Tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay, ngoại trừ Trung Quốc nói chung đã giảm dịu. Nhiều quốc gia đã bãi bỏ chính thức hầu hết những biện pháp phòng chống COVID-19, chủ yếu chỉ còn nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi cá nhân phải tự ý thức (ví dụ mang khẩu trang khi vào phòng kín hay đến chỗ đông người, tự cách ly khi bị nhiễm trùng…) để gìn giữ sức khỏe cho mình và cho người khác. Tất cả đều là tự giác không bị luật lệ ràng buộc.
Ở Đức, trong điều kiện hiện nay vẫn còn có một vài khác biệt giữa các liên bang (ví dụ mang khẩu trang hay không mang khẩu trang trên những phương tiện di chuyển công cộng như tàu điện hay xe bus…). Ở những cơ quan y tế như bệnh viện, phòng khám của bác sĩ thì việc mang khẩu trang vẫn còn là bắt buộc. Nhân viên y tế ở nhiều nơi trên nước Đức thường xuyên phải làm xét nghiệm COVID-19 ba lần trong tuần và bất kỳ ai nhập viện (người bệnh cũng như thân nhân) cũng phải có xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Tất cả những biện pháp này hiện nay vẫn còn là những tranh cãi trong chính quyền Đức và ngay cả trong giới chuyên môn.
Ở Đức hiện nay vẫn còn có một vài khác biệt giữa các liên bang trong vấn đề phòng chống dịch COVID-19. Ảnh tư liệu: DPA
Phải thấy đây là một tranh luận hết sức cần thiết và hợp lý trong việc cân nhắc một bên là sức khỏe của người dân một bên là bảo vệ phát triển của nền kinh tế đất nước.
Nguyên do của việc tháo gỡ dần những biện pháp phòng chống COVID-19 là: Thứ nhất, đại dịch đã thoái trào (tình trạng lây nhiễm có thuyên giảm nhưng vẫn tiếp diễn liên tục với những biến thể mới của Omicron, mức độ gây bệnh nặng và giảm tử vong nói chung vẫn còn nằm trong vòng ổn định).
Thứ hái, những biến thể mới cho đến nay, chủ yếu là 3 dòng phụ của biến thể B.1.1.529 (Omicron) khởi đấu là BA.1, sau đó là BA.2 và bây giờ là BA.5 đang chế ngự toàn cầu. Tuy nhiên, sự phổ biến của BQ.1.1 (một biến thể phụ BA.5) và XBB (một biến thể phụ BA.2) đang gia tăng nhanh chóng ở một số quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Các biến thể BA.2 và BA.5 đã được chứng minh là ít nhạy cảm hơn với một số kháng thể đơn dòng nhất định so với các biến thể đáng lo ngại đang lưu hành trước đó. Đáng chú ý là BQ.1.1 và XBB có thể tránh được miễn dịch nhiều hơn BA.5 và BA.2 (N Engl J Med 2023; 388:89-91, DOI: 10.1056/NEJMc2214302). Cho đến nay, tình hình dịch bệnh cho thấy bệnh lây nhanh nhưng không độc hại hơn những chủng cũ trên một quần thể dân chúng phần lớn đã được chủng ngừa hay đã nhiễm virus và tự miễn dịch.
Thứ ba, trải nghiệm hai năm qua cho thấy nhiễm trùng (Corona-virus) phần lớn chỉ gây nên biến chứng nặng nề ở những bệnh nhân không chủng ngừa hay chưa có miễn dịch thu được hay ở bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao (cao tuổi > 64 tuổi có bệnh nền hay suy giảm hệ miễn dịch)
Thứ tư, phần lớn bệnh nhân nhiễm bệnh không có triệu chứng hay chỉ có triệu chứng nhẹ. Những thành phần này thường sẽ không làm xét nghiệm (Test) và sống trà trộn vào cuộc sống bình thường trong xã hội, có khả năng lây nhiễm không kiểm soát. Và từ ngày xét nghiệm COVID-19 nhiều nơi trong cộng đồng xã hội đã bị bãi bỏ thì tình trạng không kiểm soát đã trở thành một bình thường mới, bao lâu không có gì mới (ví dụ như sự xuất hiện của chủng mới độc hại hơn trước, một khả năng trong lúc này không cao, nhưng không thể loại bỏ).
Thứ năm, xã hội cần một nền kinh tế phát triển ổn định và như vậy cũng phải cần một nguồn nhân sự lao động ổn định, không thể thiếu nhân sự bất chợt không kiểm soát vì bị nhiễm bệnh (COVID-19) hay nghi ngờ bị nhiễm.
