Thưa ông, với vai trò cố vấn trưởng cho quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đến 2030 tầm nhìn đến 2050 do tập đoàn nước ngoài Mc Kinsey làm tư vấn trưởng, ông nhận dạng thế nào tiềm năng của Vân Phong đối với nhu cầu phát triển của địa phương cũng như khu vực?
Vịnh Vân Phong sâu, kín gió, có điều kiện tự nhiên thuận lợi xây dựng cảng trung chuyển quốc tế. Vân Phong còn có giá trị cảnh quan phù hợp phát triển du lịch sạch tiêu chuẩn 5 sao. Ngành công nghiệp không khói này đòi hỏi môi trường sạch, xung đột với hướng phát triển cảng phát thải ô nhiễm.
Ngoài điều kiện tự nhiên, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế cần đồng bộ với phát triển khu công nghiệp. Vân Phong nằm ở miền Trung. Dải đất này hẹp, quá nửa diện tích là đồi núi, nên thiếu quỹ đất phát triển những khu công nghiệp quy mô lớn cung ứng hàng hóa cho cảng.
KTS-TSKH Ngô Viết Nam Sơn (thứ hai từ phải sang) trong chuyến khảo sát Vịnh Vân Phong cùng với các lành đạo tỉnh Khánh Hòa vào tháng 6.2021. Ảnh: TL
Yếu tố thứ hai là nhu cầu của các hãng tàu quốc tế. Dữ liệu đơn vị tư vấn nghiên cứu cho thấy Vân Phong có tiềm năng, nhưng chưa biết thời điểm nào khả thi về mặt kinh tế. Cụm cảng ở đảo Hải Nam, Thâm Quyến và đặc biệt là Singapore vẫn là những cảng trung chuyển quốc tế mà các hãng tàu vận tải quốc tế ưu tiên.
Vân Phong có thêm cơ hội nếu kênh đào Kra cắt ngang Thái Lan được triển khai, thông Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, đồng thời khiến vị thế của Singapore suy yếu. Tuy nhiên, ý tưởng này hiện vẫn chưa khởi động.
Vậy theo ông, nên làm gì với Vân Phong?
Tôi cho rằng câu hỏi quan trọng cần được quan tâm đầu tiên là “không nên làm gì với Vân Phong?” để làm nền tảng trước khi thảo luận nên làm gì với Vân Phong. Không từ bỏ ý tưởng phát triển cảng trung chuyển quốc tế, nhưng cũng không ngồi chờ, bỏ qua các lợi ích kinh tế xã hội khác của địa phương. Xác định bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu, là cơ sở để phân vùng phát triển cho Vân Phong.
Bắc Vân Phong là vùng xanh, thích hợp phát triển đô thị sinh thái, du lịch sinh thái chất lượng cao. Vùng này nước sâu nhất, nên chừa quỹ đất để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế khi điều kiện thích hợp. Nam Vân Phong là vùng nâu có kiểm soát chặt chất lượng môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Sẵn có một số cơ sở công nghiệp, khu vực này nên xây dựng cảng hàng hóa kết hợp cung ứng dịch vụ trung chuyển quy mô nhỏ hơn, đồng thời phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với khu vực Tây Nguyên và khu vực lân cận.
Quá trình phát triển Nam Vân Phong cũng là cơ hội để thăm dò nhu cầu thị trường. Khi Nam Vân Phong quá tải, xây cảng trung chuyển quốc tế ở Bắc Vân Phong cũng chưa muộn.
Bài toán của Vân Phong còn nhiều yếu tố bất định. Giả như phát triển du lịch vào Bắc Vân Phong, nhà đầu tư chưa kịp thu hồi vốn thì kênh đào Kra khởi động, dòng vốn ngoài ngân sách đổ vào phát triển cảng trung chuyển quốc tế ở Bắc Vân Phong. Môi trường suy giảm bị ảnh hưởng tác động đến chất lượng dịch vụ du lịch?
Khu vực làm du lịch ở khu Bắc Vân Phong có hai mặt tiền: một quay ra biển Đại Lãnh ở phía bắc và hai nhìn vào vịnh Vân Phong ở phía nam - nơi có quỹ đất dự phòng. Tương lai nếu làm cảng trung chuyển quốc tế thì mặt nam bị ảnh hưởng, nhà đầu tư cần cân nhắc, còn mặt bắc hoàn toàn không chịu tác động ô nhiễm từ phát thải công nghiệp, tàu ra vào cảng trung chuyển quốc tế.
Nguy cơ lớn nhất đối với môi trường trước mắt là dự án nhiệt điện Vân Phong 1 dự kiến đi vào hoạt động từ năm sau. Những bãi thải lộ thiên có thể phát tán ô nhiễm khắp mặt vịnh khi có bão. Đây là dự án mà Chính phủ cam kết từ 2007, nằm ngoài thẩm quyền của chính quyền Khánh Hòa.
Xin cảm ơn ông.
Diệp Khuê thực hiện