Thần đồng mới làm thơ?
Có rất nhiều nhà thơ vĩ đại trên thế giới bộc lộ tài năng của mình từ rất sớm. Elizabeth Barrett Browning làm thơ từ năm 1812, khi nữ thi sĩ chỉ mới 6 tuổi, Sylvia Plath công bố bài thơ đầu tiên của mình trên tờ Boston Herald khi 8 tuổi, John Milton bắt đầu viết từ năm 10 tuổi, và đến năm 15 tuổi ông đã hoàn thành hai bài thánh thi (psalm), còn Emily Dickinson chấp bút từ lúc 11 tuổi.
Nhưng câu chuyện ở đây không phải là về những thần đồng thơ. Bởi một điều kỳ lạ là, so với những lĩnh vực khác như toán học, hội họa, âm nhạc, hay ngay sát gần như văn xuôi, số lượng thần đồng thi ca nổi bật là không nhiều. Hoặc hiếm hoi, vụt sáng chói lọi và đột ngột chớp tắt như Arthur Rimbaud. Còn ở kỷ nguyên hiện đại, người ta hoài nghi chất vấn về khái niệm thần đồng, bởi thần đồng là nhờ thiên tư, hay nhờ sự nổi tiếng được người lớn ban cho?
Độ tuổi trung bình xuất bản tác phẩm đầu tiên đối với tác giả nam là 27; đối với tác giả nữ là 31. Độ tuổi bình quân chung giữa hai giới là 28,84.
Câu chuyện cũng không phải về những “nhà thơ một tập, một bài” hay nhà thơ kiểu hiện tượng. Bởi, sáng tạo là một quá trình, là sự vận động và tích lũy trọn đời, thậm chí là một con đường khổ hình chứa đựng những nguy nan bất lực lẫn bất toàn trong sáng tạo. Câu chuyện ở đây nói về tác phẩm đầu tiên, hay sự giăng buồm ra khơi của những nhà thơ lớn nhân loại.
Chúng ta hay lầm tưởng rằng tác giả yêu thích của mình, một khi bước vào sự nghiệp thi ca, hẳn đã phải trang bị hiểu biết và nghiệm sinh chín muồi, bản thảo của họ đã được hoàn thiện sau khi thôi nôi, và sứ mệnh của họ là lan tỏa tức thì tới công chúng. Lại có quan điểm cực đoan cho rằng, một người sáng tác thơ phải trên 30 tuổi mới có thể tự gọi mình là nhà thơ đích thực.
Chân dung các nhà thơ (từ trái qua, trên xuống): Emily Dickinson, Toyo Shibata, Edgar Allan Poe, Elizabeth Barrett Browning, Dante Alighieri, Sylvia Plath.
Cây bút Emily Temple từng thực hiện một khảo sát nhỏ thú vị vào năm 2019, dựa trên 80 tác gia nổi tiếng đã qua đời, để nhằm tìm hiểu xem ai có sự nghiệp dài hơi nhất. Tuy nhiên, khác với bài viết này, cô không tập trung vào độ tuổi bắt đầu một sự nghiệp văn chương, thay vào đó là phạm vi của nó. Thay vì thống kê dựa trên tổng số lượng tác phẩm, cô chọn khoảng cách thời gian giữa tác phẩm đầu tiên và tác phẩm cuối cùng được xuất bản.
Có một kết quả đáng quan tâm là độ tuổi trung bình xuất bản tác phẩm đầu tiên đối với tác giả nam là 27; đối với tác giả nữ là 31. Độ tuổi bình quân chung giữa hai giới là 28,84. Kết quả khảo sát này dường như ủng hộ cho quan điểm trên.
Nhưng nên nhớ, ngay cả những nhà thơ vĩ đại nhất, tất yếu đều phải có một điểm khởi đầu. Buổi đầu bình minh thi ca có thể xuất hiện ở nơi khiêm tốn nhất, một ô nhỏ trên một trang báo hay tạp chí văn chương. Mỗi một nhà thơ đều bắt đầu với tư cách là một nhà thơ “trẻ,” trẻ về độ tuổi sinh học lẫn độ tuổi sáng tạo, điều sẽ được đề cập đến sau. Câu hỏi đầu tiên sẽ là: vì sao lại trở thành một nhà thơ?
Vì sao lại trở thành nhà thơ?
Câu trả lời cho câu hỏi trên cũng gần như là đáp án cho câu hỏi làm thơ là “nghề” hay là “nghiệp.” Nếu làm thơ chỉ như là một sinh kế đảm bảo cuộc sống, một thực hành chuyên nghiệp, một nghề lĩnh lương, thì người viết đột nhiên trở thành giá áo túi cơm. Quan niệm nghề là sự lựa chọn, còn nghiệp là duyên, tức sự theo đuổi, có lẽ thơ sẽ nghiêng về vế thứ hai. Địa hạt về thi ca chúng ta nhắc đến nằm trên chiều kích tư tưởng của mỗi sự tồn tại người, nơi những câu hỏi như “nhà thơ sống bằng gì?” đơn thuần không thuộc về.
