban đầu.
Dinh Tỉnh trưởng đã được xếp vào danh sách biệt thự nhóm 1 - là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc. Ảnh: Lê Quân
Trong diễn biến liên quan, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 diễn ra vào ngày 28.10, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online rằng Cục Di sản văn hóa có ý kiến gì về việc Lâm Đồng vừa quyết định nâng Dinh Tỉnh trưởng lên 28m, làm tổ hợp khách sạn, Ông Trần Đình Thành (Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa) cho biết Đà Lạt hiện có hai công trình được xếp hạng di tích quốc gia là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và Nhà ga xe lửa Đà Lạt. Hai công trình này chắc chắn được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa và thuộc thẩm quyền lên tiếng bảo vệ của Cục Di sản văn hóa khi công trình bị xâm phạm.
Với công trình Dinh Tỉnh trưởng, ông Thành nói UBND tỉnh Lâm Đồng cùng ngành văn hóa địa phương cần kiểm tra xem Dinh này đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích chưa, để có hướng khai thác sử dụng phù hợp. Danh mục kiểm kê này xác nhận công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khoa học.
Nếu công trình thuộc danh mục kiểm kê di tích này thì sẽ được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Còn nếu công trình thuộc danh sách các biệt thự cần được bảo vệ như phản ánh, chưa đưa vào danh mục kiểm kê di tích, chưa là di tích cấp tỉnh hay cấp quốc gia thì việc bảo vệ, khai thác tuân theo Luật Kiến trúc năm 2019. Trong đó có quy định UBND cấp tỉnh sẽ định hướng bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn mình quản lý.
Cũng theo ông Thành, tỉnh Lâm Đồng có những khu vực rất đặc thù về cảnh quan, kiến trúc. Nếu Dinh Tỉnh trưởng có giá trị kiến trúc như ý kiến của các nhà chuyên môn phản ánh gần đây thì UBND tỉnh Lâm Đồng nên xem xét trong các phương án bảo tồn, khai thác, phục vụ công trình này cho phù hợp hơn. Địa phương phải chủ động nhận diện các công trình có giá trị kiến trúc để định hướng, bảo tồn.
Đồ họa phương án 1 kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của nhóm KTS. Thierry Van de Winagaert đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chọn
Với những gì Người Đô Thị công bố ở trên và ý kiến của Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành, đã có đủ cơ sở pháp lý để khẳng định Dinh Tỉnh trưởng (tồn tại hơn 110 năm) là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, có giá trị điển hình về kiến trúc để được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa và quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự trên địa bàn thành phố Đà Lạt theo Quyết định số 47 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Thực tế nhiều năm qua, Sở Văn hóa Lâm Đồng trong quản lý Dinh Tỉnh trưởng cũng đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Di sản văn hóa.
Dinh Tỉnh trưởng cũng đáp ứng các điều kiện tại Khoản 1, Điều 29 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, để được xếp hạng là di tích cấp tỉnh (di tích có giá trị tiêu biểu của địa phương), bao gồm: a) Công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của địa phương hoặc gắn với nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương trong các thời kỳ lịch sử; b) Công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị trong phạm vi địa phương; c) Địa điểm khảo cổ có giá trị trong phạm vi địa phương; d) Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị trong phạm vi địa phương.
Người ta có thể khác nhau về quan điểm quy hoạch, khác nhau về lựa chọn kinh tế di sản hay kinh tế phân lô bán nền, nhưng khi đứng trước pháp luật thì không một ai có quyền nhân danh bất kỳ sự khác biệt nào để hành xử khác luật, phủ nhận các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa, về bảo tồn đã phủ bóng lên Dinh thự trăm năm.
Điều 14 của Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định, đối với di tích là công trình xây dựng, địa điểm gắn với các sự kiện lịch sử, thân thế và sự nghiệp của danh nhân thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải bao gồm các khu vực có công trình xây dựng, địa điểm ghi dấu những diễn biến tiêu biểu của sự kiện lịch sử, những công trình lưu niệm gắn với danh nhân liên quan đến di tích đó;
Đối với di tích là quần thể các công trình kiến trúc nghệ thuật hoặc công trình kiến trúc đơn lẻ thì phạm vi khu vực bảo vệ I phải bao gồm các khu vực có công trình kiến trúc, sân, vườn, ao, hồ và cả các yếu tố khác liên quan đến di tích đó…
Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Khu vực bảo vệ II là khu vực bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ I để bảo vệ cảnh quan và môi trường – sinh thái của di tích và là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
Đến đây, đã có thể minh định, không chỉ với phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng của Đà Lạt đã được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lựa chọn, mà ngay cả với hai phương án không được chọn, ngay từ khi đưa ra lấy ý kiến đã không phù hợp với các quy định của Luật Di sản văn hóa và quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Khu vực Đồi Dinh là mảng xanh còn sót lại của lõi trung tâm Đà Lạt. Các chuyên gia đề nghị cơ quan hữu quan địa phương phải triển khai quy hoạch phân khu trước khi làm quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu vực này của Đà Lạt. Ảnh: Mai Vinh
Người ta có thể khác nhau về quan điểm quy hoạch, khác nhau về lựa chọn kinh tế di sản hay kinh tế phân lô bán nền, khác nhau về định vị giá trị của Khu trung tâm Hòa Bình, trong đó có Dinh Tỉnh trưởng, như quan điểm của TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: “Khu Hòa Bình không chỉ là di sản riêng của Đà Lạt, mà còn là một phần di sản quan trọng của kiến trúc đô thị Việt Nam. Không gian Khu Hòa Bình đã đạt đến một tỉ lệ bão hòa, nên chỉnh trang để trả lại không gian xanh, thay vì cao tầng hóa. Việc cao tầng hóa tại đây chỉ nghĩ đến số mét vuông đạt được, nhưng sẽ gây hại cho cảnh quan tổng thể và tạo áp lực lớn lên hạ tầng, gây thiệt hại cho đời sống người dân trong khu vực…”;
Với quan điểm của KTS. Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam) tại cuộc họp với Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng: “Khu trung tâm Hòa Bình thật sự rất nhếch nhác; Công trình nhà hát xập xệ, không có giá trị kiến trúc. Dinh Tỉnh trưởng hiện có tình trạng xuống cấp. Hiện tại không gian cảnh quan khu vực đồi Dinh không được khai thác sử dụng, làm mất đi hiệu quả sử dụng đất cho yêu cầu phát triển đô thị, nhất là khu trung tâm thành phố…”.
Nhưng khi đứng trước pháp luật, trước các quy định của Luật Di sản văn hóa, trước các quy định về bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt đang còn đầy đủ hiệu lực, thì không một ai có quyền được phép nhân danh bất kỳ sự khác biệt nào để hành xử khác luật, phủ nhận các quy định của pháp luật về quản lý di sản văn hóa, về bảo tồn đã phủ bóng lên Dinh thự trăm năm.
Hữu Tiến - Anh Tân