“Ngọn gió đổi thay” có xoay chiều?

 10:08 | Thứ bảy, 26/03/2022  0
“Có bao giờ bạn nghĩ… Chúng ta có thể gần nhau đến thế, như những người anh em?” (Scorpions)

Mở đầu là một giọng huýt sáo, như tiếng huýt sáo của một kẻ nhàn du trong một khung cảnh thanh bình. Kế đó là những giai điệu và ca từ của một ballad mang đầy tâm trạng hy vọng, chờ đợi, háo hức, vẽ nên một không khí đầy lạc quan:

Theo lối sông Moskva
Xuống công viên Gorky
Tôi lắng nghe ngọn gió đổi thay
Một đêm hè tháng Tám
Những người lính ngang qua đây
Lắng nghe ngọn gió đổi thay
Thế giới đang xích lại gần nhau
Có bao giờ bạn nghĩ…
Chúng ta có thể gần nhau đến thế, như những người anh em?
Tương lai đang đến rất gần
Tôi có thể cảm nhận khắp nơi 
Ngọn gió đổi thay đang thổi…
Hãy mang tôi đến khoảnh khắc diệu kỳ của một đêm huy hoàng
Khi những đứa trẻ ngày mai thả hồn theo giấc mơ trong ngọn gió đổi thay

Bước xuống phố
Những ký ức xa xăm
Vĩnh viễn vùi sâu trong quá khứ…

(Trích Wind of Change)

Ca khúc Wind of Change (Ngọn gió đổi thay) của ban nhạc rock Đức Scorpions được phát hành lần đầu vào tháng 1.1991 và đã làm mưa làm gió ở Đức, châu Âu, Mỹ và thế giới hơn 30 năm trước. Với ước lượng 14 triệu đĩa được bán trên khắp thế giới, Wind of Change được coi là đĩa đơn bán chạy nhất mọi thời, cũng là đĩa đơn bán chạy nhất của một nhạc sĩ Đức. 

Lời bài hát do Klaus Meine, ca sĩ chính của Scorpions sáng tác sau chuyến thăm của ban nhạc tới Liên Xô năm 1989. Bối cảnh lúc ấy là Liên Xô đang cải tổ, bức tường Berlin đã sụp đổ, và sự thù địch giữa hai khối xã hội chủ nghĩa và phương Tây đã giảm đáng kể. “Có bao giờ bạn nghĩ… Chúng ta có thể gần nhau đến thế, như những người anh em?”, Scorpions đã hy vọng. Nhiều người trên khắp thế giới cũng đã hy vọng.

Một phụ nữ Ukraine trước khu nhà đã bị tàn phá bởi tên lửa Nga. Ảnh: AP


Vậy mà, hơn 30 năm sau, sau khi Liên Xô tan rã, chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới bỗng nhiên lại phải chứng kiến một lò lửa chiến tranh nóng, tàn khốc ngay tại châu Âu, khởi đầu từ ngày 24.2.2022 vừa qua. Ukraine bỗng chốc trở thành bãi chiến trường khi nước Nga láng giềng đưa quân vào một quốc gia có chủ quyền, thành viên Liên Hiệp Quốc, đi ngược lại luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, để gọi là nhằm “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa” quốc gia này. Thảm cảnh của dân thường Ukraine đến hôm nay vẫn chưa kết thúc. Bóng ma chiến tranh tưởng đã bị chôn vùi vĩnh viễn ở châu Âu sau Thế chiến thứ hai nay bỗng chốc hiện diện đầy đe dọa và ám ảnh.

Hóa ra Scorpions đã quá lạc quan, mơ mộng, cũng như phần lớn thế giới đã quá lạc quan khi hy vọng con người “có thể gần nhau như những người anh em”. Vẫn biết chính trị không phải là cuộc dạo chơi nhưng những mưu toan chính trị, những tính toán địa chính trị lạnh lùng và tàn nhẫn đã nhấn chìm ngay cả khát vọng bình thường, chính đáng nhất của con người là sống với nhau trong hòa bình như những người anh em.

Và đáng buồn hơn nữa là những đổ nát, tang thương ở Ukraine lại xảy đến trong bối cảnh cả thế giới còn chưa thoát khỏi đại dịch Covid-19 với trên 6 triệu người đã chết, nền kinh tế thế giới còn chưa kịp phục hồi từ sự suy thoái do đại dịch gây ra, và hành tinh Trái đất còn đứng trước bao bất định và đe dọa.

Thiên tai cộng với nhân tai, loài người ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này đang phải cùng lúc đối mặt với nguy cơ trên nhiều mặt trận. Liệu loài người có thể vượt qua để Trái đất không trở thành đống tro tàn? 

Trên báo Xuân Canh Tý 2020 của Người Đô Thị, trong bài Rượu đã hết, tiệc đã tàn, tôi có viết: “Như một dự cảm xa đến gần nửa thế kỷ, như một lời tiên tri ngày càng tỏ ra đúng với thực tế đến mức đáng sợ, cái không khí ảm đạm, hoang mang, hoài nghi về sự phát triển của thế giới, của con người trong ca khúc của ban nhạc ABBA từ 40 năm trước, vào đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, bỗng hiển hiện rõ rệt như chưa bao giờ rõ đến thế trong những ngày đầu thập niên 20 của thế kỷ XXI này, trong thời điểm chuyển giao giữa năm Hợi và năm Tý”. 

Bài viết có nhắc đến đại dịch Covid-19, lúc ấy chỉ mới khởi đầu lây lan cho hơn 80.000 người và làm chết hơn 2.000 người, phần lớn ở Trung Quốc đại lục, cũng như làm ngưng trệ giao thương, du lịch và nhiều ngành sản xuất trên toàn thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Đến nay, bước vào năm thứ ba của đại dịch, số người chết trên thế giới đã vượt 6 triệu người và chúng ta vẫn chưa thể biết lúc nào đại dịch kết thúc. 

Trong khi đó thì lấp ló ở chân trời là những mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với môi trường sống, sản xuất - đặc biệt là nông nghiệp, việc cư trú… mà báo cáo mới nhất (tháng 3.2022) của Ủy ban Liên chính phủ Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (IPCC) đánh giá rằng những thích nghi của con người (đối với biến đổi khí hậu) đã tới hạn. Nghĩa là vượt qua giới hạn đó sẽ không còn khả năng thích nghi nữa. 

Trong bài Happy New Year của ABBA có đoạn:

Đôi khi tôi cố mường tượng
Xem cái thế giới mới huy hoàng kia sẽ đến như thế nào 
Và phát triển ra sao
Từ đống tro tàn của cuộc sống 

Thiên tai cộng với nhân tai, loài người ở thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này đang phải cùng lúc đối mặt với nguy cơ trên nhiều mặt trận. Liệu loài người có thể vượt qua để Trái đất không trở thành đống tro tàn? 

Dù nhiều khi trải qua thất vọng, con người vẫn không bao giờ hết hy vọng, nhờ đó mà tồn tại. Và lịch sử mách bảo chúng ta rằng công lý, khát vọng hòa bình cuối cùng rồi sẽ chiến thắng mọi ý đồ bất chính; cũng như đứng trước mối đe dọa tồn vong từ thiên tai, lý trí rồi sẽ tìm được con đường đi phù hợp với quy luật của tự nhiên để giúp con người tồn tại. 

Đoàn Khắc Xuyên

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.