Nhiều dự án bất động sản sắp được gỡ vướng để xây dựng. Ảnh: Phan Diệu
Ngày 28.5, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết hầu như tất cả các ý kiến đề xuất của Hiệp hội này về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai gửi Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và môi trường đều đã được chấp thuận. Nếu được Chính phủ thông qua và ban hành, sắp tới những vướng mắc của các dự án nhà ở tại TP.HCM sẽ được tháo gỡ một cách triệt để.
Theo ông Châu, trong lúc Luật Đất đai 2013 chưa được xem xét sửa đổi thì việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai là hết sức cần thiết và cấp bách. Quy định này sẽ giải quyết các vướng mắc của các dự án có sử dụng đất, các dự án nhà ở, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, của thị trường bất động sản trong trạng thái bình thường mới, sống chung an toàn với dịch COVID-19.
Cụ thể, nếu dự thảo nghị định được ban hành thì sẽ có cơ chế xử lý đối với các thửa đất nhỏ hẹp do Nhà nước quản lý trong khu vực đô thị và điểm dân cư nông thôn. Nghị định cũng có cơ chế về giao đất, cho thuê đất các dự án được miễn tiền sử dụng đất, trong đó có dự án nhà ở xã hội; về trả hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ của dự án nhà ở; về tăng thêm dịch vụ công về tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân…
Đặc biệt, khoản 13 của dự thảo nghị định có sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 5, khoản 6 điều 16 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định cơ chế xử lý các thửa đất do Nhà nước quản lý nằm xen cài trong dự án sản xuất kinh doanh, dự án nhà ở. Quy định này sẽ tháo gỡ ách tắc của hàng trăm dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen cài các thửa đất do Nhà nước quản lý.
Dự thảo này còn quy định phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các thửa đất đủ điều kiện tách thành dự án độc lập trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nhà nước có quyết định thu hồi đất.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết tại TP.HCM, hiện nay có khoảng 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai). Những dự án này đều không đạt chuẩn 100% đất ở nên đang bị "đứng hình", bị ách tắc các thủ tục đầu tư xây dựng do các quy định pháp luật chưa đồng bộ, thậm chí bị xung đột, dẫn đến các doanh nghiệp bị chôn vốn và rất khó khăn.
“Nếu các dự án này được thực hiện, chỉ tính bình quân mỗi dự án có vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng thì tổng giá trị lên đến 126.000 tỉ đồng, sẽ tạo nguồn thu thuế giá trị gia tăng khoảng hơn 10.000 tỉ đồng. Nếu lợi nhuận đạt 20% tương đương 25.000 tỉ đồng sẽ tạo nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 5.000 tỉ đồng và nhiều nguồn thu ngân sách nhà nước khác nữa", ông Châu nói.
Trước đó, ngày 27.4, HoREA đã có văn bản 48/2020/CV-HoREA kiến nghị về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai gửi Thủ tướng, Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Văn bản này đã đề nghị tháo gỡ ngay các vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn trong một số quy định pháp luật và xây dựng "quy trình chuẩn" về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen cài thửa đất thuộc nhà nước quản lý. Trong buổi đối thoại với Thủ tướng và doanh nghiệp, HoREA lại tiếp tục đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy định mới theo thủ tục rút gọn.
Phan Diệu