TP.HCM muốn chủ động mua vắc xin để phòng COVID-19 cho 7,2 triệu người

 17:29 | Thứ ba, 01/06/2021  0
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đưa ra đề xuất trên tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP vào hôm nay (1.6).

Theo ông Phong, toàn thành phố hiện có hơn 7,2 triệu người trên 18 tuổi. Trong khi đó, dự kiến nguồn vắc xin được Trung ương điều phối chỉ có thể tiêm ngừa tổng cộng 1,6 triệu người. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, thành phố đề xuất Bộ Y tế, Chính phủ cho phép được chủ động vắc xin để kịp thời chủng ngừa toàn bộ 7,2 triệu người trên 18 tuổi. Điều này giúp cho việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 được thành công với phương châm 5K + vắc xin + truyền thông.

TP.HCM tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng được tiêm trong đợt 2 vừa qua tại TP.HCM - Ảnh: PV">

Viện Pasteur TP.HCM tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng được tiêm trong đợt 2 vừa qua tại TP.HCM. Ảnh: PV

“Nếu được Bộ Y tế, Chính phủ ủng hộ, TP.HCM sẽ chủ động tìm nguồn cung vắc xin, chủ động tìm nguồn tài chính ngoài nguồn lực từ Trung ương hỗ trợ”, ông Phong nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ủng hộ đề xuất trên và hứa sẽ hỗ trợ thành phố trong mọi vấn đề liên quan đến vắc xin như: kiểm định an toàn, hỗ trợ nhập khẩu... Thậm chí, ngay khi thành phố lo được vắc xin sẽ hỗ trợ lực lượng y tế thực hiện tiêm chủng nếu có nhu cầu.

Liên quan đề xuất này, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng hết sức ủng hộ. Theo Phó Thủ tướng, việc thực hiện 5K là để phòng thủ, còn vắc xin mới là chủ động tấn công.

“Trong lúc nguồn lực cả nước còn chưa đủ thì không lý do gì không ủng hộ đề xuất này. TP.HCM cần sớm thực hiện điều này, đi đầu trong các tỉnh, thành về nỗ lực chống dịch hiệu quả”, Phó thủ tướng nhấn mạnh,

Tại buổi làm việc Chính phủ, Bộ Y tế và UBND TP.HCM cũng ủng hộ chủ trương của các doanh nghiệp muốn “bỏ tiền túi mua vắc tiêm cho công nhân của mình”. Hiện TP.HCM có tổng cộng 1,6 triệu công nhân. Trong đó, công nhân làm việc tại các khu chế xuất – khu công nghiệp hơn 280.000 người, khoảng 3.000 chuyên gia nước ngoài, công nhân làm việc tại Khu công nghệ cao là hơn 45.000 người.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, hiện thành phố có số ca mắc COVID-19 ngày càng nhiều, cần phải quyết tâm dập dịch bằng mọi giá, bằng nhiều cách, không để dịch bệnh COVID-19 trở thành chiếc gai độc gây hoại tử.... Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền thành phố cụ thể hóa các tình huống lây lan có thể xảy ra để chuẩn bị phương án ứng phó hữu hiệu nhất.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 3 này, thành phố đã nhận 70.000 liều vắc xin phòng chống COVID-19 từ chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện thành phố đang chuẩn bị kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm đợt 3.

Về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, tính đến hết ngày 31.5, thành phố có 478 ca dương tính với SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố; trong đó 266 ca điều trị khỏi; 212 ca đang điều trị.

Từ ngày 27.5 đến nay, thành phố ghi nhận 2 chuỗi lây nhiễm với 200 bệnh nhân. Chuỗi liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (415/8/4 Nguyễn Văn Công, phường 15, quận Gò Vấp) đã có 192 trường hợp dương tính với SARS- CoV-2 được công bố (trong đó có 40 trường hợp là người trong hội).

Liên quan đến cặp vợ chồng khám sàng lọc tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (bệnh nhân 6444 và 6445) đã có 8 trường hợp dương tính được công bố. Hai chuỗi lây nhiễm trên có mối liên quan với nhau thông qua bệnh nhân 6907 làm việc tại tòa nhà Novaland, quận 1.

Qua điều tra, truy vết các trường hợp mắc COVID-19 từ ngày 27.5 đến hết ngày 31.5, TP đã lấy 199.238 mẫu xét nghiệm, trong đó tiếp xúc gần (F1) các trường hợp dương tính là 3.028 mẫu, tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm là 196.210 mẫu. Kết quả có 200 trường hợp dương tính với SARS- CoV-2, 69.976 trường hợp âm tính, 129.062 trường hợp đang chờ kết quả.

Hiện thành phố đang tiếp tục tiến hành điều tra truy vết, khoanh vùng các trường hợp nhiễm mới.

TP.HCM tạm dừng các trạm, chốt kiểm dịch ở cửa ngõ

Ngày 1.6, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu về việc tạm dừng hoạt động các chốt, trạm kiểm dịch phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, kể từ 17 giờ ngày 1.6.2021, tạm dừng hoạt động các chốt, trạm kiểm dịch phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố tại Quyết định số 1677/QĐ-BCĐ ngày 14.5.2021 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Tổ trưởng các chốt, trạm kiểm dịch được phép căn cứ tình hình thực tế để chủ động triển khai thực hiện việc rút lực lượng kiểm soát tại các chốt, trạm, đảm bảo trật tự, an toàn.

UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện có nhiệm vụ cân nhắc, chủ động thành lập các chốt, trạm kiểm dịch phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trường hợp cần hỗ trợ tăng cường lực lượng kiểm soát, các địa phương báo cáo, đề xuất cụ thể trình UBND thành phố xem xét, giải quyết.

Trước đó, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 12.5, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo Công an TP chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị, địa phương khẩn trương thiết lập lại các chốt kiểm soát phòng chống dịch trên các tuyến đường bộ, đường thủy, cửa ngõ vào thành phố, thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 15.5.2021.

________________

CSGT TP.HCM xử phạt người không đeo khẩu trang từ 1-3 triệu

Lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết từ ngày 1.6, CSGT TP.HCM sẽ bắt đầu xử phạt người không đeo khẩu trang khi đi đường.

CSGT nếu phát hiện người dân không mang khẩu trang khi đi đường thì có quyền lập biên bản xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng.

Với các xe khách, nếu không tuân thủ giữ khoảng cách giữa các hành khách hoặc chở quá số người theo quy định của TP.HCM sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

Trong quá trình xử lý, nếu thấy vượt quá thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm hình sự hoặc sự việc phức tạp thì tổ tuần tra sẽ đề nghị công an các phường, xã hỗ trợ để áp tải hoặc cưỡng chế người vi phạm về trụ sở để giải quyết.

Trường hợp sau khi tiếp nhận vụ việc, nếu vượt quá thẩm quyền xử lý của công an phường, xã thì CSGT sẽ báo cáo lãnh đạo cấp trên để báo cáo Công an TP.HCM xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.

PV

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
bài viết cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.