Trên cánh đồng lúa định hướng hữu cơ

 13:34 | Thứ sáu, 17/03/2023  0
Thử nghiệm thành công 100 ha lúa canh tác định hướng hữu cơ tại huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu nhen lên hy vọng nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo, cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo ra hiệu ứng lan tỏa góp phần giải quyết nhiều thách thức của vùng châu thổ liên quan đến sức khỏe cộng đồng, môi trường…

Nguyễn Vũ Phường (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) canh tác vụ lúa tôm định hướng hữu cơ thứ hai theo chương trình liên kết giữa nông dân và Công ty TNHH Nông nghiệp Hữu cơ Long An. Doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, cam kết bao tiêu đầu ra cao hơn giá thị trường 200 đồng/ký. Năm ngoái, người nông dân ngoại tứ tuần làm 10 công đất, trừ chi phí còn lời 40 triệu đồng. Lúa thu hoạch anh giữ lại một phần, gởi tại kho của nhà máy. Tháng chà một lần, ăn lai rai, đợi mùa sau.

Anh Phường tát vuông trước khi vào mùa nước nổi, thường bắt đầu cữ tháng 7 âm lịch. Nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, pha loãng độ mặn, không đáp ứng điều kiện cho tôm sinh trưởng tự nhiên. Có những chủ vuông chấp nhận ngồi không nhìn nước ngọt tràn đồng. “Làm lúa vô cơ khó kiểm soát được tồn dư hóa chất trong đất, rủi ro năng suất khi luân canh tôm, trong khi canh tác định hướng hữu cơ lợi nhiều đường”, anh Phường chia sẻ vi sinh phân giải dinh dưỡng trong vuông tôm thành thức ăn.

Sau vụ lúa đầu tiên, anh Phường trúng liên tiếp hai vụ tôm, năng suất tăng trên 10%. Vụ lúa tôm năm nay, cánh đồng liên kết với doanh nghiệp mở rộng lên 100 ha từ mức 15 ha năm ngoái. “Tui đi trước, anh em trong nhà mần theo”, anh Phường cho biết.

Giấc mộng lớn

Điều kiện đầu tiên để liên kết canh tác lúa định hướng hữu cơ là phân bón hữu cơ mà doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp cho nông dân. Linh hồn của nhà máy là ông Trần Văn Mây. Cách nay bốn năm, ông Mây bắt đầu gầy dựng nhà máy sản xuất phân bón vi sinh hữu cơ đầu tiên tại Long An có công suất 3.000 tấn/năm. Đầu vào của nhà máy là phế phụ phẩm nông nghiệp: phân gia súc gia cầm từ trang trại chăn nuôi; vỏ trái cây từ nhà máy chế biến nông sản; phế phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản... Ra sản phẩm, ông mới đi kiếm nông dân hợp tác. 

Phân vi sinh hữu cơ là chiếc chìa khóa mở chuỗi nông nghiệp tuần hoàn. Trong ảnh: ông Trần Văn Mây tại nhà máy sản xuất phân bón vi sinh hữu cơ tại Long An.


Nhiều người nghi ngại, không dám đặt cược vào phương thức sản xuất hữu cơ vốn bị nhiều định kiến. Năng suất thấp nhưng giá lúa hữu cơ hầu như không xê xích so với lúa ngang. Nhà nông không đủ nguồn lực chứng minh hạt gạo sạch để người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức giá tương xứng.

Thất bại thị trường này tồn đọng nhiều năm trong ngành sản xuất nông sản sạch. Thực tiễn đã có nhiều hợp tác xã sản xuất rau sạch chết yểu trước khi thị trường kịp nhận dạng. Việc thực phẩm kém chất lượng dễ dàng lên quầy kệ của những nhà bán lẻ có độ phủ rộng, qua mặt cơ quan quản lý nhà nước, trắng trợn móc túi người tiêu dùng cũng góp phần làm thui chột động lực sản xuất thực phẩm sạch.

