Chân - Thiện - Mĩ trong kỷ nguyên hậu hiện đại

 08:34 | Thứ bảy, 25/12/2021  0
Bằng lối tiếp cận đa ngành, tác phẩm "Chân, thiện, mĩ trong tầm nhìn đương đại" của Howard Gardner soi gợi không chỉ trong giáo dục mà còn trong cả cuộc sống...

Bối cảnh hậu hiện đại đã làm lay chuyển bức tranh về thế giới. Không thể phủ nhận rằng, hậu hiện đại có tác động đa chiều và là chủ đề thường xuyên gây tranh cãi của giới học thuật. Nếu Lyotard, nhìn từ góc độ lịch sử triết học, coi hệ hình hậu hiện đại, với ý thức liên chủ thể làm đối tượng tư duy, đã đặt ra cơ sở cho đối thoại, tự do, đoàn kết và hòa hợp, thì Chomsky phê phán hậu hiện đại là vô nghĩa và là một công cụ của quyền lực. Còn nhà tâm lý học phát triển Mỹ, Howard Gardner, muốn nhìn lại những phẩm tính truyền thống trong một thế giới số – thế giới hậu hiện đại, bằng tác phẩm Truth, Beauty and Goodness Reframed (Chân, thiện, mĩ trong tầm nhìn đương đại, Hiếu Tân dịch, Nxb Tri thức, 2021).

GS Howard Gardner. Ảnh: Twitter tác giả

Độc giả Việt Nam trước đây đã được biết đến Howard Gardner qua tác phẩm Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligences (Cơ cấu trí khôn – Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn, Phạm Toàn dịch, Nxb Tri thức, 2012, tái bản 2014, 2015, 2016, 2017, 2019). Ông sinh năm 1943 tại Scranton(Pennsylvania, Mỹ). Tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1965 và đạt học vị Tiến sĩ ngành tâm lý học phát triển cũng tại Harvard vào năm 1971. Ngoài nắm giữ cương vị Giáo sư tại Trường Sau đại học về Giáo dục của Harvard kể từ năm 1986, Gardner còn là Giáo sư thần kinh học tại trường Đại học Y khoa Boston, tham gia làm giám đốc nhiều dự án thúc đẩy giáo dục như Project Zero và The Good Project. Ông còn chấp bút hơn 20 công trình về tâm lý học giáo dục, tâm lý học tri nhận và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.

Chân, thiện, mĩ là ba phẩm tính cổ điển đã tồn tại lâu dài và ổn định trong lịch sử, trở thành những giá trị tiêu chuẩn hóa đóng vai trò là đích đến được hướng tới trong giáo dục. Thế nhưng, những giá trị phổ quát này đã phải chịu áp lực lẫn sự chất vấn và công kích từ hai yếu tố hoàn toàn mới, đó là tư tưởng hậu hiện đại và truyền thông kỹ thuật số đang ngày một phát triển bành trướng.

Gardner phân tích độc lập mỗi phạm trù phẩm tính và đặt chúng vào giữa những thách thức gây ra bởi chủ nghĩa hậu hiện đại và phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Nhưng tại sao lại quay về nghiên cứu chân, thiện, , những giá trị tưởng như đã không còn hợp thời? Tác giả muốn đưa ra quan điểm của mình về việc tốt nhất nên giáo dục lớp trẻ như thế nào, và ngay cả những người trưởng thành nên tiếp tục gắn bó với những phạm trù này ra sao.

Bìa sách "Chân, thiện, mĩ trong tầm nhìn đương đại".

Phạm trù chân (sự thật) đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Hậu hiện đại đã cảnh báo: chắc chắn là không có một chân lý duy nhất cũng như không có sự thật tuyệt đối (thay vào đó là nhiều chân lý và sự thật tương đối). Đệ tứ quyền, hay truyền thông đại chúng, đã bủa vây chúng ta bằng những sự thật giả trang, điều được chứng thực gần đây thông qua vấn nạn tin giả (fake news) trong một bối cảnh phức tạp như bầu cử tổng thống Mỹ hay đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới.

Câu hỏi đặt ra là sự thật có còn là sự thật khi chúng ta nhường quyền phán xét cho phương tiện truyền thông kỹ thuật số, cho ý thích ngẫu hứng của đám đông? Chưa kể, sự thật phân hóa thành sự thật của tôisự thật của bạn, khi chúng ta với mạng xã hội như Facebook, Twitter đều có thể trở thành một người đưa tin, hay có quyền truy cập sửa chữa thông tin trên Wikipedia.

Thử kể đến một bộ môn truy tìm sự thật như lịch sử, cũng đang trở nên mỏng manh. Gardner quan niệm sử học là một cố gắng tái hiện những gì đã xảy ra trong quá khứ, hay đúng hơn là tạo ra những phát ngôn đúng về quá khứ. Nhưng lịch sử chỉ xảy ra một lần, và không thể là đối tượng cho những phương pháp khoa học như quan sát và thí nghiệm. Cái ta có chỉ là những hiện vật khảo cổ và văn bản ghi chép sử.