Ý chỉ của thơ là sự tồn tại có ý nghĩa. Có người xem thơ là một sự thỏa mãn tâm hồn, là phương thức chữa lành tinh thần, một cầu nối giữa bản ngã và những suy nghĩ miên viễn. Có người làm thơ để tạo ra sự thay đổi, đầu tiên là thay đổi bản thân, và rồi kết nối với người đọc để thay đổi thế giới. Có người không hoàn toàn muốn mình trở thành một nhà thơ, họ không có ý niệm văn chương, không sở hữu một vốn mỹ từ diễm lệ, không giàu tri thức triết học, không quan tâm đến tín ngưỡng. Họ muốn được nói. Các nhà thơ muốn tìm tiếng nói riêng, phù hợp cho thanh quản mình, được cất lên với thế giới, để nó không còn là một lời thinh lặng trong hư không bản thể.
Nếu làm thơ chỉ như là một sinh kế đảm bảo cuộc sống, một thực hành chuyên nghiệp, một nghề lĩnh lương, thì người viết đột nhiên trở thành giá áo túi cơm.
Hành trình sáng tạo nào lại không trăn trở khắc khoải, không vật vã đớn đau, không nguyện cầu khao khát. Thành công, tiền bạc, danh tiếng, chỉ là một phái sinh phù phiếm đến sau (“Nếu cuộc sống hàng ngày của cậu có vẻ khốn khó, đừng đổ lỗi cho nó; hãy tự trách chính mình, tự nhủ rằng mình không đủ thi sĩ để hiệu triệu giàu sang từ nó; bởi đối với người sáng tạo, không có nghèo đói và không có chốn nào là thờ ơ tẻ nhạt” – Rainer Maria Rilke, Những lá thư gửi tới một nhà thơ trẻ, 1929). Không ai “muốn” trở thành một nhà thơ, bởi nó là một phẩm tính cố hữu được phản tư và tìm thấy trong mỗi con người.
Do đó, thơ là một cứu cánh. Khởi thủy là lời (“Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta” – Sách Phúc âm John, 1:14). Trong triết học Cổ điển, Logos (thần ngôn) là quy luật của sự tồn tại, tạo ra hài hòa của thế giới. Nhận thức được logos, là nhận thức về thế giới. Con người có thông tuệ hay không, theo Heraclitus, tùy vào mức độ phản ánh logos, tức thông qua từ ngữ để biểu đạt thế giới. Thơ, bởi vậy, trở thành phương tiện biểu đạt lý tưởng mang đến ánh sáng của thần ngôn, thắp sáng những khoảnh khắc đen tối đầy bất trắc, thậm chí nâng bổng con người vươn tới sự cứu chuộc, để đến với mặc khải.
Trong Cộng hòa, khi bàn về hùng biện và thi ca, Plato đã cho rằng thơ là nguy hiểm và sai sự thật (“các nhà thơ nên được ban cho vương miện hoa hồng và áp giải đến cổng của Cộng hòa”). Sau này, qua Thi học, Aristotle đã bào chữa cho thơ như một nghệ thuật mô phỏng đời sống (mimesis).
Các triết gia Đức, từ Hegel, Heidegger cho đến Adorno đều đã cật vấn thi ca để truy tìm chân lý triết học bên trong nó. Thực chất của một tác phẩm nghệ thuật, theo Heidegger, nằm ở năng lực vén mở của nó. Phần lớn ta nhìn thế giới theo lối công năng, như rừng để lấy gỗ, sông để lấy nước hay vận hành thủy điện, nhưng qua tác phẩm nghệ thuật, qua thi ca, ta được phép nhìn thế giới tự nó, nhìn thấy vẻ đẹp nội tại, không còn lệ thuộc vào nhu cầu chủ thể con người. Thơ và triết, trái với mường tượng là hai đối cực bất khả điều hòa, thì lại đạt đến biểu đạt xoắn luyến nhất trong thơ Lucretius, Rumi, Hafiz, Dante hay Goethe.
Những nhà thơ lớn ra khơi
Quay trở lại với xuất phát điểm ra khơi của những nhà thơ lớn. Cũng giống với vấn đề phong cách, khi bóc tách một nhà thơ, ta sẽ thấy ba thành tố ảnh hưởng chủ đạo: cá nhân, dân tộc và thời đại. Tố chất thiên phú, một rung cảm trực giác, hay dự cảm về một con đường thơ, đã nhen nhóm hiện diện ngay ở những vần thờ đầu đời.
