Nhà hoạt động xã hội
Danh mục sách dành cho bậc tiểu học chiếm tỷ phần đáng kể trong những hoạt động của của Tủ sách Nhân Ái nhưng Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận rất khó đọc sách thiếu nhi. “Tôi bị hẫng”, người đàn ông trung niên nhìn lại ấu thơ cơ cực. Mãi đến năm lớp 9, anh mới được cầm trên tay tập truyện đầu tiên - Thỏ và Rùa nằm trong giỏ xe đạp khi người cha trở về từ thị trấn.
Giải pháp là giao kèo với những nhà sách uy tín. Nhờ cậy chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Tận dụng nội lực của một số thành viên cơ hữu và cộng tác viên. Lắng nghe ý kiến đóng góp của thầy cô giáo, các em học sinh mà anh quen gọi là “phản hồi từ khách hàng”. Nghĩa là những thành viên của Tủ sách Nhân Ái đã định vị mình trong vai trò của người phục vụ. “Thực đơn” ngày càng chất lượng.
Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập Tủ sách Nhân Ái
Giáo dục cũng chính là mục tiêu khiến anh cùng các đồng sự xây dựng Tủ sách Nhân Ái sau một thời gian khá dài tham gia, đóng góp nhiều hoạt động từ thiện. Quy mô lớn thì chưa đủ lực. Tính tới tính lui chỉ còn sách là vừa sức. Nhu cầu rất lớn. Người nhận đỡ mặc cảm. Cộng đồng dễ chung tay dù những thành viên sáng lập chủ trương hạn chế tối đa việc xin tài trợ, mà khơi gợi lòng nhân ái tự thân từ cộng đồng.
Tặng sách là một thú vui của Nguyễn Anh Tuấn từ nhiều năm. Đa phần là những cuốn sách mà anh đã làm “chuột bạch”. Bà con. Thân hữu. Đồng nghiệp. Những thầy cô ở bậc học phổ thông. Đây cũng là những người mà nhóm sáng lập ưu tiên tiếp cận khi triển khai Tủ sách Nhân Ái.
Sự ủng hộ của quý thầy, quý cô là cơ sở để anh thuyết phục lãnh đạo phòng giáo dục cũng như chính quyền địa phương. Tuy nhiên, công khai hoạt động nhân ái là câu chuyện hoàn toàn khác, đồng nghĩa với việc chấp nhận một chuỗi áp lực mà theo anh là “vô cùng lớn”. Gia đình no ấm. Anh em ruột thịt, hai bên nội ngoại phải chu toàn. Thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Trách nhiệm với cổ đông. Lương bổng, bảo hiểm, phúc lợi cho nhân viên đầy đủ. Tham gia những chương trình xã hội tại địa phương...
“Không hoàn thành dễ bị chửi làm chuyện ruồi bu”, Anh Tuấn nửa đùa nửa thật. Mà nào đã hết. Vài ba địa phương tiếp nhận rồi im lặng. Dường như với họ, có cũng như không. May thay, thành phần này chỉ là số ít. Phản hồi tích cực ngày càng nhiều hơn. Những clip ngắn quay cảnh các em kể chuyện, dựng hoạt cảnh. Bức tranh mô tả cảnh đọc sách tại lớp giữa giờ. Rồi thư cảm ơn từ cô và trò. Vừa mừng, vừa thương.
Thông tin “người thực, việc thực” cập nhật trên mạng xã hội lan tỏa, chạm đến trái tim của những tấm lòng nhân ái. Được chia sẻ với những thân phận kém may mắn hơn trong xã hội cũng là một nhu cầu. Ít nhiều không quan trọng. Miễn là có lòng.
Tặng sách là một thú vui của Nguyễn Anh Tuấn từ nhiều năm.
Người cho tìm đến. Nơi cần cũng tìm đến. “Có đi mới thấy đâu đó trên đất nước mình vẫn còn những người lãnh đạo tận tâm”, Anh Tuấn cảm tưởng. Đấy là bà phó giám đốc sở giáo dục một tỉnh Nam Trung bộ vừa xin sách, vừa vận động thêm bạn bè chung tay với chương trình. Là ông phó chủ tịch phụ trách văn xã một huyện miền núi khu vực Bắc Trung bộ đích thân nhận sách rồi vận chuyển về từng trường.
“Với những lãnh đạo như thế, giá như có cơ chế để dân trực tiếp trả thù lao cho họ yên tâm công tác thay vì nhận lương từ Chính phủ”, Anh Tuấn ao ước.