Vấn đề đặt ra là lịch sử chính xác nhất hay là lịch sử đúng với mục đích hướng đến nhất, tái tạo hay ngụy tạo. Không thể có một lịch sử đúng nhất. Một lịch sử về sử học đã chỉ ra rằng các diễn ngôn lịch sử luôn chịu sự ảnh hưởng của một quan điểm tiên kiến, như Gardner nói là bị tô màu bởi tri thức và lấy ví dụ về Đế quốc La Mã trong mắt các nhà sử học đương đại Mỹ đầu thế kỷ XXI. Hoặc  nói khác, “lịch sử luôn được viết bởi kẻ chiến thắng,” một câu nói khuyết danh nổi tiếng thường được gán cho Winston Churchill.

Đến với (cái đẹp), Gardner nghiên cứu phẩm tính này trên chính mảnh đất của nó – nghệ thuật. Liệu tạo ra cái đẹp có phải là – và có nên là – mục đích của nghệ thuật không? Chúng ta từ trước tới giờ đã luôn quan niệm rằng cái đẹp là mục đích tối hậu của sáng tạo nghệ thuật. Cái đẹp như là một thuộc tính cố hữu của sự vật, và nhiệm vụ của người nghệ sĩ là tìm cách phản ánh chân thực thuộc tính này, hoặc khuếch đại nó trở thành cái siêu tuyệt. Nhưng một điều chắc chắn là hậu hiện đại đã thủ tiêu cái đẹp tiêu chuẩn và duy nhất.

Sự trỗi dậy của nghệ thuật ý niệm và đa phương tiện (điện ảnh, radio, laser, ảnh ba chiều, thực tại ảo) đã đẩy lùi nghệ thuật tả chân về phía sau. Thậm chí, cái xấu từ một phản đề của cái đẹp, cũng được nâng lên trở thành một đối tượng thẩm mỹ, được mỹ học nghiên cứu. Gardner nhấn mạnh rằng cái đẹp không còn là đặc quyền hay đặc trưng chủ yếu của nghệ thuật nữa. Song, các khái niệm về cái đẹp trước đây không bị xóa đi, trái lại chúng được mở rộng ra và cá nhân hóa thông qua trải nghiệm.

Tác giả dẫn dắt bạn đọc đến địa hạt của đạo đức khi bàn đến thiện. Ông phân biệt đạo đức láng giềng (áp dụng cho những mối quan hệ con người) và đạo đức của các vai trò (công dân tốt, công nhân tốt, thầy thuốc tốt, giáo viên tốt). Con người khi còn là một đứa trẻ, đã được dạy cho cách phân biệt về cái tốt và không tốt, đứng đắn và không đứng đắn. Mục tiêu của sư phạm hướng đến tạo ra con người tốtcông dân tốt. Tuy nhiên, hậu hiện đại và truyền thông kỹ thuật số đã đưa chủ nghĩa tương đối vào trong quan niệm về điều thiện.

Bên cạnh việc có nhiều cách nghĩ về nhân sinh hơn, nhiều đạo đức cá nhân hơn, với tác động của mạng internet và tình trạng thiếu chuẩn mực đạo đức, giới trẻ cũng trở nên thực dụng hơn và sẵn sàng đi tắt vượt qua đạo lý để đi đến thành công. Dường như, những người trẻ thiếu đi một la bàn đạo lý để dẫn lối hành vi. Còn ranh giới giữa đạo đức láng giềng và đạo đức của các vai trò bị mờ nhòa.

Do đó, Gardner khuyên chúng ta nên tôn vinh đạo đức láng giềng và tôn trọng tập quán của mỗi nền văn hóa, đồng thời cố gắng trở thành những công dân tốt không chỉ trong xã hội của mình mà còn trong cộng đồng toàn cầu. Như vậy, thiện đồng nghĩa với việc hành động con người vượt trên tư lợi, đề cao hành động có trách nhiệm và trở thành tấm gương sáng cho nhân loại xung quanh.

Đi đến kết luận, tác giả nói, suy cho cùng, những gì chúng ta có thể có được là những bức tranh chân thực hơn về thế giới, so với những thế hệ trước, nhưng chúng ta không nên chủ quan nghĩ rằng mình đã đạt đến đích cuối cùng, bởi có thể thế hệ sau bởi những phát triển về khoa học công nghệ và chính những tiến bộ giáo dục được ta đúc rút, sẽ đạt đến những bức tranh thật hơn của chúng ta. Bằng lối tiếp cận đa ngành, tác phẩm của Howard Gardner soi gợi không chỉ trong giáo dục mà còn trong cả cuộc sống.

Phạm Minh Quân

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.