Vận động nông dân hợp tác không dễ, ông Mây phải thuê đất, thuê nhân công thực nghiệm trên cánh đồng. Doanh nghiệp và nông dân xích lại gần hơn với sự hưởng ứng của vài ba nông hộ. Chỉ khi lớp tiên phong này thành công, mô hình liên kết mới có sức thuyết phục. “Tôi mơ ước đến một ngày người Việt không còn nói chuyện hữu cơ”, ông Mây hình dung viễn cảnh ngành nông nghiệp nước nhà chuyển đổi hoàn toàn sang hướng hữu cơ.

Thuyết phục được người ngoài nhưng trong nhà lại chưa đồng thuận. Các con ông không muốn cha mình lặn lội trên đồng bởi ông từng có tiền sử tai biến. Ngăn không nổi, mấy người con “thi gan”, khước từ chế biến, phân phối gạo hữu cơ. Ông cha không nhượng bộ, chấp nhận gia công cho một doanh nghiệp thương mại. Hạt gạo đạt được chứng nhận hữu cơ châu Âu (organic EU), đối tác làm thương hiệu bài bản, đưa vào một số hệ thống siêu thị ở Sài Gòn. Đành chịu ông già gân. Thế hệ thứ hai nhập cuộc.

“Các con chịu làm, tui mừng lắm”, ông già 70 tuổi không giấu được xúc động. 

Tìm cơ trong nguy

Chuyển động trên cánh đồng hữu cơ men theo tín hiệu thị trường. Vài năm trở lại đây, Trung Quốc từng bước áp dụng hàng rào kỹ thuật liên quan đến dư lượng hóa chất, truy xuất nguồn gốc, ràng buộc trách nhiệm của nhà xuất khẩu đối với nông sản nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này. Xu hướng thị trường tiêu thụ khoảng 60% nông sản của Việt Nam ngày càng siết chặt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm phát tín hiệu danh mục sẽ tiếp tục mở rộng.

Sức ép từ bên ngoài đủ mạnh để người nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất theo nhu cầu thị trường. Tháng 11.2021, Quốc hội thông qua Nghị quyết giữ 3,5 triệu ha đất lúa đến 2030. Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp phân nửa (1,7 triệu ha). Ràng buộc chính sách cột chặt nông dân vào cây lúa.

Nhận dạng nông nghiệp tuần hoàn như một ngành có lợi thế cạnh tranh quốc gia là cơ sở để Nhà nước thiết kế cơ chế khuyến khích nguồn lực thị trường. 

Đảo ngược kỷ nguyên toàn cầu hóa được thảo luận rộng khắp sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính sách zero Covid tại Trung Quốc, chiến tranh Nga - Ukraine. Lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và đồng minh Belarus, hai nhà cung cấp tầm cỡ phân bón vô cơ, khiến sản xuất nông nghiệp toàn cầu điêu đứng.

Nhìn về đồng bằng, nhiều chương trình liên kết rạn nứt do giá phân bón tăng dựng đứng nhưng vẫn không cung ứng đủ và kịp thời theo nhu cầu mùa vụ. Quy trình sản xuất bị xáo trộn dẫn đến năng suất, chất lượng giảm. Giá lúa thu mua giảm theo. Nông dân thiệt đơn thiệt kép, đe dọa khả năng thanh toán vật tư nông nghiệp mà doanh nghiệp cung ứng theo hình thức gối đầu. Doanh nghiệp  khốn đốn truyền dẫn trục trặc đến những ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng.

Nụ cười thu hoạch khi năng suất vụ lúa tôm năm 2022 đạt 7 tấn/ha.


