LTS. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu doanh nhân (trong đó gồm 5,1 triệu chủ hộ kinh doanh, còn lại là các doanh nhân với gần 900.000 doanh nghiệp và hợp tác xã).
Cho dù các doanh nhân tham gia thị trường dưới hình thức pháp lý nào, thì môi trường làm ăn (các yếu tố chính trị, luật pháp, kinh tế, văn hóa, xã hội...) vẫn là điều ảnh hưởng quyết định đến thành bại của doanh nhân và cả nền kinh tế nói chung. Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay (13.10.2022), là tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 (năm 2011) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Tháng 5.2022, lần đầu tiên, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - tổ chức đại diện cho giới chủ - đã công bố 6 nguyên tắc đạo đức của doanh nhân Việt Nam.
Người Đô Thị tổ chức Bàn tròn “Môi trường làm ăn và đạo đức doanh nhân” với sự tham gia của: Luật sư Nguyễn Tiến Lập (thành viên cấp cao của Văn phòng Luật sư NH Quang & Cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam); Luật sư Phùng Thanh Sơn (Công ty Luật TNHH Thế giới Luật pháp); ông Hoàng Đạo (cố vấn cao cấp Chương trình iCitizen Việt Nam - Thái Lan - Singapore nhằm mang đến sự tăng trưởng về lợi ích và tiện ích sống cho công dân trong mọi lĩnh vực: y tế, tài chính, bảo hiểm, giáo dục, thực phẩm, phát triển đô thị, phát triển nông thôn…); Bà Tạ Thị Bích Diễm (giám đốc nhân sự vùng Đại học Khoa học Mỹ tại Việt Nam - thành viên Đại học American University of Science (AUV) tại Hawaii); Bà Bùi Thị Thục Đoan (đồng sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Workcharming hoạt động trong lĩnh vực cho thuê văn phòng, chia sẻ không gian làm việc).
* * *
Luật sư Phùng Thanh Sơn (Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp):
Trống cứ đánh xuôi, kèn vẫn thổi ngược
Có thể nói, trên phương diện lập pháp, chưa bao giờ quyền tự do kinh doanh được pháp luật Việt Nam bảo vệ cao như hiện nay. Theo tinh thần này thì chủ thể được mở rộng cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài chứ không còn gói gọn trong công dân Việt Nam. Và quyền tự do kinh doanh này đã được cụ thể hóa trong các luật liên quan.
Luật Đầu tư năm 2014 và năm 2020 tại điều 5 cũng quy định rõ: “Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà luật này không cấm”. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng bỏ tội danh “kinh doanh trái phép”. Chưa kể, để phù hợp với nguyên tắc doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, từ ngày 1.7.2015, tức ngày Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn mục ngành nghề kinh doanh.
Pháp luật quy định rõ như vậy nhưng trên thực tế quyền tự do kinh doanh này chưa được đội ngũ cán bộ công chức thực thi pháp luật thấu hiểu và thực hiện đúng. Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (gồm trước đây là Nghị định 78/2015/NĐ-CP và hiện nay là Nghị định 01/2021/NĐ-CP) đều quy định rõ: “Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời, thông báo cho Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới”.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đăng ký những ngành nghề ngoài hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam, vẫn bị cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối và yêu cầu điều chỉnh theo đúng mã ngành đã có trong hệ thống ngành, nghề kinh tế của Việt Nam. Việc này gây khó khăn và cản trở gia nhập thị trường của doanh nghiệp .
Đối với vấn đề hình sự hóa quan hệ kinh tế, thực tế không thể phủ nhận là trong rất nhiều trường hợp, khi có sự can dự của cơ quan điều tra thì các tranh chấp trong kinh doanh được giải quyết nhanh hơn so với giải quyết bằng con đường tòa án. Hiệu quả hơn đôi khi không phải vì quan hệ tranh chấp đó có dấu hiệu hình sự mà là vì doanh nghiệp lo ngại một khi cơ quan điều tra vào cuộc thì hoàn toàn có thể “mở rộng” điều tra sang những vấn đề “nhạy cảm” khác của doanh nghiệp. Đứng trước tình huống đó, doanh nghiệp thường chọn giải pháp đáp ứng các yêu cầu mà bên kia đưa ra.
