Ngộ độc botulinum, thực phẩm bẩn nhìn từ thất bại thị trường

 14:47 | Thứ ba, 30/05/2023  0
Một nạn nhân tử vong, hai nạn nhân khác tiên lượng xấu vì ngộ độc botulinum khiến dư luận thêm một lần hoang mang vì thực phẩm bẩn. Luật An toàn thực phẩm 2010 định nghĩa “an toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người”. Như vậy, thực phẩm bẩn là thực phẩm không an toàn.

TS-BS. Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám cho bệnh nhân ngộ độc botulinum. Ảnh: Sức khoẻ và Đời sống


Thực phẩm bẩn trôi nổi có thể tiếp cận từ góc độ thất bại thị trường do tình trạng thông tin bất cân xứng giữa người mua và người bán. Sửa chữa thất bại thị trường thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Lọ thuốc giải độc Botulinum có giá nhập khẩu 8.000 USD gây áp lực lên ngành y tế chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả nhưng đồng thời gợi ý nguyên tắc xử lý rủi ro tại nguồn có chi phí thấp nhất, mang lại hiệu quả cao nhất.

Luật An toàn thực phẩm 2010 định nghĩa “thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản”. Vận chuyển thực phẩm bẩn thường thiếu hóa đơn chứng từ cần thiết theo quy định pháp luật (trừ trường hợp tiêu cực từ cơ quan hữu trách) là cơ sở để Nhà nước can thiệp mạnh hơn vào khâu lưu thông, phá vỡ cấu trúc chuỗi cung ứng.

Tiếc rằng pháp luật hình sự (Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015) hiện hành chỉ điều chỉnh hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm, hoặc gây vượt dư lượng cho phép trong thực phẩm, hoặc tái phạm sau khi đã bị xử phạt hành chính hoặc sản phẩm gây tổn hại nghiêm cho sức khỏe sau khi sử dụng, khó truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển, cung cấp thực phẩm bẩn nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với người tiêu dùng.

Thực phẩm bẩn không chỉ gây hại đối với sức khỏe, tính mạng cộng đồng, mà còn gây thiệt hại cho ngân sách, cũng như những nhà sản xuất thực phẩm an toàn. Hô hào “người tiêu dùng thông minh” là tư duy đẩy trách nhiệm về phía người mua...

Lập pháp định hướng lập quy. Lợi nhuận siêu ngạch từ vận chuyển thực phẩm bẩn nhiều hơn hình thức chế tài trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính, xói mòn thượng tôn pháp luật. Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 115/2018 quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng trừ một số trường hợp ngoại lệ. Con số này thừa hưởng từ Nghị định 178/2013/NĐ-CP mà Nghị định 115/2018/NĐ-CP thay thế. Có nghĩa là sau 10 năm, chế tài tối đa bằng tiền thậm chí còn không điều chỉnh theo… lạm phát. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng hơn là cơ sở nào cơ quan lập quy thiết kế mức trần? Tham vấn một số giảng viên ngành luật cũng như luật sư nhưng kết quả đều không có câu trả lời.

Thực phẩm bẩn không chỉ gây hại đối với sức khỏe, tính mạng cộng đồng, mà còn gây thiệt hại cho ngân sách, cũng như những nhà sản xuất thực phẩm an toàn. Hô hào “người tiêu dùng thông minh” là tư duy đẩy trách nhiệm về phía người mua, vốn dĩ không biết, không thể biết hoặc thậm chí không có nghĩa vụ phải biết khi chọn mua thực phẩm, chẳng hạn như tình huống rau Trung Quốc, rau sạch "dởm" đội lốt rau VietGAP trà trộn vào mạng lưới bán lẻ của Bách Hóa Xanh, Winmart, 3Sạch và hệ thống thương mại điện tử TIKI ngon cách nay nửa năm[1]. Nhiều người tiêu dùng đã phải chi trả nhiều hơn với niềm tin rằng những nhà bán lẻ kiểm soát hiệu quả chuỗi cung ứng. Sự thật bẽ bàng! Tình trạng vàng thau lẫn lộn khuyến khích sản xuất “thau”, còn những người làm “vàng” sẽ thui chột, có khi lần lượt rút khỏi thị trường.

Xử lý mạnh tay thực phẩm bẩn cần kết hợp với cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, vinh danh những nhà sản xuất thực phẩm an toàn. Nhà nước cân nhắc sử dụng một phần nguồn thu từ chế tài tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, chi tiêu cho hoạt động truyền thông, quảng bá thực phẩm an toàn nhằm giảm bớt tình trạng bất cân xứng thông tin. Bớt một đơn vị thực phẩm bẩn tạo cơ hội cho một đơn vị thực phẩm an toàn gia nhập thị trường. Vòng xoáy đi lên mở rộng dư địa hạ giá sản phẩm an toàn nhờ lợi thế kinh tế theo quy mô, góp thêm lực đẩy thực phẩm bẩn ra khỏi thị trường.

Địa hình đa dạng của 63 tỉnh, thành có thể khiến cấu trúc thị trường, phương thức tổ chức chuỗi cung ứng thực phẩm khác nhau. Ở một số huyện miền núi khu vực miền Trung, xe tải chở thực phẩm tươi sống, sơ chế là một loại hình dịch vụ khá phổ biến, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân cư trú tản mát. Tùy thuộc vào điều kiện địa phương, hội đồng nhân dân cấp tỉnh tính toán ban hành nghị quyết làm cơ sở pháp lý phù hợp với thực tiễn. 

Thượng Tùng

_______________

[1] https://tuoitre.vn/phanh-phui-rau-vietgap-dom-e1102.htm; https://dttc.sggp.org.vn/vi-sao-hang-trung-quoc-doi-lot-hang-vietgap-post98158.html; https://zingnews.vn/bach-hoa-xanh-xin-loi-ve-rau-trung-quoc-doi-lot-vietgap-post1357672.html; https://zingnews.vn/3sach-hua-den-bu-cho-tat-ca-khach-da-mua-rau-sach-dom-post1357464.html.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.