Chi phí mua và tiêm vắc xin khoảng 25.000 tỉ đồng, còn phải tiêm nhắc lại hàng năm

 21:26 | Thứ năm, 03/06/2021  0
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Y tế, chi phí mua và tiêm vắc xin khoảng 25.000 tỉ đồng. Ngoài ra còn phải tiêm nhắc lại hằng năm.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (3.6), Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết vấn đề tiêm vắc xin để phòng chống dịch rất quan trọng, nguồn kinh phí để mua vắc xin cũng như để tiêm rất lớn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn phát biểu.

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Y tế, chi phí mua và tiêm vắc xin khoảng 25.000 tỉ đồng. Ngoài ra còn phải tiêm nhắc lại hằng năm.

Chính vì vậy, quan điểm của Đảng và Nhà nước là chúng ta sẽ dùng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp thông qua xã hội hóa để mua và tiêm vắc xin cho nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vắc xin. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng có quyết định thành lập Ban Quản lý Quỹ, cũng như có Thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý Quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng.

Liên quan đến huy động nguồn quỹ, số dư của quỹ hiện là gần 104 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã được các đơn vị tài trợ khoảng 1.000 tỉ đồng và sẽ chuyển vào quỹ. Chúng tôi cũng đang tích cực làm việc với các đơn vị liên quan, như các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cam kết ủng hộ cho quỹ hơn 2.000 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, từ FDI cũng như doanh nghiệp tư nhân và một số đơn vị ngoài các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rất hưởng ứng trong việc ủng hộ Quỹ vắc xin.

Sắp tới đây, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ khai trương và phát động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ vắc xin.

“Chúng tôi cũng đã làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng như các bộ, ngành liên quan như Bộ TT-TT để ủng hộ Quỹ vắc xin bằng nhiều hình thức đơn giản và thuận tiện nhất, góp phần cùng ngân sách Nhà nước đảm bảo đủ nguồn kinh phí để chúng ta mua vắc xin phòng, chống dịch COVID-19”, ông Tuấn nói.

Thông tin về tiến độ tiêm vắc xin ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vacicne để tiêm 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.

“Chúng ta cơ bản tiếp cận được số lượng này, tuy nhiên, khi nhập khẩu ta phải ký cam kết, đó là ký thỏa thuận miễn trách nhiệm khi có sự cố xảy ra hoặc chúng ta cũng phải chấp nhận khi các công ty giao hàng không đúng tiến độ”, ông Cường thông tin.

Bộ Tài chính vừa có thông tin về tổng kinh phí đã chi mua vắc xin, mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, về kinh phí phòng chống dịch COVID-19, Bộ Tài chính cho biết năm 2020, tổng số kinh phí đã bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ các bộ, ngành địa phương là 4.056 tỉ đồng.

Năm 2021, tổng số kinh phí đã bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương là 823 tỉ đồng, trong đó, số đã bổ sung cho các Bộ là 505,853 tỉ đồng, bao gồm: Bộ Quốc phòng 2,165 tỉ đồng; Bộ LĐTB-XH 788 triệu đồng để thực hiện chế độ đặc thù phòng chống dịch, hỗ trợ tiền ăn cho người bị cách ly và Bộ Y tế là 502,9 tỉ đồng để mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị phòng chống dịch.

Còn về kinh phí ngân sách trung ương bố trí để mua và tiêm vắc xin phòng COVID-19, cơ quan này cho biết Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nguồn kinh phí dự kiến mua và tiêm vắc xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người khoảng 25.200 tỉ đồng (mua vắc xin khoảng 21.000 tỉ đồng, vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm khoảng 4.200 tỉ đồng).

Trong đó, ngân sách trung ương bảo đảm cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ các địa phương khó khăn khoảng 16.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỉ đồng.

Ngân sách trung ương sẽ bao gồm: 13.330 tỉ đồng là chuyển nguồn từ năm 2020 sang năm 2021 (12.100 tỉ đồng tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 và 1,237 nghìn tỉ đồng đã bổ sung cho Bộ Y tế năm 2020 nhưng chưa sử dụng nay chuyển nguồn sang năm 2021); phần còn lại từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2021...

Ngày 18.5 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1271/NQ-UBTVQH14 về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của NSTW năm 2020, trong đó tại Điều 1 sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của NSTW năm 2020: "sử dụng 12.100 tỉ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch COVID-19".

