Cho dù các doanh nhân tham gia thị trường dưới hình thức pháp lý nào, thì môi trường làm ăn (các yếu tố chính trị, luật pháp, kinh tế, văn hóa, xã hội...) vẫn là điều ảnh hưởng quyết định đến thành bại của doanh nhân và cả nền kinh tế nói chung. Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay (13.10.2022), là tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 (năm 2011) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Tháng 5.2022, lần đầu tiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - tổ chức đại diện cho giới chủ - đã công bố 6 nguyên tắc đạo đức của doanh nhân Việt Nam.
Người Đô Thị tổ chức Bàn tròn “Môi trường làm ăn và đạo đức doanh nhân” với sự tham gia của: Luật sư Nguyễn Tiến Lập (thành viên cấp cao của Văn phòng Luật sư NH Quang & Cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam); Luật sư Phùng Thanh Sơn (Công ty Luật TNHH Thế giới Luật pháp); ông Hoàng Đạo (cố vấn cao cấp Chương trình iCitizen Việt Nam - Thái Lan - Singapore nhằm mang đến sự tăng trưởng về lợi ích và tiện ích sống cho công dân trong mọi lĩnh vực: y tế, tài chính, bảo hiểm, giáo dục, thực phẩm, phát triển đô thị, phát triển nông thôn…); Bà Tạ Thị Bích Diễm (giám đốc nhân sự vùng Đại học Khoa học Mỹ tại Việt Nam - thành viên Đại học American University of Science (AUV) tại Hawaii); Bà Bùi Thị Thục Đoan (đồng sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Workcharming hoạt động trong lĩnh vực cho thuê văn phòng, chia sẻ không gian làm việc).
* * *
Luật sư Nguyễn Tiến Lập có 30 năm hoạt động nghề nghiệp: tư vấn trong các lĩnh vực liên quan tới đầu tư vĩ mô, xây dựng, sở hữu trí tuệ, ngân hàng, hợp đồng, quản trị doanh nghiệp cũng như tham gia các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho cải cách pháp luật và phát triển xã hội ở Việt Nam. Ông nhận định khái quát về môi trường làm ăn hiện nay tại Việt Nam.
Thưa ông, Hiến pháp năm 1992 ghi nhận công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đến Hiến pháp năm 2013 thì quyền tự do kinh doanh được mở rộng theo nguyên tắc “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Trong những trải nghiệm nghề nghiệp của mình, ông cảm nhận sự khác biệt này (trong thực tế) như thế nào?
Nếu nói về câu chữ hay cách diễn đạt luật pháp thì rõ ràng có sự khác biệt và đó là một bước tiến lớn về chất. Bởi “tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” thì chỉ là quyền tự do hạn chế trong khuôn khổ, tức thực chất là anh được làm những gì mà pháp luật hay nhà nước cho phép. Còn “có quyền tự do trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” thì được hiểu rằng cái không gian hành động bị cấm sẽ nhỏ thôi, liên quan đến thiểu số hay rất ít các ngành nghề có thể liệt kê ra được.
LS. Nguyễn Tiến Lập. Ảnh: PV |
Tuy nhiên, diễn đạt hay hiểu như vậy vẫn là cách nhìn và cách nghĩ của chúng ta, tạm gọi là cách tiếp cận xin - cho vốn đã tồn tại từ rất lâu. Còn trên thế giới, ở các nước có nền kinh tế thị trường truyền thống người ta không quan niệm thế. Từ phương diện lập pháp, họ không đề cập vấn đề quyền tự do kinh doanh hay quy định các quyền tự do cụ thể của mỗi cá nhân, như cách Luật Đất đai ở chúng ta liệt kê các quyền cụ thể của người sử dụng đất chẳng hạn. Tại sao? Bởi tự do kinh doanh là quyền tự nhiên, là phạm trù tất yếu của đời sống dân sự mà không được ban phát hay ấn định bởi ai đó. Pháp luật không đề ra giới hạn mà chỉ bảo đảm một nguyên lý hay điều kiện chung, đó là mỗi cá nhân có quyền tự do hành động miễn không xâm phạm trật tự công và quyền tương tự của người khác.
Từ góc nhìn tự do kinh doanh, bởi quyền này có thể bị tác động do năng lực chủ quan như tình trạng tự nhiên “cá lớn nuốt cá bé”, ngay từ rất sớm các nước đã có luật về bảo vệ tự do cạnh tranh, chống độc quyền. Về sau, khi doanh nghiệp và kinh tế phát triển lớn mạnh đạt đến chuyên nghiệp, người ta chuyển sang nhấn mạnh các mục tiêu xã hội và bổ sung luật bảo vệ người tiêu dùng. Ví dụ luật cạnh tranh có quy định chống các doanh nghiệp liên minh để thao túng giá cả, chất lượng hay điều kiện cung ứng sản phẩm. Nói điều này, tôi muốn nhấn mạnh rằng nền tảng hay linh hồn của tự do kinh doanh trong nền kinh tế thị trường đích thực chính là bảo vệ cạnh tranh và người tiêu dùng.
