Toàn cảnh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Ảnh: Thành Đạt
Sau hơn 3 tháng dỡ “chốt chặn,” từ tối 23.10 đến nay, hàng chục người dân sinh sống quanh khu vực bãi rác Nam Sơn (bãi rác lớn nhất Hà Nội) ở huyện Sóc Sơn lại kéo nhau ra đường “lập chốt,” thay nhau “ăn sương nằm đất” để chặn xe chở rác, đòi quyền lợi, mong sớm được di dời ra khỏi vùng ô nhiễm, ngập ngụa ruồi muỗi.
Đến 12 giờ trưa nay, 25.10, các điểm “chốt chặn” xe vào bãi rác vẫn chưa được dỡ bỏ.
Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus vào sáng nay cho thấy nhiều người dân sinh sống ở xung quanh bãi rác Nam Sơn (chủ yếu là xã Hồng Kỳ và Nam Sơn) vẫn tập trung chặn xe chở rác từ nội thành và các huyên lân cận đổ về bãi rác.
Việc người dân tại các xã Hồng Kỳ, Nam Sơn mang bàn ghế, căng bạt để chặn đường vào 2 cổng của Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn từ ngày 23.10 đến nay, đã khiến hàng trăm xe chở rác từ các quận nội thành và các huyện lân cận không vào được điểm đổ, gây ùn ứ rác thải trong nội thành. Nhiều nơi, rác thải bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Hồng Kỳ và Nam Sơn là hai trong ba xã của huyện Sóc Sơn (cùng với Bắc Sơn) chịu ảnh hưởng ô nhiễm từ hoạt động của bãi rác Nam Sơn (vận hành từ năm 1999 đến nay). Mỗi ngày có khoảng hơn 4.000 tấn rác được tập kết tại đây, bốc mùi hôi thối đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh.
Dù rằng, thành phố Hà Nội đã có chủ trương di dời người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m của bãi rác. Vậy nhưng, mỗi lần gặp những vấn đề vướng mắc kéo dài, người dân lại phải dựng lều lán, "ăn trực nằm chờ" không cho xe rác vào khu vực này để mong chính quyền lắng nghe, giải quyết.
Theo một số người dân chặn xe rác, trong đợt chặn xe vào bãi rác vào hồi tháng 7.2020, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Sóc Sơn sớm triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố đối với vấn đề liên quan đến đền bù đất nông nghiệp, giải quyết cơ bản xong ngay trong tháng 7.2020.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng và triển khai phương án bồi thường cho người dân, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cơ bản hoàn thành trong năm 2020, song đến nay gần hết năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Vì vậy, người dân tiếp tục chặn xe vào bãi rác để yêu cầu thành phố thực hiện lời hứa. Như vậy, từ năm 2016 đến nay, người dân quanh bãi rác Nam Sơn 7 lần chặn xe để yêu cầu được đền bù di dời, khiến nội thành Hà Nội ùn ứ rác thải sinh hoạt.
Trong năm 2019, người dân quanh bãi rác Nam Sơn từng 3 lần chặn xe yêu cầu được đền bù di dời. Ảnh: Hùng Võ
Xác nhận với phóng viên về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ - một trong 3 xã chịu ảnh hưởng ô nhiễm nặng từ hoạt động của bãi rác Nam Sơn, cho biết nguyên nhân chính khiến người dân trên địa bàn tiếp tục chặn xe rác là do bãi rác Nam Sơn đã quá tải, ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi đó, chính sách đền bù giá đất, giải phóng mặt bằng đối với vùng ảnh hưởng môi trường vẫn còn thấp, nên nhiều hộ dân không đồng thuận.
“Cho đến nay, chúng tôi cũng chỉ biết trực tiếp xuống hiện trường tuyên truyền, vận động bà con giải tán, không tự ý chặn xe vào bãi rác Nam Sơn. Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với các phòng, ban của huyện tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến giá đất, chính sách đền bù... để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khu tái định cư và giải quyết kiến nghị của người dân,” ông Hải nói.
Thông tin từ vị lãnh đạo UBND xã Hồng Kỳ cũng cho biết chiều nay, lãnh đạo các xã chịu ảnh hưởng môi trường bởi bãi rác Nam Sơn cùng với các đơn vị liên quan của huyện Sóc Sơn sẽ trực tiếp họp với các cơ quan hữu quan trên địa bàn thành phố Hà Nội để tìm phương án giải quyết thực trạng trên.
Nhiều khu vực ở nội thành ngập rác do người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn. Ảnh: HV
Trong diễn biến liên quan, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) vừa có văn bản số 457/CNBĐ, đề xuất UBND các quận liên quan đến việc tập kết xe rác gom về các điểm lưu chứa tạm thời, phủ bạt kín xe gom và phun khử khuẩn rắc vôi bột dưới gầm xe, đảm bảo vệ sinh, không để tồn đọng rác trên địa bàn.
Urenco cũng kiến nghị UBND các quận chỉ đạo UBND các phường thông báo đến cơ quan, đơn vị, nhân dân hạn chế vứt rác bừa bãi, lưu chứa rác tạm thời đến khi có phương án phân luồng xử lý khác.
“Khi Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn hoạt động trở lại, Urenco chủ động tăng cường nhân lực, thiết bị thu gom, vận chuyển rác lưu chứa tạm; bố trí xe phun rửa điểm tập kết tạm để bảo đảm vệ sinh môi trường,” văn bản của Urenco nhấn mạnh.
Hùng Võ