Trên nền tảng này thường mỗi quốc gia sẽ dựa vào điều kiện chăm sóc y tế và phát triển kinh tế của mình để cân nhắc hành động.
Du khách đến từ Trung Quốc cần có xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh vào một số quốc gia như Mỹ, Australia, Anh... Ảnh: The Guardian/Zing
Trung Quốc nới lỏng chính sách chính sách Zero COVID
Ở đây, Trung Quốc là một ngoại lệ với chính sách zero COVID. Chính sách này đã gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống của người dân Trung Quốc và bất ổn cho nền kinh tế thế giới. Sự bất chợt thay đổi chính sách COVID 180 độ đã cho thấy sự thất bại toàn diện của chính sách zero COVID với những hệ lụy gì thì chưa ai có thể biết hết được.
Trước mắt phải thấy là thành phần dân chúng nằm trong nhóm có nguy cơ tử vong cao ở Trung Quốc (người cao tuổi > 64t) là không ít. Theo thống kê năm 2018[1] thì con số này chiếm khoảng 11,3% dân số Trung Quốc (khoảng 160 triệu của 1,4 tỷ dân). Thành phần này, khác hơn người dân ở phương Tây là vấn đề chủng ngừa với vắc xin Trung Quốc, theo Cơ quan Y tế châu Âu (European Medicines Agency, EMA) là thiếu hiệu quả chống lại biến thể Delta và Omicron. Vì vậy, nguy cơ tử vong cao của nhóm người này, trong điều kiện hiện nay chưa có chủng ngừa hiệu quả và thả lỏng những biện pháp phòng chống COVID-19 phải là một mối lo lớn cho nhà nước Trung Quốc.
Du khách từ Trung Quốc đến cổng Sân bay Quốc tế Incheon (Hàn Quốc) vào ngày 6.1. Ảnh: Bloomberg/Zing
Phản ứng của châu Âu
Quan ngại của các nhà virus học là khả năng đột biến của virus cũng sẽ gia tăng với tốc độ lây nhiễm lan rộng ở một quốc gia có dân số cao 1,4 tỷ của Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến sự việc là có nhiều quốc gia như: Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Tay Ban Nha, Canada, Úc, Đức… mới đây đã ra quyết định kiểm dịch những chuyến bay đến từ Trung Quốc (buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ).
Mục đích là phát hiện và giải trình tự gen sớm những biến thể Corona mới và như vậy kịp thời có biện pháp đối phó thích nghi. Đề nghị mới đây của EU sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho Trung Quốc thuốc chủng ngừa từ châu Âu đã không được Bắc Kinh chấp nhận.
Việt Nam đã đạt miễn dịch cộng đồng
Theo thống kê từ www.corona-in-zahlen.de cho thấy có tới 92,1% người dân Việt Nam có chủng ngừa một lần, 87,1% có chủng ngừa hai lần, 58,5% có chủng ngừa tăng cường trên ba lần, tỷ lệ tử vong chung 0,37%. Theo thông tin của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch cho đến nay cả nước có 11.525.491 ca nhiễm.
Theo một nghiên cứu trước đây ở TP.HCM cho thấy là 80% người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng. Như vậy, cứ một người nhiễm bệnh có triệu chứng thì sẽ có bốn người trong quần thể đã nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng. Nếu tính số ca nhiễm đã công bố tăng lên bốn lần và cộng thêm vào những lây nhiễm không kiểm soát bởi mức độ lây lan nhanh của biến thể Delta và Omicron trong thời gian qua, trong một quần thể đã có mức độ chủng ngừa cao như dã nêu trên thì tình hình của Việt Nam hiện nay có thể xem đã đạt đến tình trạng miễn dịch cộng đồng (cần hiểu một cách tương đối bao lâu chưa có sự xuất hiện của một biến thể độc hại hơn).
Nhờ công tác chủng ngừa nhanh, hiệu quả nên Việt Nam hiện nay có thể xem đã đạt đến tình trạng miễn dịch cộng đồng. Ảnh: Vnexpress
Nhưng chuyện hết sức cần quan tâm trong lúc này là những người cao tuổi (> 64 tuổi) có bệnh nền hay người có giảm chức năng miễn dịch vẫn là thành phần có nguy cơ tử vong cao khi bị nhiễm COVID-19. Vì vậy, việc chủng ngừa tăng cường theo khuyến cáo của cơ quan y tế nhà nước cần được khuyến khích và đây cũng là thành phần dân chúng cần được ưu tiên chủng ngừa để tránh tình trạng quá tải về chăm sóc y tế.
