Nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng trên, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị BTSGHPGVN TTH bằng nhiều hình thức khuyến cáo các phật tử tuyệt đối không mua các loại chim để phóng sinh vì đây là hành động tiếp tay cho các hành vi săn bẫy chim hoang dã trái phép.
Đồng thời, BTSGHPGVN TTH tuyệt đối không cho phép người dân vào khuôn viên các chùa để mua bán chim phóng sinh.
Khi phát hiện mua bán chim hoang dã, người dân có thể gọi vào số điện thoại đường dây nóng 08.4477 3030 để phối hợp tiếp nhận, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Theo sở NN&PTNT, hiện nay tình trạng săn bắt các loài chim hoang dã ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ngoài việc săn bắt chim hoang dã bán cho các nhà hàng nuôi làm cảnh, việc săn bắt chim hoang dã phục vụ cho hoạt động phóng sinh theo tín ngưỡng Phật giáo ngày càng trở nên phổ biến.
Hoạt động săn bắt chim hoang dã nói riêng, cũng như các loài hoang dã nói chung có thể gây tận diệt các loài, ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái tự nhiên, vi phạm quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, và vi phạm một số quy định pháp luật.
Những lồng chim phóng sinh được bày bán ngay trước cửa chùa. Ảnh tư liệu minh hoạ. Nguồn: Báo Thanh Niên
PGS-TS. Lê Anh Tuấn, hiện là giảng viên cao cấp của Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (trường Đại học Cần Thơ), cho biết từ lâu đã tồn tại các “phong trào” phóng sinh tổ chức quyên tiền, mua lại cá, rùa từ những trại nuôi cá. Điều cần thấy rõ là, những con được mua để phóng sinh này thường là từ những hầm cá đã quá lứa, khó bán, bị thương lái chê, nhà máy chế biến từ chối mua vào. Chủ hầm cá để nuôi tiếp thì tốn tiền thức ăn, tốn tiền nhân công chăm sóc nên bán rẻ với số lượng lớn. Ít thấy ai mua cá giống nhỏ từ các trại ươm cá, có chứng nhận sạch bệnh. Các loại cá quá lứa hoàn toàn không có khả năng tìm thức ăn, không bắt mồi được từ thiên nhiên, không có khả năng tự vệ chống trả hay trốn chạy những yếu tố bất lợi.
Vì vậy theo ông Tuấn, việc thả ra tự nhiên, chắc chắc chúng sẽ chết đói hoặc bị các loài khác tấn công. Hoặc một số loài được phóng sinh trở nên hung hãn như rùa tai đỏ, cá lau kiếng, cá hồ, cua… sẽ tiêu diệt các loài bản địa hoặc giành thức ăn của các loài bản địa, kể cả các loại thức ăn không hạp với chúng để sống còn. Đó là chưa kể, một số cá nuôi đang bị nhiễm bệnh, khi thả xuống sông có thể là nguồn phát tán dịch bệnh ra diện rộng hơn, lúc đó rất khó ngăn chặn. Đây là những vấn đề đáng lo.
PGS-TS. Lê Anh Tuấn cũng cho biết, ngay cả việc mua động vật lớn thả phóng sinh, nếu không có kiến thức sinh thái và khoa học, hiểm hoạ cũng sẽ lớn không ngờ. Trong môi trường thuỷ vực, mỗi vùng tự nhiên đã quy định một số loài nhất định, số quần thể giới hạn tương ứng với nguồn thức ăn tự nhiên mà loài thuỷ sinh đó có thể tự kiếm thức ăn để tồn tại. Nếu thả thêm nhiều số loài khác như cá trê, cá basa, cá lóc, các chép, cá thát lác, rùa tai đỏ, cá lau kiếng, cua… với số lượng lớn sẽ tạo ra một sự xáo trộn sinh thái, nhiều loài sẽ chết tức tưởi dần dần vì đói, bị thương tật, bị nhiễm bệnh, bị ngộ độc, bị sốc nước…
Ngay cả những người đi phóng sinh, cả phật tử lẫn tu sỹ, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, khi tiếp xúc trực tiếp với cá, rùa, chim, thú, không hề có trang thiết bị bảo hộ cần thiết như găng tay, khẩu trang, thuốc khử khuẩn,… thì cũng có thể có nguy cơ bị lây nhiễm một số bệnh từ sinh vật phóng sinh như bệnh ghẻ lở, nấm da, khuẩn E. coli, sốt Ebola, cúm A, đậu mùa khỉ, và một số dịch bệnh lạ khác.
“Phóng sinh là một việc làm nhân đạo. Khi thấy một con vật bị bẫy, bị trói, bị bắt nhốt, bị đem bán đi để dẫn đến cái chết đau đớn của nó, ta đứng ra xin lại, hay bỏ tiền để mua hay chuộc rồi đem về chữa trị (nếu nó bị thương), cho nó ăn (nếu nó bị đói). Rồi cuối cùng phải thả nó trong trạng thái khoẻ mạnh, có khả năng tự tìm thức ăn, trở lại môi trường sống, bầy đàn của nó. Đó chính là hành động phóng sinh đúng nghĩa, mang tính nhân văn và phù hợp với khoa học tự nhiên”, PSG-TS Lê Anh Tuấn nói.
Lê Quỳnh