Nhiệm vụ của nhà nước là bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các thành phần kinh tế. Nhà nước không thể vì lợi ích của thành phần kinh tế này mà hy sinh lợi ích của thành phần kinh tế khác. Do đó, trước hết cần phải khẳng định việc Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi vào năm 2017 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, hay thay thế tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế và quy định một số tội danh mới liên quan đến lĩnh vực kinh tế... thì đó không phải là hình sự hóa quan hệ kinh tế. Đó chỉ là luật hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức phải được xem là tội phạm.
Hình sự hóa quan hệ kinh tế, theo tôi là những trường hợp không có dấu hiệu tội phạm nhưng cơ quan điều tra vẫn muốn can dự nhằm đạt mục đích nào đó. Theo tôi, việc này không chỉ gây oan sai, cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà có thể làm cho doanh nghiệp phá sản. Một khi doanh nghiệp bị điều tra, nó có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy dòng tiền, mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp... và dẫn đến phá sản. Cùng với việc phá sản là các hệ lụy xã hội khác, công ăn việc làm bị ảnh hưởng tiêu cực.
Ông Hoàng Đạo (cố vấn cao cấp chương trình iCitizen):
Cạnh tranh công bằng là khao khát của doanh nhân
Đã có một thời gian rất dài, chúng ta thấy trào lưu hô hào về cái gọi là “thế giới phẳng”. Trong đó có nói đến sự phẳng về cơ hội và cạnh tranh, về tính minh bạch và công bằng, về sự liêm chính… Thực tế, chúng ta thấy rõ nó không hề phẳng khi mà một số người có thể thành công dễ dàng hơn nếu có những mối quan hệ “mật thiết” với quan chức, tạo ra nhiều lợi ích nhóm. Từ đó, một miếng bánh to đã dành cho một số người, và rất nhiều người chia nhau phần nhỏ còn lại. Do đó theo tôi, lý thuyết “như nhau, bằng nhau, công bằng” chỉ nhằm tạo nền tảng lý luận cho những hành vi nhân danh công bằng mà lại làm điều bất công.
Nhưng suy cho cùng, mọi vận động của môi trường kinh doanh chính là sự chuyển động của các dòng lợi ích, cũng giống như môi trường tự nhiên vậy. Nước chảy từ trên cao xuống thấp, như không khí thì di chuyển từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp. Trong môi trường kinh doanh, nó vận động theo “sức hút của lợi ích”.
Cho nên, để đạt được mục tiêu, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận “bôi trơn”. Các chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chấp nhận hiện nay vẫn chưa được giảm đi bao nhiêu. Trong khi đó vẫn tồn tại song song sự kêu gọi cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, công khai minh bạch. Đó là một thực tế đáng suy nghĩ.
Trong môi trường làm ăn hiện nay, dường như doanh nhân được gọi là ngay thẳng, liêm chính thật ra đều “đành” phải làm như vậy khi không có lợi thế về quan hệ, tài chính. Nếu có các “vũ khí” kia trong tay, có thể họ vẫn làm mọi cách để đạt mục đích bằng cái lợi thế “không phẳng” đó. Điển hình là việc phân bổ vaccine và đối tượng thụ hưởng trong mùa dịch vừa qua đối với khối doanh nghiệp, rồi vụ án kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á… Có thể thấy việc đòi hỏi cạnh tranh công bằng hay đạo đức kinh doanh thật sự quá khó thực thi triệt để trong xã hội hiện nay. Oái oăm là doanh nghiệp lại chỉ mong muốn điều đó hơn bất cứ cái gì khác mà các chính sách mang lại.
Tình trạng yếu kém đó còn nguyên nếu chúng ta không triệt tiêu được tư lợi cá nhân, lợi ích nhóm. Tôi nghĩ sức ép của phần lớn doanh nhân chân chính, của cạnh tranh quốc tế gia tăng hơn nữa thì điều này sẽ phải cải thiện. Vấn đề là nhanh hay chậm thôi. Để tồn tại và phát triển, chúng ta buộc phải theo những quy tắc tất yếu của thế giới.
