Trong bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến một không gian văn hóa - kinh tế - thương mại quan trọng bậc nhất ở Hà Nội thời Pháp thuộc. Đó chính là khu vực hội chợ - triển lãm quốc tế mà dân ta vẫn quen gọi là khu Đấu Xảo.
Quang cảnh khu Đấu Xảo nằm trên đại lộ Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo). Ảnh: TL
Thật không may, tòa nhà chính của khu Đấu Xảo, Bảo tàng Maurice Long này đã bị trúng bom đồng minh năm 1943. Tuy chỉ bị hư hỏng nặng phần mái, nhưng tới thời tạm chiếm, chính quyền Hà Nội đã dỡ bỏ toàn bộ khu nhà này, chấm dứt nửa thế kỷ huy hoàng, đặt dấu chấm hết cho khu triển lãm và hội chợ quốc tế thuộc loại lớn nhất châu Á thời đó.
Tầm nhìn quy hoạch khu Đấu Xảo Hà Nội: Dấu ấn phi thường
Trở lại hơn 100 năm trước, kể từ những kỳ triển lãm đấu xảo và hội chợ quốc tế ở Hà Nội, đặc biệt kể từ kỳ đấu xảo năm 1902, Hà Nội - thủ phủ Đông Dương thực sự là kinh đô sáng tạo hàng đầu của châu Á.
Qua những bức ảnh tư liệu thời Pháp thuộc, chúng ta không khỏi choáng ngợp trước tầm vóc và quy mô của sự kiện quốc tế này. Triển lãm có những gian hàng của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Vân Nam (Trung Quốc), Philippines, Mã Lai, Miến Điện… Việt Nam với tư cách chủ nhà đã trưng bày một khối lượng đồ sộ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Bích chương Hội chợ - Triển lãm năm 1902. Ảnh: TL
Khu Đấu Xảo, tên tiếng Pháp là Grand Palais Hà Nội, phỏng theo công trình Grand Palais tại Paris, Pháp - tổ hợp triển lãm phức hợp kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, là công trình tráng lệ và đồ sộ nhất. Cùng với cây cầu bắc qua sông Hồng, khu Đấu Xảo mang dấu ấn phi thường của Toàn quyền Paul Doumer.
Khu Đấu Xảo Hà Nội được người Pháp xây dựng trên đại lộ Gambetta rộng chừng 17 hecta do kiến trúc sư Adolphe Bussy thiết kế.
Khu Đấu Xảo năm 1928. Ảnh: TL
Căn cứ vào bản đồ chi tiết khu triển lãm và hội chợ quốc tế năm 1938, chúng ta được biết khu vực Grand Palais Hà Nội là một hình chữ nhật được giới hạn bởi phía bắc là đại lộ Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo), phía nam là phố Dufourcq (nay là phố Nguyễn Du), phía đông là phố Delorme (nay là phố Trần Bình Trọng), phía tây là phố Bovet (nay là phố Yết Kiêu). Mặc dù quỹ đất của Hà Nội lúc đó nhỏ nhưng đã dành cho khu Đấu Xảo một quy mô diện tích vượt xa khu triển lãm Vân Hồ hay Giảng Võ.
Mặt bằng khu Đấu xảo mở rộng dần về phía Nam, đây là hiện trạng năm 1938. Ảnh: TL
Vào thời điểm Paul Doumer cho xây dựng khu Đấu Xảo, Hà Nội chỉ có vẻn vẹn 3km2. Khu Đấu Xảo lại hướng ra đại lộ Gambetta, sát với nhà ga Hàng Cỏ, rất tiện lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.
Kể từ năm 1924, khu Đấu Xảo còn có thêm một vệ tinh vô cùng năng động là Trường Mỹ thuật Đông Dương. Hệ sinh thái sáng tạo đã thực sự hoàn thiện, tạo nên sự phát triển vượt bậc cho mỹ thuật và thủ công mỹ nghệ của cả xứ Đông Dương, đặc biệt là Hà Nội. Các lớp học giảng dạy mỹ thuật cho các nghệ nhân do các giáo sư của Trường Mỹ thuật Đông Dương đảm trách.
Gian hàng Hàn Quốc 1902. Ảnh: TL
Gian hàng Nhật Bản năm 1938. Ảnh: TL
Gian hàng tỉnh Thái Bình năm 1938. Ảnh: TL
Tư liệu ảnh lột tả tầm vóc quốc tế của khu Đấu Xảo Hà Nội
Nếu ví ngành công nghiệp văn hóa thời Pháp thuộc như một con rồng, thì khu Đấu Xảo chính là đầu rồng. Triển lãm và hội chợ quốc tế đã diễn ra ở Hà Nội liên tục tại đây từ năm 1902. Nếu như hình ảnh Nhà hát Lớn Hà Nội luôn được nhận diện như một không gian kiến trúc vắng lặng, kiêu hãnh một cách đơn độc thì khu Đấu Xảo tràn ngập những bức ảnh tấp nập, đông đúc người qua kẻ lại với đủ hạng người.
Khu Đấu Xảo thường xuyên có sự tham dự của các hãng nước ngoài (ảnh năm 1938). Ảnh: TL
Một trong những bức ảnh quý liên quan tới địa điểm này chính là ảnh vua Thành Thái và hoàng hậu tới tham quan triển lãm đấu xảo năm 1902, nhân sự kiện khánh thành tòa nhà và tham quan triển lãm hội chợ quốc tế đầu tiên. Không chỉ vua Thành Thái, nhiều vị vua triều Nguyễn sau đó tiếp tục hiện diện tại khu Đấu Xảo.
