Đó là khẳng định của ông Olivier Parriaux, một trong ba người treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969, trong buổi gặp gỡ diễn ra chiều 18.11.2024 tại Trung tâm Báo chí TP.HCM.
Buổi gặp gỡ ông Olivier Parriaux (thứ 2 từ phải sang) và ông Bernard Bachelard (thứ 3 từ phải sang) vào chiều 18.11.2024 tại Trung tâm Báo chí TP.HCM.
Dữ dội một thời phản chiến
Vào tháng 1.2023, cuốn sách tựa đề Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame (tạm dịch: Cờ Việt Cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà), do Bernard Bachelard, Noé Graff và Olivier Parriaux viết lại, được Nhà xuất bản FAVRE, Lausane (Thụy Sĩ) ấn hành, lần đầu tiên công khai danh tính những người Thụy Sĩ treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris năm 1969. (Bạn đọc có thể xem trích đoạn từ cuốn sách tại đây)
Sau hơn một năm, với tâm huyết của những người kết nối, cũng như tinh thần tri ân bạn bè thế giới đã ủng hộ cuộc chiến giành độc lập dân tộc của Việt Nam, lãnh đạo TP.HCM đã mời được hai trong ba nhân vật chính sang thăm và làm việc từ 15-19.11. Nhóm đã gặp gỡ các lãnh đạo, cựu chiến binh, các nạn nhân chiến tranh, thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, tận mắt chứng kiến, trải nghiệm hệ thống địa đạo tại Củ Chi, cũng như nhận lời cám ơn của đại diện người dân thành phố, gặp gỡ chia sẻ với báo chí trước khi kết thúc chuyến thăm.
Các nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo, đài tại TP.HCM được nghe lại câu chuyện của người trong cuộc, những nhân chứng lịch sử, ngay trước thềm chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước 1975-2025.
Ông Bernard Bachelard, hào hứng chia sẻ về hành động treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà ở Paris vào ngày 19.1.1969.
Các ông Olivier Parriaux và Bernard Bachelard, hai người Thụy Sĩ trực tiếp leo lên tháp nhọn của nhà thờ Đức Bà Paris, hào hứng chia sẻ về hành trình treo cờ đầy mạo hiểm nhưng rất ý nghĩa, một trong những đóng góp của tuổi trẻ phản chiến tại châu Âu cho cách mạng Việt Nam hơn năm thập kỷ trước.
Giải thích về ý tưởng treo cờ, ông Olivier cho biết trong suốt những năm 60s, những phong trào cách mạng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân diễn ra tại nhiều nước, rồi các cuộc biểu tình, đình công tại Pháp thu hút hàng triệu người đã giúp hình thành nên "lương tâm chính trị" của những người trẻ. “Thời điểm những năm 68-69 là giai đoạn cao trào, với lương tâm chinh trị của bản thân chúng tôi mong muốn làm một điều gì đó tạo hình ảnh cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong tiến trình đàm phán hòa bình, làm mất mặt chính quyền miền Việt Nam Cộng hòa và “chào đón” ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger", nhân chứng sống của sự kiện treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1969, kể.
Ông Olivier Parriaux kể lại hành động lịch sử năm 1969.
Và khi thông tin về cuộc chiến tranh tại Việt Nam đang có những dấu hiệu mới, Mỹ bắt đầu tìm cách rút dần, giảm can thiệp, chính quyền Việt Nam Cộng hòa gặp bế tắc. Các bên bắt đầu có những tiếp xúc gặp gỡ chuẩn bị cho những cuộc đàm phán hòa bình. Ngay tại Pháp, chính quyền khi ấy cũng ủng hộ tìm kiếm các biện pháp hòa bình cho những vùng chiến sự. Ba thanh niên Thụy Sĩ đó là lúc họ nên làm gì đó thể hiện sự ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Chọn thời điểm ngay trước ngày khai mạc hòa đàm Paris, ba thanh niên tuổi từ 24-26 chạy chiếc xe hơi từ thành phố Lausanne (Thụy Sĩ), sang Paris (Pháp). Tầm hơn 3 giờ chiều ngày 18.1.1969, Olivier và Bernard hòa mình vào dòng khách du lịch leo lên tháp chuông phía trước của nhà thờ Đức Bà, trốn ở lại, ẩn núp chờ đến tối trời mới bò ra ngoài, vượt qua phần mái dốc nhọn của thánh đường theo kiến trúc Gothic, rồi leo lên tháp nhọn có cây thánh giá nằm gần phía sau thánh đường.
