Đây cũng là dịp ra mắt hai ấn phẩm mới của chính ông: Đi tìm chân dung vua Quang Trung (gồm các bài viết về lịch sử), và Nguyễn thị Tây Sơn ký (dịch từ tác giả khuyết danh), cả hai đều do Tao Đàn thư quán liên kết xuất bản với NXB Tổng hợp TP.HCM.
Với hơn chục đầu sách đã phát hành trong nước, Nguyễn Duy Chính được bạn đọc biết đến như một tác giả chuyên khảo cứu các vấn đề lịch sử liên quan đến triều Tây Sơn và lịch sử Việt Nam trong khoảng thế kỷ XVIII – XIX.
Nhưng ít ai biết rằng, từ vị trí một người xuất thân chuyên ngành hành chánh, Nguyễn Duy Chính chỉ vì đam mê lịch sử và nhận lời khuyên từ một người bạn mà trở thành người nghiên cứu sử “lúc nào không hay”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính (giữa) tại buổi giao lưu đang trình bày các đề tài lịch sử vẫn còn có thể tiếp tục nghiên cứu. Ảnh: Địa Lam
“Ông Lê Anh Dũng bạn tôi đã đặt vấn đề rằng tại sao không tận dụng cơ duyên được tiếp cận các nguồn sử liệu liên quan đến Việt Nam hiện lưu trữ ở nước ngoài, để viết cái gì đó cho bạn đọc hôm nay có thêm kiến thức, nhận thức”, ông Chính cho biết.
Ở điểm nay, TS Trần Đức Anh Sơn trong vai trò dẫn chuyện buổi ra mắt sách đã thêm vào một ý, rằng quả thật ở Mỹ có ít nhất là ba thư viện có thể sử dụng nguồn tài liệu phong phú ở đó để nghiên cứu: thư viện Quốc hội Mỹ, thư viện đại học Harvard, và thư viện đại học Yale.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Chính cho biết thêm các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Việt Nam hiện cũng có nhiều nguồn tài liệu từ Trung Quốc, Đài Loan, với các bản ảnh ấn (in lại từ bản chụp) có độ tin cậy cho công tác nghiên cứu.
Chính nhờ những nguồn tư liệu này, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã lật lại các vấn đề còn tồn nghi hoặc chưa tìm hiểu thấu đáo trong lịch sử Việt Nam. Chẳng hạn con số thực tế về quân Thanh đã tham chiến và bị chết trong cuộc chiến với quân Tây Sơn; vấn đề vua Quang Trung sang chúc thọ Càn Long là vua thật hay vua giả; và gần đây là câu chuyện về bức hình chân dung vua Quang Trung.
Trong ấn phẩm mới phát hành lần này – Đi tìm chân dung vua Quang Trung – Nguyễn Duy Chính đã kể lại câu chuyện ông tìm ra quyển catalog cuộc đấu giá tại London (Anh quốc) năm 1981 trong đó có thông tin về bức chân dung vua Quang Trung được bán ra.
Trước đó khi chưa tìm ra quyển catalog này, thông qua hình ảnh từ các nhà nghiên cứu trong nước, trong năm 2017 - 2018 ông Nguyễn Duy Chính đã có công trình khảo cứu về chân dung vua Quang Trung, làm dấy lên nhiều nguồn dư luận trái chiều trên các phương tiện truyền thông bấy giờ.
Tại cuộc trò chuyện lần này, vấn đề chân dung vua Quang Trung cũng được đề cập. Ông Trần Hữu Phúc Tiến nêu vấn đề liệu có nên ủng hộ quan điểm cho rằng hình ảnh của một vị anh hùng dân tộc thì phải đẹp, phải ấn tượng sao đó, và liệu khi giữa hình dung của số đông với sự thật lịch sử có độ chênh, thì nên ứng xử thế nào?
Ông Nguyễn Duy Chính cho rằng, có những vấn đề mình không nghĩ đến trong lịch sử không có nghĩa là nó không có. Và ông chia sẻ quan điểm nghiên cứu của ông là căn cứ trên tài liệu khả tín.
Ông kể: Có khi, trong qua trình tìm tòi, tôi đọc được một chi tiết nhỏ trong bộ tộc sử đồ sộ của Trung Quốc liên quan đến vấn đề lịch sử Việt Nam mà tôi đang theo đuổi, nên tôi ghi nhận tư liệu đó. Bởi khi soạn bộ sử kia, người ta không nhằm đề cập đến Việt Nam và càng không có ý đưa nội dung đó vào để... lừa một trong những người đọc là …tôi.
Ông Chính cũng nêu ra một đặc điểm của các bộ sử Việt Nam thường là sử của các triều đại chứ không phải sử của các sự kiện xã hội. Điều này xem ra có chút lợi thế đối với ông, vì xuất thân chuyên ngành hành chánh, ông nghiên cứu lịch sử các nước Á Đông với nội dung của các bộ sử này chép chủ yếu về hệ thống tổ chức xã hội.
“Cho nên, có những sự kiện cần phải giải mã dữ liệu để tìm hiểu mới được”, ông Chính chia sẻ.
Hai quyển sách mới vừa phát hành trên toàn quốc.
Có mặt tại buổi giao lưu, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhắc lại một quan điểm trước đây ông đã từng trình bày, rằng vấn đề vua Quang Trung sang Trung Quốc chúc thọ vua Càn Long rất có thể là vua giả.
Tuy nhiên, những lập luận nêu ra mang tính “sử luận” nhiều hơn, trong khi tác giả Nguyễn Duy Chính vốn làm việc trên cơ sở “sử liệu”.
Theo ông Chính, người nghiên cứu lịch sử là đi tìm sự thật chứ không tìm lấy sự khen chê của người đời. Và rằng, sử học là khoa học, cho nên nếu sử học tiến bộ, thì phải càng ngày càng tiến gần đến sự thật hơn.
“Ở đây có vấn đề đánh giá tài liệu. Chúng ta phải đánh giá đúng tài liệu, đánh giá một cách khách quan chứ không dựa trên cảm xúc. Khi đó, ta mới tôn trọng tài liệu và sử dụng hiệu quả tài liệu cho công việc nghiên cứu”.
Ông Chính cho biết hiện ông vẫn đang làm việc và các công trình tiếp theo của ông có thể là khảo cứu về nhân vật Nguyễn Quang Hiển – người được xem là cháu vua Quang Trung đã sang Trung Quốc cầu phong cho nhà Tây Sơn, đến nay chưa có công trình nghiên cứu tường tận. Hay như việc mở cửa tìm hiểu đất nước Trung Hoa vào nửa cuối thế kỷ XVIII có liên quan đến Tây Sơn và Việt Nam như thế nào.
Địa Lam