Đi theo mô hình triển lãm hoàn cầu Exposition Universelle Paris (hiện nay trở nên phổ biến hơn với tên gọi World Expo), khu Đấu Xảo ngay từ đầu đã mang một tầm vóc quốc tế. Kỳ đấu xảo năm 1928, 1938 được biết đến qua bộ ảnh tư liệu hết sức phong phú giúp chúng ta phần nào hình dung được quy mô, tầm vóc của sự kiện này.
Đức vua Thành Thái và hoàng hậu tới dự khai trương triển lãm Đấu xảo năm 1902. Ảnh: TL
Theo đó, triển lãm phân thành nhiều khu vực là các pavilion, ta thấy nhà Annam (Việt Nam), nhà Ấn Độ, nhà Nhật Bản và các hãng công nghệ (như xe hơi Pháp Citroën). Riêng trong khu vực Việt Nam, rất nhiều đồ thủ công mỹ nghệ. Càng về sau, bên cạnh những mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, còn có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tại đây đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật của các tác giả lớn tầm cỡ thế giới như Auguste Rodin, Paul Gauguin.
Chính nhờ không gian này mà rất nhiều sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương đã lọt vào mắt xanh các nhà sưu tập. Dưới đây là thông tin từ Tuần báo Đông Dương: “Hội chợ Hà Nội 1941 tổ chức trưng bày tranh trong Viện Bảo tàng Maurice Long cho thấy một chiến thắng thực sự của Trường Mỹ thuật và Hiệp hội Họa sĩ Đông Dương" (Lưu Đình Tuân (2019) - Việt Nam qua tuần san Indochine 1941-1944).
Tác phẩm của thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương tham gia các kỳ Đấu xảo. Trên tường có bức tranh sơn dầu của họa sĩ Joseph Inguimberty (năm 1938). Ảnh: TL
Chiến thắng thực sự này được lượng hóa bằng tiền: “Năm 1934 số tiền chỉ đạt 600 đồng và năm 1935 là 687 đồng; năm 1936, thấp nhất, chỉ được 300 đồng. Nhưng từ năm 1937, con số đạt tới 1.600 đổng. Năm 1938, đạt 7.180 đồng; sau đó số tiền nhảy vọt lên 24.799 đồng vào năm 1939; năm 1940, 25.422 đồng; năm 1941, 27.116 đồng. Năm 1942 nổi bật với số tiền ấn tượng 41.087 đồng, tức 410.870 franc” (sách đã dẫn). Đương nhiên, thành quả này có vai trò của khu Đấu Xảo, mà Trường Mỹ thuật Đông Dương là một vệ tinh.
Đây mới chỉ là con số thống kê của tranh tượng mỹ thuật, qua ảnh tư liệu chúng ta còn thấy sự phong phú các mặt hàng thủ công mỹ nghệ - một lĩnh vực đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hôm nay. “Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác; tạo ra từ 3 đến 5 ngàn việc làm. Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỉ suất lợi nhuận cao. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong các năm tới”.(1)
Theo thống kê của các cơ quan nhà nước: “Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn như gốm sứ đạt 539 triệu USD; mây, tre, cói, thảm đạt 484 triệu USD; thêu, dệt thủ công đạt 139 triệu USD”.(2)
Nhà tôi ở sát sân vận động Mỹ Đình, có dịp chứng kiến nhiều cuộc trưng bày các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ. Có đến đây mới thấy nỗi vất vả của các làng nghề khi đưa những đứa con tinh thần của mình đi "trẩy hội". Hàng năm thường có ba dịp trưng bày triển lãm chính, vào mùa thu (chào mừng Quốc khánh và giải phóng thủ đô) và vào dịp Tết Dương lịch và Âm lịch.
Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội (Tên tiếng Anh: Hanoi International Exhibition Center) chiếm một vị trí khiêm tốn và diện tích thu hẹp rất nhiều so với quy mô thời Pháp thuộc. Ảnh: TL
Vị trí hiện tại của Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế ICE Hà Nội. Ảnh: TL
Từ 1.10 đến 9.10 đã diễn ra một triển lãm cho nhóm ngành hàng đồ gỗ mỹ nghệ - nội thất năm 2022 do Sở Công Thương Hà Nội phối hợp cùng quận Nam Từ Liêm tổ chức. Ngoài các gian hàng từ các làng nghề ở Hà Nội còn có nhiều tỉnh bạn tham gia. Là đồ gỗ mỹ nghệ, có nhiều mặt hàng kích thước rất lớn, chi phí vận chuyển cao mà thời gian trưng bày quá ngắn - chỉ 10 ngày. Mùa thu tương đối đẹp trời, nhưng vào dịp Tết Dương lịch và Âm lịch thì hay mưa, trời rét. Chỉ là khu trưng bày lưu động, lều lán đơn sơ, thời gian trưng bày lại ngắn, phải đứng ở đây trong những ngày mưa gió mới thấm thía hết sự ao ước bao giờ cho đến ngày xưa...
Liên hệ như vậy để thấy Hà Nội đang rất thiếu cơ sở hạ tầng cho công nghiệp sáng tạo, cụ thể là thiếu một không gian như khu vực Đấu Xảo năm xưa.
Trần Hậu Yên Thế
____________
(1) Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề Việt Nam đang dần ra thế giới (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 11.5.2021).
(2) Xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng (Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Bình, ngày 30.12.2019).