Hai cách để tham gia mua vắc xin

Trả lời báo chí về vắc xin ngừa COVID-19, Thứ trưởng Bộ y tế Trương Quốc Cường cho biết Chính phủ khuyến khích tất cả địa phương, doanh nghiệp có điều kiện, có nguồn vắc xin cùng tham gia.

Theo đó, có hai cách tham gia: Một là huy động tiền đóng góp cho Quỹ vắc xin, hai là trực tiếp nhập khẩu vắc xin từ nguồn rất tin cậy.

Theo ông Cường, vắc xin lần này nhập khẩu trong tình trạng khẩn cấp nên có một số đặc thù. Chất lượng vắc xin được nhà sản xuất đảm bảo nhưng những hiệu quả hay phản ứng vẫn cần tiếp tục theo dõi, không giống như một số loại vắc xin đã sử dụng từ lâu.

Cùng với đó, việc bảo quản vắc xin trong điều kiện rất ngặt nghèo, vì nhập vaccine trong điều kiện khẩn cấp nên một số nội dung chưa kiểm định được. “Chúng ta phải chấp nhận vắc xin do WHO đã cấp chứng nhân hoặc do Cục quản lý dược - Bộ Y tế của một số nước cấp, chấp nhận một số điều kiện không kiểm định được”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, cách kiểm soát tốt nhất là trực tiếp mua của các nhà sản xuất mà không thông qua các công ty trung gian.

Điều dưỡng Vũ Thị Thanh Thư tiêm mũi vaccine đầu tiên tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 8.3.2021. Ảnh: Báo Nhân dân

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt, vì vậy, có trường hợp vắc xin chuyển về cho chúng ta nhưng chỉ vài hôm trước khi hàng về lại được điều sang nước khác, như vừa rồi được điều sang Lào, Campuchia nên số vắc xin về Việt Nam chỉ còn một nửa. Lý giải việc này, ông Cường giải thích do nguồn cung chưa đủ nên phải phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh một số nước.

"Chúng ta tiếp cận vắc xin sớm nhưng không được ưu tiên", ông nói. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết từ tháng 8 trở đi, tất cả nguồn vắc xin Việt Nam tiếp cận sẽ về nhiều. Theo đó, Pfizer cam kết chuyển 15,5 triệu liều trong quý 3/2021 và một số lượng tương đương trong quý 4. AstraZeneca và Covax cũng cam kết cung cấp khoảng 30 triệu liều. Và mới đây nhât, phía Nga cũng cam kết dành cho Việt Nam 20 triệu liều Sputnik.

"Tổng số vắc xin Việt Nam đặt hàng là khoảng 170 triệu liều nhưng chúng ta cũng lường trước việc giao hàng không đúng tiến độ, không đầy đủ vì đó là cam kết chúng ta đã ký với các nhà sản xuất”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Thông tin về tiến độ tiêm vắc xin ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vắc xin để tiêm 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.

“Chúng ta cơ bản tiếp cận được số lượng này, tuy nhiên, khi nhập khẩu ta phải ký cam kết, đó là ký thỏa thuận miễn trách nhiệm khi có sự cố xảy ra hoặc chúng ta cũng phải chấp nhận khi các công ty giao hàng không đúng tiến độ”, ông Cường thông tin.

Về việc đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp, trước dịch COVID-19, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết các khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng tới “mục tiêu kép”.

Tuy nhiên, đây cũng là nơi nếu có dịch thì lan rất nhanh, vì tập trung đông người, bởi biến chủng vi rút SARS-CoV-2 đã không chỉ lây qua giọt bắn mà còn không khí, do đó việc đeo khẩu trang là rất quan trọng.

Thứ trưởng Cường nhấn mạnh Chính phủ và Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân khu công nghiệp. “Chúng tôi đã phân bổ Bắc Ninh, Bắc Giang mỗi tỉnh 150.000 liều. Bộ Y tế cũng chỉ đạo CDC các tỉnh để quan tâm phòng chống dịch tại các khu công nghiệp. Đặc biệt, cần chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly, tránh cách ly đông nghiệp, gây lây nhiễm chéo”.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

#đô thị loại II
#Người Ai Cập – quyền lực và tình yêu
*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.