Trong khi đó, sau mấy chục năm chuyển đổi sang kinh tế thị trường, một khi vẫn chưa hết trăn trở về câu chuyện tự do kinh doanh thì có nghĩa chúng ta đang ở chặng đường ban đầu hay xuất phát điểm. Hơn thế, bài toán về hoàn thiện thể chế kinh tế vẫn còn là mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường nói chung và giữa các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Thậm chí ngay trong mối quan hệ này, một vấn đề còn đang ám ảnh, đó là liệu các cơ quan nhà nước có gây khó khăn, cản trở gì cho hoạt động của doanh nghiệp hay không?
Mấy năm trước khi bàn về chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, tôi đã từng phát biểu kinh tế tư nhân là bản chất của đời sống và bản năng tự nhiên của con người. Nó là nền kinh tế đích thực và cốt yếu, trong khi kinh tế quốc doanh chỉ là hiện tượng nhân tạo, có tính nhất thời và phụ thuộc. Để kinh tế tư nhân phát triển, chỉ cần một sự bảo đảm quan trọng nhất từ thể chế và pháp luật, đó là tự do cạnh tranh.
Trở lại điều kiện đặc thù của Việt Nam, về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà nước như đề cập, chắc ông đã từng nghe “cuộc chiến giấy phép con” mà Chính phủ tiền nhiệm phát động, con số cao điểm thời đó, được ghi nhận có tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Thưa ông, làm thế nào để xây dựng các quy phạm pháp luật thực sự là hành lang pháp lý, thay vì công cụ kiểm soát, phụ thuộc quá nhiều vào ý chí của từng cá nhân lãnh đạo bộ ngành, hay cán bộ công chức?
Tôi hiểu vấn đề này nhưng có một cách nhìn khác. Đó là không chú ý đến số lượng cụ thể các điều kiện kinh doanh hay “giấy phép con” như dư luận bức xúc. Bởi so sánh với các nền kinh tế thị trường phát triển, xin thưa rằng với mỗi ngành nghề hay lĩnh vực, họ cũng ban hành nhiều điều kiện kinh doanh lắm, thậm chí nó còn có xu hướng tăng lên do các yêu cầu mới như bảo vệ môi trường và chống biến đối khí hậu hay chống khủng bố, chứ không phải ngược lại. Vậy mà hầu như các doanh nghiệp lại không kêu ca gì, tại sao?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" diễn ra ngày 11.8.2022. Ảnh: VGP
Vấn đề nằm ở chỗ mục tiêu và căn nguyên đằng sau hay bên trong của các điều kiện hay giấy phép kinh doanh ấy là gì? Bởi nếu muốn xây dựng một nền kinh tế chuyên nghiệp, an toàn và bền vững cùng với thực thi quyền của người tiêu dùng thì tôi tin không thể loại bỏ hay giảm bớt các điều kiện và giấy phép được. Ví dụ đơn giản nhất là các vụ cháy gây chết nhiều người ở các quán karaoke vừa qua, rõ ràng dư luận sau đó muốn cơ quan nhà nước tăng cường và thắt chặt quản lý hơn bằng các biện pháp hành chính. Nhưng trên thực tế thì các quán karaoke cũng đã phải xin khá đủ các loại giấy phép và chứng chỉ rồi, vậy tại sao nó vẫn không an toàn?
Do đó, điều tôi quan tâm và e ngại chính là quan điểm, động cơ và thái độ hành vi của các cơ quan và con người cụ thể trong bộ máy công quyền. Họ có cả quyền và trách nhiệm trong mọi việc: từ ban hành quy định về các điều kiện kinh doanh, cấp các giấy phép hay chứng chỉ cho đến kiểm tra, thanh tra và xử phạt. Nếu họ thực sự hành động vì mục tiêu phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng thì chắc chắn các điều kiện kinh doanh và giấy phép con ấy sẽ không còn bị coi là sự phiền hà và rào cản. Thay vào đó, nó chỉ còn là thái độ phục vụ của các công bộc, đồng thời là trách nhiệm pháp lý và đạo đức trong kinh doanh mà doanh nhân chân chính nào cũng sẵn sàng chấp nhận.