Thành phần này, để tự bảo vệ mình, nên tự mang khẩu trang khi đến chỗ đông người tụ tập hay vào phòng kín không thoáng gió. Mang khẩu trang còn có lợi là làm giảm nguy cơ bị nhiễm những bệnh đường hô hấp không kém phần nguy hiểm như bệnh cúm mùa (Infuenza, Parainfluenza…). Những người trẻ cũng nên mang khẩu trang trong những trường hợp tương tự, nhằm mục đích cũng tránh lây nhiễm cho mình (hậu quả của hội chứng Corona kéo dài và hội chứng hậu COVID-19 cho đến nay vẫn chưa lường hết được) và cho người khác (bệnh nhiễm không triệu chứng nhưng vẫn lây nhiễm).
Việt Nam cần làm gì khi đón khách du lịch Trung Quốc trở lại
Theo nhiều nguồn thông tin báo chí gần đây thì Việt Nam đang chuẩn bị đón tiếp khách du lịch đến từ Trung Quốc với con số dự đoán là hàng triệu người. Một tin vui cho du lịch Việt Nam, nhưng cũng mang nhiều lo âu đến cho nền y tế Việt Nam.
Một vài viễn tượng, nhìn về mặt y tế và dịch tễ học cần được quan tâm khi đón khách du lịch Trung Quốc trở lại, là:
Trước mắt là Việt Nam phải đối diện với một số lượng du khách lớn bao gồm những thành phần không có chủng ngừa hoặc có chủng ngừa nhưng chỉ với thuốc chủng ngừa Trung Quốc mà như đã nói ở trên là không đủ hiệu quả chống lại Omicron hoặc đã có lần mắc COVID-19. Trong đó số lượng khách du lịch COVID-19 dương tính không triệu chứng sẽ không được kiểm soát. Nhưng đây không phải là vấn đề lớn vì số lượng người dân Việt bản xứ dương tính không triệu chứng đang sinh hoạt tại địa phương cũng là thành phần nằm ngoài vòng kiểm soát.
Với vấn đề này, cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ những diễn tiến y tế tại địa phương du lịch. Nếu phát hiện nhiễm COVID-19 với biến chứng nặng thì cần phát hiện và giải trình tự gen sớm biến thể mới để cùng hội ý với những tổ chức y tế thế giới có biện pháp phòng chống thích nghi.
Khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái trước dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Niên
Thứ hai, khả năng lớn là phần lớn khách du lịch Trung Quốc sẽ là thành phần có chủng ngừa COVID-19 với thuốc chủng ngừa của Trung Quốc. Vì vậy, khuyến cáo khách du lịch Trung Quốc ngay sau khi nhập vào Việt Nam, chủng ngừa tăng cường (Booster) tại những cơ sở y tế của chính quyền địa phương với những thuốc chủng ngừa đang được thông dụng tại phương Tây hiện nay (vắc xin mRNA) để có tăng cường miễn dịch hiệu quả chống lại Omicron (EMA), đặc biệt lưu tâm là thành phần khách du lịch thuộc nhóm người có nguy cơ tử vong cao như đã nói trên. Đây là giải pháp tốt nhất cho khách du lịch Trung Quốc và y tế địa phương.
Thứ ba, khả năng khách du lịch Trung Quốc bị nhiễm COVID-19 tại Việt Nam và cần điều trị tại chỗ sẽ là không ít với một số lượng du khách quá lớn. Vấn đề này cần có những biện pháp dự phòng sớm để tránh tình trạng quá tải về chăm sóc y tế và tổn phí điều trị tại địa phương. Ví dụ như chuẩn bị phòng khám cách ly có lượng cung cấp dưỡng khí và thuốc điều trị thích nghi, kết nối dự phòng hệ thống liên kết điều trị hổ trợ địa phương và trung ương, yêu cầu khách du lịch phải có bảo hiểm sức khỏe trong thời gian du lịch Việt Nam và khuyến cáo khách du lịch Trung Quốc chủng ngừa tại địa phương du lịch khi đến Việt Nam.
GS-TS Nguyễn Sĩ Huyên (Cộng hoà Liên bang Đức)
______________
* Tác giả bài viết là Phó chủ nhiệm Khoa Y Việt - Đức, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Giáo sư danh dự của Đại học Huế; Chủ tịch danh dự của Hội Tim mạch Đức-Việt; Chủ tịch Hội Cựu Sinh viên và nhà tài trợ Khoa Y Việt-Đức; Chủ nhiệm Phòng khám y học giấc ngủ, Nội Khoa V, Bệnh viện Helios St. Marienberg Helmstedt, Germany.
[1] https://www.laenderdaten.de/bevoelkerung/altersstruktur.aspx