Báo cáo khảo sát Thương hiệu đất nước Việt Nam và căn tính Việt:

Xúc tiến xây dựng thương hiệu đất nước Việt Nam

 11:00 | Thứ bảy, 17/08/2024  0
Có hơn 71% người tham gia khảo sát cho biết Việt Nam đã có thương hiệu đất nước, dù 2/3 trong số đó quan ngại về tính thiếu rõ ràng của thương hiệu Việt, từ đó đề xuất các nguồn lực lớn nhất cho thương hiệu Việt, bao gồm: văn hóa, lịch sử và địa chính trị, kinh tế, con người và xã hội.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt (16, 17.8.2024), Qũy Hòa bình và Phát triển TP.HCM đã tiến hành khảo sát Thương hiệu đất nước Việt Nam và căn tính Việt (giai đoạn 1) kết hợp phương pháp định lượng (500 mẫu) và định tính. 

Với niềm tin rằng thời vận của Việt Nam đã đến, Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM khởi xướng việc nhìn nhận về mối tương quan giữa việc xác định thương hiệu đất nước đối với sự phát triển chung của Việt Nam trong mục tiêu phấn đấu trở thành quốc gia phát triển đến năm 2045. Trong quá trình này, điều quan trọng là làm sao để tích hợp và phát huy những điểm nổi bật, tích của căn tính người Việt và dân tộc Việt vào xác định và xây dựng thương hiệu của đất nước Việt Nam.

Quá trình khảo sát có sự tham gia của ban cố vấn, bao gồm 75 chuyên gia đa dạng các thành phần, lĩnh vực, gồm: trí thức, doanh nhân, nghệ sĩ...

Các chuyên gia tại Diễn đàn Thời khắc Việt. Ảnh: TKV


Báo cáo khảo sát gợi ý khái niệm “Thiên hướng hòa bình và ý chí vươn lên”, phản ánh khả năng phục hồi, khả năng thích nghi và bản chất yêu chuộng hòa bình của người Việt, để từ đó vượt qua sự tàn phá của chiến tranh để xây dựng tương lai.

Báo cáo chia làm 7 phần, trong đó có các phần như phân biệt giữa thương hiệu doanh nghiệp và đất nước; xem xét nỗ lực xây dựng thương hiệu của các nước như: Nhật, Hàn, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc để làm bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; xác định các nguồn lực đáng giá để làm nên thương hiệu Việt; khám phá thiên hướng hòa bình và ý chí vươn lên của người Việt; quá trình thực hiện và xây dựng thương hiệu; tận dụng các tài sản văn hóa và lịch sử.

Các chuyên gia, diễn giả tại Phiên toàn thể Báo cáo và trao đổi về khảo sát thương hiệu đất nước, căn tính Việt. Ảnh: TKV


Báo cáo cũng thảo luận về quá trình đưa thương hiệu Việt thành hiện thực, với sự tham gia của nhiều bên liên quan, gồm nhà nước, người dân trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế, trong đó, sự tham gia tích cực của nhà nước là thiết yếu.

Phần này cũng nêu ra các trường hợp điển hình để tham khảo, từ các chiến dịch ở quy mô quốc gia, tới các công ty, tập đoàn, dự án đến cá nhân… , ví dụ như chiến dịch truyền thông cho di tích Nhà tù Hỏa Lò, kênh youtube Quang Linh Vlogs – Cuộc sống ở châu Phi quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Angola, cộng đồng du lịch Where in Vietnam trên Instagram…

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, chia sẻ tại Phiên toàn thể Báo cáo và trao đổi về khảo sát thương hiệu đất nước, căn tính Việt. Ảnh: TKV


Trong quá trình khảo sát, dự án cũng kết luận có hơn 71% người tham gia cho biết Việt Nam đã có thương hiệu đất nước, dù 2/3 trong số đó quan ngại về tính thiếu rõ ràng của thương hiệu Việt, từ đó đề xuất các nguồn lực lớn nhất cho thương hiệu Việt, bao gồm: văn hóa, lịch sử và địa chính trị, kinh tế, con người và xã hội.

Nhóm dự án, đứng đầu là bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM, khẳng định báo cáo này chỉ là bước đầu của quá trình xây dựng đất nước và hy vọng từ những thông tin, góc nhìn được cung cấp trong báo cáo sẽ được xuất hiện nhiều cuộc thảo luận và phản hồi xoay quanh chủ đề này.

Trâm Anh

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.