Trong bối cảnh ngược lại, các hàng rào điều kiện và giấy phép sẽ biến thành một thứ công cụ gây khó, chính danh và hiệu quả, để các bên liên quan khẳng định quyền lực và đi theo nó là sự lạm dụng để trục lợi cục bộ cho tổ chức, cá nhân.
Tôi mong muốn cải cách hành chính không bắt đầu hay chủ yếu nhằm vào các thủ tục mà quan trọng hơn là tái cơ cấu lại bộ máy và cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, rồi sau đó là khâu nhân sự, tức yếu tố con người.
Tôi đánh giá như thế bởi chứng kiến hai hiện tượng xảy ra ở các thời điểm khác nhau. Một là sau các chiến dịch thanh lọc để cắt giảm thủ tục hành chính thì số lượng các giấy phép con giảm xuống nhanh nhưng sau đó lại hồi phục. Hai là cá biệt ở một số cơ quan có xu hướng báo cáo thành tích nổi bật về cắt giảm được nhiều giấy phép con chỉ ngay sau khi có lãnh đạo mới được bổ nhiệm. Cả hai khuynh hướng này, tôi e rằng đều chưa phản ánh thực chất của vấn đề.
Do đó, nếu có thể khuyến nghị, tôi mong muốn cải cách hành chính không bắt đầu hay chủ yếu nhằm vào các thủ tục mà quan trọng hơn là tái cơ cấu lại bộ máy và cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, rồi sau đó là khâu nhân sự, tức yếu tố con người. Vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề xem xét lại để tăng tiền lương của công chức nhằm động viên họ gắn bó và làm tốt công vụ. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng khó khả thi nếu không cải cách tổ chức và bộ máy thành công. Nói tóm lại, đó chính là giải bài toán về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường cũng như giữa các cơ quan hành chính và doanh nghiệp, nhằm tạo sự thay đổi cho phù hợp với các điều kiện của nền kinh tế thị trường.
“Thể chế nào, doanh nhân ấy”. Ảnh: CTV
Thời gian qua, các vụ án tham nhũng phần lớn đều bắt đầu bằng dấu hiệu sai phạm của các doanh nhân/doanh nghiệp, khi một doanh nhân sai phạm, kéo theo hàng chục quan chức vào tù. Và có một thực tế là nhiều doanh nhân lúc “lên”, lúc “xuống” thành công rồi thất bại phụ thuộc vào các cán bộ, quan chức theo nhiệm kỳ. Điều này liệu có liên quan đến vấn đề thể chế kinh tế, xét từ góc độ hình thành chủ nghĩa tư bản thân hữu, hoặc còn được gọi là “nhóm lợi ích”?
Trong khía cạnh này có câu hỏi thú vị từng được dư luận quan tâm: tham nhũng hay tiêu cực bắt đầu từ ai: các doanh nhân, doanh nghiệp hay cán bộ, quan chức nhà nước? Tôi xin trả lời bằng một câu hỏi khác: Tại sao người ta kinh doanh mà không lựa chọn đi làm cho nhà nước?
Chắc chắn có hai lý do, đó là muốn làm giàu và có cuộc sống tự do. Mong muốn này dễ hiểu và hoàn toàn chính đáng. Nhưng khi kinh doanh, hơn nữa lại muốn thành công và phát triển thì trong điều kiện của nước ta, anh có thể thoát ly khỏi các mối liên hệ với các cơ quan nhà nước được không, chưa nói tới việc xây dựng quan hệ gần gũi, thân thiết với cán bộ và quan chức của bộ máy chính quyền? Đối với nhiều người làm kinh doanh, trong bối cảnh và sự cân nhắc như vậy, các hiện tượng được cho là tiêu cực, tham nhũng bắt đầu nhen nhóm, rồi sau đó trở thành phạm tội khi bị các cơ quan chức năng phát hiện.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng nền tảng hay linh hồn của tự do kinh doanh trong nền kinh tế thị trường đích thực chính là bảo vệ cạnh tranh và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một chiều hướng khác, đó là vì các toan tính lợi ích lâu dài cho cá nhân và gia đình, nhiều cán bộ, quan chức đã chủ động thiết lập các quan hệ thân hữu với doanh nghiệp hay xây dựng doanh nghiệp sân sau để trục lợi. Điều này là tiền đề của cái gọi là tham nhũng thể chế và chính sách, hay theo thuật ngữ hình sự là tội phạm có tổ chức mà các cơ quan tư pháp đang vất vả xử lý.
Tôi biết rằng đối mặt với thực tế như thế, nhiều doanh nhân đã lựa chọn cách chấp nhận sống chung dù bị động hay chủ động. Rất tiếc họ không ý thức rằng đó chính là một loại rủi ro như thanh gươm treo lơ lửng trên đầu, nó có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, kể cả thời điểm anh đang tự tin và sung mãn nhất. Bởi suy cho cùng không có quan hệ đen tối nào vững bền cả.