Quyền tự do kinh doanh chỉ thực sự được gọi là tự do khi tình trạng phải tạo lập các mối “quan hệ đặc biệt”, cơ chế xin cho, bôi trơn không còn. Và điều này là không tưởng nếu vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ. Ở thực tế khác, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế thực chất không sai đối với những “quan hệ kinh tế” gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho quốc gia. Tuy nhiên, việc lạm dụng và bất công trong việc áp dụng hình sự hóa này sẽ là sự cản trở rất lớn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, kìm hãm sự phát triển.
Vậy muốn áp dụng hiệu quả hơn phải có sự công tâm. Nhưng phạm trù “công tâm” hiện nay chưa có một quy chuẩn nào để đánh giá; đồng thời, mục tiêu lợi ích cá nhân vẫn còn ngoài kia thì thật sự không dễ dàng chút nào.
Bà Tạ Thị Bích Diễm (giám đốc nhân sự vùng Đại học Khoa học Mỹ tại Việt Nam):
Doanh nhân đang bị thách thức về lòng trung thực
Những vụ việc gây chấn động gần đây như một số doanh nghiệp thao túng cổ phiếu là ví dụ điển hình về việc thiếu nhận thức đạo đức kinh doanh, không chỉ là doanh nhân mà cả trong thiết kế pháp luật và cán bộ nhà nước thực thi pháp luật. Nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận lại, môi trường kinh doanh hiện đang không lành mạnh, dẫn đến việc khó mà áp dụng các quy chuẩn đạo đức kinh doanh và ngược lại, không có đạo đức kinh doanh thì làm sao có môi trường kinh doanh lành mạnh?
Thực tế doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn và từ nhiều phía, nhất là về quy định và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, cũng như công tác giáo dục con người.
“Công bằng” luôn là mục tiêu hướng đến của tất cả mọi người, mọi khía cạnh xã hội, như công bằng về mức sống, cân bằng giới tính và dĩ nhiên ai cũng mong muốn được công bằng trong kinh doanh. Nhưng thực tế, chúng ta khó đạt được điều này một cách “hoàn hảo”. Tôi mong muốn Nhà nước quan tâm thực sự đến thành phần kinh tế tư nhân bởi đây là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế, góp phần quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh. Dù rằng chúng ta cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển, ai cũng thấy còn rất nhiều hạn chế mà kinh tế tư nhân đang vấp phải như vốn ít, sức cạnh tranh thấp so với doanh nghiệp nhà nước, khó tiếp cận các nguồn vốn lớn…
Vì thế đạo đức kinh doanh cũng là một thách thức lớn với các doanh nghiệp tư nhân khi họ phải đối mặt với sức ép giữa việc tạo ra lợi nhuận, cân bằng tài chính với việc đảm bảo tiền lương, bảo hiểm, an toàn lao động, thực hiện các trách nhiệm xã hội khác. Đó cũng là những thách thức mà chúng tôi đang gặp phải trong việc bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế nhằm cung cấp cho sinh viên Việt Nam những khóa học chất lượng cao, đồng thời cam kết các tiêu chí về đời sống người lao động, sức khoẻ, môi trường và thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Khi làm việc với đối tác nước ngoài, điều tôi tâm đắc nhất là mọi thủ tục liên quan đến trình duyệt, ký tá giấy tờ đều được thực hiện qua các phần mềm quản lý. Thay vì phải trình ký qua nhiều cấp, chúng tôi chỉ cần gửi nội dung cần thông qua trên ứng dụng (app) thiết bị di động. Cấp lãnh đạo vào xem và bấm nút “duyệt”. Vậy là bên dưới cứ tiến hành công việc theo kế hoạch. Tôi nghĩ việc áp dụng công nghệ vào quản lý là một gợi ý cho vấn đề thủ tục hành chính, để tinh gọn các khâu trong việc vận hành và cấp phép.
Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự và tôi hoàn toàn ủng hộ. Điều này có thể sẽ thúc đẩy sáng tạo và đa dạng hệ sinh thái doanh nghiệp. Xử lý hình sự những mối quan hệ, giao dịch rủi ro tác động xấu đến môi trường kinh doanh như vụ FLC và Tân Hoàng Minh thao túng thị trường nhưng mặt khác việc hình sự hóa có thể ảnh hưởng đến tự do kinh doanh. Từ những vụ việc đang xảy ra, các doanh nghiệp có phần “dè chừng” hơn trong kinh doanh, đổi mới và sáng tạo dù FLC và Tân Hoàng Minh không đại diện cho tất cả doanh nghiệp trên thị trường.
Cần phải tôn trọng và tuân thủ quy luật khách quan của kinh tế thị trường để tạo nên sự bền vững thông qua cạnh tranh lành mạnh. Quốc Ngọc thực hiện
Bà Bùi Thị Thục Đoan (đồng sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Workcharming):
Cần sự sáng tạo trong quản lý nhà nước
Trải qua 4 năm xây dựng doanh nghiệp và vượt qua 2 năm căng thẳng chống chọi với đại dịch Covid-19, tôi nhận ra chúng ta khó có thể kỳ vọng mọi chuyện tốt đẹp thuận lợi luôn đến hoặc một lúc nào đó doanh nghiệp sẽ trở nên ổn định. Tình hình kinh tế, chính trị, các chính sách, thói quen tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh mới, loại hình sản phẩm mới…, mọi sự đều có thể thay đổi, đặc biệt trong những năm gần đây, chúng ta có thể thấy rất rõ sự thay đổi này.
Điều tôi muốn chia sẻ là sự vững vàng của tự thân doanh nghiệp chưa đủ, điều kiện cần là “tính cách bứt phá” của cơ quan nhà nước. Doanh nghiệp của tôi kinh doanh mảng cho thuê văn phòng trọn gói (coworking space). Như chúng ta biết, các doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến mặt bằng đã bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt 2 năm vừa qua và chúng tôi cũng vậy. Rất nhiều áp lực mà tôi và các cộng sự phải đối mặt hằng ngày, từ tài chính cho đến các cam kết.
Có những ngày khó khăn chồng chất khó khăn, căng thẳng đến mức chúng tôi nghĩ đến việc dừng lại. Điều duy nhất đưa tôi và đồng đội vượt qua là niềm tin vững chắc vào bản thân, vào những người đồng hành và con đường mà mình đã chọn. Để có được niềm tin vững vàng, hơn ai hết, bạn phải là người hiểu chính bạn.
Tuy nhiên, như đã nói, niềm tin vào bản thân doanh nghiệp chưa đủ, chúng tôi cần một sự bứt phá của cơ quan quản lý. Tôi đã trải qua câu chuyện rất thực tế từ người bạn đang kinh doanh lĩnh vực nông sản. Chị là người thu mua nông sản. Trong giai đoạn khó khăn, cung lớn hơn cầu, như mọi người thấy những đợt giải cứu nông sản chẳng hạn, nhiều đối tác của chị khi ấy ngưng lấy hàng. Và chị cũng có quyền ngưng thu mua từ nông dân chứ. Thế nhưng chị đã không làm như vậy. Bằng tính cách tận tâm với người nông dân, chị vẫn giữ cam kết đúng ngày, giờ nhập về và triển khai các kênh bán khác, tránh tối đa thiệt hại cho nông dân.
Tài năng là một món quà, nhưng tính cách là một sự lựa chọn. Trong môi trường kinh doanh hiện nay, Nhà nước cũng nên có những quyết định đúng đắn, mang lại những điều thuận lợi, tốt đẹp mà thậm chí người dân, doanh nghiệp không dám nghĩ tới. Đó cũng là lý do tôi vô cùng tâm đắc với quy tắc số 3 của VCCI “sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển”. Vai trò sáng tạo trong quản lý nhà nước là không thể thiếu như hiện nay mãi được.
Duy Thông - Quốc Ngọc thực hiện