Hành trình leo lên ngọn tháp, cao nhọn và nhỏ dần đến khi cách mặt đất khoảng 90m là thách thức lớn. Đó là chưa kể, bên cạnh việc leo trèo, di chuyển, nhảy qua các vách trên nóc thánh đường khi tối trời rất nguy hiểm. “Chúng tôi không phải người dân Paris, cũng không quen thuộc với nhà thờ, chúng tôi chỉ xem các hình ảnh chụp về nhà thờ để tự tính toán cho việc leo lên nóc. Kỹ năng của những người sống ở cùng núi Alps giúp rất nhiều trong việc leo trèo trên mái và lên tháp giữa một đêm mùa đông như vậy”, ông Olivier Parriaux kể.
Olivier Parriaux cho biết hành trình leo lên ngọn tháp, cao nhọn và nhỏ dần đến khi cách mặt đất khoảng 90m là thách thức lớn...
Cầm lá cờ rộng khoảng 17m2 do chính vợ Bernard may một cách bí mật tại Thụy Sĩ, tự tay ông treo lá cờ lên đỉnh chop rồi giật một đầu dây buộc để nó bung ra. Ánh sáng của thành đô Paris rực rỡ đủ để Noé Graff, người thanh niên thứ 3 canh chừng phía dưới chân nhà thờ, nhìn thấy những khoảnh khắc đầu tiên lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bay phần phật trên ngọn tháp của Nhà thờ Đức bà Paris. Tháp nhọn này đã bị phá hủy trong trận hỏa hoạn năm 2019.
Treo xong lá cờ, nhóm rời đi đến tòa soạn báo Le Monde để gửi một thông cáo báo chí lúc khoảng 2g đêm. Thoát khỏi Paris triển khai lực lượng an ninh trấn áp những nhóm nổi loạn ở vài quảng trường lớn tại trung tâm, nhóm chạy xe thẳng về Thụy Sĩ, rồi nguyên gần một ngày hôm sau ngắm nhìn lá cờ tung bay trên đỉnh tháp và chứng kiến truyền thông thế giới liên tục đưa tin về sự kiện.
“Với chúng tôi, treo được lá cờ lên đỉnh tháp mang lại cảm giác thành công và thắng lợi. Khi leo xuống, chúng tôi đã cưa bớt các ngạnh sắt nhô ra phía chop nhọn của tháp để cản bước cảnh sát hay lực lượng cứu hộ leo lên tháo lá cờ. Tôi thấy mình chỉ phạm một tội duy nhất đó là cưa đi những ngạnh sắt - vì như vậy là phá hoại tài sản của nhà thờ”, ông Olivier kể.
Sự kiện lập tức xuất hiện trên báo The New York Times. Ảnh: Reporter Associes D.R.
... và tạp chí Life. Ảnh: Reporter Associes D.R.
Cảnh sát đã phát hiện ra lá cờ từ rất sớm, nhưng cũng phải đến 3g chiều hôm sau họ mới cử được lực lượng cứu hộ tại Paris dùng trực thăng đưa người tới giật lá cờ xuống. “Quá đủ thời gian cho báo chí thế giới đồng loạt đăng tin về lá cờ đại diện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngay đúng thời điểm mở đầu cho chuỗi sự kiện liên quan trước khi các bên ngồi vào bàn đàm phán hòa bình”, ông giải thích với nụ cười tự hào.