Nhưng nếu sự lên xuống, thành công hay thất bại của các cá nhân là cái giá mà họ phải trả thì vẫn có một sự thật khác không đáng hay buộc phải xảy ra. Đó là một khi người chủ doanh nghiệp vướng vòng lao lý thì chính cái doanh nghiệp ấy, dù là một thực thể pháp lý độc lập với bộ máy của hàng trăm, ngàn con người cũng sụp đổ theo. Hiện tượng này là sự trả giá lớn hơn, nó gây thiệt hại cho cả xã hội và nền kinh tế.
Về lý do có thể thấy: thứ nhất, đó là thực trạng nhiều doanh nghiệp tồn tại và phát triển dựa trên trục lợi chính sách và quan hệ thân hữu với các quan chức chính quyền; thứ hai, là việc áp dụng thái quá, thậm chí vô nguyên tắc các biện pháp hình sự khi xử lý các vấn đề của doanh nghiệp, hay còn được gọi là hình sự hóa các quan hệ dân sự - kinh tế. Muốn xử lý các vấn đề này, chúng ta không chỉ cần thay đổi tư duy mà còn phải tiếp tục cải cách thể chế và pháp luật.
Vào tháng 5.2022, VCCI công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam và phát động trong cộng đồng doanh nhân toàn quốc. Ông có cảm nhận gì về quy tắc trên trong bối cảnh văn hóa và môi trường làm ăn hiện tại?
Tôi muốn nhắc lại nhận định của một chuyên gia kinh tế lão làng ở Việt Nam tại các diễn đàn doanh nghiệp rằng: “Thể chế nào, doanh nhân ấy”. Ý của ông là muốn có doanh nhân tốt thì phải bắt đầu từ cải cách, xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng tiếp cận như vậy vô cùng khó bởi thể chế là vấn đề lớn và phức tạp, động chạm nhiều bên và nhiều khía cạnh như tư tưởng và ý chí, tâm lý và lợi ích, không chỉ mong muốn hay quyết tâm cá nhân mà còn cả quyền lực được tập trung đủ cùng với năng lực tổ chức thực hiện.
Vượt lên tinh thần trách nhiệm và đạo đức kinh doanh, đó chính là lòng yêu nước của các doanh nhân.
Cho nên tôi ủng hộ sự kêu gọi và các nỗ lực của VCCI, như một tổ chức đại diện cho các doanh nhân, tức giới chủ, về xây dựng một nền văn hóa kinh doanh lành mạnh và chuyên nghiệp với các tiêu chí đã đề ra. Nói một cách ngắn gọn, đó là kinh doanh có trách nhiệm với cách tiếp cận chủ động từ phía những người trong cuộc.
Triết lý đơn giản ở đây là anh hãy tìm cách dựa vào công cụ luật pháp như nó có, để tập sống và làm ăn trong một môi trường còn ngổn ngang các khiếm khuyết và chưa chuyên nghiệp với thái độ của một người làm chủ ngôi nhà chung, nhằm góp phần xây đắp, hoàn thiện nó, cho dù phải vất vả và kiên nhẫn. Vượt lên tinh thần trách nhiệm và đạo đức kinh doanh, đó chính là lòng yêu nước của các doanh nhân.
Tôi tin rằng đại đa số những người chủ của hơn 7 triệu đơn vị kinh doanh ở nước ta vẫn đang ngày đêm hành xử như thế. Họ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Ở họ, kinh doanh là lẽ sống, là việc tự lập và làm chủ cuộc đời mà không nhất thiết phải làm tất cả để giàu hay siêu giàu và nổi tiếng. Đối với nhóm doanh nghiệp này, họ dường như không có các cơ hội để hưởng lợi hay trục lợi từ hoàn cảnh. Tuy nhiên, trong khía cạnh bất trắc của môi trường kinh doanh mà chúng ta bàn đến, có lẽ chính sự kiểm soát được ham muốn hay lòng tham trong mình đã giúp họ vượt qua các cạm bẫy và rủi ro.
Xem tiếp Bàn tròn: Cạnh tranh công bằng là khao khát của doanh nhân
6 quy tắc đạo đức của doanh nhân
Tháng 5.2022, lần đầu tiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - tổ chức đại diện cho giới chủ - đã công bố 6 nguyên tắc đạo đức của doanh nhân Việt Nam:
- Tạo giá trị cho xã hội.
- Tuân thủ pháp luật.
- Minh bạch, công bằng, liêm chính.
- Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển.
- Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
- Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Duy Thông thực hiện