Khai dân trí
“... Cũng nhờ sách mà em biết định nghĩa con người thật là gì? Mình có thể làm những việc mình thích? Và làm thế nào để cuộc đời theo ý mình mà cha mẹ vẫn yên tâm và tự hào về mình... Người ta ăn hiếp mình được là vì mình học để xin việc làm, mình học để kiếm chỗ đứng trong xã hội. Nếu ta học với tinh thần làm chủ thì chúng ta sẽ giữ được nước rất mạnh, không ai ăn hiếp ta được” - những lời tâm tình này được trích từ lá thư của Nguyễn Thị Thanh Thùy, học sinh lớp 9A, Trung học cơ sở Gia Phố, Hương Khê, Hà Tĩnh gửi về Tủ sách Nhân Ái, bày tỏ lòng biết ơn với thành viên sáng lập Phan Ngọc Anh Cương và anh Lê Cường tài trợ sách cho ngôi trường của em.
Những chuyển động đầu tiên về nhận thức manh nha tín hiệu tâm lý chưa thỏa mãn với tri thức mà Tủ sách Nhân Ái mang đến, đi tới trạng thái chủ động tìm kiếm tri thức đáp ứng nhu cầu nội tại. Còn, còn nhiều nữa những dòng tâm sự gửi đến “những người phục vụ” qua trang giấy học trò. Càng sớm tìm được con đường của mình, càng giá trị cho cá nhân, càng bớt lãng phí xã hội.
“Có đi mới thấy đâu đó trên đất nước mình vẫn còn những người lãnh đạo tận tâm... Với những lãnh đạo như thế, giá như có cơ chế cho dân trực tiếp trả thù lao để họ yên tâm công tác thay vì nhận lương từ Chính phủ”, Anh Tuấn ao ước.
Nguyễn Anh Tuấn tìm thấy mình muộn hơn. Tốt nghiệp đại học, đi làm, kinh doanh, đầu tư... nhưng anh thừa nhận chưa thỏa mãn. Hành trình nhân ái khiến anh say sưa. Nhiều khi nửa đêm gà gáy facebook cá nhân vẫn sáng đèn.
Mạng xã hội là công cụ đắc lực vận hành hệ thống. Anh giữ vai trò quản trị mạng lưới hơn ngàn thành viên được phân chia theo nhóm. Người thụ hưởng. Nhà nhân ái đã, đang và sẽ tài trợ cho Tủ sách Nhân Ái. Lãnh đạo địa phương. Nhà quản lý giáo dục. Thầy cô giáo. Tình nguyện viên... Thông qua tương tác mà những người sáng lập phần nào đánh giá được nhu cầu, mức độ quan tâm của chính quyền, ngành giáo dục địa phương, hiệu quả sử dụng tủ sách đến từng trường, từng lớp.
Bộ dữ liệu này là cơ sở để nhóm sáng lập xây dựng một “hệ sinh thái”, kết nối nhu cầu giữa các bên. Khối lượng công việc nhẹ bớt mà vẫn hiệu quả. Cũng nhờ mạng xã hội mà Tủ sách Nhân Ái nhận được sự tiếp sức từ một số tổ chức xã hội, chẳng hạn như đóng góp tủ đựng sách, đến từng trường chia sẻ phương pháp đọc sách hiệu quả, khuyến khích hình thành thói quen đọc sách...
Chương trình “Mừng tuổi sách - Khai lộc tri thức” của Tủ Sách Nhân Ái thực hiện dịp Tết Mậu Tuất 2018, đã lì xì gần 4.000 cuốn sách cho người dân ở TP.HCM, Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh... Ảnh: CTV
Bước sang năm mới, chương trình sẽ dành thêm nguồn lực cho danh mục tủ sách giáo viên, chọn lọc và cập nhật những phương pháp giáo dục mới. Cách tiếp cận mềm mại này kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển động tự thân từ phía những con người đứng trên bục giảng. Học sinh hưởng lợi. Kinh phí cho hoạt động này có thể đến từ những thế hệ học trò đã rời ghế nhà trường, có thêm phương thức ý nghĩa thiết thực bày tỏ lòng tri ân với những con người từng dìu dắt mình.
Trước khi bài báo này lên khuôn, Tủ sách Nhân Ái giới thiệu thêm thành viên mới là hai cô gái trẻ. Đôi bạn đề xuất với chương trình kế hoạch ghé thăm những điểm đã tiếp nhận Tủ sách Nhân Ái dọc hành trình từ TP.HCM ra Hà Nội bằng xe đạp. Tại mỗi điểm, đôi bạn sẽ trò chuyện, lắng nghe, tiếp thu thêm những ý kiến phản hồi từ phía “khách hàng”.
Sáng 14.3, hai bạn khởi hành từ đường sách Nguyễn Văn Bình.
Thượng Tùng - Ảnh: Quý Hòa