Đi kèm với bài thơ đầu tiên gửi cho biên tập báo Boston Herald vào năm 8 tuổi, Sylvia Plath đã ghi chú rõ bài thơ này là những gì cô bé “nhìn và nghe thấy vào một đêm hè oi ả”: Nghe tiếng dế kêu/Trong đám cỏ đẫm sương/Những chú đom đóm sáng nhỏ/Bay qua lấp lánh (Thơ, 1941). Đó chỉ là một quan sát tự nhiên của trẻ thơ hồn nhiên, và đôi khi cũng có thể chỉ là sầu muộn tuổi thiếu niên, như bài thơ đầu đời hai câu được Edgar Allan Poe chép trong cuốn sổ kế toán của cha nuôi mình năm 15 tuổi: Đêm qua, sau nhiều lo âu và lao động đè nặng/Mỏi mệt, tôi đặt mình trên một chiếc ghế dài để nghỉ ngơi (Không đề, 1824).
Một nhà thơ kiệt xuất chính là hiện thân hoàn kết của thời đại văn hóa họ được sinh ra, tiếp nhận những giá trị kết tinh của nền văn hóa và tinh thần thời đại (zeitgeist), hay ngược lại, họ cũng là nhân tố chủ đạo đưa nền văn hóa này phát triển lên một tầng bậc mới, với tư cách những nhà thơ dân tộc và nhà thơ thời đại.
Tính cá nhân được thể hiện rõ nét nhất dựa trên đặc trưng khí chất nhất định được biểu đạt ở mỗi nhà thơ, thông qua thế giới quan và sắc thái ngôn ngữ. Khía cạnh này được các nhà phân tâm học và tiểu sử học đặc biệt quan tâm, bởi những mối liên hệ giữa ấu thời và sáng tạo là không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, để lý giải tầm vóc của mỗi nhà thơ vĩ đại, ta cần đặt họ vào giữa những mối liên hệ văn hóa. Một nhà thơ kiệt xuất chính là hiện thân hoàn kết của thời đại văn hóa họ được sinh ra, tiếp nhận những giá trị kết tinh của nền văn hóa và tinh thần thời đại (zeitgeist), hay ngược lại, họ cũng là nhân tố chủ đạo đưa nền văn hóa này phát triển lên một tầng bậc mới, với tư cách những nhà thơ dân tộc và nhà thơ thời đại.
Dante Alighieri từ Vita nouva (Cuộc đời mới, 1294) đến La divina commedia (Thần khúc/Vở hài kịch của thánh thần, 1320) đã đưa tiếng Ý trở thành ngôn ngữ văn chương ở Tây Âu và mở đường cho phong trào thi ca Phục hưng Ý. Bắt đầu làm thơ từ năm 18 tuổi, đương nhiên, ông phải có cơ sở kế thừa những ảnh hưởng từ Kinh Thánh cũng như từ trước tác của các tác gia La Mã Virgil, Cicero, Seneca và Boethius.
William Shakespeare đã đưa sonnet, từ một hình thức thơ bắt nguồn từ Ý, trở thành “quốc túy” của nước Anh và góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo ngôn ngữ Anh cả về vốn từ lẫn ngữ pháp. Tương tự, ở Đức, Goethe đã tác động sâu rộng không chỉ đến văn chương, mà còn cả ở bình diện triết học và khoa học tự nhiên Đức. Mỗi một nhà thơ vĩ đại tạo ra cả một thời đại văn hóa mới.
Có bao giờ là muộn?
Cuối cùng, quay lại về sự khác biệt giữa độ tuổi sinh học và độ tuổi sáng tạo trong thi ca. Có những nhà thơ nở muộn. Nhà thơ người Anh John Stammers, bắt đầu con đường thơ của mình rất muộn sau khi kinh qua nhiều nghề nghiệp như điều hành hãng thu âm, công chức chính phủ, người pha chế đồ uống, tư vấn viên. Ông ra mắt tập thơ đầu tay Panoramic Lounge Bar (2001) đạt giải thưởng khi 47 tuổi.
Đối với thi ca, sáng tạo không bao giờ là muộn, và đại dương luôn bao la vẫy gọi với những ai dũng cảm giăng buồm.
Nhà thơ Mỹ George Frederick Morgan phải đến năm 50 tuổi mới trình làng thi tuyển đầu tiên, A Book of Change (1972), kết quả đến từ sự ra đi của người vợ và hoàn cảnh phải gà trống nuôi sáu đứa con. Và không dừng lại ở đó, ông tiếp tục sáng tác thêm 7 tập thơ trước khi qua đời vào năm 2004.
Chỉ đến khi 92 tuổi thì nữ thi sĩ Nhật Toyo Shibata mới bắt đầu làm thơ, sau khi được con trai động viên. Tập thơ Kujikenaide (Đừng nản lòng) xuất bản năm 2009 của bà trở thành tác phẩm bestseller tại Nhật với doanh số 1.58 triệu bản. Độ tuổi của họ ở thời điểm xuất phát tuy không còn trẻ, nhưng họ vẫn “trẻ” nếu tính theo độ tuổi sáng tạo, bởi nhiệt huyết lao động sáng tạo và cảm hứng thi ca của họ vẫn không ngừng tuôn chảy.
Do đó, đối với thi ca, sáng tạo không bao giờ là muộn, và đại dương luôn bao la vẫy gọi với những ai dũng cảm giăng buồm.
Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)