Lương tâm chính trị hình thành trong mỗi cá nhân, các hoạt động phản chiến trong xã hội phát triển, các phong trào cách mạng giành độc lập tại các nước bị chiếm đóng đã thôi thúc 3 thanh niên trẻ của Thụy Sĩ ngày đó quyết tâm thực hiện hành động mạo hiểm mà ông Olivier nói rằng, khi thực hiện, “chúng tôi chỉ lo lắng đúng một điều là mất mạng khi chưa hoàn thành kế hoạch đã đề ra”.
Trung sĩ cứu hỏa đồng thời là diễn viên đóng thế Raymond Belle được vận chuyển bằng trực thăng đang cố gắng tháo gỡ lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh: tư liệu báo chí
GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông, hồi tưởng khi sự kiện lá cờ được treo tại nhà thờ Đức bà Paris diễn ra, ông đang là phóng viên có mặt tại Paris. Nghe mọi người nói có lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam xuất hiện tại tháp nhà thờ, ông cũng cầm chiếc máy ảnh nhỏ chạy về hướng nhà thờ. Rất nhiều phóng viên quốc tế đã có mặt, chụp hình lá cờ, tường thuật sự việc.
“Tôi rất xúc động, nghĩ rằng lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam xuất hiện ở đây tạo nên một vị thế quan trọng cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khi bước vào những chuỗi đàm phán trước khi ký hiệp định Paris. Chúng tôi đánh giá hành động của người treo lá cờ rất cao cả, anh hùng dù không họ là ai, từ đâu đến nhưng đã tạo ra một dấu ấn như thế. Lá cờ đó như một lời hiệu triệu toàn thế giới chung tay chống đế quốc xâm lược.”
Ông Phú cũng nhất mạnh câu chuyện về những người bạn quốc tế, các tài liệu, các hành động ủng hộ cuộc cách mạng giành độc lập của Việt Nam mà họ đã làm họ cần được lan tỏa và giới thiệu cho các thế hệ mai sau.
Ba tác giả của cuốn sách Le Viet Cong au sommet de Notre-Dame (từ trái): Olivier Parriaux, Bernard Bachelard, Noé Graff. Ảnh tư liệu
Một công việc mới
Là một người Thụy Sĩ, đến Việt Nam, tận mắt chứng kiến những điều đang diễn ra, ông Olivier chia sẻ rằng ở nơi đây, chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Cho đến nay, bom đạn chưa nổ vẫn còn sót lại, có thể lấy đi mạng người dân thường bất cứ lúc nào. Chất độc da cam đã để lại những hệ lụy lâu dài, tàn phá thiên nhiên và con người Việt Nam. Ông nói đã “rất phẫn nộ” (những kẻ gieo rắc chất độc da cam) khi ông có dịp trực tiếp gặp những nạn nhân của chất độc này. Điều đó thôi thúc ông quyết tâm trong hành trình mới.
Sau khi xuất bản cuốn sách, các ông đang kêu gọi các nguồn lực tại Thụy Sĩ, kết hợp với các đối tác tại TP.HCM, các tổ chức dân sự, ủng hộ và hỗ trợ pháp lý cho vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam do bà Trần Tố Nga đang theo đuổi.
“Chúng tôi tiếp tục đấu tranh, đồng hành với bà Nga trong cuộc đấu tranh pháp lý chống lại các tập đoàn sản xuất hóa chất. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh công lý cho những nạn nhân Việt Nam và các nạn nhân khác của các tập đoàn sản xuất hóa chất độc hại tại nhiều nơi thế giới”, ông Olivier chia sẻ.
Ông Olivier kết thúc buổi gặp gỡ báo chí bằng một lời tâm tình: "Ấn tượng về Việt Nam trong tâm trí tôi từ trước đến nay là tinh thần đoàn kết, với những khả năng tuyệt vời, giúp Việt Nam thắng được nước mạnh nhất thế giới. Tôi muốn dùng lời của thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi đến các bạn, chiến thắng một cuộc chiến thì dễ, xây dựng một đất nước sau cuộc chiến mới khó".
Bài và ảnh: Lan Chi (lược thuật)