Chuỗi cung ứng phân bón vô cơ đứt gãy nhen nhóm hy vọng cho phân bón vi sinh hữu cơ, mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp tự chủ vật tư nông nghiệp đầu vào. Theo tỷ lệ 4:1, 160 triệu tấn phế phụ phẩm nông nghiệp hằng năm tương ứng với 40 triệu tấn phân bón hữu cơ thành phẩm trong khi nhu cầu của Việt Nam hiện đang dao động quanh mức 11 triệu tấn/năm. Khai thác hiệu quả “mỏ vàng” này không chỉ giúp Việt Nam giảm thiểu lệ thuộc vào nước ngoài, mà còn tạo ra tác động tích cực nhiều mặt đối với môi trường.

Một nghiên cứu của nhóm tác giả từ Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia (Cục Bảo vệ thực vật) và Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố tháng 12.2021 cho thấy sử dụng tích hợp đạm tôm, chitosan kết hợp với phân bón hữu cơ và khoáng với liều lượng, quy trình thích hợp sẽ giảm phát thải khí nhà kính đến 36,1%, chi phí sản xuất lúa giảm 22,2% so với quy trình sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.

Nghiên cứu được thực hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long - một trong những khu vực chịu tổn thương nặng nhất thế giới do biến đổi khí hậu. Quá trình nóng lên của trái đất tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của vùng châu thổ nhưng ngành này đồng thời cũng phát thải khí nhà kính, khoảng 88,6 triệu tấn CO2 tương đương/năm theo số liệu từ Cục Trồng trọt. Hạn chế phát thải trong quá trình canh tác thuận theo cam kết của người đứng đầu Chính phủ tại COP26, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng zero vào năm 2050. Nhận dạng nông nghiệp tuần hoàn như một ngành có lợi thế cạnh tranh quốc gia là cơ sở để Nhà nước thiết kế cơ chế khuyến khích nguồn lực thị trường. 

Cạnh tranh bằng chuỗi

Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại Long An là một hợp phần trong hệ sinh thái nông nghiệp của Công ty cổ phần GAVI. Mặc dù công suất không lớn, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thử nghiệm và hoàn thiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nhà máy là cơ sở để GAVI rút ngắn thủ tục đầu tư xây dựng hàng loạt chi nhánh tại những vùng trồng và vùng nguyên liệu, chưa kể những nhà máy được mua lại thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập.

Cũng như phân bón, nông dân tham gia chương trình liên kết được cung cấp hạt giống từ công ty con của GAVI. Ở khâu chế biến, GAVI sở hữu trực tiếp và gián tiếp hai nhà máy có công suất chế biến khoảng 500 ngàn tấn/năm, xuất khẩu qua 10 quốc gia trong hơn một thập niên qua. Thị trường nội địa do một đơn vị thành viên trực tiếp phân phối.

Độ sâu của chuỗi giá trị lúa gạo giúp doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn, ứng biến linh hoạt trước biến động thị trường.

Tiếp cận từ chuỗi giá trị ngành hàng, danh mục sản phẩm ngoài gạo còn có chế phẩm sinh học xua đuổi côn trùng trên cánh đồng. Gạo hữu cơ trở thành đầu vào làm bún, bánh… Sở hữu nhà máy chế biến giúp doanh nghiệp tận thu nhiều phụ phẩm có giá trị kinh tế cao như dầu gạo. Cám gạo ngày càng được giới khoa học tìm được thêm nhiều ứng dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm. Vỏ trấu tận dụng sản xuất than sinh học (không phát thải CO2) rộng cửa thâm nhập thị trường Nhật Bản. Độ sâu của chuỗi giá trị lúa gạo giúp doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn, ứng biến linh hoạt trước biến động thị trường. Chẳng hạn khi giá lúa rớt, doanh nghiệp có dư địa để sẵn sàng hy sinh lợi nhuận từ một hoặc nhiều mắt xích trong ngắn hạn nhằm bảo vệ khế ước với nông dân.

