Tại cuộc tọa đàm An toàn - hiệu quả trong phòng chống buôn lậu thuốc lá sáng nay 8.10 tại TPHCM, Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng dẫn số liệu của tổ chức International Tax and Investment Center và Oxfords Economics, cho thấy trong ba năm 2012-2014, có hơn 61.2 tỉ điếu thuốc lá lậu nhập vào Việt Nam.
Thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trung bình hàng năm chiếm khoảng 20% thị phần trong nước và năm 2015 tăng lên đến 25%, tương đương khoảng 1 tỉ bao thuốc lá nhập lậu trong năm, theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam.
Số lượng thuốc lá nhập lậu gia tăng đã làm gia tăng khoản thất thu thuế của nhà nước hàng năm, ước năm 2012 tương đương 6.500 tỉ đồng, năm 2013 tăng lên 6.700 tỉ đồng và hai năm gần đây tăng mạnh lên mức 10.000 tỉ đồng/năm.
Theo tính toán của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, lượng thuốc lá nhập lậu đang chiếm hơn 20% thị phần trong nước, là mức tương đương với sản lượng 18.000 tấn nguyên liệu (hoặc tương đương khoảng 10.000 ha diện tích trồng thuốc), làm ảnh hưởng đến khoảng 5 triệu công lao động của người nông dân hàng năm.
Chỉ tính riêng tại địa bàn “nóng” Long An, đại diện ban quản lý thị trường tỉnh cho biết, mỗi ngày đêm có đến hàng trăm thùng thuốc lá nhập lậu qua biên giới thuộc địa bàn tỉnh này. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng tỉnh đã bắt giữ và xử lý 1.756 vụ buôn lậu và tịch thu hơn 1,86 triệu gói thuốc lá nhập lậu.
Tiêu hủy thuốc lá lậu ở Tây Ninh. Ảnh: TL
Các đại biểu cho biết trong khi tình hình ngày càng phức tạp thì việc quản lý, kiểm soát tình hình nhập lậu khó khăn và chưa tương xứng với diễn biến thực tế. Trong khi các hoạt động ngày càng tinh vi, quy mô lớn và các đối tượng gày càng liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chống buôn lậu, thậm chí gần đây gây ra án mạng.
Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu thuốc lá tại 6 địa bàn tiếp giáp với biên giới phía Nam như Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang khá phức tạp. Việc thực hiện phải huy động từ nhiều lực lượng như quản lý thị trường, hải quan, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển... tuy nhiên thực tế hiệu quả chưa đạt yều cầu, tình hình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và không an toàn cho người tiêu dùng.
“Tại các địa bàn, người dân và cán bộ địa phương đều nắm được thực tế, vậy sao lực lượng buôn lậu vẫn tràn vào được. Vấn đề do đâu, quy chế chống buôn lậu, phân công trách nhiệm ra sao khi thực tế có khi giới buôn bán lậu họp chợ công khai xôm tụ nhưng khi đoàn đến kiểm tra thì vắng bóng. Nếu có vấn đề về giữ bí mật thông tin trong lực lượng thì làm sao chúng ta có thể hành động hiệu quả”, ông Thế nói.
Các chuyên viên quản lý thị trường kiến nghị nhiều khó khăn trong công tác chống buôn lậu hiện nay. Nghị định 124/2015 của Chính phủ quy định hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì phải chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi Thông tư liên tịch 36/2012 quy định phải từ 1.500 bao trở lên.
“Sự chồng chéo trong hệ thống văn bản này khiến việc bắt giữ các đối tượng vận chuyển từ 500 bao trở lên vẫn không khởi tố hình sự được”, các đại biểu cho biết. Theo đó hội thảo kiến nghị sớm ban hành thông tư bổ sung sửa đổi về quy định này cho phù hợ với Nghị định 124/2015 của Chính phủ là từ 500 bao thuốc lá thay cho quy đình từ 1.500 bao trở lên.
Hoàng Duy
» Bắt giữ 900kg măng chua, dưa muối nhập lậu từ Trung Quốc
» Hủy gần 5.000 quả trứng gà nhập lậu từ Trung Quốc
» Người nghiện thuốc lá dễ bị tiểu đường?
» Văn Mai Hương và các nghệ sĩ kêu gọi cuộc sống không khói thuốc lá