Chuỗi giá trị của GAVI chưa khép kín. Nguồn cung sản xuất phân bón vi sinh hữu cơ phụ thuộc vào bên ngoài có lẽ là mắt xích yếu nhất. Trở thành cổ đông lớn của những nhà cung cấp phế phẩm có thể được xem như một lựa chọn không tồi? “Tôi khuyên các con mình tránh sát sanh”, ông Mây mở điện thoại cho coi tấm hình cận cảnh bịch nấm rơm 100gr yết giá 20 USD mà con gái ông chụp tại một siêu thị ở Mỹ cách đây ít ngày. Nấm rơm là “nghề của chàng”.

Nông dân dỡ lú bắt tôm trong ruộng lúa hữu cơ.


Ông Trần Văn Mây còn được biết đến với tên gọi Ba Cang, gắn liền nhãn hiệu “meo nấm Ba Cang” từng quen thuộc với nhiều người dân đồng bằng thời đoạn cả nước thiếu đói sau khi mô hình hợp tác xã kiểu cũ trùm lên ruộng lúa. Những năm cuối thập niên 1970, nông dân vùng châu thổ còn canh tác giống lúa một vụ. Rễ sâu, thân cao, khỏe khoắn. Cánh đồng bỏ phế gốc rạ sau thu hoạch.

Ba Cang, lúc ấy mới ngoài đôi mươi, nảy ra ý tưởng tận dụng phế phẩm làm nấm rơm. Khởi đầu với hai chai meo nấm mua của người ta, Ba Cang thử nghiệm nuôi meo trong ống nghiệm. Bằng vốn kiến thức trang bị từ trường trung cấp nông nghiệp tỉnh Long An, Ba Cang mày mò nuôi meo trong ống nghiệm. Những trang ghi chép thử nghiệm thất bại dày lên trong cuốn tập không làm ông nản chí. Thêm một lần sai rút bớt khoảng cách đến thành công.

Khi gầy được hai đại lý ở chợ Gò Đen (Long An) và chợ Bình Chánh (TP.HCM) thì Ba Cang dừng hẳn hoạt động sản xuất nấm, tập trung làm meo. Qua năm 1986, mỗi ngày xưởng Ba Cang xuất một xe tải meo xuôi miền Tây. Rơm rạ tự nhiên có giá. Nhưng nhiều người làm, nấm rơm lại rớt giá. Thời may, một nhóm thương nhân Đài Loan qua kiếm Ba Cang đề nghị hợp tác. Ông thu mua, sơ chế cho đối tác chở về Đài Loan chế biến rồi xuất khẩu. Ngoài Đài Loan, Ba Cang còn cung ứng cho một số công ty quốc doanh có chức năng xuất khẩu. Nông dân lại có việc làm. Qua năm 1994, Ba Cang thành lập công ty chế biến nấm rơm xuất khẩu qua châu Âu, Nhật Bản. Hành trình với nấm rơm dừng lại vào năm 2000. Nhưng đấy lại là một câu chuyện khác.

Quan sát công nhân vận chuyển những bao lúa vừa cắt từ cánh đồng liên kết với nông dân, ông Ba Cang nhẩm tính 100 ha thu được 24.000 cuộn rơm. Một cuộn rơm trung bình ra 3 ký nấm tươi. Doanh nghiệp bao tiêu với mức giá 40 ngàn đồng/kg, trừ chi phí nông dân lời 2 kg/cuộn, tương đương 80 ngàn đồng. Nhân ngược lại 24.000 cuộn, lợi nhuận 1,92 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 40 lao động nhàn rỗi với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng. 

Mô hình sản xuất nấm rơm thử nghiệm được quyết định trong vòng nửa giờ đồng hồ. Nếu thành công, chuỗi giá trị lúa gạo của GAVI dày thêm một mắt xích giá trị gia tăng, đồng thời mở ra cơ hội việc làm cho lao động nhàn rỗi tại nông thôn khi diện tích vùng trồng tăng theo cấp số nhân, nhất là trong bối cảnh hàng trăm ngàn lao động gốc miền Tây tại các khu công nghiệp mất việc, có thể phải quay trở lại quê nhà, gia tăng gánh nặng an sinh xã hội. 

Bài và ảnh: Thượng Tùng

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.